Thời gian thi hành án dân sự là bao lâu?

Thời gian thi hành án dân sự là bao lâu?

 

 

Cho em hỏi, gia đình em hiện là người được thi hành án, nhưng người bị thi hành án cứ kéo dài thời gian thi hành án, hiện nay cơ quan thi hành án huyện vẫn thi hành án, nhưng cứ thay đổi nhân sự nên kéo dài 1 năm thi hành án. Vậy, khi được tuyên án thì thời gian là bao lâu để cơ quan thi hành án làm xong cho bên được thi hành án dân sự (bên nợtiền phải trả tiền cho người cho mượn tiền) là 1 năm hay 2 năm… mà Nhà nước quy định hiện nay?

 

Gửi bởi: Nguyễn Thùy Trang

Trả lời có tính chất tham khảo

 

 

Pháp luật hiện nay không quy định cụ thể thời gian bao nhiêu lâu phải thi hành xong một việc thi hành án dân sự, bởi lẽ tùy từng trường hợp cụ thể mà hiệu quả thi hành một việc thi hành án nhanh hoặc chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ví dụ, người phải thi hành tự nguyện nộp tiền, tài sản để thi hành án hoặc người được thi hành án và người phải thi hành án thỏa thuận được với nhau về việc thi hành án hoặc tài sản của người phải thi hành án bị kê biên, bán đấu giá mà có người mua ngay v.v thì việc thi hành án sớm thực hiện xong. Ngược lại, nếu tài sản của người phải thi hành án bị kê biên, thông báo bán đấu giá nhưng không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc tài sản kê biên có tranh chấp phải khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết v.v. thì việc thi hành án khó thực hiện xong một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này có quy định thời hạn thực hiện công việc nhất định trong quá trình thi hành một việc thi hành án. Ví dụ: Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án của đương sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án; trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành quyết định thi hành án đó (Điều 36 Luật Thi hành án dân sự). Trong thời hạn không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Chấp hành viên phải lập hồ sơ thi hành án (điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư số 22/2011/TT-BTP ngày 02/12/2011 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục trong quản lý hành chính về thi hành án dân sự). Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay (khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014). Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc hành vi khác nhằm trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên áp dụng ngay biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án (Điều 45 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014). Tài sản đã kê biên được bán theo các hình thức bán đấu giá, bán không qua thủ tục đấu giá; việc bán đấu giá đối với tài sản kê biên là động sản có giá trị từ trên 10.000.000 đồng và bất động sản do tổ chức bán đấu giá thực hiện; đương sự có quyền thoả thuận về tổ chức bán đấu giá trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày định giá. Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản với tổ chức bán đấu giá do đương sự thoả thuận. Trường hợp đương sự không thoả thuận được thì Chấp hành viên lựa chọn tổ chức bán đấu giá để ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản. Việc ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá tài sản được tiến hành trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày định giá. Việc bán đấu giá đối với động sản phải được thực hiện trong thời hạn là 30 ngày, đối với bất động sản là 45 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng (Điều 101 Luật Thi hành án dân sự năm 2008). Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày thu được tiền, tài sản thi hành án, Chấp hành viên phải thực hiện việc thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án (khoản 5 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014).v.v.

Vì vậy, trường hợp bạn hỏi, gia đình bạn cần liên hệ trực tiếp với cơ quan thi hành án đang tổ chức việc thi hành án đề nghị cho biết tình trạng giải quyết việc thi hành án và cũng đề nghị cơ quan thi hành án tích cực tổ chức việc thi hành án đúng thời hạn của các công việc cụ thể để bảo đảm lợi ích hợp pháp của gia đình bạn theo quy định của pháp luật.

Các văn bản liên quan:

Luật 64/2014/QH13 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự

Thông tư 22/2011/TT-BTP Hướng dẫn thực hiện một số thủ tục trong quản lý hành chính về thi hành án dân sự

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com