Phân tích yếu tố lỗi trong hành vi nguy hiểm cho xã hội

Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội phải là người có lỗi

Lỗi là thái độ tâm lý của một người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả của hành vi đó dưới hình thức cố ý hoặc vô ý.

Khoa học luật hình sự coi lỗi là một dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm. Nếu một hành vi nguy hiểm cho xã hội không bị coi là có lỗi thì người có hành vi nguy hiểm cho xã hội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự ( không đủ yêú tố cấu thành tội phạm).

Tội phạm là hành vi có lỗi, tính có lỗi là thuộc tính cơ bản của tội phạm, là cơ sở để buộc một người phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và hậu quả cuả hành vi đó gây ra. Luật hình sự Việt nam không chấp nhận hình thức buộc tội khách quan; tội phạm là hành vi tổng hợp các yếu tố chủ quan và khách quan, các yếu tố này có liên quan chặt chẽ với nhau trong một thể thống nhất  (tội phạm là sự thống nhất giữa mặt khách quan và mặt chủ quan). Có thể nói, lỗi là một nguyên tắc cơ bản trong luật hình sự Việt nam, nên trong Điều 8 Bộ luật hình sự khi định nghĩa về tội phạm đã nêu: “ Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội…thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý”

Hiện nay, vấn đề lỗi trong luật hình sự Việt nam có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng lỗi không phải là một đặc điểm riêng ( thuộc tính) của tội phạm mà nó là một yếu tố thuộc đặc điểm “ tính nguy hiểm cho xã hội”. Quan điểm này cho rằng, khi nói tính nguy hiểm cho xã hội có thể hiểu đó là một đặc điểm của riêng hành vi khách quan cuả tội phạm, gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể cho các quan hệ xã hội được luật hình bảo vệ. Đặc điểm này không phụ thuộc vào mặt chủ quan bên trong của tội phạm. Nhưng nói đến tính nguy hiểm cho xã hội cũng có thể hiểu đó là một đặc điểm của một hành vi với ý nghĩa là thể thống nhất giữa mặt khách quan và mặt chủ quan.3 Có quan điểm khác cho rằng, lỗi là thành phần cơ bản của mặt chủ quan. Trong mặt chủ quan, ngoài lỗi ra còn có động cơ, mục đích tội phạm, các yếu tố xúc cảm, v.v…4 Lại có quan điểm khác cho rằng, lỗi là thái độ tâm lý. Thái độ tâm lý của con người là một thể thống nhất không tách rời giữa nhận thức, động cơ, mục đích, ý chí và các yếu tố tâm lý khác. Hơn nữa, ngoài cố ý và vô ý, động cơ, mục đích có ý nghĩa pháp lý rất quan trọng trong định tội cũng như trong việc quyết định hình phạt. Vì vậy, lỗi chính là mặt chủ quan của tội phạm. Khi người ta nói một người có lỗi trong thực hiện tội phạm tức là nói đến toàn bộ mặt chủ quan của tội phạm mà không tách rời nó với động cơ, mục đích tội phạm.

Cố ý phạm tội

Theo Điều 9 Bộ luật hình sự thì cố ý phạm tội là tội phạm trong trường hợp sau đây:

– Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;

– Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra;

Lần đầu tiên Bộ luật hình sự quy định rõ hai hình thức lỗi cố ý phạm tội, tuy không nói rõ đó là lỗi cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp, nhưng với nội dung quy định như trên chúng ta cũng hiểu được đó là hai hình thức lỗi : cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp. Bộ luật hình sự năm 1985 cũng quy định hai hình thức lỗi cố ý nhưng không quy định cụ thể và rõ ràng như Bộ luật hình sự năm 1999

Khoa học luật hình sự, khi nghiên cứu lỗi cố ý, còn chia ra nhiều hình thức khác nhau, các hình thức này không có ý nghĩa xác định trách nhiệm hình sự mà chỉ có ý nghĩa xác định mức độ nguy hiểm của hành vi tội phạm. Các hình thức đó là: Cố ý có dự mưu và cố ý đột xuất; cố ý xác định và cố ý không xác định.

Cố ý có dự mưu là trường hợp trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người có hành vi đó đã suy nghĩ, tính toán cẩn thận mới bắt tay vào việc thực hiện tội phạm.

Cố ý đột xuất là trường hợp một người vừa có ý định tội phạm đã thực hiện ngay ý định đó.

Cố ý xác định là trường hợp trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người có hành vi đã xác định được hậu quả.

Cố ý không xác định là trường hợp trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người có hành vi không hình dung chính xác hậu quả xảy ra như thế nào.

Vô ý phạm tội

Theo quy định tại Điều 10 Bộ luật hình sự thì vô ý phạm tội là tội phạm  trường hợp sau đây:

– Người phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

– Người phạm tội không thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậy quả đó

Bộ luật hình sự không quy định rõ các hình thức vô ý phạm tội nhưng căn cứ vào nội dung quy định trên , chúng ta thấy rõ có hai hình thức vô ý phạm tội mà khoa học luật hình sự gọi là vô ý vì cẩu thả và vô ý vì quá tự tin.

Vô ý vì cẩu thả là trường hợp do cẩu thả mà người phạm tội không thấy trước khả năng gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước. Tiêu chuẩn để xác định một người phải thấy trước và có thể thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội là căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra sự việc, một người bình thường cũng có thể thấy trước; ngoài ra còn phải căn cứ vào độ tuổi, trình độ nhận thức, trình độ văn hoá, tay nghề.v.v…

Vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, nhưng hậu quả đó vẫn xảy ra.

Theo khái niệm tội phạm được quy định tại Điều 8 Bộ luật hình sự thì hành vi tội phạm chỉ được thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý. Luật hình sự Việt Nam không thừa nhận hình thức lỗi thứ ba, nhưng trong một số công trình nghiên cứu của một số tác giả có đề cập đến hình thức lỗi thứ ba, đó là “ lỗi hỗn hợp” tức là vừa vô ý vừa cố ý hoặc cố ý về hành vi, vô ý về hậu quả. Có thể trong công tác nghiên cứu bản chất của các hình thức lỗi, có thể đặt vấn đề một người thực hiện hành vi vừa cố ý lại vừa vô ý (cố ý về hành vi vô ý về hâụ quả) như đối với người cố ý vi phạm các quy định về phòng cháy (có biển cẩm lửa nhưng vẫn hút thuốc) gây thiệt hại nghiêm trọng đén tài sản (cháy kho xăng ), nhưng việc gây thiệt hại đến tài sản họ không mong muốn. Trong trường hợp này, lỗi của người phạm tội cũng chỉ là lỗi vô ý chứ không thể nói cố ý được vì nếu cố ý thì phạm huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản chứ không còn là vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản nữa.

Một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nếu không có lỗi thì không bị coi là hành vi tội phạm. Bộ luật hình sự quy định một số trường hợp không phải là tội phạm do người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có lỗi như: Sự kiện bất ngờ (Điều 11) phòng vệ chính đáng (Điều 15), tình thế cấp thiết (Điều 16). Ngoài ra, tuy Bộ luật hình sự không quy định, nhưng về lý luận cũng như thực tiễn xét xử có một số trường hợp tuy có hành vi gây thiệt hại cho lợi ích xã hội hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của công dân, nhưng cũng không bị coi là tội phạm vì người thực hiện hành vi không có lỗi như: Tình trạng không thể khắc phục được hậu quả; bắt người phạm tội quả tang hoặc có lệnh truy nã; chấp hành chỉ thị, quyết định hoặc mệnh lệnh; Rủi ro trong nghề nghiệp hoặc trong sản xuất. Tuy nhiên, đối với các tội xâm phạm sở hữu, những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự vì không có lỗi ít xảy ra.

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com