Thông tin pháp luật mới nhất tại thuvienluat.vn. Để được tư vấn, hướng dẫn trực tiếp, xin vui lòng liên hệ Hotline 1900.0191.
Đối với nền hành chính của một quốc gia thì tố tụng hành chính (TTHC) đóng vai trò hết sức quan trọng bởi nó góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Với tính chất phức tạp của các khiếu kiện hành chính và tầm quan trọng của (TTHC), việc xây dựng và ban hành Luật Tố tụng Hành chính nhằm đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích chính đáng của người dân là hết sức cần thiết. Bài viết dưới đây của LVNLAW sẽ cung cấp đến bạn đọc những nội dung cơ bản Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Sự cần thiết phải ban hành luật tố tụng hành chính
Trước khi Luật tố tụng hành chính ra đời, các khiếu kiện hành chính được giải quyết theo quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính và các Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, trong gần 15 năm áp dụng, thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính cho thấy những quy định của Pháp lệnh đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, có những quy định mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật khác (Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, tố cáo…). Cùng với đó, với chính sách mở cửa và trong điều kiện Việt Nam đã là thành viên của nhiều điều ước quốc tế và trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), thì việc pháp điển hoá các quy định của pháp luật về tố tụng để giải quyết các khiếu kiện hành chính, cụ thể hoá các cam kết của Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế là rất cần thiết.
Với những lý do trên, ngày 24/11/2010, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, khóa XII, kì họp thứ 8 đã thông qua Luật tố tụng hành chính.
Cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế, ngày 25/11/2015, Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật tố tụng hành chính 2015 nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập nảy sinh từ thực tiễn triển khai thi hành Luật tố tụng hành chính năm 2010.
Mới đây nhất, Luật Kiểm toán nhà nước sửa đổi 2019 được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2019; trong đó, sửa đổi, bổ sung hàng loạt các quy định tại Luật tố tụng hành chính 2015.
Kết cấu của luật tố tụng hành chính 2015
Luật Tố tụng Hành chính 2015 gồm 23 chương với 372 Điều, cụ thể như sau:
Chương I: “Những quy đinh chung” (29 Điều từ Điều 1 đến Điều 29); Chương II: “Thẩm quyền của Tòa án” (6 Điều từ Điều 30 đến Điều 35); Chương III: “Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và việc thay đổi người tiên hành tố tụng”, (17 Điều từ Điều 36 đến Điều 52); Chương IV: “Người tham gia tố tụng, quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng” (13 Điều từ Điều 53 đến Điều 65); Chương V: “Các biện pháp khẩn cấp tạm thời” (12 Điều từ Điều 66 đến Điều 77); Chương VI: “Chứng minh và chứng cứ” (21 Điều từ Điều 78 đến Điều 98); Chương VII: “Cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng” (12 Điều từ Điều 99 đến Điều 110); Chương VIII: “Phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính” (4 Điều từ Điều 111 đến Điều 114); Chương IX: “Khởi kiện, thụ lý vụ án” (15 Điều từ Điều 115 đến Điều 129); Chương X: “Thủ tục đối thoại và chuẩn bị xét xử” (18 Điều từ Điều 130 đến Điều 147); Chương XI: “Phiên tòa sơ thẩm” (55 Điều từ Điều 148 đến Điều 202); Chương XIII: “Thủ tục phúc thẩm” (42 điều từ Điều 203 đến Điều 244); Chương XIV: “Giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn tại tòa án” (9 điều từ Điều 245 đến Điều 253); Chương XV: “Thủ tục giám đốc thẩm” (26 Điều từ Điều 254 đến Điều 279); Chương XVI: “Thủ tục tái thẩm” (7 Điều từ Điêu 280 đến Điều 286); Chương XVII: “Thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao” (11 Điều từ Điều 287 đến Điều 297); Chương XVIII: “Thủ tục giải quyết vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài” (11 Điều từ Điều 298 đến Điều 308); Chương XIX: “Thủ tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính” (7 Điều từ Điều 309 đến Điều 315); Chương XX: “Xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính” (11 Điều từ Điều 316 đến Điều 326); Chương XXI: “Khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính” (17 điều từ Điều 327 đến Điều 343); Chương XXII “Án phí, lệ phí và các chi phí tố tụng khác” (27 điều từ Điều 344 đến Điều 370); Chương XXIII “Điều khoản thi hành” (2 Điều- Điều 371và Điều 372).
Luật TTHC 2015 đã bổ sung mới 110 điều, sửa đổi, bổ sung 175 điều, giữ nguyên 87 điều so với Luật tố tụng hành chính 2010.
Một số điểm quan trọng của luật tố tụng hành chính năm 2015
– Về thẩm quyền của Tòa án
So với Luật tố tụng hành chính 2010, Luật tố tụng hành chính 2015 bổ sung đối tượng khởi kiện vụ án hành chính là danh sách cử tri trưng cầu ý dân để bảo đảm phù hợp với Luật trưng cầu ý dân năm 2015. Ngoài ra, Luật còn quy định quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Toà án nhân dân và quyết định xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án nhân dân không thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính.
– Về thẩm quyền của từng cấp Tòa án
Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định đối với khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện thì việc giải quyết theo thủ tục sơ thẩm thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp tỉnh (Luật năm 2010 quy định thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện).
– Về quyền và nghĩa vụ của đương sự trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ và trách nhiệm của Tòa án trong việc hỗ trợ đương sự thu thập tài liệu, chứng cứ
Luật tố tụng hành chính 2015 có nhiều quy định mới, tạo điều kiện thuận lợi cho đương sự thực hiện quyền tranh tụng như:
- Các đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án và chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp;
- Có quyền đề nghị Tòa án xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của vụ án mà tự mình không thể thực hiện được;
- Đề nghị Tòa án buộc bên đương sự khác xuất trình tài liệu, chứng cứ mà họ đang lưu giữ, quản lý;
- Đề nghị Tòa án ra quyết định buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý chứng cứ cung cấp chứng cứ…;
- Đương sự có quyền được biết, ghi chép, sao chụp, trao đổi tài liệu, chứng cứ do đương sự khác giao nộp cho Tòa án hoặc do Tòa án thu thập được, trừ tài liệu, chứng cứ quy định.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án thu thập được tài liệu, chứng cứ thì Tòa án phải thông báo cho đương sự biết để họ thực hiện quyền tiếp cận tài liệu, chứng cứ quy định.
– Về người đại diện tham gia tố tụng
Theo Luật TTHC năm 2010, người bị kiện có thể ủy quyền cho người đại diện tham gia giải quyết vụ án hành chính. Quy định này đã nảy sinh bất cập là trong nhiều trường hợp người bị kiện ủy quyền cho cán bộ, công chức không nắm rõ hoặc không có thẩm quyền xem xét, giải quyết những việc, không bảo đảm để Tòa án xem xét giải quyết khách quan, toàn diện vụ án. Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện”.
Nghị quyết hướng dẫn luật tố tụng hành chính
Sau đây là tổng hợp Nghị Quyết thi hành Luật TTHC mới nhất hiện hành:
- Nghị quyết 104/2015/QH13 về thi hành TTHC
- Nghị quyết 02/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành quy định của Nghị quyết 104/2015/QH13 về thi hành Luật TTHC
- Nghị quyết 04/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn quy định của Luật tố tụng hành chính 93/2015/QH13 về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử
- Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án
Trên đây bài viết khái quát của LVNLAW về các vấn đề xung quanh Luật Tố tụng hành chính. Nếu có thắc mắc liên quan hoặc cần LVNLAW hỗ trợ, quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và giải đáp.
Mọi ý kiến thắc mắc cần giải đáp và đóng góp xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN LVNLAW
Tư vấn hỗ trợ 24/7
Mobile: 1900.0191; 1900.0191
Email: info@luatlvn.vn
Xin cảm ơn quý khách đã theo dõi bài viết, nội dung của bài viết chỉ nhằm mục đích tham khảo do tính thay đổi của luật áp dụng tại từng thời điểm và những đặc thù trong từng sự kiện pháp lý. Để được tư vấn, hướng dẫn chính xác nhất với trường hợp của quý khách, mọi câu hỏi, thắc mắc xin được phản hồi về Hotline 1900.0191 hoặc địa chỉ hòm mail bên dưới!