Bạo lực gia đình giữa vợ và chồng – Thực trạng và biện pháp phòng ngừa

I. KHÁI QUÁT VỀ BẠO LỰC GIA ĐÌNH GIỮA VỢ VÀ CHỒNG

1. Một số khái niệm

a)  Khái niệm bạo lực gia đình

– Khái niệm

Trước hết, theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của pháp luật.

Bạo lực có thể hiểu là việc đe dọa, hay sử dụng sức mạnh thể chất, quyền lực làm tổn hại tới người khác về thể chất, tinh thần làm ảnh hưởng tới sự phát triển và gây ra những mất mát cho người đó. Vậy, Bạo lực gia đình có thể hiểu là hành vi cố ý của thành viên trong gia đình gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

Nói cách khác, Bạo lực gia đình (BLGĐ) là bất kì việc sử dụng vũ lực hay cưỡng ép tình dục, dù đã sử dụng hoặc đe dọa sử dụng, trong quan hệ tình cảm hoặc quan hệ gia đình. Bạo lực gia đình có thể bao gồm một hành vi đơn lẻ, hoặc các hành vi tại nên một kiểu lạm dụng trong cả hành vi tấn công hoặc kiểm soát.

Bạo lực gia đình là hành vi cố ý. Mục đích là để thiết lập và áp dụng quyền lực và và sự kiểm soát đối với người khác. Bạo lực được sử dụng để đe dọa, xúc phạm hoặc làm nạn nhân khiếp sợ.

– Các dạng bạo lực gia đình:

Có thể phân chia thành các dạng như sau:

Phân chia theo hình thức bạo hành: bạo lực gia đình bao gồm bạo hành thể chất, bạo hành về tinh thần, bạo hành về kinh tế, bạo hành về tình dục.

Phân chia theo nạn nhân của BLGĐ gồm BLGĐ giữa vợ và chồng, BLGĐ đối với trẻ em, BLGĐ đối với người già.

b) Khái niệm bạo lực gia đình giữa vợ và chồng

Trong số các dạng BLGĐ, BLGĐ giữa vợ và chồng là kiểu bạo hành chủ yếu và chiếm số lượng lớn trong cuộc sống. Bạo lực gia đình giữa vợ và chồng có thể hiểu là hành vi cố ý của vợ hoặc chồng  gây tổn hại hoặc có khản năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, cho vợ hoặc chồng trong gia đình. Trên thực tế, nạn nhân của bạo lực gia đình giữa vợ và chồng chủ yếu là người vợ trong gia đình chịu tổn hại do người chồng của mình gây ra.

2. Các hình thức BLGĐ giữa vợ và chồng

a) Bạo lực về thể chất

Đó là những hành vi xâm hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người vợ hoặc chồng như: đánh đập, ngược đãi, hành hạ về mặt thể xác, làm tổn hại đến sức khỏe, thậm chí tước đoạt tính mạng của vợ, chồng… Những hành vi này khiến cho người vợ hoặc chồng đau đớn, thương tích ở các mức độ khác nhau, thậm chí dẫn đến tử vong. Đối với hình thức bạo lực này, nạn nhân chủ yếu là người vợ, người phụ nữ trong gia đình. Thực tế, đây là hình thức nguy hiểm và hay xảy ra nhất, có thể gây ảnh hưởng trực tiếp cho sức khỏe dễ nhận biết, tuy nhiên các vụ bảo lực gia đình đối với vợ chồng chỉ khi có hậu quả nghiêm trọng xảy ra thì mới bị phát giác và truy cứu.

b) Bạo lực về tinh thần

Hình thức BLGĐ về tinh thần cũng khá phổ biến nhưng thường không thể hiện rõ nét và dễ nhận biết như hình thức bạo lực thể chất. Các hành vi bạo lực về thể chất, về tình dục cũng gây ra những tổn thương về tinh thần mạnh mẽ. Đối với bạo lực về tinh thần là những hành vi lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, làm nhục, buộc làm nhữn việc trái đạo đức, tạo các áp lực về tâm lý, gây tổn thương tinh thần thông qua lời nói, tin nhắn,… giữa vợ chồng. Đây là hình thức mà người vợ hay người chồng đều có thể gây ra tổn thương cho nhau, nhưng mức độ tổn thương không thể hiện quá rõ nét ra bên ngoài. Tuy nhiên, hành vi này cũng gây tổn thương tâm lý nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tinh thần của vợ hoặc chồng, sang chấn tâm lý, tinh thần sa sút có thể ảnh hưởng đến công việc, tình trạng tinh thần hằng ngày hoặc hơn nữa là có thể dẫn đến các bệnh về tâm lý.

c) Bạo lực về kinh tế

 Hình thức bạo lực này thể hiện ở việc vợ, chồng cưỡng ép chồng hoặc vợ lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của học hoặc kiểm soát thu nhập của vợ, chồng nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính. Đây là kiểu bảo lực không quá phổ biến ở Việt Nam, trong quan hệ vợ, chồng thì cả vợ hoặc chồng đều có thể trở thành nạn nhân của dạng bạo lực này. Tuy nhiên, ở các vùng nông thôn, miền núi nơi có tư tưởng gia trưởng và lạc hậu thì người vợ rất dễ trở thành nạn nhân của bạo lực kinh tế.

d) Bạo lực về tình dục

Đây là dạng bạo lực xảy ra khá phổ biến ở vợ chồng, bao gồm các hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm, ép buộc sử dụng văn hóa phẩm đồi trụy để thỏa mãn nhu cầu tình dục. Thực tế, hình thức bạo lực này khá tế nhị, nạn nhân chủ yếu là người vợ nên thường có xu hướng giấu diếm, không cho người khác biết. Hình thức bạo lực này, ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần, thậm chí là sức khỏe của người phụ nữ, dẫn đến các chứng bệnh rối loạn, trầm cảm thậm chí là tự tử.

3. Hậu quả của hành vi BLGĐ giữa vợ và chồng

Tình trạng BLGĐ giữa vợ và chồng diễn ra khá phổ biến và phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội và sự phát triển bền vững lành mạnh của gia đình. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình  thì vợ chồng có quyền và nghĩa vụ yêu thương nhau, chính BLGĐ là nguyên nhân phá vỡ quan hệ gia đình và làm tăng xu hướng ly hôn trong xã hội hiện nay. BLGĐ để lại những hậu quả nặng nề mà khi xảy ra, 2 bên vợ chồng khó có thể bù đắp được lại cả về sức khỏe, tinh thần sau này. Cụ thể, BLGĐ nói chung hay BLGĐ giữa vợ và chồng nói riêng để lại những hậu quả:

Hậu quả đối với nạn nhân người vợ, người chồng:

Có thể thấy, khi BLGĐ xảy ra giữa vợ và chồng, thì dù nạn nhân là người vợ hay người chồng, người đó cũng phải chịu những tổn thương đau đớn nhất định về thể chất, tinh thần cũng như những gánh nặng tâm lý, bệnh tật ngoài ý muốn có thể xảy ra. Về  thể chất, người vợ, người chồng có thể bị hủy hoại sức khỏe, thương tích đau đớn, có thể bị khuyết tật suốt đời, thậm chí dẫn đến tử vong.Về tinh thần, nạn nhân luôn ám ảnh bị bạo lực; chán nản, buồn rầu, lo lắng, sợ hãi, mất tự tin, hoang mang, trầm cảm; cảm thấy cuộc sống nặng nề, căng thẳng và tuyệt vọng. Chính những tổn thương tinh thần có thể dẫn đến những hệ lụy khác khi tinh thần con người không còn tỉnh táo như tự tử, hành hạ con cái,…Về sức khỏe sinh sản, BLGĐ có thể dẫn đến mang thai ngoài ý muốn, thai nhi suy dinh dưỡng, sẩy thai, đẻ non, lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV.

Hậu quả đối với người gây bạo lực gia đình giữa vợ chồng

BLGĐ khi xảy ra sẽ là tiền đề phá hỏng mối quan hệ vợ – chồng, cha mẹ – con cái, ông bà-cháu, cảm thấy cô đơn ngay trong gia đình. BLGĐ giữa vợ và chồng là nguyên nhân gây rạn nứt quan hệ vợ – chồng được vun đắp từ trước. Người vợ, người chồng gây ra BLGD có thể phải đóng tiền nộp phạt vi phạm hành chính đối với hành vi bạo lực với người chồng, người vợ của mình. Với những hậu quả nghiêm trọng, người vợ, người chồng gây BLGĐ có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của mình.

Hậu quả với trẻ em

BLGĐ giữa vợ và chồng không những gây tổn hại đến chính họ, mà còn kéo theo những hệ lụy đối với con cái. Theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014, cha mẹ có nghĩa vụ đảm bảo cho con sống trong môi trường được bảo vệ, yêu thương, chăm sóc. Do đó, khi BLGĐ giữa vợ chồng xảy ra, những đứa con sẽ phải sống trong môi trường chỉ có cãi vã, đánh đập, chửi rủa. Điều này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của chúng cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách sau này. Những đứa con có thể cảm thấy chán ghét về nhà, chán ghét bố mẹ chúng, bỏ nhà đi lang thang hoặc xa ngã vào những tệ nạn xã hội xấu khi mà bố mẹ chúng hàng ngày luôn cãi nhau, đánh đập mà không thể chăm sóc tốt cho chúng. Có những trường hợp, BLGĐ giữa vợ và chồng những con cũng là nạn nhân bị bạo lực khi người vợ, hoặc người chồng trút giận cả lên đứa con của họ. Đây là một trong những nguyên nhân những đứa con sống trong gia đình có BLGĐ không hòa đồng, tự ti bản thân, trầm cảm có thể dẫn đến tự tử hoặc phá phách, ương ngạnh, đi theo con đường xấu.

Hậu quả đối với gia đình

BLGĐ giữa vợ chồng là tiền đề cho việc ly thân, ly hôn giữa vợ chồng, phá vỡ quan hệ vợ chồng. Bên cạnh đó, khi có tổn thất xảy ra, những khoản bù đắp, chi phí chi trả cho những tổn thương lại lấy từ chính tài sản của gia đình. Khi vợ, chồng bị BLGĐ gây ra những tổn thương không thể tiếp tục làm việc, nó sẽ làm giảm năng suất lao động hay chính là làm giảm thu nhaaoj chung của gia đình, đời sống gia đình có thể sẽ gặp phải những khó khăn.

Hậu quả đối với xã hội

BLGĐ nói chung hay BLGĐ giữa vợ và chồng nói riêng làm giảm sự đóng góp của nạn nhân và người gây bạo lực gia đình đối với xã hội tạo ra lực lượng lao động tương lai có sức khỏe thể chất và tinh thần yếu, thiếu sáng tạo.Nếu không xử lý triệt để hành vi bạo lực này, xã hội sẽ chấp nhận và dung túng cho các hành vi bạo lực gia đình. Đồng thời, BLGĐ làm hạn chế hiệu quả công tác phòng chống HIV/AIDS và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh,.. tạo ra những hệ lụy xấu cho xã hội.

II. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ BẠO LỰC GIA ĐÌNH GIỮA VỢ VÀ CHỒNG

1. Nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình gồm: “Kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hoà giải phù hợp với truyền thống văn hoá, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam”.

Đây là nguyên tắc chủ đạo trong phòng, chống bạo lực gia đình nói chung và BLGĐ giữa vợ và chồng nói riêng bởi nhiều lý do. Xuất phát từ thực tế quan hệ trong gia đình mang tính khép kín, với các thành viên gia đình cũng như những người xung quanh, việc trong gia đình giữa vợ và chồng thì người ngoài ít có cơ hội xen vào.Vì thế những vụ BLGĐ thường khó phát hiện, khi bị phát hiện cũng khó xử lý bởi tâm lý e ngại của nạn nhân và cả những người biết chuyện, và thậm chí nếu xử lý rồi thì khả năng tái diễn cũng rất cao vì để tìm ra biện pháp ngăn chặn phù hợp là không dễ. Các quy định pháp luật khó vươn tới từng gia đình, bởi nhận thức của người dân về vấn đề này còn hạn chế, sự can thiệp thô bạo của pháp luật có thể dẫn tới phá hoại các mối quan hệ các thành viên gia đình. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hòa giải trong vấn đề này là rất quan trọng, góp phần định hướng hành vi của mỗi người: nạn nhân được trang bị kiến thức để tự bảo vệ; người có thể có hành vi bạo lực có thể nhận thức được tính chất, hậu quả của hành vi để tự kiềm chế tốt hơn; những người xung quanh biết được trách nhiệm tham gia phòng chống bạo lực gia đình và có ứng xử phù hợp.

Việc tuyên truyền giáo dục nếu kết hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc thì sẽ càng được phát huy tốt hơn nữa, bởi vì người Việt Nam nói chung chịu tác động khá lớn từ những tư tưởng này. Đặc biệt, ở những quan niệm “phép vua thua lệ làng”, trình độ dân trí thấp thì việc giáo dục người dân thông qua các phong tục, tập quán mới có thể phát huy hiệu quả lớn nhất.

Hành vi bạo lực gia đình được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

Đây là một trong những nguyên tắc chung của pháp luật. Riêng trong lĩnh vực bạo lực gia đình, việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi càng có ý nghĩa quan trọng, nếu không thì có thể trở thành “thói quen”, được chấp nhận với cả nạn nhân, người vi phạm và người xung quanh.

Bên cạnh đó, hành vi bạo lực càng kéo dài thì càng gây ra nhiều tổn thương cho nạn nhân, tổn thương tới mối quan hệ gia đình, quan hệ vợ chồng. Điều này sẽ được hạn chế rất nhiều nếu hành vi bị phát hiện và xử lý kịp thời.Người vợ, người chồng bị bạo lực gia đình được bảo vệ, giúp đỡ kịp thời phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của họ và điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước.

Giúp đỡ nạn nhân, bảo vệ quyền và lợi ích của họ là điều cần thiết và được pháp luật ghi nhận như một nguyên tắc quan trọng, mọi người đều phải tuân theo. Những vấn đề về gia đình, quan hệ vợ chồng, trong đó có BLGĐ thường không nhận được sự quan tâm sâu sắc và đúng đắn của những người xung quanh, bởi vì họ coi đấy là chuyện riêng, chuyện nội bộ của mỗi nhà. Từ đó, việc giúp đỡ người vợ, người chồng là nạn nhân trở nên hạn chế, nhất là khi họ còn lo sợ  sự trả thù của người có hành vi bạo lực. Ngoài ra việc giúp đỡ nạn nhân như thế nào, bằng những phương tiện gì cũng gây cho họ những lúng túng nhất định, do đó pháp luật cho phép họ tùy khả năng, tình hình mà đưa ra những xử sự phù hợp nhất, ưu tiên những đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi…

Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Bạo lực gia đình từ lâu đã không còn là vấn đề của mỗi gia đình mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định xã hội; do đó việc phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm chung của cộng đồng chứ không phải chỉ là của nhà nước và những người có liên quan. Bên canh đó, công tác phòng, chống bạo lực gia đình vốn gặp nhiều khó khăn khi triển khai trên thực tế, nên rất cần sự quan tâm phối hợp của tất cả các thành viên trong xã hội.Việc quy định nguyên tắc này một lần nữa khẳng định tầm quan trọng cũng như sự cần thiết của việc phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình.

2. Quyền, nghĩa vụ của các chủ thể

* Quyền, nghĩa vụ của người vợ , người chồng bị bạo lực gia đình

Quyền, nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình được quy định cụ thể tại Điều 5 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007.Nạn nhân là người vợ, người chồng bị bạo lực gia đình , những người bị chính người chồng,người vợ của mình gây ra những tổn thương nhất định, rất cần được sự giúp đỡ của cộng đồng và xã hội. Khi hành vi bạo lực đã xảy ra trong gia đình thì những thành viên gia đình vì những mối quan hệ với người thực hiện hành vi bạo lực sẽ rất khó có sự can thiệp mạnh mẽ, dứt khoát cần thiết để bảo vệ nạn nhân. Do đó, nạn nhân cần sự giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ, sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Việc quy định đây là quyền của nạn nhân, tức là nghĩa vụ của các chủ thể khác phải thực hiện là hoàn toàn đúng đắn.

Bên cạnh đó, rất nhiều trường hợp, nạn nhân bạo lực gia đình cần sự giúp đỡ về y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật. Những tổn thương về thể chất có thể chữa lành bằng sự chăm sóc y tế, nhưng với tổn thương về tâm lý, nạn nhân không dễ dàng vượt qua được.Những sợ hãi, hoang mang, khủng hoảng…có thể theo họ một thời gian dài, khiến họ không lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống. Họ rất cần được tư vấn tâm lý để vượt qua những nỗi ám ảnh này, họ cần được biết rằng họ không có lỗi trong việc để hành vi bạo lực gia đình xảy ra, được hướng dẫn phải xử sự như thế nào khi những hành vi này tiếp diễn. Đặc biệt, họ cần biết những quy định của pháp luật về vấn đề này để nâng cao khả năng tự bảo vệ trong những trường hợp tương tự.

Ngoài ra, nạn nhân cũng cần có một nơi để tạm lánh để có thời gian cách li nhất định với người thực hiện hành vi bạo lực. Điều này có tác dụng làm cho cả hai bên có thời gian, cơ hội để nhìn nhận sự việc một rõ ràng hơn, bình tĩnh hơn. Với những kẻ thực hiện hành vi bạo lực một cách côn đồ, hung hãn, không có điểm dừng thì nơi tạm lánh này là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ nạn nhân.

Tuy nhiên, bên cạnh những quyền lợi như vậy, nạn nhân bạo lực gia đình cũng phải thực hiện nghĩa vụ nhất định, đó là: cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu. Do tính chất nhạy cảm của tội phạm, cũng như mối quan hệ đặc biệt của các chủ thể, pháp luật không đặt ra nghĩa vụ của nạn nhân trong việc phòng chống bạo lực gia đình hay tố giác người có hành vi bạo lực – điều này hoàn toàn hợp lý. Vậy tại sao lại quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin của nạn nhân? Bởi vì bạo lực dù diễn ra trong gia đình nhưng lại ảnh hưởng tới sự phát triển chung của toàn xã hội, do đó cần phải được xử lý kịp thời; nạn nhân cả bạo lực cần được bảo vệ, nhưng họ cũng cần tự bảo vệ mình trong giới hạn nhất định, và đó có thể coi là trách nhiệm của họ với cộng đồng, xã hội.

*Nghĩa vụ của người vợ, người chồng có hành vi bạo lực gia đình

Người có hành vi bạo lực gia đình là người vợ, người chồng đã gây ra những tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại cho người vợ, người chồng của mình. Điều 4 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định rõ nghĩa vụ của họ khi thực hiện hành vi BLGĐ.

Trước hết, khi thực hiện hành vi bạo lực và bị phát hiện, người vợ, người chồng có hành vi bạo lực gia đình phải tôn trọng sự can thiệp hợp pháp của cộng đồng; chấm dứt ngay hành vi bạo lực. Tôn trọng sự can thiệp có nghĩa là người vợ, người chồng có hành vi bạo lực gia đình phải lắng nghe, thực hiện theo những yêu cầu chính đáng của cộng đồng, không được có thái độ hung hãn, chống đối hay có ý định trả thù sự can thiệp đó. Quy định này tưởng chừng như chung chung nhưng lại rất cụ thể và sâu sắc. Người có hành vi bạo lực gia đình không chỉ thực hiện nghĩa vụ theo yêu cầu của cộng đồng mà còn phải tôn trọng sự can thiệp đó, nghĩa là bản thân họ phần nào nhận biết được tính đúng đắn của việc can thiệp, cũng như phải có thái độ đúng mực với những người can thiệp.

Chấp hành quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cũng là nghĩa vụ của người vợ, người chồng có hành vi bạo lực. Trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia đình, những chủ thể có thẩm quyền có thể đưa ra những chế tài như: góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư, áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn…Việc bị xử lý hành vi bạo lực gia đình vốn không quen thuộc với người Việt, vì rất nhiều nghĩ đó là quyền của họ. Do đó, quy định người có hành vi bạo lực có nghĩa vụ chấp hành quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền là cần thiết để tạo ra cơ sở pháp lý mạnh mẽ, buộc chủ thể phải thực hiện, bảo đảm hiệu quả của công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Với những trường hợp nạn nhân bị tổn thương về thể chất hoặc tinh thần, cần tới sự can thiệp của y tế thì người thực hiện hành vi bạo lực phải kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu, điều trị; chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối. Đây tưởng chừng như điều hiển nhiên, là ứng xử bắt buộc của các thành viên gia đình đối với nhau, nhưng lại là điều rất khó thực hiện khi một bên là chủ thể, một bên là nạn nhân của hành vi bạo lực. Người có hành vi bạo lực khi đã nhẫn tâm ra tay thì rất khó có chuyện thương xót, lo lắng cho nạn nhân mà đưa họ đi chữa trị, chăm sóc; hoặc có khi họ nhận thấy sai lầm của mình nhưng  do sợ bị phát hiện, sợ phải gánh trách nhiệm nên không dám đưa nạn nhân tới cơ sở chữa trị.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình không nhắc tới quyền mà chỉ quy định nghĩa vụ của người có hành vi bạo lực gia đình. Điều này trước hết có lẽ bởi vì những người này đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nên họ phải chịu những trách nhiệm nhất định và không được hưởng sự bảo vệ của pháp luật trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận theo một khía cạnh thì có thể thấy: nghĩa vụ mà Luật nêu lên cũng đã hàm chứa một số quyền của họ: quyền nhận được sự can thiệp hợp pháp, quyền được thực hiện các hành động nhằm khắc phục hậu quả do hành vi của mình gây ra. Nếu nhìn nhận một cách tổng quát, có thể thấy rằng những hành vi bạo lực gia đình xuất phát từ sự nhẫn tâm, tàn ác, đê hèn không nhiều mà do những quan niệm sai lầm, do thiếu hiểu biết, do không được trang bị kỹ năng giải quyết tranh chấp hoặc do nóng giận. Do đó, pháp luật cũng cần phải cho họ những cơ hội để giác ngộ, sửa chữa sai lầm, cũng là tạo cơ hội cho gia đình của họ được hàn gắn.

3. Trách nhiệm của cá nhân, gia đình và các cơ quan tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình

*Trách nhiệm của cá nhân, gia đình

Trách nhiệm của gia đình, cá nhân được quy định trong Điều 32 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007. Qua đó, phải khẳng định rằng gia đình và thành viên gia đình đóng một vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình giữa vợ và chồng. Họ cùng chung sống dưới một mái nhà, có khả năng phát hiện nhanh chóng cũng như tìm hiểu nguyên nhân, diễn biến, mức độ của hành vi bạo lực của người vợ, người chồng; họ cũng là người có khả năng thành công trong việc giáo dục, thuyết phục người có hành vi bạo lực thay đổi hành vi bởi hai bên có sự hiểu biết nhau, có mối quan hệ thân thiết nhau…

Tuy nhiên, trên thực tế đã cho thấy nhiều trường hợp các thành viên khác trong gia đình đã tiếp tay cho hành vi bạo lực như: mẹ xúi con trai “giáo dục” vợ bằng nắm đấm. Những hành động này phần nhiều không xuất phát từ ý xấu mà chỉ do quan niệm khác nhau của mỗi người, nhưng lại tác động rất lớn đến người thực hiện hành vi bạo lực.

Chính vậy pháp luật đã quy định gia đình và các thành viên gia đình phải có những trách nhiệm, phải có sự chủ động nhất định trong phòng, chống bạo lực gia đình: giáo dục, nhắc nhở, hòa giải mâu thuẩn giữa các thành viên, ngăn chặn người có hành vi bạo lực; chăm sóc nạn nhân…Đây là những việc họ hoàn toàn có khả năng thực hiện, còn việc có thực hiện hay không, thực hiện như thế nào thì lại phụ thuộc vào mỗi người, mỗi gia đình, mỗi hoàn cảnh. Pháp luật không quy định đây là nghĩa vụ mà chỉ là trách nhiệm của gia đình và các thành viên. Tuy nhiên, nếu có những hành vi bị cấm trong phòng, chống bạo lực gia đình thì họ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật:

*Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức khác

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã nêu lên trách nhiệm của rất nhiều cơ quan, tổ chức, trong đó có thể kể tới trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong việc tuyên truyền, phòng chống bạo lực gia đình. Ngoài ra, Luật cũng quy định cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình. Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương”. Trách nhiệm của một số Bộ, ngành cũng được cụ thể trong Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007.

4.  Xử lý vi phạm pháp luật về Phòng, chống bạo lực gia đình

Điều 42 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007 đã quy định về xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Theo đó, người vợ, người chồng mà có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình có thể bị xử lý bằng các biện pháp khác nhau, cụ thể: Xử lý kỷ luật, Xử lý hành chính; Xử lý theo pháp luật dân sự; Xử lý theo pháp luật hình sự.

III. THỰC TRẠNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH GIỮA VỢ  VÀ CHỒNG VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ ÁP DỤNG PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH GIỮA VỢ CHỒNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

1. Đánh giá chung về tình hình BLGĐ giữa vợ chồng

Kết quả từ những cuộc điều tra, khảo sát thời gian qua cho thấy, BLGĐ ở Việt Nam không phải là vấn đề mới, song là vấn đề khá “nóng” đang diễn ra phức tạp.

Trước khi Luật phòng, chống bạo lục gia đình (PCBLGĐ) được ban hành, theo điều tra, khảo sát của Ủy ban các vấn đề  xã hội của Quốc Hội năm 2006 với 2000 mẫu đơn gồm người dân, nạn nhân BLGĐ, người gây BLGĐ, cán bộ xã, cán bộ y tế, công an, phụ nữ, TAND cấp huyện cho biết: Hằng năm 2,3% số gia đình có hành vi bạo lực thể chất (đánh đập), 25 % số gia đình có hành vi bạo lực tinh thần, 30% số cặp vợ chồng có hiện tượng ép buộc quan hệ tình dục.

Điều tra gia đình Việt Nam do Bộ văn hóa, thể thao và du lịch, Tổng cục Thống Kê, Viện Gia đình và Giới, UNICEF thực hiện 2006 cho thấy: có khoảng 21,2% số cặp vợ chồng xảy ra các hiện tượng bảo lực như đánh đập, mắng chửi, chấp nhận quan hệ tình dục khi không có nhu cầu.

Theo nghiên cứu quốc gia về BLGĐ đối với phụ nữ tại Việt Nam năm 2010 do cục Thống kê – Tổ chức Y tế thế giới WHO tiến hành, cho thấy: cứ 3 phụ nữ có gia đình hoặc đã từng có gia đình thì có 1 người ( khoảng 34%) cho biết họ đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác và tình dục. Nếu xét các hình thức BLGĐ: thể xác, tinh thần, tình dục, thì có 58 số phụ nữ cho biết đã từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức trên.

Theo tài liệu của Viện Khoa học xét xử, tính đến năm 2014 có 42% các vụ ly hôn mà nguyên nhân là do BLGĐ, trong đó 0,6% là tỷ lệ vợ đánh chồng, vợ mắng chửi chồng là 8,5%, vợ ép chồng quan hệ tình dục là 1,6%.

Như vậy, nếu nhìn vào kết quả của các cuộc khảo sát, nghiên cứu thì phụ nữ, mà cụ thể là người vợ là nạn nhân chủ yếu của BLGĐ giữa vợ và chồng, tuy nhiên bạo lực giữa vợ đối với chồng cũng ngày càng nhiều và nhận được sự quan tâm của dư luận.

Có thể thấy, BLGĐ giữa vợ và chồng là một hiện tượng xã hội tiêu cực, mang tính phổ biến, ở các vùng núi hay đồng bằng, thành thị và nông thôn, trong gia đình khá giả hay nghèo khó thì BLGĐ giữa vợ chồng đều đã xảy ra với các hình thức ngày càng phong phú, đan xen nhau..

2. Thực trạng áp dụng pháp luật PCBLGĐ

Công tác triển khai thi hành Luật PCBLGĐ được triển khai đồng bộ từ trung ương xuống địa phương, đồng thời có sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chình trị – xã hội và các tầng lớp nhân dân trên địa phương. Nhiều hoạt động hộ trợ PCBLGĐ đã được triển khai như: mở các lớp bồi dường hòa giải, tuyên truyền sâu rộng pháp luật về PCBLGĐ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc áp dụng, triển khai Luật PCBLGĐ cũng gặp không ít khó khăn:

Thứ nhất, công tác đánh giá, xử lý, giải quyết vụ việc BLGĐ chưa thực sự hiệu quả:

Có thể đưa ra ví dụ như ở huyện Ngọc Hồi tình Kontum, theo báo cáo đánh giá sợ kết qua 5 năm thực hiện triển khai công tác PCBLGĐ trên địa bàn huyện bắt đầu từ việc thống kê, báo cáo số liệu về PCBLGĐ ở cơ sở: một số cán bộ làm thống kê, báo cáo chưa nhận thức được đầy đủ về BLGĐ, từ đó không nhận dạng được các hình thức BLGĐ. Việc đánh giá, xử lý tình hình BLGĐ cũng chưa thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác phát hiện, xử lý, giải quyết vụ việc BLGĐ cũng gặp nhiều khó khăn. Về phía cán bộ làm công tác hòa giải, mặc dù số cán bộ hòa giải ở cơ sở ngày càng được tăng cường nhưng họ chưa được bồi dường, tập huấn đầy đủ nên nghiệp vụ hiệu quả chưa cao.

Thứ hai, sự hiểu biết pháp luật PCBLGĐ của nạn nhân còn kém:

Nạn nhân bị BLGĐ chưa hiểu biết hết quyền và nghĩa vụ của mình, cũng như không chủ động báo cáo sự việc dẫn đến tính trạng BLGĐ không được phát hiện, xử lý kịp thời. Theo kết quả Nghiên cứu quôc gia về BLGĐ của Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp quốc công bố ngày 25/11/2010 cho thấy: có khoảng 60% phụ nữ từng bị BLGĐ về thể xác và tình dục do chồng gây ra cho biết họ có nghe về Luật PCBLGĐ những không nắm rõ về Luật. Thế nên đa số chỉ quan tâm tới quyền của nạn nhân khi xảy ra BLGĐ hơn nghĩa vụ của họ; trên 1/3 tổng số phụ nữ được hỏi chứ thấy được nghĩa vụ cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng khi có BLGĐ xảy ra, dù đây là nghĩa vụ mà pháp luật quy định để bảo vệ quyền lợi cho họ. Mặt khác, nhiều trường hợp người vợ, người chồng vị BLGĐ mà không biết mình là nạn nhận của BLGĐ, khi mà họ coi việc bị chồng, vợ đánh đập, mắng nhiếc như một thói quen. Bên cạnh đó, không phải lúc nào nạn nhân cũng biết và thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của Luật PCBLGĐ.

Thứ ba, Khâu tuyên truyền phổ biến pháp luật còn hạn chế

Việc tuyên truyền về BLGĐ nói chung và BLGĐ giữa vợ chồng nói riêng còn hạn chế, dẫn đến quan niệm và cách nhìn nhận của nhiều người về hành vi GĐ còn chưa đúng. Bằng chứng là không ít người còn quan niệm lạc hậu chỉ những hậu quả nặng nề về mặt thể chất mới là hành vi BLGĐ. Những hành vi bạo lực tinh thần như mắng nhiếc, xua đổi, cưỡng ép tình dục còn chưa nhận biết rõ,… Thậm chí, chính những người cán bộ ở địa phương cũng không nhận thức được về hành vi BLGĐ mà thực hiện hành vi đó với vợ mình hay xúi giục con cái thực hiện hành vi BLGĐ.

Thứ tư, vai trò của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền còn rất mờ nhạt

Pháp luật về BLGĐ cũng chưa có một quy định cụ thể để ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc thông tin, tuyên truyền về PCBLGĐ để nâng cao hiểu biết, từ đó thay đổi nhận thức của bản thân cũng như của người dân khi thực hiện công việc của mình. Các nhà làm luật không quy định cơ chế rõ ràng cụ thể cho việc thực thi trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trên thực tế mà chỉ quy định chung chung trong chương 4 Luật PCBLGĐ. Điều này chứng tỏ, những quy định về PCBLGĐ này chưa thực sự đi vào cuộc sống xã hội.

Thứ năm, các biện pháp xử lý còn chưa hợp lý và khó áp dụng trên thực tế

Với việc xử lý hành chính phạt tiền người có hành vi BLGĐ, đối với BLGĐ giữa vợ chồng thì đây là con dao hai lưỡi khiến tình trạng có thể nghiệm trọng hơn. Người chồng, vợ có hành vi bạo lực phải nộp phạt, sau đó lại trút giận lên nạn nhân với hành vi kinh khủng hơn, tinh vi hơn, hoặc trường hợp người phải nộp phạt không có thu nhập thì việc nộp phạt không đạt được ý nghĩa như mong muốn khi xây dựng chế tài này.

Hay quy định về cấm tiếp xúc trong một thời gian giữa nạn nhân và người gây ra BLGĐ là cần thiết, tuy nhiên thực tế ngoài mối quan hệ vợ chồng thì họ còn có nghĩa vụ với con cái, đặc biệt là những người mẹ, cho nên họ thường chọn cách nín nhịn. Do đó, việc thưc hiện biện pháp cũng khó khăn trên thực tế.

3.     Giải pháp tăng cường hiệu quả áp dụng pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình giữa vợ chồng

a) Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống BLGĐ

Có thể thấy, mặc dù được Đảng và Nhà nước quan tâm, dù đã có một hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình nhưng những quy định này thực sự chưa đi vào cuộc sống, chưa đi sâu vào nhận thức của người dân, và quan trọng hơn là chưa làm thay đổi cơ bản tình hình bạo lực gia đình trong xã hội trong thời gia qua, bạo lực gia đình giữa vợ và chồng ngày càng tăng và có xu hướng gây tổn thương cao hơn. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật với vấn đề bạo lực gia đình nói chung hay bạo lực gia đình giữa vợ chồng nói riêng thì cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Làm rõ một số khái niệm quan trọng trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

Để công tác phòng, chống bạo lực gia đình đạt hiệu quả như mong đợi thì trước hết cần phải xác định rõ khái niệm “bạo lực gia đình” đang được đề cập tới. Trong xã hội, quan niệm về bạo lực gia đình của người dân còn khá mơ hồ, và dường như chỉ có hành vi bạo lực về mặt thể chất là được chú ý tới. Khi trong tiềm thức của mỗi người dân còn cho rằng một cái tát, một câu chửi mắng nhau lúc nóng giận là bình thường, con hư thì bố mẹ phải đánh để giáo dục, hay việc đáp ứng nhu cầu tình dục của chồng là nghĩa vụ của người vợ….thì chuyện ấy đương nhiên sẽ không bị coi là bạo lực gia đình, là vi phạm pháp luật. Vì vậy, muốn định hướng hành vi trước tiên cần phải định hướng về nhận thức, phải quy định một cách rõ ràng và cụ thể những hành vi mà pháp luật quy định là bạo lực gia đình và cần phải phòng chống.

Hiện nay, theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 chỉ đưa ra định nghĩa “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả nang gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình” và liệt kê các hành vi được coi là bạo lực gia đình tại Khoản 1 Điều 2. Tức là pháp luật đã thừa nhận 3 nhóm hành vi bạo lực: Bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế nhưng lại không đưa ra sự phân loại hành vi của từng nhóm. Ngoài ra, những hành vi được quy định cũng khá chung chung, trong khi trình độ nhận thức của đại đa số người dân còn hạn chế nên cần có sự hướng dẫn cụ thể.

Vì vậy, cần phải quy định rõ ràng hơn những hành vi bị coi là “bạo lực gia đình” và có sự tổng hợp các quy định tại những văn bản pháp luật khác nhau về các hành vi để đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả của các quy phạm pháp luật.

Bên cạnh việc chỉ ra các hành vi thì việc xác định rõ các đối tượng của bạo lực gia đình cũng rất quan trọng, từ đó có thể xây dựng các biện pháp phòng chống bạo lực gia đình thích hợp. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định: “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả nang gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình” và bổ sung “Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng”(Khoản 2 Điều 2).

Tuy nhiên, Luật lại không giải thích khái niệm “thành viên gia đình” nên gây khó hiểu trong quá trình áp dụng luật. Hiện nay, đa số người dân vẫn dựa vào khái niện gia đình theo Luật Hôn nhân và gia đình “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền giữa họ với nhau theo quy định của Luật này”; từ đó cho rằng: thành viên gia đình là những người gắn bó với nhau do hôn nhân, do quan hệ huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng. Sự suy luận này tưởng như rất logic nhưng suy cho cùng thì chẳng có căn cứ gì, bởi Luật Hôn nhân và gia đình và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là hai đạo luật hoàn toàn độc lập nhau, có vị trí ngang bằng nhau trong hệ thống pháp luật, nên không thể tùy tiện áp dụng khái niệm của Luật này để giải thích quy định của Luật khác. Như vậy, hiện nay đối tượng điều chỉnh của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chưa được quy định một cách rõ ràng, có thể gây ra nhiều cách hiểu khác nhau, và do đó việc áp dụng các quy định này để bảo vệ nạn nhân trở nên khó khăn hơn.

Thứ hai, hoàn thiện một số quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

Biện pháp cấm tiếp xúc: Việc quy định việc cấm tiếp xúc trong một thời gian giữa người có hành vi bạo lực và nạn nhân là cần thiết để đảm bảo sự an toàn cho nạn nhân, để hai bên có thời gian cân nhắc về hành động và cũng là để giáo dục người có hành vi bạo lực về tội lỗi của họ. Tuy nhiên, biện pháp này yêu cầu có sự đồng ý của nạn nhân hoặc người giám hộ, điều này có phần chưa khả thi. Bởi vì, bản chất của những mối quan hệ trong gia đình là gắn bó thân thiết và bền chặt, nếu một người có ý từ bỏ, sống ra ngoài thì mối liên hệ giữa các thành viên thường bị cho rằng sẽ trở nên lỏng lẻo và khó chấp nhận, Hơn nữa, với những nạn nhân của bạo lực gia đình là phụ nữ và trẻ em, do họ phụ thuộc nhiều vào người chồng, người cha, đặc biệt phụ nữ lại rất gắn bó với con cái, nên dù bị đối xử tàn nhẫn nên họ vẫn có thể nín nhịn, tiếp tục sống chung với người có hành vi bạo lực. Do đó, việc quy định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc phải có sự đồng ý của nạn nhân mặc dù rất thỏa đáng khi để nạn nhân tự cân nhắc, quyết định theo tình cảm và ý thức của họ, nhưng mặt khác cũng là chưa thể bảo vệ họ tránh những hành vi bạo lực nguy hiểm có thể xảy ra tiếp theo.

Bên cạnh đó, quy định về một trong những điều kiện áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc chưa thật hợp lý: Người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc, nơi ở này bao gồm nhà của người thân, bạn bè, địa chỉ tin cậy hoặc nơi ở khác mà nạn nhân bạo lực gia đình tự nguyện chuyển đến ở. (Điều 9 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04/02/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều cuat Luật Phòng, chống bạo lực gia đình). Rõ ràng như vậy, nạn nhân của bạo lực gia đình tiếp tục bị thiệt thòi: họ bị tổn thương, và để tránh những tổn thương này họ bị buộc phải rời khỏi nhà của mình. Như vậy, những người khác nhìn vào có thể cho rằng đó là “hình phạt”cho những người không biết cam chịu mà lên tiếng đòi công bằng cho mình. Trong khi đó, kẻ có hành vi bạo hành lại đương nhiên được ở nhà của mình, và việc nạn nhân không ở đó, thậm chí có khi là mong muốn của kẻ có hành vi bạo hành, nên họ có thể hoàn toàn không quan tâm. Quy định này vừa nhìn vào thì có thể thấy có lẽ dựa trên quy định về tự do cư trú của cá nhân, mà quên rằng nạn nhân cũng bắt buộc phải chọn nơi ở khác do những hành vi trái pháp luật của người có hành vi bạo lực; và những người thực hiện hành vi này hoàn toàn có thể bị tước bỏ quyền tự do lựa chọn nơi cư trú vì bản thân họ đã vi phạm pháp luật.

Do đó, khi áp dụng biện pháp này, trong một số trường hợp không cần đến sự yêu cầu hay cho phép của nạn nhân (trường hợp hành vi bạo lực gây tổn hại hết sức nghiêm trọng tới sức khỏe, danh dự của nạn nhân; hành vi lặp lại nhiều lần; người có hành vi đã được giáo dục mà tiếp tục vi phạm…). Đồng thời, nếu thực hiện cấm tiếp xúc thì người thực hiện hành vi có thể phải rời khỏi nơi cư trú (nếu nạn nhân không tìm được nơi ở khác thích hợp) và đảm bảo quyền trông nom, chăm sóc gia đình, con cái của nạn nhân. Trường hợp nạn nhân hoàn toàn bị lệ thuộc vào kinh tế thì khi cách li có thể xem xét việc yêu cầu cấp dưỡng cho nạn nhân.

Quy định về hình thức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình: Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình (Nghị định) – đã đưa ra những chế tài cần thiết đối với người thực hiện hành vi bạo lực gia đình. Tuy nhiên, quy định về hình thức phạt tiền của Nghị định này còn chưa được hợp lý, bởi mức hình phạt nhìn chung còn thấp, trong một số trường hợp là rất bất hợp lý như  hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người ngăn chặn, phát hiện, báo tin bạo lực gia đình, người giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình hoặc hành vi ép người khác kết hôn, ly hôn, tảo hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác thì mức phạt tiền chỉ từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. Mức phạt như vậy là quá thấp, không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi. Ngay cả với những hình phạt cao hơn thì đối với những người có điều kiện kinh tế thì phạt tiền cũng không có ý nghĩa giáo dục họ. Ngược lại, trong nhiều trường hợp biện pháp này có thể trở thành “con dao hai lưỡi”, khiến tình trạng bạo lực nghiêm trọng hơn: người có hành vi bạo lực vì phải nộp phạt mà trút giận lên nạn nhân bằng những hành vi bạo lực kinh khủng hơn, tinh vi hơn…

Ngoài ra, những trường hợp người nộp phạt không có thu nhập thì việc phạt tiền đối với họ dường như không có nhiều ý nghĩa. Trường hợp chồng nát rượu, không công ăn việc làm mà còn có hành vi đánh đập vợ con thì  câu hỏi đặt ra “ai là người phải nộp phạt?” Pháp luật có quy định việc cưỡng chế, kê biên thi hành án, nhưng tài sản trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng, nếu áp dụng chế tài này thì cơ quan thi hành án cũng gặp không ít khó khăn và hơn nữa quyền lợi về tài sản của vợ chồng cũng bị ảnh hưởng. Do đó, rất nhiều trường hợp nạn nhân phải đi nộp thay cho người có hành vi vi phạm, và như vậy thì không thể giáo dục người vi phạm mà chỉ làm nạn nhân không muốn tố cáo lần sau. Tương tự, trường hợp người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi bị xử phạt vì hành vi bạo lực với bố mẹ, nếu họ không có tiền nộp phạt thì nạn nhân – bố mẹ họ phải nộp thay.

Xuất phát từ bất cập trên chúng ta có thể bỏ chế tài phạt tiền đối với các hành vi nêu trên mà chẳng hạn thay vào đó là chế tài lao động công ích trong xử lý vi phạm hành chính trong phòng, chống bạo lực gia đình. Biện pháp này có thể mang tính khả thi cao hơn vì nó có ý nghĩa giáo dục tích cực với người có hành vi bạo lực, đồng thời không ảnh hưởng tới quyền lợi của nạn nhân. Hơn nữa, biện pháp này còn giáo dục tích cực đối với những cá nhân khác: họ không muốn hình thức xử phạt công khai, có nhiều người biết tới như vậy, nên sẽ cố gắng tránh bằng cách không thực hiện hành vi vi phạm. Tuy nhiên, nếu áp dụng biện pháp này thì cũng thấy đây là biện pháp còn khá mới ở nước ta, nên cũng có thể quy định một cách mềm dẻo, linh hoạt: chỉ áp dụng bắt buộc đối với người có hành vi tái phạm; tính thời gian lao động công ích tương đương với số tiền phạt…Nhưng nếu đã bị áp dụng hình thức xử phạt này thì không được cho phép thay thế bằng phạt tiền để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

– Quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền: có thể thấy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong phòng, chống bạo lực gia đình còn rất mờ nhạt, mà nguyên nhân chính là do các cơ quan này chưa thật sự ý thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác này, cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ đã được pháp luật quy định cho họ.Trong khi đó, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình cũng chưa có một quy định chặt chẽ để ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan này.

b) Tăng cường công tác tổ chức thực hiện pháp luật về PCBLGĐ giữa vợ và chồng

Để pháp luật PCBLGĐ đi vào thực tiễn đời sống, được nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh là một công việc cực kì khó khăn. Cho nên, việc cần xây dụng và hoàn chỉnh hệ thống pháp luật PCBLGĐ chỉ là bước đầu, khó khăn lớn nhất là việc tổ chức thực hiện, đưa pháp luật PCBLGĐ vào cuộc sống, biến pháp luật thành hoạt động thực tiễn của nhân dân. Đây là hoạt động mang tính quyết định thành công của việc điều chỉnh hành vi con người bằng pháp luật, để pháp luật do Nhà nước ban hành được chấp hành. Vì vậy, tổ chức thực hiện tốt pháp luật PCBLGĐ sẽ là một trong những biện pháp phòng chống vi phạm pháp luật PCBLGĐ hiệu quả.

Để tổ chức thực hiện tốt pháp luật PCBLGĐ thì một trong những biện pháp có ý nghĩa quyết định là giáo dục nâng cao ý thức pháp luật, năng lục thực hiện pháp luật PCBLGĐ trong cộng đồng. Cụ thể:

– Xây dựng chương trình giao dục truyền thông mạnh mẽ trên phạm vi rộng khắp trên toàn xã hội nhằm phổ biến kiến thức và nâng cao hiểu biết cộng đồng về pháp luật PCBLGĐ, từ đó huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc ngăn chặn vi phạm pháp luật PCBLGĐ

– Tăng cường tuyên truyền, giáo dục Luật PCBLGĐ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân đặc biệt là thế hệ trẻ. Tại địa phương, cần đảm bảo thực hiện 100% các gia đình được học tập nội dung cơ bản của Luật PCBLGĐ.

– Tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ cấp cơ sở nâng cao năng lực quản lý, hiệu biết về pháp luật; tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng tư vấn, kỹ năng thương thuyết, hòa giải, kỹ năng công tác xã hội.Tổ chức các buổi sinh hoạt, tuyên truyền kiến thức về PCBGĐ.

– Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích pháp luật PCBLGĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao ý thức pháp luật; kết hợp với các chương trình xây dựng gia đình văn hóa; chương trình xây dựng nông thôn mới,…

– Kiểm tra việc thực hiện pháp luật PCBLGĐ ở các cơ quan đơn vị; xây dựng các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc không có BLGĐ, tập huấn các kiến thức về PCBLGĐ cho các thành viên. Chính quyền, đoàn thể cần phối hợp với các chương trình xây dựng gia đình văn hóa và phòng chống tệ nạn xã hội để xây dựng các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc không bạo lục gia đình.

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com