Khoản tiền tuất có được coi là thu nhập hợp pháp để khấu trừ đảm bảo thi hành án không?

Khoản tiền tuất có được coi là thu nhập hợp pháp để khấu trừ đảm bảo thi hành án không?

 

 

Anh A phải cấp dưỡng nuôi con 800.000 đ/tháng cùng chị B để nuôi con chung nhưng anh A không tự nguyện thi hành án. Qua xác minh thấy anh A có nhà đất khoảng 80m2, mặt tiền 4m đang được anh dùng để ở và làm quán cắt tóc tại nhà. Ngoài ra, anh A là con duy nhất của liệt sỹ (bố đẻ) lại bị bệnh nên được hưởng tiền tuất nuôi dưỡng của liệt sỹ với số tiền 2.000.000/tháng. Vậy xin hỏi, khoản tiền tuất nuôi dưỡng này có được coi là thu nhập hợp pháp để khấu trừ đảm bảo thi hành án không?Nhà đất của anh A nhu vậy có kê biên, bán đấu giá để đảm bảo THA được k? Nghề cắt tóc của anh A rất khó để xác định thu nhập. Vậy nên áp dụng biện pháp cưỡng chế nào để thi hành án cho phù hợp?

 

Gửi bởi: Thu Huyền

Trả lời có tính chất tham khảo

 

 

Trong trường hợp bạn nêu, anh A có nhà đất khoảng 80m2, mặt tiền 4m đang được anh A dùng để ở và làm quán cắt tóc tại nhà và có khoản tiền tuất nuôi dưỡng liệt sỹ với số tiền 2.000.000/tháng thì cần xác định như sau:

1. Khoản tiền tuất nuôi dưỡng nêu trên có được coi là thu nhập hợp pháp để khấu trừ đảm bảo thi hành án không?

Điều 78 Luật Thi hành án dân sự quy định thu nhập của người phải thi hành án gồm tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động và thu nhập hợp pháp khác. Việc trừ vào thu nhập của người phải thi hành án được thực hiện trong các trường hợp theo thỏa thuận của đương sự; bản án, quyết định ấn định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; thi hành án cấp dưỡng, thi hành án theo định kỳ, khoản tiền phải thi hành án không lớn hoặc tài sản khác của người phải thi hành án không đủ để thi hành án. Chấp hành viên ra quyết định trừ vào thu nhập của người phải thi hành án. Mức cao nhất được trừ vào tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động là 30% tổng số tiền được nhận hàng tháng, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác. Đối với thu nhập khác thì mức khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế của người phải thi hành án, nhưng phải đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu của người đó và người được nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật.

Hiện nay pháp luật không quy định cụ thể khoản thu nhập nào không được cưỡng chế khấu trừ để đảm bảo thi hành án, trừ trường hợp tài sản không được kê biên quy định tại Điều 87 Luật Thi hành án dân sự. Do đó, khoản tiền tuất nuôi dưỡng liệt sỹ được coi là thu nhập hợp pháp và có thể khấu trừ đảm bảo thi hành án. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn nêu, anh A bị bệnh nên cơ quan thi hành án dân sự phải xác minh kỹ xem anh A có nguồn thu nhập nào khác nữa không, khoản tiền tuất nuôi dưỡng liệt sỹ 2.000.000/tháng mà anh A được nhận có đủ đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu của anh A và người khác được nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật (trừ người con nêu trên) thì mới quyết định có hay không áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án khấu trừ vào số tiền tuất anh A được nhận hàng tháng.

2. Đối với tài sản là nhà đất khoảng 80m2, mặt tiền 4m đang được anh dùng để ở và làm quán cắt tóc tại nhà?

Với nội dung bản án tuyên anh A phải cấp dưỡng nuôi con 800.000 đ/tháng cùng chị B để nuôi con chung thì đây là loại bản án thi hành theo định kỳ và thời hạn yêu cầu thi hành án 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ (từng tháng), kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn hàng tháng quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự. Vì vậy, khi hết thời hạn hàng tháng thì nghĩa vụ thi hành án của định kỳ tháng sau mới phát sinh, khi đó Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án để đảm bảo thi hành nghĩa vụ thi hành án của những định kỳ (tháng) đã qua nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án.

Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 125/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ quy định Chấp hành viên căn cứ vào nội dung bản án, quyết định; tính chất, mức độ, nghĩa vụ thi hành án; điều kiện của người phải thi hành án; đề nghị của đương sự và tình hình thực tế của địa phương để lựa chọn việc áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án thích hợp. Việc áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết, tuy nhiên trường hợp người phải thi hành án chỉ có một tài sản duy nhất lớn hơn nhiều lần so với nghĩa vụ phải thi hành án mà tài sản đó không thể phân chia được hoặc việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên vẫn có quyền áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế để thi hành án.

Do đó, nếu anh A không tự nguyện thi hành án và cũng không thỏa thuận được với chị B về phương thức thanh toán tiền thi hành án (như trả tiền hàng tháng từ khoản tiền tuất được nhận) thì Chấp hành viên vẫn có quyền áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế đối với nhà đất của anh A để thi hành án đối với các định kỳ đã đến hạn.

Các văn bản liên quan:

Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Nghị định 125/2013/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com