Cập nhật Cổ phần ưu đãi trong công ty cổ phần mới nhất

Thông tin pháp luật mới nhất tại thuvienluat.vn. Để được tư vấn, hướng dẫn trực tiếp, xin vui lòng liên hệ Hotline 1900.0191.

Công ty cổ phần có thể có cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi. Việc phát hành cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi sẽ do cổ đông sáng lập, đại hội đồng cổ đông  trong công ty quyết định. Qua tư vấn pháp luật trực tuyến, và thực tiễn tư vấn quản trị nội bộ trong doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy rằng, hiện nay có khá nhiều công ty quan tâm đến vấn đề phát hành cổ phần ưu đãi để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho những cổ đông sáng lập, cổ đông có đóng góp lớn cho quá trình xây dựng và phát triển công ty. Trong bài viết dưới đây LVNLAW xin đưa ra các tư vấn, phân tích , lưu ý các doanh nghiệp khi phát hành cổ phần ưu đãi.

Các loại cổ phần ưu đãi: Theo Khoản 2 điều 114 Luật doanh nghiệp năm 2020 công ty có thể có các loại cổ phần ưu đãi sau

Điều 114. Các loại cổ phần
2. Ngoài cổ phần phổ thông, công ty cổ phần có thể có cổ phần ưu đãi. Người sở hữu cổ phần ưu đãi gọi là cổ đông ưu đãi. Cổ phần ưu đãi gồm các loại sau đây:
a) Cổ phần ưu đãi cổ tức;
b) Cổ phần ưu đãi hoàn lại;
c) Cổ phần ưu đãi biểu quyết;
d) Cổ phần ưu đãi khác theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán.
3. Người được quyền mua cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại và cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định hoặc do Đại hội đồng cổ đông quyết định.

Cổ phần ưu đãi biểu quyết: là loại cổ phần ưu đãi dành cho cơ quan tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập hay nói cách khác chỉ có cơ quan tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập trong công ty mới được sở hữu loại cổ phần này. Người sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết này sẽ có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông. Số phiếu biểu quyết cao hơn sẽ được quy định cụ thể tại điều lệ công ty. Tuy nhiên đối với cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chỉ có hiệu lực trong vòng 03 năm, hết thời hạn này cổ phần ưu đãi biểu quyết sẽ được chuyển thành cổ phần phổ thông. Đây cũng là điểm khác biệt của cổ phần ưu đãi biểu quyết với cổ phần ưu đãi cổ tức và cổ phần ưu đãi hoàn lại. Những cổ đông sáng lập tham quản lý trong công ty nên sở hữu cổ phần này.

Cổ phần ưu đãi cổ tức: Đây cũng là một loại cổ phần ưu đãi được pháp luật cho phép công ty cổ phần phát hành. Người sở hữu cổ phần này sẽ được trả cổ tức cao hơn so với cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông. Tuy nhiên khi trả cổ tức cho cổ đông doanh nghiệp sẽ trả cổ tức cố định và cổ tức thưởng. Cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Mức cổ tức cố định cụ thể và phương thức xác định cổ tức thưởng được ghi trên cổ phiếu của cổ phần ưu đãi cổ tức. Trên thực tiễn, những cổ đông coi việc góp vốn như một hoạt động đầu tư để sinh lợi nhuận thường mua loại cổ phần này.

Cổ phần ưu đãi hoàn lại: là loại cổ phần  là cổ phần được công ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại. Điều này có nghĩa nếu trên cổ phiếu không ghi các điều kiện để hoàn lại cổ phần đã góp thì cổ đông sở hữu cổ phần đó có quyền yêu cầu công ty hoàn lại cho mình phần vốn góp đã bỏ ra kinh doanh nếu như không muốn tiếp tục kinh doanh nữa. Trong kinh doanh rủi ro là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên nếu bạn mong muốn hạn chế rủi ro trong kinh doanh các cổ đông góp có thể lựa chọn mua cổ phần ưu đãi hoàn lại .

Ngoài các loại cổ phần ưu đãi như trên thì Điều lệ công ty có thể quy định thêm một số loại cổ phần ưu đãi khác cho các cổ đông trong công ty.

Quyền và trách nhiệm của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi: Quyền và trách nhiệm của công công sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết, ưu đãi cổ tức, ưu đãi hoàn lại được quy định cụ thể tại Điều 116, điều 117, điều 118  Luật doanh nghiệp năm 2020

Điều 116. Cổ phần ưu đãi biểu quyết và quyền của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết
1. Cổ phần ưu đãi biểu quyết là cổ phần phổ thông có nhiều hơn phiếu biểu quyết so với cổ phần phổ thông khác; số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết do Điều lệ công ty quy định. Chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết. Ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập có hiệu lực trong 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Quyền biểu quyết và thời hạn ưu đãi biểu quyết đối với cổ phần ưu đãi biểu quyết do tổ chức được Chính phủ ủy quyền nắm giữ được quy định tại Điều lệ công ty. Sau thời hạn ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi biểu quyết chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.
2. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết có quyền sau đây:
a) Biểu quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông với số phiếu biểu quyết theo quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Quyền khác như cổ đông phổ thông, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thừa kế.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 117. Cổ phần ưu đãi cổ tức và quyền của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức
1. Cổ phần ưu đãi cổ tức là cổ phần được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm. Cổ tức được chia hằng năm gồm cổ tức cố định và cổ tức thưởng. Cổ tức cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Mức cổ tức cố định cụ thể và phương thức xác định cổ tức thưởng được ghi rõ trong cổ phiếu của cổ phần ưu đãi cổ tức.
2. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức có quyền sau đây:
a) Nhận cổ tức theo quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Nhận phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty sau khi công ty đã thanh toán hết các khoản nợ, cổ phần ưu đãi hoàn lại khi công ty giải thể hoặc phá sản;
c) Quyền khác như cổ đông phổ thông, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 148 của Luật này.
Điều 118. Cổ phần ưu đãi hoàn lại và quyền của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại
1. Cổ phần ưu đãi hoàn lại là cổ phần được công ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại và Điều lệ công ty.
2. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại có quyền như cổ đông phổ thông, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 114 và khoản 6 Điều 148 của Luật này.
Điều 148. Điều kiện để nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua
6. Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông về nội dung làm thay đổi bất lợi quyền và nghĩa vụ của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi chỉ được thông qua nếu được số cổ đông ưu đãi cùng loại dự họp sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành hoặc được các cổ đông ưu đãi cùng loại sở hữu từ 75% tổng số cổ phần ưu đãi loại đó trở lên tán thành trong trường hợp thông qua nghị quyết dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản.

Xin cảm ơn quý khách đã theo dõi bài viết, nội dung của bài viết chỉ nhằm mục đích tham khảo do tính thay đổi của luật áp dụng tại từng thời điểm và những đặc thù trong từng sự kiện pháp lý. Để được tư vấn, hướng dẫn chính xác nhất với trường hợp của quý khách, mọi câu hỏi, thắc mắc xin được phản hồi về Hotline 1900.0191 hoặc địa chỉ hòm mail bên dưới!

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com