VĂN BẢN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ SÁNG KIẾN: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN TRAO ĐỔI

TS. NGUYỄN VÂN ANHSở KH&CN Bà Rịa – Vũng Tàu

NGUYỄN HỒNG HÀ – Vụ phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN

ĐÀM QUANG – Sở KH&CN Thanh Hóa

Sáng kiến là kết quả của hoạt động sáng tạo, có ý nghĩa quan trọng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội nói chung và phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) nói riêng. Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành các văn bản pháp lý nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, tăng cường phạm vi triển khai áp dụng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn một số nội dung chưa phù hợp, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các cá nhân, tổ chức liên quan. Bài viết phân tích những nội dung này, với mục đích góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý về sáng kiến để phát huy hơn nữa hoạt động này tại các cơ quan, đơn vị.

Một số quy định về sáng kiến

Sáng kiến là một trong những kết quả của hoạt động KH&CN. Theo Từ điển tiếng Việt, “Sáng kiến (Initiative) là ý kiến mới, có tác dụng làm cho công việc tiến hành tốt hơn” [5]. Để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong sản xuất, ngay từ đầu những thập niên 80 của thế kỷ trước, Nhà nước đã ban hành Điều lệ về sáng kiến cải tiến kỹ thuật – hợp lý hóa sản xuất và sáng chế, trong đó sáng kiến được hiểu: Sáng kiến cải tiến kỹ thuật – hợp lý hoá sản xuất được công nhận theo Điều lệ này là một giải pháp kỹ thuật hoặc giải pháp tổ chức sản xuất mới, có khả năng áp dụng và mang lại lợi ích thiết thực cho cơ quan, đơn vị (kể cả đơn vị kinh tế tập thể) nhận đăng ký” (Điều 1, Điều lệ về sáng kiến, Nghị định 31 [7]).

Nội dung của sáng kiến được Nghị định 31 [7] quy định là: “Cải tiến kết cấu máy móc, trang bị, công cụ lao động, sản phẩm, cải tiến phương án thiết kế hoặc kết cấu các công trình xây dựng; Cải tiến tính năng, công dụng, thành phần của nguyên liệu, vật liệu hoặc sản phẩm; Cải tiến phương pháp khảo sát, thiết kế, công nghệ, thi công, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; phương pháp phòng bệnh, chữa bệnh; Cải tiến tổ chức sản xuất nhằm sử dụng hợp lý sức lao động, công cụ lao động, nguyên liệu, vật liệu, năng lượng, tiền vốn…”. Như vậy, mọi hoạt động nêu trên đều thuộc lĩnh vực kỹ thuật. Theo Nghị định 31 [7], tác giả sáng kiến được hưởng quyền lợi như sau: “1. Các cơ quan, đơn vị Nhà nước, các đơn vị kinh tế tập thể khi áp dụng sáng kiến và thu lợi, có nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả; 2. Mức thù lao cho tác giả sáng kiến được tính trong năm áp dụng đầu tiên và không thấp hơn 5% số tiền làm lợi thu được trong năm đó” (Điều 40, Nghị định 31). Tại thời điểm ban hành, Nghị định 31 được coi là bước đột phá, kích thích việc không ngừng đổi mới sáng tạo đối với người lao động. Nhờ đó hình thành nên phong trào sáng kiến trong sản xuất diễn ra trong các nhà máy, xí nghiệp. Từ đó, họat động sáng kiến trở thành tiêu chí chung trong phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt trong hoạt động của tổ chức công đoàn.

 

Năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định 13[3], quy định mới về sáng kiến thay thế cho các Nghị định được ban hành trước đây. Theo đó: “Sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp, giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (gọi chung là giải pháp), được cơ sở công nhận nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: a) có tính mới trong phạm vi cơ sở đó; b) đã được áp dụng hoặc áp dụng thử tại cơ sở đó và có khả năng mang lại lợi ích thiết thực; c) không thuộc đối tượng lọai trừ (giải pháp mà việc công bố, áp dụng giải pháp trái với trật tự công cộng hoặc đạo đức xã hội; giải pháp là đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật tính đến thời điểm xét công nhận sáng kiến)”(Điều 3, Điều lệ sáng kiến, Nghị định 13 [3]).

Luật thi đua khen thưởng được ban hành năm 2003[1], sửa đổi, bổ sung năm 2005[2], 2009[3], 2013[4] (Luật thi đua khen thưởng) đã đưa ra khái niệm: “sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận” (Điều 23, Văn bản hợp nhất luật thi đua khen thưởng [4]).

Những điểm mới trong quy định về sáng kiến

So với Nghị định 31 và các văn bản quy phạm pháp luật về sáng kiến ban hành trước đó, Nghị định 13, Thông tư 18 (Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN ngày 1.8.20113 của Bộ KH&CN hướng dẫn thi hành một số quy định của Điều lệ sáng kiến được ban hành theo Nghị định 13) , cũng như Luật thi đua khen thưởng đưa ra quy định về sáng kiến có nhiều điểm mới, cụ thể:

Một là, sáng kiến được thừa nhận trên nhiều lĩnh vực, ngòai các giải pháp trong lĩnh vực kỹ thuật, sáng kiến còn được công nhận trong lĩnh vực quản lý, tác nghiệp, ứng dụng tiến bộ KH&CN, điều đó thúc đẩy họat động sáng tạo trên mọi mặt của đời sống xã hội, giúp không ngừng nâng cao dân trí, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước.

Hai là, Nghị định 13, quy định rõ quyền lợi cho tác giả sáng kiến và cá nhân tham gia tổ chức áp dụng lần đầu, với thời hạn và mức được hưởng thù lao đều tăng lên so với trước đây. Thời hạn được hưởng thù lao là 3 năm đầu tiên áp dụng sáng kiến. Mức thù lao cho tác giả được áp dụng tối thiểu là 7% tiền làm lợi thu được mỗi năm, hoặc tối thiểu 15% giá chuyển giao. Nếu không tính được tiền làm lợi sáng kiến thì tác giả được trả với mức tối thiểu là 5 lần mức lương tối thiểu chung theo quy định của nhà nước. Những người tham gia tổ chức áp dụng lần đầu được hưởng cùng lúc với tác giả sáng kiến với mức tối thiểu 20% mức thù lao cho tác giả sáng kiến. Việc trả thù lao cho những người tham gia tổ chức áp dụng lần đầu là điểm đặc biệt tiến bộ của Nghị định 13 về sáng kiến. Bởi với một giải pháp mới hình thành còn chứa đựng rất nhiều rủi ro, việc đưa giải pháp vào triển khai áp dụng lần đầu đóng vai trò hết sức quan trọng. Nó quyết định sự thành công của giải pháp. Những cá nhân dám chấp nhận mạo hiểm, đóng vai trò tiên phong cho quá trình lần đầu tiên tham gia tổ chức áp dụng, xứng đáng được thưởng bên cạnh những cá nhân đã đưa ra giải pháp.

Ba là, một giải pháp được công nhận sáng kiến phải thỏa mãn điều kiện không thuộc đối tượng lọai trừ là “Giải pháp là đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật tính đến thời điểm xét công nhận sáng kiến” (Điều 3, Nghị định 13). Việc quy định này nhằm hướng đến việc nhân rộng, phổ biến các giải pháp sáng kiến phục vụ cho lợi ích cộng đồng theo cơ chế “phi thương mại” các thành quả nghiên cứu. Tuy nhiên, sáng kiến sau khi được công nhận, nếu đáp ứng điều kiện vẫn có thể được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như các giải pháp kỹ thuật khác. Nhưng từ thời điểm quyền sở hữu trí tuệ được thiết lập, các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ được áp dụng đối với giải pháp đó thay thế các quy định về sáng kiến.

Bốn là, bên cạnh những lợi ích về vật chất được đề cập ở trên, sáng kiến còn có giá trị về mặt tinh thần. Các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua khen thưởng quy định sáng kiến thuộc một trong các tiêu chí để công nhận thi đua, đối với các danh hiệu thi đua: Chiến sĩ thi đua cơ sở; Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương; Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Từ đó, vai trò, vị trí của công tác sáng kiến trở nên hết sức quan trọng đối với kết quả làm việc của từng cá nhân.

Một số điểm chưa phù hợp

Với các quy định được đề cập ở trên, chúng ta thấy hiện nay có hai hệ thống quy định khác nhau liên quan đến khái niệm sáng kiến song song tồn tại.

Khi đề cập đến sáng kiến, thông thường đó phải là một giải pháp có tính mới. Nhưng Luật thi đua, khen thưởng không đề cập đến tính mới của giải pháp. Một giải pháp nếu không có tính mới thì không thể gọi là sáng kiến. Bởi việc tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác có thể bằng nhiều cách không cần tính mới (tăng giờ làm trong một ngày lao động cũng có thể làm tăng năng suất lao động). Hơn thế nữa, ngòai việc đưa ra khái niệm về sáng kiến, cho tới thời điểm hiện nay, hệ thống văn bản quản lý nhà nước về thi đua khen thưởng không có thêm bất cứ quy định nào khác nhằm bổ sung làm rõ các quy định sáng kiến phù hợp với các danh hiệu thi đua khen thưởng như thế nào là “sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng cấp tỉnh”, “sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng cấp tòan quốc”…

Trong họat động KH&CN, với quy định hiện hành, việc áp dụng khái niệm sáng kiến theo Nghị định 13[3] và Thông tư 18[4] sẽ gặp những bất cập sau:

Thứ nhất, quy định về việc công nhận sáng kiến chỉ phù hợp với giải pháp kỹ thuật. Mặc dù Nghị định 13[3] đề cập công nhận sáng kiến cho các giải pháp thuộc 4 lĩnh vực (kỹ thuật, tác nghiệp, quản lý, ứng dụng tiến bộ KH&CN), nhưng với quy định cụ thể về tính mới của giải pháp được công nhận sáng kiến được quy định tại Điều 4.1, Nghị định 13 là: “b) chưa bị bộc lộ công khai trong các văn bản, sách báo, tài liệu kỹ thuật đến mức căn cứ vào đó có thể thực hiện ngay được”; “d)chưa được quy định thành tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm bắt buộc phải thực hiện” thì chỉ có các giải pháp kỹ thuật mới có thể thỏa mãn điều kiện công nhận sáng kiến. Các giải pháp trong các lĩnh vực còn lại, đặc biệt các giải pháp trong lĩnh vực quản lý không thể thỏa mãn các quy định tại Điều 4.1, Nghị định 13 nêu ra. Bởi lẽ, giải pháp quản lý khác với giải pháp kỹ thuật ở chỗ, để thực hiện quản lý điều hành một tổ chức, cơ quan hay cộng đồng dân chúng, thì phải ban hành các quyết định quản lý (Ví dụ, việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy) với những điều khoản cho hoặc không cho phép thực hiện có tính chất quy định áp dụng chung. Việc áp dụng chỉ thực thi khi quyết định được công bố, ban hành rộng rãi làm cơ sở để triển khai. Điều này sẽ vi phạm các quy định tại điểm b, điểm d của Điều 4.1 của Nghị định 13[3] như đã nói ở trên. Với việc quy định này thì những người làm công tác quản lý, đặc biệt đối với các công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước sẽ chẳng bao giờ có sáng kiến theo quy định của Nghị định 13 [3].

Thứ hai, áp dụng đối tượng loại trừ về công nhận sáng kiến chưa hợp lý.Như bên trên đã đề cập, một trong những điểm mới của quy định liên quan đến sáng kiến được quy định tại Nghị định 13[3] là loại trừ các đối tượng: “Giải pháp là đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật tính đến thời điểm xét công nhận sáng kiến” (Điều 3.2.b, Nghị định 13[3]) nhằm hướng đến việc nhân rộng, phổ biến các giải pháp sáng kiến phục vụ cho lợi ích cộng đồng. Nhưng đây cũng chính là điểm chưa phù hợp, bởi lẽ: trong các đối tượng được xác lập quyền sở hữu trí tuệ, có những đối tượng bắt buộc phải thực hiện đăng ký, ví dụ: kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích,… Tuy nhiên, có những đối tượng, được bảo hộ không cần tiến hành đăng ký. Đó chính là các chương trình máy tính. Theo pháp luật sở hữu trí tuệ chương trình máy tính là đối tượng được bảo hộ dưới hình thức quyền tác giả (Điều 14.1.m, Luật sở hữu trí tuệ). Một giải pháp là chương trình máy tính hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí về tính mới, đã được áp dụng hoặc áp dụng thử, nhưng luôn luôn thuộc đối tượng loại trừ, vì nó là đối tượng được pháp luật bảo hộ dưới hình thức quyền tác giả, quyền tác giả được xác lập ngay khi nó được thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định, không cần phải đăng ký theo pháp luật sở hữu trí tuệ. Mặc dù, ngoài hình thức bảo hộ quyền tác giả, chương trình máy tính còn có thể được pháp luật sở hữu trí tuệ bảo hộ dưới hình thức bằng độc quyền sáng chế hoặc giải pháp hữu ích dưới dạng quy trình nếu thỏa mãn điều kiện. Tuy nhiên, chương trình máy tính được bảo hộ quyền tác giả là hình thức đương nhiên. Vì vậy, với quy định hiện nay về sáng kiến tại Nghị định 13[3], thì một tác giả chương trình máy tính dù tài giỏi, sáng tạo đem lại hiệu quả cho tổ chức bao nhiêu đi chăng nữa cũng không thể có giải pháp được công nhận sáng kiến.

Thứ ba, chưa tương thích với Luật thi đua, khen thưởng.Theo Nghị định 13 [3], sáng kiến được đánh giá và công nhận trong phạm vi “cơ sở”. “Cơ sơ” quy định trong Nghị định 13 [3] là: “cơ quan, tổ chức được thành lập theo pháp luật, có thể nhân danh chính mình tham gia quan hệ pháp luật dân sự một cách độc lập” (Điều 2.4, Điều lệ sáng kiến, Nghị định 13 [3]). Các cơ sở có quyền đánh giá và công nhận sáng kiến bao gồm: cơ sở là chủ đầu tư tạo ra sáng kiến; cơ sở được tác giả sáng kiến chuyển giao. Nghị định 13[3], Thông tư 18[4] cũng chưa đề cập đến khen thưởng theo các cấp theo mức độ công nhận danh hiệu thi đua, khen thưởng.

Theo quy định của Luật thi đua khen thưởng, khen thưởng cho hình thức “chiến sĩ thi đua” được chia thành 3 cấp: “chiến sĩ thi đua cơ sở”; “chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương”, “chiến sĩ thi đua toàn quốc”. Theo quy định của pháp luật thi đua khen thưởng, sáng kiến để công nhận chiến sĩ thi đua ở 3 cấp này , được xem xét ở phạm vi ảnh hưởng theo cấp công nhận chiến sĩ thi đua tương ứng, do hội đồng sáng kiến, hội đồng khoa học ở từng cấp công nhận. Ví dụ, Nghị định 65 [ 5] quy định : “Sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học để làm căn cứ xét tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” phải đạt hiệu quả cao và có phạm vi ảnh hưởng trong toàn quốc. Hội đồng sáng kiến, Hội đồng khoa học cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương có trách nhiệm giúp người đứng đầu xem xét, công nhận và đánh giá mức độ ảnh hưởng của sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học” (Điều 3.2, Nghị định 65). Quy mô và khái niệm “cơ sở” của pháp luật thi đua, khen thưởng hoàn toàn khác quy mô và khái niệm “cơ sở” của Nghị định 13 [3]. Trong công tác thi đua khen thưởng, việc thi đua khen thưởng được tổng kết, đánh giá theo ngành, địa giới hành chính, được minh họa theo sơ đồ sau:

clip_image002

Hình 1: Sơ đồ minh họa các cấp khen thưởng trong hoạt động thi đua khen thưởng

Theo Luật thi đua khen thưởng, tại các địa phương, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” có thể do chủ tịch UBND huyện/ thành phố hoặc Giám đốc sở/ban/ ngành cấp. Sáng kiến để xét thi đua khen thưởng do hội đồng sáng kiến, hội đồng khoa học tại huyện/ thành phố hoặc sở/ban/ngành xem xét đánh giá trong phạm vi cấp cơ sở đó. Trong cấp cơ sở có thể có nhiều “cơ sở” là cơ quan, tổ chức được thành lập theo pháp luật, có thể nhân danh chính mình tham gia quan hệ pháp luật dân sự một cách độc lập theo quy định của Nghị định 13 [3]. Ví dụ, tại Sở KH&CN ngoài văn phòng Sở còn có các trung tâm, trạm, trại, chi cục,.. là các “cơ sở” có thể đánh giá và công nhận để khen thưởng, trả thù lao cho sáng kiến của mình theo quy định của Điều lệ sáng kiến (Nghị định 13 [3]). Tính mới của “ cơ sở” quy định tại Nghị định 13 [3] và “cấp cơ sở” của Luật thi đua khen thưởng không đồng nhất về quy mô xem xét, đánh giá. Một sáng kiến có thể mới ở “cơ sở”, nhưng chưa chắc đã mới ở “cấp cơ sở”.

Một số đề xuất

Quá trình triển khai, để tìm cách đồng nhất các quy định của Nghị định 13, Thông tư 18 và các các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua khen thưởng, có ý kiến cho rằng, để đảm bảo tính thống nhất giữa Luật thi đua khen thưởng và các quy định của Nghị định 13 và Thông tư 18, nên quy định: “Các sáng kiến được xem xét, đánh giá phục vụ thi đua khen thưởng chỉ cần được “cơ sở” công nhận, không cần thiết xem xét tính mới của sáng kiến ở cấp tỉnh hoặc cấp toàn quốc, mà chỉ cần đánh giá mức độ ảnh hưởng của sáng kiến đã được cấp Giấy chứng nhận sáng kiến của những người được đề xuất danh hiệu thi đua để chọn ra các sáng kiến cấp Bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương”. Trước ý kiến nêu trên, chúng tôi cho rằng, khi xét đến ảnh hưởng thì phải làm rõ ảnh hưởng cái gì, ảnh hưởng thể nào. Bởi cùng một đối tượng tác động thì có thể vừa có những ảnh hưởng tích cực, vừa có ảnh hưởng tiêu cực, điều đó liên quan đến nhân tố ảnh hưởng cụ thể. Nghĩa là, khi nói đến đối tượng A tác động lên đối tượng B thì sự tác động đó phải gắn liền với các thuộc tính của chủ thể tác động. Cụ thể là, sáng kiến khi đánh giá phạm vi ảnh hưởng, thì nó phải xem xét đồng thời cả về tính mới, khả năng áp dụng, hiệu quả mang lại. Một giải pháp có thể mới ở cơ sở, nhưng chưa chắc đã mới ở “cấp cơ sở”, “cấp tỉnh” hay “cấp toàn quốc”. Cũng giống như một giải pháp kỹ thuật nó có thể mới ở một quốc gia, nhưng nó không mới ở tầm thế giới nên nó không được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ. Khả năng áp dụng và hiệu quả mang lại cũng có thể được xem xét một cách tương tự. Cho nên, việc đưa ra ý kiến trên là chưa phù hợp.

Theo chúng tôi, để đảm bảo tính thống nhất giữa hai hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (KH&CN và thi đua khen thưởng) về sáng kiến, khái niệm về sáng kiến nên được quy định là: ““Sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp, giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (gọi chung là giải pháp), được tổ chức có thẩm quyền công nhận nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện có tính mới, đã áp dụng và mang lại hiệu quả cho xã hội”. Đồng thời,ngòai việc công nhận sáng kiến tại cơ sở để tác giả và cá nhân liên quan được hưởng các lợi ích vật chất nhất định cần thiết làm rõ các quy định việc đánh giá, công nhận sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng tại các cấp để phục vụ công tác thi đua khen thưởng hàng năm theo quy định.

 

Tóm lại, sáng kiến là kết quả của họat động sáng tạo, gắn liền với họat động KH&CN. Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, gắn liền với những quyền lợi vật chất và giá trị tinh thần để thúc đẩy họat động sáng kiến nhằm đóng góp tích cực với công cuộc đổi mới, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, vì có những quy định khác nhau về sáng kiến giữa Nghị định 13, Thông tư 18 với Luật thi đua khen thưởng, cho nên việc áp dụng hiện nay rất khó khăn, phức tạp. Do vậy, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện các quy định về sáng kiến cho phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ thực tiễn để triển khai áp dụng rộng rãi tại các địa phương.

Tài liệu tham khảo

 

 

[1]

 

Nguyễn Văn Xô (2000), Từ điển tiếng Việt, NXB Khoa học xã hội.

[2]

Hội đồng Bộ trưởng (1990) , Nghị định số 31-CP ngày 23-1-1981 ban hành Điều lệ về sáng kiến cải tiến kỹ thuật – hợp lý hóa sản xuất và sáng chế được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 84-HĐBT ngày 20.3.1990.

[3]

Chính phủ (2012), Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02 tháng 3 năm 2012 ban hành Điều lệ sáng kiến.

[4]

Văn phòng quốc hội (2013), Văn bản hợp nhất Luật Thi đua, Khen thưởng số 16/VBHN-VPQH ngày 13 tháng 12 năm 2013.

[5]

Chính phủ (2014), Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2014 quy định chi tiết thi hành Luật sử đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng năm 2013.

 


[1] Luật thi đua, khen thưởng số 15/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2004;

[2] Luật số 47/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng, có hiệu lực kể từ ngày 27 tháng 6 năm 2005

[3] Luật số 32/2009/QH12 ngày 18 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2010;

[4] Luật số 39/2013/QH13 ngày 16 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2014.

SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ SỐ 12 NĂM 2015 (681), TR 46-49

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com