Thông tin pháp luật mới nhất tại thuvienluat.vn. Để được tư vấn, hướng dẫn trực tiếp, xin vui lòng liên hệ Hotline 1900.0191.
Án lệ số 22/2018/AL về không vi phạm nghĩa vụ
cung cấp thông tin tình trạng bệnh lý trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ
Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối
cao thông qua ngày 17 tháng 10 năm 2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA
ngày 06 tháng 11 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Nguồn án lệ:
Bản án dân sự phúc thẩm số
313/2016/DS-PT ngày 16-3-2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về vụ
án tranh chấp hợp đồng bảo hiểm giữa nguyên đơn là ông Đặng Văn L (người đại diện
theo ủy quyền của ông Đặng Văn L là ông Trần Xuân H) với bị đơn là Công ty TNHH
bảo hiểm nhân thọ C (người đại diện theo ủy quyền là ông Hoàng P, người bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp là ông Đinh Quang T, ông Trần Ngọc T).
Vị trí nội dung án lệ:
Đoạn 4, 8, 9, 10, 11 phần
“Nhận định của Tòa án”.
Khái quát nội dung của án lệ:
– Tình huống án lệ
Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, quy tắc bảo hiểm, đơn yêu cầu bảo hiểm có
yêu cầu không rõ ràng về việc kê khai tình trạng bệnh lý của người được bảo hiểm.
Thông tin được yêu cầu kê khai không phải là căn cứ quyết định việc các bên xác
lập hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
– Giải pháp pháp lý
Trường hợp này, phải xác định người mua bảo hiểm không vi phạm nghĩa vụ
cung cấp thông tin khi ký hợp đồng bảo hiểm, đơn yêu cầu bảo hiểm.
Quy định của pháp luật
liên quan đến án lệ:
– Khoản 2 Điều 407 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương ứng với khoản 2 Điều
405 Bộ luật Dân sự năm 2015);
– Khoản 4 Điều 409 Bộ luật Dân sự năm 2005 (tương ứng với khoản 3 Điều
404 Bộ luật Dân sự năm 2015);
– Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 được sửa đổi, bổ sung năm
2010.
Từ khóa của án lệ:
“Hợp đồng bảo hiểm”; “Quy tắc bảo hiểm”; “Đơn yêu cầu bảo hiểm”; “Vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin”; “Yêu cầu
kê khai thông tin không rõ ràng”; “Tình trạng bệnh lý”.
NỘI
DUNG VỤ ÁN:
*Tại đơn khởi kiện ngày 10-11-2010, ngày
08-12-2010 ông Đặng Văn L là nguyên đơn yêu cầu:
Tòa án nhân dân Quận 1 buộc Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ C
(sau đây gọi là Công ty C) phải trả cho ông 405.000.000 đồng và số tiền
lãi phát sinh cho đến thời điểm bản án có hiệu lực là tiền mà Công
ty C phải bồi thường cho hai hợp đồng bảo hiểm do vợ ông đã mua mang
ký hiệu như sau:
– Hợp đồng S11000009505 mua ngày 14-10-2008 số tiền đền bù là
265.000.000 đồng.
– Hợp đồng S11000040924 mua ngày 25-03-2009 số tiền đền bù là
190.000.000 đồng.
Công ty đã trả trước cho ông 50.000.000 đồng.
* Tại đơn bổ sung,
thay đổi yêu cầu khởi kiện ngày 30-05-2011 ông Đặng Văn L yêu cầu:
Buộc Công ty C phải trả cho
ông số tiền 470.000.000 đồng và số tiền lãi phát sinh đến thời điểm
bản án có hiệu lực pháp luật. Số tiền lãi tạm tính đến thời điểm
hiện nay là 43.000.000 đồng.
– Hợp đồng S11000009505 mua ngày 14-10-2008 số tiền đền bù là
287.000.000 đồng.
– Hợp đồng S11000040924 mua ngày 25-03-2009 số tiền đền bù là
190.000.000 đồng.
* Tại đơn thay đổi
yêu cầu khởi kiện ngày 22-06-2011 ông Đặng Văn L thay đổi yêu cầu khởi
kiện như sau:
Buộc Công ty C phải chi trả tổng số tiền là 203.772.500 đồng
cho 02 hợp đồng bảo hiểm số S11000009505, S11000040924 và tiếp tục
thực hiện hợp đồng S11000009505 mua ngày 14-10-2008; trả hai hợp đồng
bản gốc số S11000009505; S11000040924 cụ thể:
Hợp đồng Thịnh Trí Thành Tài Bảo Gia đến thời điểm này công
ty phải chi trả quyền lợi bảo hiểm khi tử vong (Điều 4.1.2) 50% số
tiền bảo hiểm 35.000.000 đồng.
Quyền lợi hỗ trợ tiền mặt hàng năm (Điều 4.4) 10% số tiền bảo
hiểm 7.000.000 đồng.
Đồng thời tiếp tục thực hiện hợp đồng bảo hiểm số
S11000009505 chi trả quyền lợi khi đến thời điểm ghi trong hợp đồng.
– Hợp đồng tử kỳ có hoàn phí.
Quyền lợi bảo hiểm khi tử vong (Điều 4.1): 190.000.000 đồng
(Công ty C đã thanh toán 50.000.000 đồng).
Lãi tạm tính cho đến thời điểm này là số tiền lãi do công ty
chậm thanh toán là: 21.772.500 đồng.
* Tại đơn bổ sung yêu
cầu khởi kiện ngày 18-04-2015 ông Đặng Văn L yêu cầu:
Buộc Công ty C phải trả cho ông số tiền là 405.000.000 đồng và
số tiền lãi phát sinh cho đến thời điểm bản án có hiệu lực pháp
luật.
Buộc Công ty C phải trả 02 hợp đồng bảo hiểm gốc số S11000009505
và S11000040924 mà công ty đã thu giữ từ phía gia đình ông.
* Tại văn bản phản
hồi số 008/2011/CV ngày 28-01-2011 bị đơn là Công ty C trình bày:
Khách hàng Trương Thị H trước khi giao kết hai hợp đồng bảo
hiểm đã có tiền sử đau dạ dày và mỡ máu tăng nhưng đã không khai
báo trong bảng câu hỏi trong đơn yêu cầu bảo hiểm. Nếu biết được
khách hàng Trương Thị H bị đau dạ dày và mỡ máu tăng Công ty C sẽ từ
chối giao kết hợp đồng bảo hiểm. Do vậy Công ty C từ chối chi trả
quyền lợi bảo hiểm và quyết định hủy bỏ hai hợp đồng bảo hiểm của
bà H là có căn cứ (theo Điều 11.2 Quy tắc và điều khoản của hợp
đồng) và đúng quy định của pháp luật (theo Điều 19 Luật Kinh doanh
bảo hiểm).
Công ty C đề nghị Tòa án nhân dân Quận 1 bác yêu cầu khởi kiện
của ông L.
* Tại văn bản phản
hồi số 024/2011/CV ngày 16-05-2011; Bị đơn là công ty C trình bày:
1. Đối với yêu cầu công ty C trả số tiền 405.000.000 đồng và
tiền lãi phát sinh của hai hợp đồng bảo hiểm số S11000009505 và
S11000040924 Công ty C vẫn giữ nguyên quan điểm. Công ty đã thanh toán
tất cả nghĩa vụ của mình được quy định trong hai hợp đồng bảo hiểm
nêu trên. Đồng thời yêu cầu của ông Đặng Văn L là không có cơ sở theo
quy định trong Quy tắc và điều, khoản của hợp đồng bảo hiểm và không
có căn cứ pháp luật. Do vậy, Công ty C đề nghị Tòa án bác bỏ yêu
cầu của ông L.
2. Đối với yêu cầu Công ty C hoàn trả hai (02) bản hợp đồng
bảo hiểm gốc số S11000009505 và S11000040924 Công ty C đồng ý trả lại
02 bản gốc hợp đồng bảo hiểm cho ông L.
* Tại bản tự khai
ngày 14-04-2011; ngày 09-05-2011 bà Lương Thị T là người có quyền lợi
và nghĩa vụ liên quan trình bày:
Bà là mẹ ruột của bà Trương Thị H qua đời vào ngày
09-01-2010; bà yêu cầu Công ty C phải trả cho bà và gia đình số tiền
bồi thường bảo hiểm. Đồng ý cho con rể bà là ông Đặng Văn L số tiền
bồi thường bảo hiểm mà bà được hưởng để ông L có toàn quyền và
thuận lợi trong việc tranh chấp với Công ty C.
* Tại bản khai ngày
14-04-2011 chị Đặng Kiều L là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trình
bày:
Chị L là con ruột của bà Trương Thị H đã qua đời vào ngày
09-01-2010. Số tiền công ty bảo hiểm chi trả cho bà H và chị theo luật
định chị cũng có phần vì vậy yêu cầu công ty C phải trả cho chị
đúng số tiền mà chị được hưởng thừa kế trong số tiền bảo hiểm mà
công ty phải chi trả bảo hiểm khi chẳng may mẹ chị qua đời. Chị đồng
ý tặng cho bố chị là ông Đặng Văn L số tiền bồi thường bảo hiểm
cũng như quyền được hưởng số tiền mà đáng lý ra chị được thừa kế
từ mẹ và ông L được toàn quyền tranh chấp với công ty C để đòi số
tiền bảo hiểm của mẹ chị là bà H.
* Tại bản khai ngày
09-05-2011 ông Đặng Văn L là đại diện hợp pháp của cháu Đặng Linh N
trình bày:
Yêu cầu Tòa án sớm đưa vụ kiện ra xét xử trả lại công bằng
và danh dự cho gia đình ông cũng như rất nhiều người dân Việt Nam đã
tham gia mua bảo hiểm nhân thọ của Công ty C cũng như các công ty bảo
hiểm nhân thọ khác.
– Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Quận 1 phát biểu việc tuân theo pháp
luật trong tố tụng dân sự của những người tiến hành tố tụng và những người tham
gia tố tụng như sau:
Thẩm phán chấp hành đúng các quy định pháp luật của Bộ luật Tố tụng dân
sự.
Xác định đúng quan hệ tranh chấp, vụ kiện còn trong thời hiệu khởi kiện,
thu thập chứng cứ đầy đủ.
Việc cấp và tống đạt các văn bản tố tụng cho Viện kiểm sát và những người
tham gia tố tụng như quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Xác định đúng tư cách pháp lý của các đương sự, Quyết định đưa vụ án ra
xét xử và thời hạn gửi hồ sơ cho Viện kiểm sát nghiên cứu đúng hạn luật định.
Thời hạn chuẩn bị xét xử còn chậm vi phạm Điều 179 Bộ luật
Tố tụng dân sự.
Tại phiên tòa Hội đồng xét xử tiến hành đúng thời gian, địa điểm thành
phần đã được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử, nguyên tắc xét xử tuân
thủ đúng luật định. Trong quá trình xét xử chủ tọa phiên tòa đã đảm bảo cho
đương sự được phát biểu trình bày quan điểm.
Việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng: Từ khi thụ
lý vụ án cũng như tại phiên tòa hôm nay nguyên đơn và bị đơn, người có quyền
lợi, nghĩa vụ liên quan đã chấp hành đúng quy định của pháp luật tố tụng dân
sự.
Bản án sơ thẩm tuyên xử:
* Áp dụng:
– Khoản 3 Điều 25, điểm a khoản 1 Điều 33, điểm a khoản 1 Điều
35, Điều 245 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 được sửa đổi, bổ sung
năm 2011;
– Điều 21, Điều 29 Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực ngày
01-4-2001;
– Điều 305, Điều 407 Bộ luật Dân sự có hiệu lực ngày
01-01-2006;
– Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án có hiệu lực ngày
01-07-2009;
– Thông tư liên tịch số 01/TTLT ngày 19-6-1997 của Bộ Tư pháp –
Bộ Tài chính – Tòa án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối
cao;
– Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29-11-2010 của Ngân hàng Nhà
nước Việt Nam.
* Xử:
1. Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
– Buộc công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ C phải chịu trách nhiệm chi
trả cho ông Đặng Văn L số tiền bảo hiểm là 300.875.342 đồng (Ba trăm
triệu tám trăm bảy mươi lăm ngàn ba trăm bốn mươi hai đồng).
– Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ C phải giao trả cho ông Đặng Văn L
hai hợp đồng bảo hiểm Thịnh Trí Thành Tài Bảo Gia ngày 14-10-2008,
hợp đồng bảo hiểm Tử kỳ có hoàn phí ngày 25-03-2009.
– Hợp đồng bảo hiểm số S11000009505 ngày 14-10-2008 (Thịnh Trí
Thành Tài Bảo Gia) vẫn tiếp tục thực hiện và được giải quyết quyền
lợi đáo hạn khi cháu Đặng Linh N đủ 22 tuổi và còn sống vào ngày đáo
hạn.
Thi hành ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật có sự giám sát
của cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.
Kể từ ngày ông Đặng Văn L có đơn yêu cầu thi hành án nếu Công ty TNHH
Bảo hiểm nhân thọ C không trả đủ số tiền như trên thì hàng tháng Công ty TNHH Bảo
hiểm nhân thọ C còn phải trả cho ông L một khoản tiền lãi theo mức lãi suất cơ
bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
2. Về án phí: Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ C phải chịu án phí dân
sự sơ thẩm là 15.043.767 đồng.
Nguyên đơn không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm nên được hoàn
lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp tổng cộng là 11.925.000 đồng bao
gồm: 10.100.000 đồng theo biên lai thu tiền số 05237 ngày 05-01-2011,
200.000 đồng theo biên lai thu tiền số 05621 ngày 26-4-2011 và 1.625.000
đồng theo biên lai thu tiền số 05737 ngày 05-01-2011 của Chi cục Thi
hành án dân sự Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
3.Về quyền kháng cáo:
– Ông Trần Xuân H – Đại diện theo ủy quyền của ông L, bà T, chị
Kiều L, có mặt trong ngày xét xử, vắng mặt khi tuyên án do đó ông L,
bà T, chị Kiều L có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày
được tống đạt hợp lệ bản án.
– Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ C có quyền kháng cáo bản án trong thời
hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật
Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án
dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện
thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9
Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại
Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Ngày 09-9-2015, bị đơn – Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ C (sau đây
gọi tắt là công ty C) có đơn kháng cáo, kháng cáo toàn bộ nội dung
bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Nguyên đơn không rút yêu cầu khởi kiện, người kháng cáo không rút yêu cầu
kháng cáo. Các bên đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ
án.
Người kháng cáo công
ty C do ông Hoàng P đại diện theo ủy quyền và Luật sư bảo vệ quyền và lợi
ích hợp pháp trình bày:
Khi ký hợp đồng bảo hiểm với Công ty C, bà H đã khai không trung thực,
cụ thể tại đơn yêu cầu bảo hiểm bà H đã khai báo không trung thực ở hai điểm
như sau:
1. Theo Biên bản hội chẩn số 42/BV-99 của Bệnh viện B ngày 03-9-2009 thể hiện bà H có tiền sử đau dạ dày 2 năm. Công ty
C cho rằng nội dung này là do bà H khai và được bác sỹ ghi nhận tại Biên bản hội
chẩn nêu trên. Do đó, có thể xác định bà
H có bệnh đau dạ dày từ ngày 03-9-2007 là trước thời
điểm bà H ký Hợp đồng bảo hiểm. Phía công ty C cho rằng cụm từ rối loạn
tại dạ dày bao gồm tất cả các bệnh liên quan đến dạ dày trong đó có bệnh đau dạ
dày. Tại câu hỏi số 54
Đơn yêu cầu bảo hiểm ngày 25-3-2009: “Loét đường tiêu hóa,
xuất huyết tiêu hóa, viêm tụy, viêm kiết tràng, khó tiêu thường xuyên,
khó nuốt, hoặc rối loạn tại dạ dày, ruột gan hoặc túi mật?” bà H
đánh dấu vào ô không (nghĩa là bà H
khai không bị rối loạn dạ dày) là khai báo không trung thực.
2. Tại phiên tòa phúc thẩm, Công ty C cung cấp bản photo có sao y phiếu
xét nghiệm sinh hóa máu đề ngày 22-9-2008, do Công ty
C thu thập trong hồ sơ khám bệnh định kỳ cho
nhân viên của trường Mầm non C, nơi trước đây bà H công tác. Công ty C cho rằng vào ngày 22-9-2008 bà H có làm
xét nghiệm máu nhưng không khai báo tại mục 61 đơn yêu cầu bảo hiểm là bà H cố tình
khai báo không trung thực.
Từ hai điểm nêu trên có xác định bà H đã khai báo thông tin không trung
thực và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin. Do đó, căn cứ vào Điều 11.2 của
Quy tắc điều khoản hợp đồng bảo hiểm Công ty
C hủy bỏ 02 hợp đồng bảo hiểm nêu trên và hai hợp
đồng không có hiệu lực.
Ngoài ra, ngày 15-9-2010, ông L đã nhận số tiền là 50.000.000
đồng và ký Phiếu thanh toán và xác nhận hoàn thành trách nhiệm bảo
hiểm. Tại Phiếu này ông L đã đồng ý chấm dứt hai Hợp đồng bảo hiểm
số S11000009505 và Hợp đồng số S11000040924, đồng thời thừa nhận Công
ty C đã thanh toán đầy đủ số tiền bảo hiểm và không còn trách nhiệm
đối với việc giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho hai hợp đồng này.
Do đó, Công ty C không có nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm cho
ông L nên đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét sửa án sơ thẩm theo
hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Nguyên đơn ông Đặng
Văn L do ông Trần Xuân H trình bày:
Theo cách hiểu thông thường thì “đau dạ dày” và “rối loạn tại dạ dày”
là hai khái niệm khác nhau, không có bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào chứng tỏ bệnh
đau dạ dày chính là rối loạn tại dạ dày. Hằng năm bà H có kiểm tra sức khỏe định
kỳ do cơ quan nơi bà H công tác tổ chức. Tuy nhiên, đây là việc hoàn toàn bình
thường mà đa số các cơ quan, tổ chức đều tổ chức cho nhân viên. Khi tham gia kiểm
tra sức khỏe định kỳ người được khám không biết và không buộc phải biết tổ chức
khám chữa bệnh đã tiến hành các biện pháp, phương pháp gì. Ngoài ra, qua phiếu
khám sức khỏe định kỳ này không thể hiện bà H bị bệnh gì liên quan đến việc từ
chối ký hợp đồng bảo hiểm của công ty C. Do đó, phía Công ty C cho rằng bà H
cung cấp thông tin không trung thực để từ chối chi trả bảo hiểm là không có cơ
sở. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liện quan bà Lương Thị T, bà
Đặng Kiều L, trẻ Đặng Linh N (do ông Đặng Văn L là người đại diện hợp
pháp cho con chưa thành niên) do ông Trần Xuân H đại diện theo ủy quyền
trình bày:
Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có cùng ý
kiến với nguyên đơn, đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ
thẩm.
Đại diện Viện kiểm sát
nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:
Về
hình thức: Đơn kháng cáo của đương sự làm trong hạn luật định nên hợp lệ, đề nghị
Tòa án chấp nhận. Hội đồng xét xử và những người tham gia phiên tòa chấp hành
đúng quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc
thẩm.
Về
nội dung: Theo nội dung kháng cáo mà phía Công ty C và luật sư bảo vệ quyền, lợi
ích cho Công ty C trình bày không đủ cơ
sở để xác định bà H khai không trung thực, vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin.
Do đó, không đủ điều kiện để hủy 02 hợp đồng bảo hiểm theo lời trình bày của
Công ty C. Do đó, không đủ cơ sở chấp nhận kháng cáo của Công ty C, đề nghị Hội
đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH
CỦA TÒA ÁN:
[1]
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ
vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên
tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[2] Về tố tụng: Đơn kháng cáo của Công ty C làm trong hạn luật định, Công
ty C đã làm thủ tục kháng cáo đúng theo quy định của pháp luật nên có cơ sở chấp
nhận.
[3] Về nội dung: Xét kháng cáo của bị đơn đề nghị bác yêu cầu
khởi kiện của nguyên đơn Hội đồng xét xử xét thấy:
[4]
Tại câu hỏi số 54 Đơn yêu cầu bảo hiểm ngày 25-3-2009, câu hỏi: “loét
đường tiêu hóa, xuất huyết tiêu hóa, viêm tụy, viêm kiết tràng, khó
tiêu thường xuyên, khó nuốt, hoặc rối loạn tại dạ dày, ruột gan hoặc
túi mật” bà H đánh dấu vào ô không. Tại biên bản hội chẩn số
42/BV-99 của Bệnh viện B ngày 03-9-2009 bà H khai có tiền sử đau dạ
dày 2 năm. Căn cứ theo Biên bản hội chẩn thì bà H có bệnh đau dạ dày
từ ngày 03-9-2007 là trước thời điểm bà H ký Hợp đồng bảo hiểm.
Phía Công ty C cho rằng cụm từ rối loạn tại dạ dày bao gồm tất cả các bệnh liên
quan đến dạ dày trong đó có bệnh đau dạ dày. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm,
phía bị đơn không đưa ra được bất kỳ chứng cứ nào để chứng minh, không đưa ra
được một giải thích khoa học nào xác định đau dạ dày chính là rối loạn tại dạ
dày.
[5]
Tại khoản 2 Điều 407 Bộ luật Dân sự năm 2005: “Trong trường hợp hợp
đồng dân sự theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp
đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó”;
[6]
Tại khoản 4 Điều 409 Bộ luật Dân sự năm 2005: “Khi hợp đồng có điều
khoản hoặc ngôn từ khó hiểu thì phải được giải thích theo tập quán
tại địa điểm giao kết hợp đồng”;
[7] Tại Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm: “Trong trường hợp hợp
đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được
giải thích theo hướng có lợi cho người mua bảo hiểm”.
[8] Căn cứ theo các quy định pháp luật nêu trên thì trong trường hợp các
bên có sự giải thích khác nhau không rõ ràng khó hiểu thì Điều khoản này phải
được giải thích theo hướng có lợi cho bà H. Như vậy, không đủ cơ sở xác định
đau dạ dày được bao gồm trong rối loạn tại dạ dày như Công ty C trình bày.
[9] Xét thấy, tại đơn yêu cầu bảo hiểm không có câu hỏi về bệnh
đau dạ dày. Như vậy, phía Công ty C cho rằng bà H bị bệnh đau dạ dày mà
không khai báo là cố tình khai báo không trung thực và vi phạm nghĩa vụ cung
cấp thông tin là không có căn cứ.
[10] Tại câu hỏi 61 của Đơn yêu cầu bảo hiểm ngày 25-3-2009: “Trong
vòng 5 năm trở lại đây, ông, bà đã có làm xét nghiệm chẩn đoán như
X-quang, siêu âm, điện tim đồ, thử máu, sinh thiết? Hoặc ốm đau, bệnh
tật khám y khoa, điều trị tại bệnh viện nhưng chưa được nêu ở phần
trên không?” bà H đánh dấu vào ô không. Tại phiên tòa phúc thẩm, phía
Công ty C cung cấp Phiếu xét nghiệm hóa sinh máu đề ngày 22-9-2008 mang
tên người bệnh là Trương Thị H. Phía Công ty C xác định đây là tài liệu
do Công ty C thu thập trong hồ sơ kiểm tra sức khỏe định kỳ cho nhân viên
của Trường Mầm non C nơi trước đây bà H công tác. Công ty C cho rằng
vào ngày 22-9-2008, bà H có làm xét nghiệm máu nhưng không khai báo
tại câu hỏi số 61, đơn yêu cầu bảo hiểm là bà H cố tình khai báo không
trung thực. Xét thấy, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ được các cơ quan, tổ chức
thực hiện một cách thường xuyên và định kỳ. Khi tham gia kiểm tra sức khỏe định
kỳ, người được khám không biết và không buộc phải biết tổ chức khám chữa bệnh
đã tiến hành các biện pháp, phương pháp gì. Hơn nữa, khi kiểm tra sức khỏe định
kỳ bà H không phát hiện dấu hiệu của một căn bệnh nào dẫn đến việc Công ty C từ
chối ký kết hợp đồng với bà H. Do đó,
không đủ cơ sở xác định bà H cảm thấy cơ thể bất thường mới tiến
hành đi xét nghiệm máu sau đó mua bảo hiểm của Công ty C.
[11] Như vậy, chưa đủ cơ sở xác định bà H có gian dối khi ký hợp đồng bảo
hiểm, không có cơ sở xác định việc bà H đánh dấu vào ô không của mục 54 và 61 tại
Đơn yêu cầu bảo hiểm làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc Công ty C có xem xét để
ký hợp đồng bảo hiểm với bà H hay không.
[12] Hơn nữa, theo quy tắc và điều khoản của sản phẩm bảo hiểm tử kỳ có
hoàn phí và sản phẩm Thịnh Trí Thành Tài Bảo Gia của Công ty C có nội dung:
[13] “Điều 11.2. Nếu bất cứ thông tin nào bên mua bảo hiểm hoặc người được
bảo hiểm cung cấp cố ý che giấu hoặc khai báo sai sự thật làm ảnh hưởng nghiêm
trọng đến quyết định đánh giá chấp nhận bảo hiểm thì công ty có thể hủy bỏ hợp
đồng và hợp đồng không có hiệu lực ngay từ đầu”. Cụm từ “ảnh hưởng nghiêm trọng”
ở Điều 11.2 nêu trên, tại phiên tòa hôm nay bên phía Công ty C đã không có giải
thích rõ ràng ý nghĩa ảnh hưởng như thế nào là nghiêm trọng đồng thời trình bày
của phía bị đơn về việc bán bảo hiểm cũng không thống nhất khi quyết định chấp
nhận hay không chấp nhận bảo hiểm đối với trường hợp người mua bảo hiểm tử kỳ
có tiền sử bệnh đau dạ dày và mỡ máu tăng. Tại văn bản phản hồi số 008 ngày
28-01-2011 Công ty C cho rằng: “Nếu biết được khách hàng Trương Thị H bị đau dạ
dày và mỡ máu tăng, Công ty C sẽ từ chối giao kết hợp đồng bảo hiểm”. Tại phiên
tòa sơ thẩm và phúc thẩm, đại diện của Công ty C và luật sư bảo vệ quyền, lợi
ích hợp pháp của Công ty C lại cho rằng nếu biết bà H bị đau dạ dày và mỡ máu
tăng thì công ty C sẽ cân nhắc có ký hợp đồng hay không. Điều này cho thấy công
ty C đã không có một tiêu chí cụ thể để giải quyết trường hợp như trên. Do đó,
cụm từ “ảnh hưởng nghiêm trọng” phải được hiểu theo nghĩa bệnh dẫn đến từ chối
không được mua bảo hiểm chứ không thể chấp nhận theo nghĩa có thể bán hoặc
không bán bảo hiểm như lời trình bày của Công ty C, điều khoản này cũng tạo ra
sự không rõ ràng, nên căn cứ khoản 2 Điều 407 Bộ luật Dân sự quy định: “Trong
trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng
theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó” và Điều 21 Luật Kinh
doanh bảo hiểm quy định: “Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản
không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo
hiểm” nên phải hiểu và giải thích điều khoản này theo hướng có lợi cho bà H.
[14]
Trên thực tế, bà Nguyễn Thị Diễm P là người làm chứng trong vụ án này trình
bày: bà có mua sản phẩm bảo hiểm định kỳ ưu đãi với Công ty C căn cứ bởi hợp đồng
bảo hiểm số S11000297923. Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bà cho Công
ty C biết bà đang sử dụng thuốc đau dạ dày, thỉnh thoảng đau dạ dày trong khoảng
3 năm và có đi khám định kỳ Triglycerid 2,2 mmol/l. Theo kết quả xác minh của
Tòa án nhân dân Quận 1 tại Bệnh viện nhân dân Quận 1 ngày 28-07-2015
Triglycerid 2,2 mmol/l là cao hơn bình thường.
[15] Xét thấy, trường hợp của bà Nguyễn Thị Diễm P khi mua bảo hiểm tử kỳ
của Công ty C, bà P khai bị đau dạ dày và mỡ máu tăng cao hơn mức bình thường
nhưng phía Công ty C vẫn bán bảo hiểm cho bà P với mức phí chuẩn. Điều này cho
thấy bệnh đau dạ dày và hiện tượng mỡ máu tăng được xem là không ảnh hưởng
nghiêm trọng nên Công ty C đã bán bảo hiểm với mức phí bình thường như những
trường hợp khác. Từ đó cho thấy việc người mua bảo hiểm không khai bệnh đau dạ
dày và mỡ máu tăng cũng không ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyết định của Công ty
C trong việc đánh giá chấp nhận có hay không việc ký kết hợp đồng bảo hiểm, do
đó khách hàng không vi phạm vào Điều 11.2 của Quy tắc và điều khoản của sản phẩm
do Công ty C ban hành như Tòa án cấp sơ thẩm nhận định là có căn cứ.
[16] Phía Công ty C cho rằng đã thanh toán tất cả nghĩa vụ của
mình được quy định trong hai hợp đồng bảo hiểm. Đối với tranh chấp này,
Công ty C và ông L đã giải quyết xong, được thể hiện tại Phiếu thanh toán và
xác nhận hoàn thành trách nhiệm bảo hiểm ngày 15-9-2010. Tại mục 3
phiếu này, ông L đã xác nhận Công ty C đã thanh toán đầy đủ và không
còn trách nhiệm gì đối với việc giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho
hai hợp đồng này; Tại mục 4, ông L cam kết từ nay về sau sẽ không
thực hiện bất cứ hành vi nào hưởng đến công ty C, công ty C sẽ không
phải thực hiện bất kỳ trách nhiệm và nghĩa vụ nào đối với hợp
đồng số S11000009505 và S11000040924. Xét thấy, việc ký vào Phiếu
thanh toán và xác nhận hoàn thành trách nhiệm bảo hiểm ngày
15-9-2010 của ông L, không làm mất quyền khởi kiện của ông L nếu ông L
cho rằng thỏa thuận này ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
[17] Từ các nhận định trên có cơ sở xác định Tòa án cấp sơ
thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có cơ sở, đúng
pháp luật. Do đó, không có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo của
Công ty C, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[18] Đối với các quyết định khác của án sơ thẩm,
các bên đương sự không kháng cáo, Viện kiểm sát nhân dân không có kháng nghị
nên phát sinh hiệu lực pháp luật.
[19]
Về án phí dân sự phúc thẩm: Do giữ nguyên bản án sơ thẩm nên công ty C phải
chịu án phí dân sự
phúc thẩm là 200.000 đồng.
Vì các lẽ trên,
Căn
cứ khoản 1 Điều 132, khoản 1 Điều 275 Bộ luật Tố tụng dân sự;
Căn
cứ khoản 1 Điều 30 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009.
QUYẾT ĐỊNH:
Tuyên xử:
- Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn là
công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ C. - Giữ nguyên bản án sơ
thẩm số 1211/2015/TLST-DS ngày 26-8-2015 của Tòa án nhân dân Quận 1,
Thành phố Hồ Chí Minh.- Chấp nhận yêu cầu
của nguyên đơn
- Chấp nhận yêu cầu
- Buộc công ty TNHH
Bảo hiểm nhân thọ C phải chịu trách nhiệm chi trả cho ông Đặng Văn L
số tiền bảo hiểm là 300.875.342 đồng (Ba trăm triệu tám trăm bảy mươi
lăm ngàn ba trăm bốn mươi hai đồng). - Công ty TNHH Bảo hiểm
nhân thọ C phải giao trả cho ông Đặng Văn L hai hợp đồng bảo hiểm
Thịnh Trí Thành Tài Bảo Gia ngày 14-10-2008, hợp đồng bảo hiểm Tử kỳ
có hoàn phí ngày 25-03-2009. - Hợp đồng bảo hiểm
số S1100000505 ngày 14-10-2008 (Thịnh Trí Thành Tài Bảo Gia) vẫn tiếp
tục thực hiện và được giải quyết quyền lợi đáo hạn khi trẻ Đặng
Linh N đủ 22 tuổi và còn sống vào ngày đáo hạn.- Thi hành ngay khi
bản án có hiệu lực pháp luật và có sự giám sát của cơ quan thi
hành án dân sự có thẩm quyền.
- Kể từ ngày ông
Đặng Văn L có đơn yêu cầu thi hành án nếu công ty TNHH Bảo hiểm nhân
thọ C không trả đủ số tiền như trên thì hàng tháng công ty TNHH Bảo
hiểm nhân thọ C còn phải trả cho ông L một khoản tiền lãi theo mức
lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố với thời gian chưa thi hành
án.
- Thi hành ngay khi
- Án phí dân sựsơ thẩm: Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ C phải chịu án phí dân sự sơ
thẩm là 15.043.767 đồng. Ông Đặng Văn L không phải chịu án phí dân sự
sơ thẩm nên được hoàn trả lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp tổng cộng
là 11.925.000 đồng bao gồm: 10.100.000 đồng theo biên lai thu tiền số
05237 ngày 05-01-2011, 200.000 đồng theo biên lai thu tiền số 05621 ngày
26-04-2011 và 1.625.000 đồng theo biên lai thu tiền số 05737 ngày
05-01-2011 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 1, Thành phố Hố Chí Minh. - Án phí dân
sựphúc thẩm: Công ty TNHH Bảo hiểm
Nhân thọ C phải chịu án phí dân sự phúc thẩm là 200.000
đồng (Hai trăm ngàn đồng) được cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ C đã
nộp theo Biên lai thu tiền số AE/2014/0005146 ngày 10-9-2015 của Cục thi
hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ C
đã đóng đủ tiền tạm ứng án phí phúc thẩm.
Trường
hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành
án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có
quyền được thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi
hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật
Thi hành án dân sự; thời hiệu khởi kiện thi hành án được thực hiện theo quy định
tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản
án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
NỘI DUNG
ÁN LỆ
“[4] Tại câu hỏi số 54
Đơn yêu cầu bảo hiểm ngày 25-3-2009, câu hỏi: “loét đường tiêu hóa,
xuất huyết tiêu hóa, viêm tụy, viêm kiết tràng, khó tiêu thường xuyên,
khó nuốt, hoặc rối loạn tại dạ dày, ruột gan hoặc túi mật” bà H
đánh dấu vào ô không. Tại biên bản hội chẩn số 42/BV-99 của Bệnh
viện B ngày 03-9-2009 bà H khai có tiền sử đau dạ dày 2 năm. Căn cứ
theo Biên bản hội chẩn thì bà H có bệnh đau dạ dày từ ngày 03-9-2007
là trước thời điểm bà H ký Hợp đồng bảo hiểm. Phía Công ty C cho rằng
cụm từ rối loạn tại dạ dày bao gồm tất cả các bệnh liên quan đến dạ dày trong
đó có bệnh đau dạ dày. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, phía bị đơn không
đưa ra được bất kỳ chứng cứ nào để chứng minh, không đưa ra được một giải thích
khoa học nào xác định đau dạ dày chính là rối loạn tại dạ dày.
[8] Căn cứ theo các quy định pháp luật nêu
trên thì trong trường hợp các bên có sự giải thích khác nhau không rõ ràng khó
hiểu thì Điều khoản này phải được giải thích theo hướng có lợi cho bà H. Như vậy,
không đủ cơ sở xác định đau dạ dày được bao gồm trong rối loạn tại dạ dày như
Công ty C trình bày.
[9] Xét thấy, tại đơn
yêu cầu bảo hiểm không có câu hỏi về bệnh đau dạ dày. Như vậy, phía
Công ty C cho rằng bà H bị bệnh đau dạ dày mà không khai báo là cố tình khai
báo không trung thực và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin là không có căn
cứ.
[10] Tại câu hỏi 61 của
Đơn yêu cầu bảo hiểm ngày 25-3-2009: “Trong vòng 5 năm trở lại đây, ông,
bà đã có làm xét nghiệm chẩn đoán như X-quang, siêu âm, điện tim đồ,
thử máu, sinh thiết? Hoặc ốm đau, bệnh tật khám y khoa, điều trị tại
bệnh viện nhưng chưa được nêu ở phần trên không?” bà H đánh dấu vào ô
không. Tại phiên tòa phúc thẩm, phía Công ty C cung cấp Phiếu xét
nghiệm hóa sinh máu đề ngày 22-9-2008 mang tên người bệnh là Trương
Thị H. Phía Công ty C xác định đây là tài liệu do Công ty C thu thập
trong hồ sơ kiểm tra sức khỏe định kỳ cho nhân viên của Trường Mầm non
C nơi trước đây bà H công tác. Công ty C cho rằng vào ngày 22-9-2008, bà
H có làm xét nghiệm máu nhưng không khai báo tại câu hỏi số 61, đơn yêu
cầu bảo hiểm là bà H cố tình khai báo không trung thực. Xét thấy, việc
kiểm tra sức khỏe định kỳ được các cơ quan, tổ chức thực hiện một cách thường
xuyên và định kỳ. Khi tham gia kiểm tra sức khỏe định kỳ, người được khám không
biết và không buộc phải biết tổ chức khám chữa bệnh đã tiến hành các biện pháp,
phương pháp gì. Hơn nữa, khi kiểm tra sức khỏe định kỳ bà H không phát hiện dấu
hiệu của một căn bệnh nào dẫn đến việc Công ty C từ chối ký kết hợp đồng với bà
H. Do đó, không đủ cơ sở xác định
bà H cảm thấy cơ thể bất thường mới tiến hành đi xét nghiệm máu sau
đó mua bảo hiểm của Công ty C.
[11] Như vậy, chưa đủ cơ sở
xác định bà H có gian dối khi ký hợp đồng bảo hiểm, không có cơ sở xác định việc
bà H đánh dấu vào ô không của mục 54 và 61 tại Đơn yêu cầu bảo hiểm làm ảnh hưởng
trực tiếp đến việc Công ty C có xem xét để ký hợp đồng bảo hiểm với bà H hay
không.”
Xin cảm ơn quý khách đã theo dõi bài viết, nội dung của bài viết chỉ nhằm mục đích tham khảo do tính thay đổi của luật áp dụng tại từng thời điểm và những đặc thù trong từng sự kiện pháp lý. Để được tư vấn, hướng dẫn chính xác nhất với trường hợp của quý khách, mọi câu hỏi, thắc mắc xin được phản hồi về Hotline 1900.0191 hoặc địa chỉ hòm mail bên dưới!