Quy định về Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ

Quy định về Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ

  1. Quy định về Thủ tướng Chính phủ

Hiến pháp năm 2013 đã kế thừa quy định Hiến pháp năm 1992, đồng thời khẳng định rõ hơn vị trí, vai trò, trách nhiệm của Thủ tướng với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, đồng thời là một thiết chế độc lập có quyền hạn và nhiệm vụ riêng và đứng đầu hệ thống hành chính nhà nước.Cụ thể:

* Vị trí pháp lý, vai trò được xác định rõ:

Lần đầu tiên Hiến pháp khẳng định: “Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ…”(Khoản 2 Điều 95 ). Hiến pháp đã bổ sung quy định: “Phó Thủ tướng,… chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ được phân công.” (Khoản 3 Điều 95); “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ” (Khoản 4 Điều 95); “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Thủ tướng Chính phủ” … (Khoản 2 Điều 99)

* Nhiệm vụ, quyền hạn tăng cường hơn

Hiến pháp sắp xếp, cơ cấu lại nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ một cách khoa học và hợp lý hơn, bảo đảm tương thích với nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ.

Hiến pháp đã phân biệt và quy định rõ 2 loại nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng: nhiệm vụ, quyền hạn với tư cách là người đứng đầu Chính phủ và nhiệm vụ, quyền hạn với tư cách là một thiết chế độc lập tương đối.

Điều này được thể hiện rõ nét khi chúng ta so sánh một số nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ trong hai bản Hiến pháp.Cụ thể:

– Hiến pháp đã làm rõ hơn thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc lãnh đạo, điều hành Chính phủ và hệ thống hành chính Nhà nước. Khoản 1 Điều114 Hiến pháp năm 1992: “ Lãnh đạo công tác của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp; chủ toạ các phiên họp của Chính phủ;”
Quy định trên được sửa đổi, bổ sung lại tại Điều 98 Hiến pháp năm 2013:
“1. Lãnh đạo công tác của Chính phủ; lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật;

2.Lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia;”

– Hiến pháp đã bổ sung thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc “quyết định và chỉ đạo việc đàm phán, chỉ đạo việc ký, gia nhập điều ước quốc tế thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; tổ chức thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;” (khoản 5 Điều 98).
– Hiến pháp quy định đầy đủ hơn nhiệm vụ báo cáo công tác của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Khoản 6 Điều 114 Hiến pháp năm 1992, Thủ tướng Chính phủ phải“Thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng mà Chính phủ phải giải quyết”.

Khoản 6 Điều 98 Hiến pháp năm 2013 sửa lại là: “Thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”.
* Chế độ chịu trách nhiệm rõ hơn, toàn diện hơn

Điều 110 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác với Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước ”.

Quy định trên được sửa lại tại khoản 2 Điều 95 Hiến pháp năm 2013 là: “Thủ tướng Chính phủ…, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao; báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước” .

Với các sửa đổi, bổ sung đã được đề cập, vị thế, vai trò, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ đã được nâng cao hơn, rõ ràng hơn, thể hiện đúng vai trò là “nhạc trưởng” trong điều hành vĩ mô đối với toàn bộ hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính Nhà nước từ Trung ương tới địa phương, Qua đó năng lực của cá nhân Thủ tướng Chính phủ được thể hiện một cách rõ ràng, không bị khuất bởi hai chữ “tập thể”.

  1. Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ

Các quy định của Hiến pháp năm 2013 đề cao, nhấn mạnh hơn trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng trên các mặt công tác: trách nhiệm trước Quốc hội (được Quốc hội phê chuẩn), trách nhiệm trước Chính phủ với tư cách là thành viên của tập thể, trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ với tư cách là người được Thủ tướng Chính phủ tín nhiệm, lựa chọn và đề nghị Quốc hội phê chuẩn, trách nhiệm trước Bộ ngành với tư cách là người đứng đầu ngành, lĩnh vực, trách nhiệm chính trị trước nhân dân(với tư cách là chủ thể được nhân dân ủy quyền).Cụ thể:

* Về vị trí, vai trò:

Hiến pháp hiện hành quy định “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, lãnh đạo công tác của bộ, cơ quan ngang bộ; chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công” (Khoản 1 Điều 99 Hiến pháp năm 2013).Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến của nước ta, Hiến pháp khẳng định rõ vị trí, vai trò của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

* Về nhiệm vụ, quyền hạn:

Hiến pháp đã bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Cụ thể:

-“…; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc” (Khoản 1 Điều 99 Hiến pháp năm 2013);
-“…, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành văn bản pháp luật để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó và xử lý các văn bản trái pháp luật theo quy định của luật” (Điều 100 Hiến pháp năm 2013).

* Về chế độ chịu trách nhiệm:

– Điều 116 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực, ngành mình phụ trách trong phạm vi cả nước, bảo đảm quyền tự chủ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở theo quy định của pháp luật”.

Quy định trên được sửa đổi, bổ sung tại Điều 99 Hiến pháp năm 2013:
“1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ, lãnh đạo công tác của bộ, cơ quan ngang bộ; chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực được phân công; tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc.

2.Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ báo cáo công tác trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý”.

Như vậy, cụm từ “bảo đảm quyền tự chủ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở theo quy định của pháp luật” đã không còn được quy định trong Hiến pháp. Điều này có nghĩa là Chính phủ, các Bộ và cơ quan ngang bộ chỉ tập trung vào quản lý nhà nước vĩ mô và sử dụng các công cụ điều tiết vĩ mô toàn xã hội, tách bạch rõ ràng giữa hoạt động quản lý nhà nước đối với ngành, lãnh thổ và quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, xóa bỏ cơ chế Bộ chủ quản.
– Theo Điều 117 Hiến pháp năm 1992: “Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, trước Quốc hội về lĩnh vực, ngành mình phụ trách”.

Khoản 4 Điều 95 Hiến pháp năm 2013 sửa lại là: “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, cùng các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ”.
Có thể thấy, Hiến pháp hiện hành đã bổ sung trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trước Chính phủ với tư cách là một thiết chế có trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước; và trách nhiệm tập thể với tư cách là thành viên Chính phủ về hoạt động của Chính phủ. Mặt khác, Hiến pháp làm rõ hơn mối quan hệ giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ.

– Hiến pháp đã bổ sung quy định về trách nhiệm giải trình (khoản 2 Điều 99 Hiến pháp 2013: “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ báo cáo công tác trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý”.

Như vậy, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ còn phải chịu trách nhiệm giải trình trước Nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý.

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com