Trách nhiệm pháp lý đối với trẻ em 14 tuổi, 11 tuổi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Trách nhiệm pháp lý đối với trẻ em 14 tuổi, 11 tuổi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản?

Xin nhờ Luật sư tư vấn giúp tôi trường hợp này: có 3 đứa trẻ, 2 đứa 11 tuổi, 1 đứa 13 tuổi, rủ nhau đi ăn trộm và trộm 1 khoản tiền 3 triệu đồng, hiện đã bị bắt giữ tại công an. gia đình đã trả lại số tiền trên cho người bị trộm. Vậy biện pháp xử lý chúng như thế nào? Có phải truy cứu trách nhiệm hình sự không?


Luật sư Tư vấn Luật Hình sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 17 tháng 09 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Trách nhiệm pháp lý đối với trẻ em 14 tuổi, 11 tuổi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản

+ Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017;

+ Luật Xử lý Vi phạm hành chính 2012;

+ Bộ luật Dân sự 2015;

+ Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình

3./ Luật sư tư vấn

Khi có hành vi xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác, người có hành vi này sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý tương ứng với tính chất, quy mô hành vi thực hiện và dựa trên căn cứ pháp luật. Theo đó, trường hợp trên, trách nhiệm của những người thực hiện hành vi trộm cắp tài sản như sau:

1.Về trách nhiệm hình sự

Với hành vi trộm cắp tài sản có giá trị 3 triệu đồng, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trộm cắp tài sản theo Khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, cụ thể:

Điều 173. Tội trộm cắp tài sản

1.Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

….

Tuy nhiên, với trường hợp của quý khách hàng, những người có hành vi trộm cắp tài sản  hiện nay đều là trẻ em, có độ tuổi là 14 tuổi và 11 tuổi, căn cứ Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:

Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

1.Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

2.Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”

Theo đó, trường hợp này, những người thực hiện hành vi trộm cắp là trẻ em nêu trên, không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.

2.Về Trách nhiệm hành chính

Người có hành vi vi phạm pháp luật, bên cạnh trách nhiệm hình sự thì có thể phải chịu trách nhiệm hành chính theo quy định. Đối tượng là cá nhân bị xử lý vi phạm hành chính theo Khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 gồm:

Điều 5. Đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính

1.Các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

a) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.

Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vi phạm hành chính thì bị xử lý như đối với công dân khác; trường hợp cần áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn liên quan đến quốc phòng, an ninh thì người xử phạt đề nghị cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có thẩm quyền xử lý;

b) Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra;

c) Cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Theo đó, trường hợp này, người có hành vi trộm cắp 14 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính về hành vi trộm cắp tài sản theo quy định pháp luật,cụ thể:

Căn cứ Khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính với hành vi trộm cắp tài sản như sau:

Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác

1.Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Trộm cắp tài sản;

b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác;

c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác;

d) Sử dụng trái phép tài sản của người khác.

2.Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;

b) Gây mất mát, hư hỏng hoặc làm thiệt hại tài sản của Nhà nước được giao trực tiếp quản lý;

c) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;

d) Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác;

đ) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có;

e) Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.

Theo đó, với người có hành vi trộm cắp tài sản đã đủ 14 tuổi chưa đủ cấu thành tội phạm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng, trường hợp không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm, mức phạt áp dụng là 1 triệu 5 trăm nghìn đồng.

Với người trộm cắp 11 tuổi, dù có hành vi vi phạm pháp luật nhưng không thuộc đối tượng bị xử lý hành chính, do đó, cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc tuyên truyền pháp luật để răn đe, phòng ngừa vi phạm pháp luật.

3.Về Trách nhiệm dân sự

Trường hợp này, những người thực hiện hành vi đều phải có trách nhiệm bồi thường dân sự cho người bị xâm phạm lợi ích. Trách nhiệm dân sự được đặt ra cho tất cả những người có hành vi trộm cắp và không xác định dựa trên độ tuổi của cá nhân thực hiện hành vi. Việc thực hiện bồi thường với những cá nhân dưới 15 tuổi do người đại diện theo pháp luật thực hiện (cha, mẹ bằng tài sản của cha mẹ trước).

Vậy, trách nhiệm hình sự với hành vi trộm cắp tài sản nêu trên không được đặt ra, tuy nhiên, người thực hiện hành vi trái pháp luật nêu trên vẫn sẽ bị xử lý hành chính (đối với người đã 14 tuổi) và chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại.

Với những tư vấn về câu hỏi Trách nhiệm pháp lý đối với trẻ em 14 tuổi, 11 tuổi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

Tham khảo thêm bài viết:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com