Tôn giáo một vấn đề tưởng chừng như vô cùng cũ kĩ, nhưng thực chất nó luôn luôn mới mẻ . Cũng bởi vì tôn giáo nằm trong một bộ phận cấu thành nên xã hội này nên cùng với sự thay đổi của loài người mà tôn giáo cũng có những sự biến đổi dù là về nội dung hay chỉ là về hình thức. Ở Việt Nam tôn giáo là một vấn đề luôn được cập nhật thường xuyên bởi tôn giáo là sự phản ánh sự biến đổi của đất nước, xã hội, nó còn phản ánh trình độ nhận thức của con người Việt Nam. Tôn giáo, tín ngưỡng là hoạt động thường xuyên, liên tục của người dân Việt Nam, nó có tầm vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân. Nhận thấy tầm quan trọng của tôn giáo, Đảng và nhà nước đã có những chính sách quan tâm đến vấn đề này, thông qua chính sách ấy mà người dân có thể được tự do hoạt động tôn giáo nhưng lại vẫn có thống nhất theo quy định của pháp luật.
Trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta hiện nay, vấn đề tôn giáo hiện nay đã được Đảng và Nhà nước ta xem xét, đánh giá lại trên quan điểm khách quan hơn, không xoá bỏ một cách duy ý chí như trước nữa mà nhìn nhận trên quan điểm phát huy những mặt tích cực, gạt bỏ những mặt tiêu cực trong các tôn giáo. đặc biệt là các chỉ thị về tôn giáo, hay quan điểm của các tôn giáo hiện nay là: sống tốt đời đẹp đạo . Để có thể hiểu được sâu sắc vấn đề này em xin chọn đề tài “Những nguyên tắc cơ bản của Mác – Lê Nin trong việc giải quyết vấn đề tôn giáo và sự vận dụng những nguyên tắc này của Đảng và Nhà nước ở Việt Nam hiện nay”
I. Quan điểm của Mác – Lê Nin trong giải quyết vấn đề tôn giáo
-
Khái niệm tôn giáo và nguồn gốc của tôn giáo
Để có thể hiểu được quan điểm của Mác – Lê nin trước tiên ta phải hiểu như thế nào là tôn giáo?
Tôn giáo là một hiện tượng xã hội ra đời từ rất sớm trong lịch sử nhân loại và tồn tại phổ biến ở hầu hết các cộng đồng người trong lịch sử hàng ngàn năm qua. Tôn giáo là sản phẩm của con người, gắn với những điều kiện tự nhiên và lịch sử cụ thể, xác định. Về bản chất, tôn giáo là hiện tượng xã hội phản ánh sự bế tắc, bất lực của con người trước tự nhiên và xã hội. Tuy nhiên, trong nhận thức tôn giáo cũng chứa đựng nhiều giá trị phù hợp với đạo đức, đạo lý con người.
Tôn giáo ra đời bởi hiều nguồn gốc khác nhau nhưng cơ bản là từ các nguồn gốc kinh tế- xã hội, nhận thức và tâm lý:
Trước hết là nguồn gốc nhận thức: tôn giáo đã nảy sinh trong xã hội mà trình độ sản xuất hết sức thấp kém, con người hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, bất lực trước những hiện tượng tự nhiên không thể giải thích được, cho đó là một lực lượng siêu nhiên có sức mạnh ghê gớm ở bên ngoài con người, đang chi phối con người. Vì vậy, tôn giáo lúc đầu là đa thần, gắn liền với đặc điểm nhận thức; ánh sáng khoa học đi đến đâu thì tôn giáo lùi đến đó. Biết và chưa biết còn khoảng cách thì còn tôn giáo và tôn giáo sẽ còn tồn tại lâu dài.
Thứ hai là nguồn gốc KT-XH: Khi xã hội loài người phân chia thành giai cấp và có đối kháng giai cấp, con người phải chịu sự bóc lột của giai cấp thống trị, xã hội bất bình đẳng, con người không giải thích được, nên tìm đến tôn giáo. Con người tìm đến tôn giáo để được che chở bởi đức chúa trời, đức phật, thượng đế… Giai cấp thống trị luôn luôn sử dụng tôn giáo, lợi dụng triệt để tôn giáo để thống trị nhân dân, khống chế nhân dân.
Thứ ba là nguồn gốc tâm lý tình cảm: Con người tìm đến tôn giáo như tìm đến niềm an ủi, chỗ dựa tinh thần, tôn giáo đã có tác dụng giữ trạng thái thăng bằng, tâm tư, tình cảm của con người. Nó là quan niệm, lòng tin, tình cảm của con người trước những sức mạnh của tự nhiên, những biến cố của xã hội.
-
Các quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin trong việc giải quyết vấn đề tôn giáo
Một là, giải quyết những vấn đề phát sinh từ tôn giáo trong đời sống xã hội phải gắn liền với quá trình cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Chủ nghĩa Mác – Lenin và hệ tư tưởng tôn giáo có sự khác nhau về thế giới quan, nhân sinh quan và con đường mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Vì vậy, khắc phục dần những ảnh hưởng tiêu cực của tôn giáo phải gắn liền với quá trình cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới.
Hai là, tôn trọng tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân
Khi tín ngưỡng tôn giáo còn là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân thì nhà nước xã hội chủ nghĩa phải tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của mọi công dân. Công dân có tôn giáo hay không có tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, đều có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau. Bất kỳ ai cũng có quyền theo một tôn giáo mình thích hoặc không theo tôn giáo nào; bỏ đạo, theo đạo, chuyển đạo trong khuôn khổ pháp luật là quyền của mọi người Cần phát huy những giá trị tích cực của tôn giáo, nghiêm cấm mọi hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của công dân.
Ba là, thực hiện đoàn kết những người có tôn giáo với những người không có tôn giáo, đoàn kết các tôn giáo, đoàn kết những người theo tôn giáo với những người không theo tôn giáo, đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Nghiêm cấm mọi hành vi chia rẽ cộng đồng vì lý do tín ngưỡng tôn giáo.
Bốn là, phân biệt rõ hai mặt chính trị và tư tưởng trong vấn đề tôn giáo
Mặt tư tưởng thể hiện sự tín ngưỡng trong tôn giáo. Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa, khắc phục mặt này là việc làm thường xuyên, lâu dài. Mặt chính trị là sự lợi dụng tôn giáo của những phần tử phản động nhằm chống lại sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp chủ nghĩa xã hội. Đấu tranh loại bỏ mặt chính trị phản động trong lĩnh vực tôn giáo là nhiệm vụ thường xuyên, vừa phải khẩn trương, kiên quyết, vừa phải thận trọng và phải có sách lược với thực tế.
Năm là, phải có quan điểm lịch sử – cụ thể khi giải quyết vấn đề tôn giáo
Phải nhìn nhận vai trò tác động của tôn giáo tới đời sống xã hội trong thời kì lịch sử khác nhau là có thể rất khác. Quan điểm, thái độ của các giáo hội, giáo sĩ, giáo dân về các lĩnh vực, các vấn đề của xã hội có sự khác biệt. Bởi vậy mối quan hệ với tôn giáo cũng cần phải rất linh hoạt và mềm dẻo, có những thời điểm phải biết sử dụng tôn giáo như một thứ vũ khí lợi hại để chống lại kẻ thù chung của cả dân tộc.
II. Sự vận dụng những nguyên tắc của Mác – Lê nin của Đảng và Nhà nước ở Việt Nam hiện nay
-
Tình hình tôn giáo của nước ta hiện nay
Nước ta có nhiều tôn giáo khác nhau, trong đó có 6 tôn giáo lớn: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Cao Đài, Hòa Hảo với khoảng 20 triệu tín đồ
Những năm gần đây, sinh hoạt tôn giáo có phát triển hơn trước. Số người tham gia các hoạt động tôn giáo tăng lên, các đình chùa, miếu mạo, nhà thờ… xây cất, tu sửa lại. Các hoạt động lễ hội mang màu sắc tôn giáo nhiều lên, mang nhiều màu sắc khác nhau, tất nhiên cũng xuất hiện nhiều hiện tượng mê tín dị đoan. Thực trạng trên, một mặt phản ánh nhu cầu tinh thần của quần chúng, mặt khác cũng nói lên điều không bình thường vì trong đó không chỉ có sinh hoạt tôn giáo thuần túy, mà còn biểu hiện lợi dụng tôn giáo phục vụ cho mưu đồ chính trị và hoạt động mê tín dị đoan.
-
Sự vận dụng những nguyên tắc của Mác – Lê nin của Đảng và nhà nước
Có thể thấy vấn đề tôn giáo đã được quan tâm từ lâu và trở thành vấn đề mang tính quốc gia. Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà; ngày 03/9/1945 tại phiên họp Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến vấn đề tôn giáo, người nói “Tôi đề nghị Chính phủ tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương – giáo đoàn kết”. Ngày 14/6/1955, người đã ký Sắc lệnh số 234/SL xác định “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của nhân dân”. Qua đây cho thấy vấn đề tôn giáo thực sự rất quan trọng, đó không chỉ là hoạt động thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc mà nó còn phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc. Có thể thấy hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng làm đẹp thêm nền văn hóa dân tộc, giúp văn hóa dân tộc thêm phong phú, đa dạng nhưng vẫn mang những nét đặc trưng của văn hóa đất Việt. Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề này, Đảng và nhà nước Việt Nam đã có những chủ trương, chính sách cụ thể để hoạt động tôn giáo, tin ngưỡng đi đúng hướng, đảm bảo được quyền lợi tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân được thực hiện một cách có hiệu quả. Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác tôn giáo như Nghị quyết số 24/ NQ-TW ngày 16/10/1990; Nghị quyết số 25- NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành TW Đảng; Quốc hội khoá 11 đã ban hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo (số 21/2004/ PL- UBTVQH 11) quy định về các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị 1940/ CT- TTg ngày 31/12/2008 “ về nhà, đất liên quan đến tôn giáo” và nhiều văn bản hướng dẫn của Nhà nước và các bộ, ban, ngành liên quan, tiếp tục khẳng định rõ “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào” . Các chính sách, pháp luật đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt, sâu sắc của Đảng, Nhà nước Việt Nam đến nhu cầu tín ngưỡng của tín đồ, làm cho quần chúng nhân dân, tín đồ yên tâm phấn khởi tích cực thực hiện tốt cả “việc đạo, việc đời” tin tưởng vào chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất phát triển kinh tế – xã hội, đấu tranh ngăn chặn những hoạt động lợi dụng tôn giáo góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Một quốc gia muốn phát triển bền vững cần phải có sự đoàn kết của toàn thể nhân dân, mỗi người dân trong cùng một quốc gia ấy phải có sự nhất trí, đồng lòng, không được có thái độ bất bình đẳng, gây xung đột, đó chính là động lực to lớn giúp đất nước phát triển phồn thịnh. Việt Nam ta cũng cần phải có những nhân tố ấy thì đất nước mới phát triển, như đã biết Việt Nam là một đất nước có hoạt động tôn giáo rất phát triển vì vậy mỗi tôn giáo lại có những quan điểm khác nhau, điều này có thể dẫn đến những đối kháng tác động tiêu cực tới sự phát triển của đát nước. Vì vậy việc đoàn kết những người theo tôn giáo khác nhau, hoặc giữa những người theo tôn giáo với những người không theo tôn giáo là một việc làm hêt sức quan trọng. Đảng và nhà nước đã thực hiện chính sách nhất quán tôn giáo, kêu gọi sự đoàn kết của tất cả những người theo tôn giáo và những người không theo tôn giáo Mục tiêu hướng đến các tôn giáo là vì lợi ích chung xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, với khẩu hiệu “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” để phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức tôn giáo tham gia nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ cơ sở chăm sóc sức khoẻ người nghèo, người tàn tật, người nhiễm HIV – AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần; hỗ trợ phát triển các cơ sở giáo dục mầm non và tham gia các hoạt động khác vì mục đích từ thiện nhân đạo phù hợp với hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo và quy định của pháp luật. Nhà nước khuyến khích chức sắc, nhà tu hành với tư cách công dân tổ chức hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo theo quy định của pháp luật.
Pháp lệnh và Nghị định quy định hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo có thể bị đình chỉ nếu vi phạm một trong các trường hợp : xâm phạm an ninh quốc gia, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng hoặc môi trường; xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác. Quy định này là cơ sở pháp lý quan trọng cho phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo khi nó diễn ra mà xâm phạm, ảnh hưởng, tác động xấu đến các quan hệ xã hội được Nhà nước bảo vệ.
Về việc chế tài xử phạt các hoạt động vi phạm, ngoài nội dung xử lý đối với những hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo vì mục đích chính trị xấu, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo vào mục đích mê tín dị đoan như trước đây, Pháp lệnh còn nói đến việc xử lý đối với những ai phân biệt đối xử với lý do tín ngưỡng, tôn giáo; vi phạm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của công dân.
Ngày nay có rất nhiều kẻ lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tuyên truyền xuyên tạc về chế độ chính trị của nước ta, với những mưu đồ xấu xa, chia rẽ nội bộ dân tộc. Chúng ta cần phải nhận thức đúng đắn về những điều cần nghe,những điều nên loại bỏ không để những kẻ xấu lợi dụng. Cần có sự cảnh giác cao độ, cùng kêu gọi cho mọi người xung quanh hiểu và cảnh giác. Không chỉ như vây, cần phải phối hợp với cơ quan nhà nước chống lại những âm mưu phá hoại của các thế lực phản động, kêu gọi tinh thần đoàn kết của tất cả mọi người để có biện pháp ứng biến kịp thời với những hành động tiêu cực của những kẻ xấu. Do đó các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền từ Trung đến địa phương phải chăm lo và bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân, tín đồ, chức sắc các tôn giáo theo pháp luật; phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những biểu hiện lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như những biểu hiện lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật, kích động nhân dân, tín đồ, chức sắc tôn giáo gây rối trật tự ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Để khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của tôn giáo, không thể dùng mệnh lệnh hành chính hay tuyên truyền giáo dục đơn thuần mà phải chú trọng đến việc cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Kết hợp với tuyên truyền, giáo dục, nâng cao trình độ nhận thức, trình độ văn hoá, phát huy tinh thần yêu nước để người dân tự nhận thức được vai trò thực sự của tôn giáo trong đời sống hiện thực của họ và chính họ, để họ chấp hành nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật của nhà nước.
Những biện pháp đã hạn chế đến mức tối thiểu các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng hiện nay. Nhờ vậy mà hoạt động tôn giáo diễn ra một cách liên tục, ngày càng phát trển hơn, được nâng lên tầng cao hơn. Mọi người dân đã coi hoạt động tôn giáo như một thói quen trong đời sống.
Qua những vấn đề đã trình bày ở trên ta đã phần nào hiểu được những quan điểm của Mác – Lê nin trong việc giải quyết vấn đề tôn giáo, đó quả là những quan điểm đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh của nước ta hiện nay. Đồng thời qua những quan điểm đó, Đảng và nhà nước ta dễ vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo vào thực tiế đất nước, chính vì vậy mà hoatj động tôn giáo của nước ta thực sự phát triển không ngừng, giải quyết được những vấn đề phát sinh trong hoạt động này, quyền tự do tôn giáo của nhân dân được đảm bảo thực hiện. Không chỉ như vậy mà qua đó còn tạo được sự đoàn kết giữa những người không theo tôn giáo với những người theo tôn giáo, đó chính là sự đoàn kết toàn dân tộc. Tình đoàn kết này có vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh và trật tự an toàn xã hội. Những chính sách của nhà nước đã có ý nghĩa sâu sắc trong việc giữ gìn những giá trị tốt đẹp của dân tộc, làm đẹp thêm nền văn hóa Việt Nam.
Tham khảo thêm:
- Hệ thống chính trị của nhà nước theo pháp luật hiện hành: Vị trí, vai trò của Đảng Cộng sản Việt nam, nhà nước CHXHCN Việt Nam, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị
- Chính sách kinh tế của nhà nước CHXHCN Việt Nam theo pháp luật hiện hành
- Chính sách xã hội của nhà nước CHXHCN Việt Nam theo pháp luật hiện hành
- Chính sách giáo dục của nhà nước CHXHCN Việt Nam theo pháp luật hiện hành
- Khái niệm quyền con người
- Các nguyên tắc Hiến pháp của chế định quyền con người
- Các nguyên tắc Hiến pháp của chế định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân
- Phân tích nội dung các quyền con người theo Hiến pháp 2013
- Phân tích các quyền cơ bản của công dân theo Hiến pháp 2013
- Phân tích các nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp 2013