Phân tích Tội hành hạ người khác

TỘI HÀNH HẠ NGƯỜI KHÁC (ĐIỀU 110)

Hành hạ người khác là hành vi của một người đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình một cách có hệ thống (lặp đi lặp lại nhiều lần) gây đau đớn về thể xác và tinh thần cho người bị hành hạ.

CÁC DẤU HIỆU CỦA TỘI PHẠM

  1. Về phía người phạm tội

Người phạm tội có những hành vi đối xử tàn ác đối với người lệ thuộc mình như đánh đập và những hành động bạo lực khác một cách có hệ thống được lặp đi lặp lại nhiều lần.

Thông thường, hành vi hành hạ được lặp đi lặp lại và kéo dài vài ngày, vài tuần, thậm chí hàng tháng, hàng năm. Hành vi này không chỉ gây đau đớn về thể xác mà còn gây đau khổ về tinh thần cho người bị hành hạ, nếu hành vi này có gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người bị hành hạ, thì cũng chỉ là thương tích nhẹ chưa tới mức bị tuy cứu về tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 104 Bộ luật hình sự .

Về hành vi khách quan, tội hành hạ người khác cũng tương tự như hành vi khách quan của tội bức tử, chỉ khác nhau ở chỗ : trong tội hành hạ người khác, người bị hành hạ không tự sát, nên có thể nói tội hành hạ người khác là hành vi khách quan của tội bức tử.

  1. Về phía người bị hại

Người bị hại phải là người có quan hệ lệ thuộc với người phạm tội, nếu bị hành hạ nhưng không có mối quan hệ lệ thuộc với người có hành vi hành hạ thì người có hành vi hành hạ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ người khác, mà tuỳ vào hành vi cụ thể mà người có hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định Điều 121 Bộ luật hình sự.

Mối quan hệ lệ thuộc giữa người phạm tội với người bị hại là lệ thuộc về vật chất, về tinh thần. Mối quan hệ này bắt nguồn từ quan hệ công tác (thủ trưởng với nhân viên ), quan hệ thầy trò, quan hệ tôn giáo, quan hệ giữa người làm công với chủ, nhất là đối với một số nhà hàng khách sạn tư nhân… Đối với quan hệ hôn nhân (vợ chồng), quan hệ huyết thống (cha mẹ với các con, ông bà với các cháu), quan hệ nuôi dưỡng ( cha mẹ nuôi với con nuôi, người đỡ đầu với người được đỡ đầu) không thuộc đối tượng xâm phạm của tội phạm này mà là đối tượng của tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình quy định tại Điều 151 Bộ luật hình sự.

Thông thường người bị hại trong tội phạm này, bị hành hạ ngược đãi, nhưng không dám kêu hoặc phản ứng mà cam tâm chịu đựng, họ chỉ tố cáo khi mối quan hệ lệ thuộc không còn nữa hoặc bị người khác tố cáo.

CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

  1. Trường hợp phạm tội thông thường

Đây là trường hợp phạm tội chỉ có một người bị hại và người bị hại không phải là người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật.

Người phạm tội trong trường hợp này bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 110 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm. So với Điều 111 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội phạm này thì không nặng hơn và cũng không nhẹ hơn ( Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định một khung hình phạt cho tất cả mọi trường hợp phạm tội, không phân biệt các trường hợp phạm tội như Bộ luật hình sự năm 1999 ).

  1. Phạm tội đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người bị tàn tật (điểm a khoản 2 Điều 110 )

ây là trường hợp phạm tội mà người bị hại là những người cần được bảo vệ đặc biệt, Bộ luật hình sự năm 1999 coi các trường hợp phạm tội này là nghiêm trọng hơn, nên quy định thành tình tiết định khung tăng nặng, có hình phạt từ một năm đến ba năm tù.

Hành hạ người già

Hành hạ người già là trường hợp người phạm tội đối xử tàn ác với người già lệ thuộc vào người phạm tội.

Việc quy định phạm tội đối với người già là trường hợp phạm tội nghiêm trọng hơn là xuất phát từ chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta là bảo vệ, chăm sóc người già, vừa là chuẩn mực đạo đức xã hội, vừa là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Phạm tội đối với người già, người phạm tội đã xâm phạm đến những người mà lẽ ra họ phải kính trọng, xâm phạm đến người bị hạn chế khả năng chống cự lại hành vi xâm phạm đến lợi ích của mình và đồng thời xâm phạm đến đạo đức xã hội, truyền thống dân tộc và chính sách của Đảng và Nhà nước.

Người già là người phải đến một độ tuổi nhất định. Nếu phạm tội đối với người chưa đến độ tuổi đó, thì không coi là phạm tội đối với người già. Theo tài liệu về y sinh học quóc tế, thì người từ 60 đến 74 tuổi là người có tuổi, từ 75 đến 89 tuổi là người già, từ 90 tuổi trở lên là người già sống lâu. Tuy nhiên, đó là quy định về sinh học, còn về pháp lý, thực tiễn xét xử, các Toà án đã coi người từ 60 tuổi trở lên là người già.

Tình tiết phạm tội đối với người già cũng không phải là tình tiết thuộc ý thức chủ quan của người phạm tội. Do đó cũng không cần thiết phải yêu cầu người phạm tội biết người mà mình xâm phạm là người già thì họ mới bị coi là phạm tội đối với người già, mà chỉ cần căn cứ vào tuổi của người bị xâm phạm để xác định người phạm tội có phạm tội đối với người già hay không.

Hành hạ trẻ em

Hành hạ trẻ em là trường hợp người phạm tội  đói xử tàn ác với người lệ thuộc mình mà người bị lệ thuộc là trẻ em

Theo Điều 1 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì người dưới 16 tuổi là trẻ em.

Phạm tội đối với trẻ em được coi là trường hợp phạm tội nghiêm trọng hơn, không chỉ xuất phát từ quan điểm bảo vệ trẻ em là bảo vệ tương lai của đất nước, bảo vệ lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn bảo vệ những người không có khả năng tự vệ.

Khi áp dụng trường hợp phạm tội  này cần chú ý một số điểm sau:

– Việc xác định tuổi của người được xác định là trẻ em là một yêu cầu bắt buộc của các cơ quan tiến hành tố tụng. Hồ sơ vụ án nhất thiết phải có giấy khai sinh của người bị hại là trẻ em, nêu không có giấy khai sinh thì phải có các tài liệu chứng minh người bị hại là người chưa đến 16 tuổi. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp việc xác định tuổi của người bị hại gặp rất nhiều khó khăn, các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng hết mọi biện pháp nhưng vẫn không xác định được tuổi của người bị hại. Vậy trong trường hợp này tính tuổi của người bị hại như thế nào ? Hiện nay có hai ý kiến trái ngược nhau: ý kiến thứ nhất cho rằng, nếu không biết ngày sinh thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó, nếu không biết tháng sinh thì lấy tháng cuối cùng của năm đó, cách tính này là không có lợi cho ngời phạm tội. Còn ý kiến thứ hai thì cho rằng, nếu không biết ngày sinh thì lấy ngày đầu tiên của tháng đó, nếu không biết tháng sinh thì lấy tháng cuối cùng của năm đó, cách tính này theo hướng có lợi cho người phạm tội. Để có căn cứ xác định tuổi của người bị hại nhất là người bị hại lại là trẻ em, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần có hướng dẫn cụ thể.

– Phạm tội đối với trẻ em không phải là tình tiết thuộc ý thức chủ quan của người phạm tội mà là tình tiết khách quan, do đó không cần người phạm tội phải nhân thức được hoặc buộc họ phải nhận thức được đối tượng mà mình xâm phạm là trẻ em thì mới coi là tình tiết tăng nặng, mà chỉ cần xác định người mà người phạm tội xâm phạm là trẻ em thì người phạm tội đã bị coi là phạm tội đối với trẻ em rồi.

Hành hạ với phụ nữ có thai.

Hành hạ phụ nữ có thai là trường hợp người phạm tội đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình mà người bị lệ thuộc là phụ nữ đang có thai

Cũng như trường hợp hành hạ trẻ em, hành hạ phụ nữ có thai không phải là tình tiết thuộc ý thức chủ quan của người phạm tội, nên không yêu cầu người phạm tội phải biết người mà mình hành hạ đang có thai. Trường hợp phạm tội này khác với trường hợp “giết phụ nữ mà biết là có thai” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự. Do đó, Nhà làm luật chỉ quy định “đối với phụ nữ có thai” chứ không quy định “mà biết là có thai”. Vì vậy, chỉ cần xác định người phụ nữ bị hành hạ đang có thai là người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 2 Điều 110 Bộ luật hình sự.

Khi áp dụng tình tiết tăng nặng này đối với người phạm tội cần chú ý một số điểm như sau:

Người phụ nữ đang có thai, không kể cái thái đó ở tháng thứ mấy;

Việc xác định người phụ nữ có thai hay không nhất thiết phải do giám định viên hoặc bác sỹ chuyên khoa;

Hành hạ người tàn tật

 Hành hạ người tàn tật là đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình mà người bị lệ thuộc là người bị tàn tật

Người bị tàn tật là người bị một tật và bị tàn phế, không có khả năng tự vệ như người bình thường, như bị cụt chân, bị bại liệt, bị mù, bị câm điếc… Tuy nhiên, không coi là hành hạ người tàn tật nếu người bị hành hạ chỉ bị một tật nhỏ không ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ, vẫn có khả năng tự vệ như người bình thường. Ví dụ: Một người bị thương tật có tỷ lệ 12%, thậm chí 21% nhưng vẫn khoẻ mạnh.

Phạm tội đối với nhiều người (điểm b khoản 2 Điều 110)

Hành hạ nhiều người là trường hợp đối xử tàn ác với từ hai người lệ thuộc mình trở lên. Có thể cả hai người trở lên cùng bị hành hạ trong một thời gian hoặc có thể không cùng một thời gian. Ví dụ: Tô Sỹ T là chủ Nhà hàng Caraoke đã có hành vi hành hạ chị Đỗ Thị L là tiếp viên Nhà hàng làm chị L phải bỏ trốn khỏi Nhà hàng, nhưng không dám tố cáo hành vi phạm tội của T. sau đó T lại tiếp tục có hành vi hành hạ chị Trần Kim D và bị chị D tố cáo hành vi phạm tội của T trước cơ quan pháp luật. Trong quá trình điều tra,mới phát hiện trước đó T còn hành hạ chị L nên T bị truy cứ trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2 Điều 110

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com