Thông tin pháp luật mới nhất tại thuvienluat.vn. Để được tư vấn, hướng dẫn trực tiếp, xin vui lòng liên hệ Hotline 1900.0191.
Việc xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm là thủ tục bắt buộc đối với các doanh nghiệp thực hiện sản xuất kinh doanh liên quan tới thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Nếu doanh nghiệp đi vào hoạt động mà không có giấy chứng nhận này sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật. Do đó bài viết này của LVNLAW sẽ tư vấn cho quý doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục này.
Cơ sở phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm
Cơ sở thực hiện sản xuất, kinh doanh hoạt động ngành nghề kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống phải xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm ngoại trừ các trường hợp sau:
– Cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng ban đầu nhỏ lẻ.
– Cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ không có yêu cầu bảo quản sản phẩm đặc biệt.
– Cơ sở bán hàng rong.
– Cơ sở kinh doanh bao gói sẵn không yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt.
– Cơ sở kinh doanh bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
– Nhà thuốc đã được cấp Giấy chứng nhận đạt GPP có kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng
Điều kiện chứng nhận cơ sở vệ sinh an toàn thực phẩm?
Về điều kiện chung
– Có địa điểm, diện tích thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác;
– Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
– Có đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển các loại thực phẩm khác nhau; có đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng, nước sát trùng, thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại;
– Có hệ thống xử lý chất thải và được vận hành thường xuyên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
– Duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm;
– Tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
– Nơi bảo quản và phương tiện bảo quản phải có diện tích đủ rộng để bảo quản từng loại thực phẩm riêng biệt, có thể thực hiện kỹ thuật xếp dỡ an toàn và chính xác, bảo đảm vệ sinh trong quá trình bảo quản;
– Ngăn ngừa được ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm, côn trùng, động vật, bụi bẩn, mùi lạ và các tác động xấu của môi trường; bảo đảm đủ ánh sáng; có thiết bị chuyên dụng điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm và các điều kiện khí hậu khác, thiết bị thông gió và các điều kiện bảo quản đặc biệt khác theo yêu cầu của từng loại thực phẩm;
Điều kiện riêng đối với nhà hàng ăn uống
– Bếp ăn được bố trí bảo đảm không nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến.
– Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh.
– Có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh.
– Cống rãnh ở khu vực cửa hàng, nhà bếp phải thông thoát, không ứ đọng.
– Nhà ăn phải thoáng, mát, đủ ánh sáng, duy trì chế độ vệ sinh sạch sẽ, có biện pháp để ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại.
– Có thiết bị bảo quản thực phẩm, nhà vệ sinh, rửa tay và thu dọn chất thải, rác thải hàng ngày sạch sẽ.
– Người đứng đầu đơn vị có bếp ăn tập thể có trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm.
– Có dụng cụ, đồ chứa đựng riêng cho thực phẩm sống và thực phẩm chín.
– Dụng cụ nấu nướng, chế biến phải bảo đảm an toàn vệ sinh.
– Dụng cụ ăn uống phải được làm bằng vật liệu an toàn, rửa sạch, giữ khô.
– Sử dụng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm phải rõ nguồn gốc và bảo đảm an toàn, lưu mẫu thức ăn.
– Thực phẩm phải được chế biến bảo đảm an toàn, hợp vệ sinh.
Thực phẩm bày bán phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được bụi, mưa, nắng và sự xâm nhập của côn trùng và động vật gây hại; được bày bán trên bàn hoặc giá cao hơn mặt đất.
Các bước xin cấp chứng nhận an toàn thực phẩm
Bước 1: Cơ sở tiến hành cho nhân viên khám sức khỏe tại cơ sở y tế và tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ gồm:
– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (mẫu tại nghị định 67/2016/NĐ-CP, sửa đổi bởi nghị định 155/2018/NĐ-CP)
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có ngành nghề phù hợp với loại thực phẩm của cơ sở sản xuất (có xác nhận của cơ sở);
– Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
– Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;
– Danh sách người sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống đã được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm có xác nhận của chủ cơ sở.
Bước 3: Nộp hồ sơ tại chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm nơi cơ sở đặt trụ sở (đối với doanh nghiệp). Lệ phí thẩm định 700.000 đồng/lần/cơ sở (dưới 200 xuất ăn); 1.000.000 đồng/lần/cơ sở (trên 200 xuất ăn) theo thông tư 67/2021/TT-BTC
Bước 4: Đón tiếp đoàn thẩm định
Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi hồ sơ hợp lệ đoàn thẩm định sẽ tiến hành thẩm định cơ sở.
Đoàn thẩm định sẽ tiến hành đối chiếu thông tin và thẩm định tính pháp lý của hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận với hồ sơ gốc lưu tại cơ sở theo quy định; thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm tại cơ sở theo quy định và ghi vào mẫu biên bản
Bước 5: Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
+ Trong trường hợp cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm thì sẽ được cấp giấy chứng nhận. Giấy chứng nhận có giá trị trong vòng 3 năm kể từ ngày ký. Trước thời hạn hết hiệu lực 6 tháng thì cơ sở cần xin cấp lại Giấy chứng nhận này.
+ Trường hợp cơ sở chưa đủ điều kiện cần thực hiện bổ sung hồ sơ trong vòng 60 ngày, khi đáp ứng điều kiện được cấp Giấy chứng nhận cơ sở mới được phép hoạt động.
Giấy phép an toàn thực phẩm cho nhà hàng ăn uống
Theo quy định tại điều 11 nghị định 15/2018/NĐ-CP đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, khi hoạt động phải xin cấp giấy phép đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm để tránh bị kiểm tra, xử phạt. Vậy thủ tục xin cấp phép đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhà hàng thực hiện như thế nào?
Hồ sơ xin an toàn thực phẩm cho nhà hàng ăn uống
– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (mẫu tại nghị định 67/2016/NĐ-CP, sửa đổi bởi nghị định 155/2018/NĐ-CP)
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có ngành nghề phù hợp với loại thực phẩm của cơ sở sản xuất (có xác nhận của cơ sở);
– Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
– Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;
– Danh sách người sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống đã được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm có xác nhận của chủ cơ sở.
Trình tự cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho nhà hàng ăn uống
Bước 1: Nộp hồ sơ đề nghị xin cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm (có thể đăng ký qua mạng tại địa chỉ https://nghidinh15.vfa.gov.vn/)
Bước 2: Trường hợp có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ sở trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ.
Trường hợp quá 30 ngày kể từ khi nhận được thông báo, cơ sở không bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu thì hồ sơ của cơ sở không còn giá trị. Tổ chức, cá nhân phải nộp hồ sơ mới để được cấp Giấy chứng nhận nếu có nhu cầu.
– Trường hợp không có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thành lập đoàn thẩm định hoặc ủy quyền thẩm định và lập Biên bản thẩm định theo Mẫu trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Trường hợp ủy quyền thẩm định cho cơ quan có thẩm quyền cấp dưới thì phải có văn bản ủy quyền;
Đoàn thẩm định do cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hoặc cơ quan được ủy quyền thẩm định ra quyết định thành lập có từ 03 đến 05 người. Trong đó có ít nhất 02 thành viên làm công tác về an toàn thực phẩm (có thể mời chuyên gia phù hợp lĩnh vực sản xuất thực phẩm của cơ sở tham gia đoàn thẩm định cơ sở).
– Trường hợp kết quả thẩm định đạt yêu cầu, trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả thẩm định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu
– Trường hợp kết quả thẩm định tại cơ sở chưa đạt yêu cầu và có thể khắc phục, đoàn thẩm định phải ghi rõ nội dung, yêu cầu và thời gian khắc phục vào Biên bản thẩm định với thời hạn khắc phục không quá 30 ngày.
Sau khi có báo cáo kết quả khắc phục của cơ sở, trong thời hạn 05 ngày làm việc, Đoàn thẩm định đánh giá kết quả khắc phục và ghi kết luận vào biên bản thẩm định. Trường hợp kết quả khắc phục đạt yêu cầu sẽ được cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại điểm d khoản này. Trường hợp kết quả khắc phục không đạt yêu cầu thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo kết quả thẩm định cơ sở không đạt yêu cầu bằng văn bản cho cơ sở và cho cơ quan quản lý địa phương;
– Trường hợp kết quả thẩm định không đạt yêu cầu, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý địa phương giám sát và yêu cầu cơ sở không được hoạt động cho đến khi được cấp Giấy chứng nhận.
Hiệu lực của giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm
– Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có hiệu lực trong thời gian 03 năm.
– Trước 06 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hạn, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận trong trường hợp tiếp tục sản xuất, kinh doanh.
Xin cảm ơn quý khách đã theo dõi bài viết, nội dung của bài viết chỉ nhằm mục đích tham khảo do tính thay đổi của luật áp dụng tại từng thời điểm và những đặc thù trong từng sự kiện pháp lý. Để được tư vấn, hướng dẫn chính xác nhất với trường hợp của quý khách, mọi câu hỏi, thắc mắc xin được phản hồi về Hotline 1900.0191 hoặc địa chỉ hòm mail bên dưới!