GIAO DỊCH BẢO ĐẢM DƯỚI KHÍA CẠNH SO SÁNH LUẬT HỌC

PGS.TS. LÊ THỊ THU THỦYĐại học Quốc gia Hà Nội;

ĐỖ MINH TUẤN –  NCS. Đại học Luật Hà Nội.

Chế định các biện pháp bảo đảm (BPBĐ) trong pháp luật Việt Nam kế thừa những giá trị của pháp luật thời kỳ phong kiến và pháp luật của Pháp. Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của các giao dịch thương mại quốc tế, chế định về các BPBĐ đã được quốc tế hóa và chịu ảnh hưởng không ít bởi những tư tưởng của pháp luật Anh – Mỹ. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi cung cấp một bức tranh khái quát về pháp luật các nước Anh – Mỹ và thông lệ quốc tế về giao dịch bảo đảm (GDBĐ) dưới góc độ so sánh với pháp luật Việt Nam. Từ đó, rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm góp phần hoàn thiện hơn nữa pháp luật về các BPBĐ của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.

1. Khái niệm về giao dịch bảo đảm

BPBĐ là công cụ hữu hiệu nhằm ngăn ngừa hành vi vi phạm của bên có nghĩa vụ, vừa bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của bên có quyền. Trong giao lưu dân sự, đặc biệt là trong quan hệ kinh doanh – thương mại, BPBĐ có vai trò rất quan trọng.

“BPBĐ thực hiện nghĩa vụ dân sự là biện pháp trong đó một bên sử dụng tài sản thuộc quyền sở hữu của mình hoặc sử dụng uy tín của mình (gọi là bên bảo đảm) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của mình hoặc của chủ thể khác (gọi là bên được bảo đảm)”[1]. Các BPBĐ theo pháp luật Việt Nam chủ yếu có tính chất tài sản, trừ biện pháp tín chấp. Nhìn chung, pháp luật Việt Nam và pháp luật các nước khá tương đồng về khái niệm BPBĐ tuy có sự khác nhau trong việc sử dụng thuật ngữ. Theo hướng dẫn của UNCITRAL thì “GDBĐ là giao dịch xác lập lợi ích bảo đảm. Mặc dù việc chuyển nhượng tuyệt đối khoản phải thu không bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ, nhưng để thuận tiện cho việc dẫn chiếu, GDBĐ bao gồm cả việc chuyển nhượng khoản phải thu”[2], trong đó lợi ích bảo đảm là một lợi ích tài sản gắn với một tài sản nhất định nhằm bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ nhất định. Theo pháp luật của Mỹ thì GDBĐ cũng là giao dịch xác lập lợi ích bảo đảm[3]. Có thể thấy, “lợi ích bảo đảm” khá tương đồng với “BPBĐ”.

Pháp luật Việt Nam và pháp luật của các nước đều thừa nhận bên bảo đảm có quyền sử dụng tài sản bao gồm vật, giấy tờ có giá, quyền tài sản thuộc quyền sở hữu của mình để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ của mình.

 

2. Chủ thể tham gia giao dịch bảo đảm

Các bên tham gia GDBĐ bao gồm bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm (chủ nợ có bảo đảm). Ngoài ra trong thực tiễn giao dịch có bảo đảm còn xuất hiện những bên thứ ba như bên quản lý tài sản bảo đảm, người đại diện của bên nhận bảo đảm, bên xử lý tài sản mà không phải là bên nhận bảo đảm… Trong trường hợp trái phiếu bảo đảm bằng tài sản và trường hợp chủ nợ có bảo đảm ở nước ngoài, có một người đứng ra quản lý GDBĐ cho các chủ nợ có bảo đảm, đó là người quản lý GDBĐ. Trong phần giải nghĩa cho Điều 16 của Luật mẫu về GDBĐ do Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu ban hành (Luật mẫu EBRD) thì “Người quản lý GDBĐ không chỉ là người đại diện của bên nhận bảo đảm; mà trong ngôn ngữ thực tiễn, người này sẽ thay mặt bên nhận bảo đảm thực hiện các giao dịch với các bên thứ ba liên quan đến việc thực thi GDBĐ (nhưng không phải là việc chuyển nhượng quyền đối với nghĩa vụ được bảo đảm và GDBĐ). Vai trò này được thể hiện cụ thể trong trường hợp có nhiều bên nhận bảo đảm, ví dụ một số ngân hàng cho vay, các chủ sở hữu trái phiếu hoặc khi mà bên nhận bảo đảm không cư trú tại nước sở tại”[4]. Theo Luật mẫu EBRD, người quản lý GDBĐ do bên nhận bảo đảm chỉ định. Người này có quyền giám sát việc thanh toán nợ của con nợ, GDBĐ có quyền tiến hành các thủ tục xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật, đồng thời GDBĐ phải thực hiện các nghĩa vụ của bên nhận GDBĐ đối với bên thứ ba. Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể về nội dung này.

3. Các biện pháp bảo đảm

Các BPBĐ trong thực tiễn áp dụng pháp luật của Việt Nam và các nước rất phong phú. Pháp luật Việt Nam về các BPBĐ truyền thống như: cầm cố, thế chấp, ký cược, đặt cọc, ký quỹ, bảo lãnh. Bộ luật Dân sự (BLDS) Việt Nam còn quy định về biện pháp tín chấp. Ngoài ra trong thực tiễn kinh doanh, các bên còn áp dụng các BPBĐ khác là biến thể của các BPBĐ trên như bảo lãnh ngân hàng, tín dụng dự phòng… Các BPBĐ theo pháp luật Việt Nam không bắt buộc có sự chuyển dịch quyền sở hữu tài sản từ người bảo đảm sang người nhận bảo đảm.

Pháp luật Anh – Mỹ cũng có các BPBĐ tồn tại dưới hình thức cầm cố, thế chấp, bảo lãnh… Theo pháp luật Mỹ thì biện pháp thế chấp chủ yếu được áp dụng cho bất động sản, quy định thế chấp là một BPBĐ trao cho bên nhận bảo lãnh một lợi ích trên bất động sản để bảo đảm cho một nghĩa vụ “Thế chấp được chứng minh bởi một chứng thư độc lập với hối phiếu nhận nợ hoặc hợp đồng vay nợ. Lợi ích bảo đảm dành cho người cầm giữ quyền tịch biên tài sản bảo đảm trong trường hợp không trả nợ hoặc quyền được thanh toán trước so với các chủ nợ có quyền ưu tiên thấp hơn…”[5]. Như vậy, pháp luật của Mỹ không bắt buộc phải chuyển dịch quyền sở hữu bất động sản mà trao cho người nhận thế chấp quyền xử lý tài sản thế chấp và quyền ưu tiên thanh toán. Khác với Mỹ, pháp luật của Anh coi thế chấp là BPBĐ có sự chuyển dịch chuyển sở hữu từ bên bảo đảm sang bên nhận bảo đảm nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và bên bảo đảm được bảo lưu quyền chuộc lại tài sản trong trường hợp hoàn thành nghĩa vụ[6]. Điều này dẫn đến thực trạng ở Anh có hai loại thế chấp là thế chấp pháp lý và thế chấp công bình. Thế chấp pháp lý là trường hợp thế chấp mà quyền sở hữu tài sản đã được chuyển giao hoàn toàn cho người nhận thế chấp. Thế chấp công bình xảy ra trong trường hợp các bên có ý định xác lập thế chấp pháp lý nhưng thực tế không thực hiện được, với điều kiện bên thế chấp đã thực hiện mọi hành vi cần thiết để chuyển giao quyền sở hữu tài sản thì luật công bình sẽ thừa nhận sự tồn tại của biện pháp thế chấp này và gọi là thế chấp công bình[7]. Ví dụ, khi một người dùng một tài sản để thế chấp hai lần, thì thế chấp lần thứ nhất thường là thế chấp pháp lý và thế chấp lần hai thường là thế chấp công bình, vì tài sản không thể chuyển giao hoàn toàn cho người nhận thế chấp thứ hai được khi nó đã được chuyển cho người nhận thế chấp thứ nhất. Trừ trường hợp đặc biệt, người nhận thế chấp pháp lý có lợi thế hơn so với người nhận thế chấp công bình.

Trong pháp luật Anh – Mỹ tồn tại khái niệm đặc quyền (charge – luật Anh) hoặc (lien – luật của Mỹ). Đặc quyền bao gồm đặc quyền chấp hữu (quyền cầm giữ tài sản -artisan’s lien) và đặc quyền không chấp hữu (đặc quyền không cầm giữ tài sản -mechanic’s liens). “Đặc quyền là một quyền hoặc lợi ích pháp lý mà chủ nợ có được trên một tài sản của một người khác tồn tại cho đến khi nghĩa vụ được bảo đảm bởi đặc quyền này được hoàn thành”[8]. Đặc quyền có thể phát sinh theo thỏa thuận của các bên hoặc được quy định bởi pháp luật. “Nhiều người cung cấp dịch vụ làm duy trì hoặc tăng giá trị của tài sản. Ví dụ nhà tư vấn kỹ thuật sửa chữa ô tô, thợ kim hoàn sửa chữa dây chuyền. Thông thường, các luật khác ngoài UCC quy định người sửa chữa hoặc cung cấp dịch vụ có quyền cầm giữ tài sản được sửa chữa hoặc cung cấp dịch vụ. Đặc quyền này được xác lập bởi đạo luật hoặc án lệ và tồn tại bằng việc người cung cấp dịch vụ cầm giữ tài sản này”[9]. Quyền cầm giữ tài sản khác với cầm cố ở điểm chủ nợ nắm giữ tài sản do chủ sở hữu tài sản giao vì mục đích khác, như sửa chữa, gia cố…Còn trong cầm cố, chủ sở hữu tài sản giao tài sản cho bên nhận cầm cố để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ. Ngoài ra, luật Mỹ còn quy định về đặc quyền nông nghiệp là quyền dành cho người cung cấp được bảo đảm việc thanh toán tiền bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, tiền cho thuê bất động sản phục vụ cho hoạt động nông nghiệp[10]. Đặc quyền nông nghiệp có thể phát sinh theo quy định của luật tiểu bang. Ngoài đặc quyền của nhà cung cấp dịch vụ, luật Mỹ còn quy định một số đặc quyền đặc biệt như đặc quyền thuế liên bang, quyền cầm giữ hàng hải. Bộ luật Hàng hải năm 2005 của Việt Nam (BLHH) cũng quy định về quyền cầm giữ hàng hải “Quyền cầm giữ hàng hải là quyền của người có khiếu nại hàng hải được quy định tại Điều 37 của Bộ luật này được ưu tiên trong việc đòi bồi thường đối với chủ tàu, người thuê tàu, người khai thác tàu mà tàu biển đó đã làm phát sinh khiếu nại hàng hải. Khiếu nại hàng hải là việc một bên yêu cầu bên kia thực hiện nghĩa vụ phát sinh liên quan đến hoạt động hàng hải”[11].Bên cạnh đó, Điều 94 và 95 BLHH còn quy định người vận chuyển có quyền lưu giữ hàng hóa trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày tàu cập cảng trả hàng, mà không ai đến nhận hàng hoặc người nhận hàng không thanh toán hết khoản nợ hoặc không đưa các bảo đảm cần thiết thì người vận chuyển có quyền bán đấu giá số hàng đó. Điều 194 BLHH quy định về quyền cầm giữ tàu biển và hàng hóa được cứu hộ để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán chi phí cứu hộ…

Bảo lưu quyền sở hữu hàng hóa là quyền của người bán giữ lại hoặc bảo lưu quyền sở hữu hàng hóa cho đến khi bên mua thanh toán toàn bộ tiền hàng. Đây là BPBĐ rất phổ biến ở pháp luật Anh – Mỹ áp dụng trong trường hợp mua trả chậm, trả dần. Điều 461 BLDS Việt Nam năm 2015 cũng đề cập đến quyền bảo lưu quyền sở hữu tài sản của bên bán cho đến khi bên mua trả đủ tiền áp dụng cho trường hợp mua trả chậm, trả dần.

Cũng như thông lệ quốc tế và pháp luật nhiều nước, pháp luật Việt Nam không giới hạn về các BPBĐ. BPBĐ sẽ do các bên tự thỏa thuận. “Điều 318 BLDS không quy định cấm các bên thỏa thuận về việc áp dụng BPBĐ khác ngoài các BPBĐ nêu trên, do đó, nếu các bên tự thỏa thuận về việc áp dụng BPBĐ khác ngoài các biện pháp nêu trên mà không trái pháp luật hoặc đạo đức xã hội thì pháp luật không “bác bỏ” sự thỏa thuận đó giữa các bên, khi có tranh chấp thì các bên có trách nhiệm thực hiện đúng cam kết đó”[12]. Tuy nhiên, thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, các BPBĐ, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng chỉ được bó hẹp trong các BPBĐ mà pháp luật quy định.

4. Hiệu lực của giao dịch bảo đảm

Áp dụng BPBĐ sẽ đem lại cho chủ nợ đặc quyền xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp phát sinh vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên, để chủ nợ có thể thực thi được đặc quyền của mình đòi hỏi GDBĐ phải xác lập theo những căn cứ và thủ tục pháp lý nhất định.

BPBĐ không đương nhiên tồn tại mà chỉ phát sinh và tồn tại khi pháp luật quy định hoặc các bên có thỏa thuận “Trong trường hợp các bên không quy định về BPBĐ mà luật pháp cũng không quy định về BPBĐ, thì không bên nào có nghĩa vụ thực hiện bất kỳ BPBĐ nào”[13]. Luật mẫu EBRD cũng thừa nhận các GDBĐ được xác lập theo pháp luật hoặc trên cơ sở một quyết định tư pháp hoặc hành chính. “Lợi ích bảo đảm không nhất thiết phải được xác lập bởi sự thỏa thuận giữa các bên, ví dụ ở một số quốc gia, người sửa chữa máy móc có đặc quyền (lien) trên máy móc được sửa chữa để bảo đảm nghĩa vụ trả tiền công sửa chữa”[14]. Hệ thống thông luật cũng thừa nhận BPBĐ theo thỏa thuận (consensual security) và BPBĐ không theo thỏa thuận (non-consensual security), thường là phát sinh theo quy định của pháp luật.

Về hình thức tồn tại của GDBĐ, theo UNCITRAL “Luật nên quy định hợp đồng bảo đảm có thể bằng miệng nếu bên nhận bảo đảm chiếm hữu tài sản bảo đảm. Trong trường hợp khác, hợp đồng bảo đảm phải được lập bằng văn bản, hoặc phải được chứng minh bởi sự kết hợp giữa văn bản và hành vi của các bên xác định ý chí của bên bảo đảm là muốn xác lập một lợi ích bảo đảm”[15]. Tuy nhiên, các chuyên gia của UNCITRAL cũng đưa ra vấn đề phân biệt hiệu lực ràng buộc của GDBĐ giữa bên bảo đảm với bên nhận bảo đảm và hiệu lực của GDBĐ đối với bên thứ ba. Theo đó, mặc dù GDBĐ không có hiệu lực đối với bên thứ ba nhưng vẫn có hiệu lực đối với bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm. Pháp luật Việt Nam quy định cầm cố, thế chấp, đặt cọc, bảo lãnh, tín chấp phải được lập thành văn bản; còn ký quỹ, ký cược không nhất thiết phải lập thành văn bản.

Thông thường, chỉ cần giao dịch được xác lập bằng văn bản một cách hợp lệ đã đủ cơ sở ràng buộc các bên. Tuy nhiên, GDBĐ không chỉ liên quan đến bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm, giữa con nợ với chủ nợ, mà GDBĐ còn liên quan đến bên thứ ba. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, GDBĐ phải tuân thủ theo những thủ tục pháp lý nhất định mới có giá trị pháp lý. Trong pháp luật của Mỹ có khái niệm “perfection” (hoàn thiện GDBĐ) để chỉ “các thủ tục pháp lý được thực hiện bởi bên nhận bảo đảm để đưa ra một thông báo công khai cho những người khác, những người có quyền yêu cầu đối với tài sản của con nợ rằng bên nhận bảo đảm có đặc quyền trên tài sản của con nợ”[16].Thuật ngữ “hoàn thiện GDBĐ” hoặc từ ngữ tương đương được sử dụng rộng rãi trong các công ước quốc tế liên quan đến GDBĐ quốc tế và trong nhiều nước trên thế giới.

Mặc dù không trực tiếp sử dụng thuật ngữ “hoàn thiện GDBĐ” nhưng bằng việc quy định những thủ tục pháp lý nhất định áp dụng cho từng BPBĐ, pháp luật Việt Nam cũng có sự tương đồng với thông lệ quốc tế và pháp luật các nước về vấn đề làm thế nào để GDBĐ có hiệu lực đối với bên thứ ba.

Luật mẫu EBRD đưa ra ba phương thức xác lập hiệu lực của một GDBĐ: (1) Đăng ký: Các bên giao kết hợp đồng bảo đảm (charging instrument). Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng bảo đảm, phải làm thủ tục đăng ký GDBĐ (nộp bản đăng ký GDBĐ tại cơ quan có thẩm quyền); (2) Chiếm hữu: Các bên giao kết hợp đồng bảo đảm (charging instrument) và bên nhận bảo đảm cầm giữ tài sản bảo đảm; (3) Bảo lưu quyền sở hữu tài sản: Bên bán nắm giữ quyền sở hữu tài sản cho đến khi bên mua thanh toán đủ tiền.

Pháp luật Mỹ đưa ra các phương thức “hoàn thiện GDBĐ” là: Đăng ký GDBĐ, chiếm hữu/kiểm soát tài sản bảo đảm, và GDBĐ tự động hoàn thiện áp dụng cho một số tài sản bảo đảm nhất định.

Đăng ký GDBĐ là biện pháp “hoàn thiện GDBĐ” được áp dụng phổ biến trên thế giới. Các bên có thể tự nguyện đăng ký hoặc bắt buộc đăng ký GDBĐ theo quy định của pháp luật. Điều 3.1 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về đăng ký GDBĐ liệt kê các GDBĐ buộc phải đăng ký là: thế chấp quyền sử dụng đất, thế chấp rừng sản xuất là rừng trồng, cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay, thế chấp tàu biển và các giao dịch khác theo quy định của pháp luật. Các trường hợp còn lại các bên có quyền lựa chọn đăng ký hoặc không đăng ký GDBĐ. Đối với trường hợp đăng ký GDBĐ theo quy định của pháp luật thì GDBĐ có hiệu lực đối với bên thứ ba kể từ thời điểm đăng ký cho đến khi hết hiệu lực đăng ký. Đối với trường hợp đăng ký tự nguyện thì việc đăng ký GDBĐ chỉ có nghĩa với bên thứ ba chứ không có ý nghĩa quyết định hiệu lực của GDBĐ. Luật của Anh cũng có quy định bắt buộc đăng ký đối với một GDBĐ công ty, như: (1) Đặc quyền trên đất hoặc các lợi ích trên đất trừ tiền thuê đất hoặc các khoản phí định kỳ phát sinh từ đất; (2) Đặc quyền được xác lập hoặc chứng minh bởi một chứng thư nếu phát hành bởi một cá nhân thì phải đăng ký như chứng từ bán hàng; (3) Đặc quyền bảo đảm cho các chứng khoán nợ; (4) Đặc quyền trên vốn cổ phần chưa phát hành của công ty; (5) Đặc quyền trên cổ phần đã phát hành nhưng chưa thanh toán; (6) Đặc quyền trên sổ nợ của công ty; (7) Đặc quyền thả nổi bằng tài sản hoặc cam kết của công ty; (8) Đặc quyền trên tàu biển hoặc máy bay hoặc phần giá trị của tàu biển; Đặc quyền trên uy tín hoặc quyền sở hữu trí tuệ[17]. Theo quy định của pháp luật Anh, nếu GDBĐ buộc phải đăng ký mà không đăng ký sẽ vô hiệu và như vậy bên nhận bảo đảm sẽ không được hưởng quyền ưu tiên so với bên thứ ba khác.

Ngoài đăng ký thì bên nhận bảo đảm hoặc bên thứ ba (thường là ngân hàng hoặc các tổ chức trung gian tài chính) chiếm hữu hoặc kiểm soát tài sản bảo đảm cũng là một trong những điều kiện để GDBĐ có hiệu lực trong một số trường hợp. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, cầm cố tài sản có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản cho bên nhận cầm cố. Như vậy, trừ trường hợp cầm cố tàu bay, việc cấm cố tài sản có hiệu lực với bên thứ ba kể từ thời điểm tài sản bảo đảm được chuyển giao cho bên nhận bảo đảm. Theo quy định tại Điều 360 BLDS thì “Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc các giấy tờ trị giá được bằng tiền vào tài khoản phong tỏa tại một ngân hàng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”. Như vậy, theo quy định này thì việc bên bảo đảm chuyển tài sản bảo đảm vào tài khoản của ngân hàng là điều kiện để ký quỹ xác lập. Trong trường hợp ký quỹ, người nắm giữ tài sản bảo đảm không phải là bên nhận bảo đảm mà là một ngân hàng. Theo pháp luật của Mỹ, chiếm hữu tài sản bảo đảm được coi là bước hoàn thiện GDBĐ trong các GDBĐ bằng hàng hóa, tiền, công cụ tài chính (trừ chứng khoán đăng ký), giấy tờ có thể chuyển nhượng, chứng thư bảo đảm. Chiếm hữu tài sản bảo đảm là phương thức cổ xưa có từ thời La Mã cổ đại mà đại diện của phương thức này là biện pháp cầm cố tài sản. Ngày nay, phương thức này vẫn còn rất phổ biến ở hầu hết các hệ thống pháp luật trên thế giới và thông lệ quốc tế.

Ngoài đăng ký và chiếm hữu hoặc kiểm soát tài sản bảo đảm là các phương thức “hoàn thiện GDBĐ”, pháp luật còn quy định hoặc thừa nhận một phương thức thứ ba là “automatic perfection” (tự động hoàn thiện). Theo phương thức này, GDBĐ có hiệu lực đối với bên thứ ba khi các bên xác lập GDBĐ mà không phải thực hiện thêm bất kỳ thủ tục nào như đăng ký hoặc chiếm hữu hoặc kiểm soát tài sản. GDBĐ có thể được xác lập bởi thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Theo tinh thần tại Điều 343 BLDS Việt Nam thì thế chấp có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc phải đăng ký theo quy định của pháp luật.

Một vấn đề đặt ra trong lý luận và thực tiễn là liệu BPBĐ trên tài sản bảo đảm vẫn duy trì hiệu lực hoặc một BPBĐ mới được xác lập khi sáp nhập, trộn lẫn, chế biến tài sản. Về vấn đề này, UNCITRAL đã đưa ra giải pháp rất thú vị. GDBĐ tự động có hiệu lực đối với bên thứ ba sau khi tài sản bảo đảm là tài sản hữu hình sáp nhập vào tài sản khác mà không phải thực hiện thêm bất kỳ thủ tục nào[18]. Ngoài ra, đối với vật gắn với động sản thì các bên có thể làm thủ tục đăng ký hoặc xác nhận GDBĐ. Đối với vật gắn liền với bất động sản, thì các bên có thêm lựa chọn là đăng ký với cơ quan đăng ký bất động sản. Đối với trường hợp trộn lẫn hoặc chế biến, UNCITRAL đề xuất giải pháp “Pháp luật nên quy định rằng lợi ích bảo đảm trên tài sản hữu hình được xác lập trước khi bị trộn lẫn hoặc chế biến thành tài sản/sản phẩm mới vẫn tiếp tục có hiệu lực trên tài sản mới hoặc sản phẩm mới. Giá trị của lợi ích bảo đảm được giới hạn trong phạm vi giá trị tài sản bảo đảm trước khi được trộn lẫn hoặc chế biến thành tài sản/sản phẩm mới”[19], và như vậy, GDBĐ trên tài sản này vẫn tự động có hiệu lực sau khi tài sản được trộn lẫn hoặc chế biến. Hiện nay, luật Việt Nam đang bỏ ngỏ vấn đề này.

5. Quyền ưu tiên

Quyền ưu tiên là vấn đề cốt lõi của GDBĐ. Đây là đặc quyền dành cho chủ nợ có bảo đảm. Quyền ưu tiên được hiểu là quyền được ưu tiên thanh toán trước chủ thể khác khi xử lý tài sản bảo đảm. Quyền ưu tiên có ý nghĩa trong trường hợp tài sản của bên bảo đảm không đủ thanh toán cho các yêu cầu của các chủ thể.

Khoa học pháp lý trên thế giới đều thừa nhận một nguyên tắc chung trong việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán, đó là nguyên tắc “first in time rule” (thứ tự về thời gian). Luật của Anh quy định trong trường hợp có xung đột quyền yêu cầu thanh toán giữa các chủ nợ có bảo đảm có lợi ích bảo đảm ngang nhau trên cùng một tài sản thì chủ nợ có lợi ích bảo đảm được xác lập trước hưởng quyền ưu tiên trừ trường hợp quyền ưu tiên bị mất bởi các quy tắc pháp lý khác. Luật của Mỹ cũng quy định bên nhận bảo đảm đăng ký trước được hưởng quyền ưu tiên so với các bên nhận bảo đảm đăng ký sau trên cùng một tài sản bảo đảm[20]. Luật mẫu EBRD cũng thừa nhận quy tắc thứ tự về thời gian, tức là thứ tự xác lập GDBĐ về mặt thời gian được sử dụng để xác định quyền ưu tiên của các chủ nợ có bảo đảm trên cùng một tài sản bảo đảm.

Cũng với cách tiếp cận trên, pháp luật Việt Nam cũng áp dụng quy tắc thứ tự về thời gian để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán cho nhiều chủ nợ có bảo đảm trên cùng một tài sản bảo đảm trong trường hợp các GDBĐ cùng đăng ký hoặc cùng không đăng ký[21]. Như vậy quyền ưu tiên được xác định theo thứ tự đăng ký hoặc thứ tự xác lập giao dịch.

Vấn đề đặt ra là trong trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ trong đó có GDBĐ đăng ký, có GDBĐ không đăng ký thì xử lý như thế nào. Điều 325.2 BLDS Việt Nam đưa ra giải pháp: “Trong trường hợp tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự mà có GDBĐ có đăng ký, có GDBĐ không đăng ký thì GDBĐ có đăng ký được ưu tiên thanh toán”. Đây là giải pháp hợp lý phù hợp với thông lệ quốc tế, bởi vì đăng ký là phương thức minh bạch nhất về tình trạng pháp lý của tài sản, bên thứ ba có thể dễ dàng biết được quyền lợi của bên nhận bảo đảm trên tài sản, do vậy phương thức này cần phải được ưu tiên áp dụng. Công ước về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng thiết bị di động ngày 16/11/2001 tại Cape Town (Công ước Cape Town) đề cập đến vấn đề áp dụng các BPBĐ bằng thiết bị di động bao gồm “khung tàu bay, máy móc của tàu bay, máy bay trực thăng, các phương tiện, thiết bị chạy trên đường ray và các thiết bị không gian”, Điều 29.1 Công ước Cape Town quy định “Lợi ích bảo đảm đăng ký hưởng quyền ưu tiên so với các lợi ích bảo đảm đăng ký sau và các lợi ích bảo đảm không đăng ký”.

Ngoài quy tắc thứ tự về thời gian và quy tắc ưu tiên đăng ký, pháp luật một số nước còn quy định quy tắc chiếm hữu, kiểm soát tài sản bảo đảm để xác định thứ tự ưu tiên “Lợi ích bảo đảm của người kiểm soát tài khoản ký quỹ hưởng quyền ưu tiên so với lợi ích bảo đảm trên tài khoản ký quỹ của người không kiểm soát tài sản ký quỹ”[22]. UNCITRAL cũng áp dụng quy tắc kiểm soát để xác định quyền ưu tiên đối với quyền yêu cầu thanh toán từ tài khoản ngân hàng. Lợi ích bảo đảm trên quyền yêu cầu thanh toán từ tài khoản ngân hàng được xác lập bằng kiểm soát thì chủ nợ có bảo đảm kiểm soát quyền này hưởng quyền ưu tiên so với các bên nhận bảo đảm khác. Nếu ngân hàng nơi mở tài khoản ký hợp đồng kiểm soát với nhiều bên nhận bảo đảm thì thứ tự ưu tiên thanh toán sẽ xác định theo thứ tự giao kết hợp đồng kiểm soát. Nếu ngân hàng nơi mở tài khoản là bên nhận bảo đảm thì bên này hưởng quyền ưu tiên so với các bên nhận bảo đảm khác trừ trường hợp một bên nhận bảo đảm khác là chủ tài khoản.

Quyền ưu tiên đối với đặc quyền cũng được xác định theo nguyên tắc riêng, người có quyền cầm giữ hàng hải được hưởng quyền ưu tiên cao hơn các chủ nợ khác có bảo đảm bằng tàu biển[23]. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa giải quyết thứ tự ưu tiên thanh toán giữa bên vận chuyển có quyền lưu giữ hàng hóa với chủ nợ khác được bảo đảm bằng hàng hóa bị lưu giữ, bên cầm giữ tàu biển hoặc hàng hóa với các chủ nợ khác được bảo đảm bằng tàu biển hoặc hàng hóa bị cầm giữ.

Trong nhiều trường hợp, ngân hàng cấp vốn cho bên mua để mua sắm hàng hóa, trang thiết bị hoặc bản thân bên bán sẽ cung cấp tín dụng thương mại cho bên mua bằng việc cho nợ lại toàn bộ hoặc một phần tiền hàng. Để bảo đảm lợi ích của các nhà tài trợ vốn, pháp luật Mỹ có quy định một BPBĐ, đó là lợi ích bảo đảm trên tài sản mua (purchase-money security interest). Ví dụ, bên mua mua sắm một cái thuyền mà tiền mua thuyền được trả bằng tiền vay ngân hàng, lợi ích bảo đảm của ngân hàng trên chiếc thuyền nhằm bảo đảm nghĩa vụ trả nợ được gọi là lợi ích bảo đảm trên tài sản mua[24]. Lợi ích bảo đảm trên tài sản mua dành cho chủ nợ quyền ưu tiên so với các chủ nợ có bảo đảm khác và chủ nợ không có bảo đảm.

Liên quan đến xung đột lợi ích giữa người cung cấp dịch vụ hưởng đặc quyền với các chủ nợ có bảo đảm khác, Luật mẫu EBRD cho rằng lợi ích bảo đảm xác lập theo pháp luật cho khoản tiền công dịch vụ hưởng quyền ưu tiên so với các lợi ích bảo đảm khác trên cùng một tài sản. “Nhiều hệ thống pháp luật ghi nhận lợi ích bảo đảm này cho người cung cấp dịch vụ – ví dụ, một người sửa chữa máy móc sẽ được hưởng lợi ích bảo đảm trên máy móc được sửa. Người này không phải quan tâm đến các BPBĐ khác”[25].

Ngoài ra, trong giải quyết xung đột lợi ích giữa các chủ nợ có bảo đảm trên cùng một tài sản, Luật mẫu EBRD thừa nhận việc tất cả các bên nhận bảo đảm trên cùng một tài sản thỏa thuận với nhau thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán. Công ước Cape Town cũng ghi nhận việc các bên thỏa thuận thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán[26]. Như vậy, thứ tự ưu tiên thanh toán có thể được xác định theo thỏa thuận của tất cả các chủ nợ có bảo đảm trên cùng một tài sản bảo đảm.

Ngoài vấn đề xác định quyền ưu tiên giữa các chủ nợ có bảo đảm trên cùng một tài sản, pháp luật còn giải quyết xung đột lợi ích giữa chủ nợ có bảo đảm với các bên thứ ba khác như người mua tài sản, người thuê tài sản và những người liên quan khác. Ví dụ Điều 20 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ Việt Nam về GDBĐ quy định: Trong trường hợp bên thế chấp bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh mà không có sự đồng ý của bên nhận thế chấp thì bên nhận thế chấp có quyền thu hồi tài sản thế chấp trừ trường hợp: (1) Việc mua, trao đổi tài sản được thực hiện trước thời điểm đăng ký thế chấp và bên mua, bên nhận tài sản thế chấp ngay tình; (2) Bên mua, bên nhận trao đổi phương tiện giao thông cơ giới đã được đăng ký thế chấp, nhưng nội dung đăng ký thế chấp không mô tả chính xác số khung và số máy của phương tiện giao thông cơ giới và bên mua, bên nhận trao đổi tài sản thế chấp ngay tình. Như vậy,trừ các ngoại lệ được nêu tại Điều 349.3 và 349.4 của BLDS Việt Nam và Điều 20 của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP, thì việc mua bán, trao đổi tài sản thế chấp sẽ vô hiệu và bên nhận thế chấp luôn chiếm ưu thế so với người mua hoặc người nhận tài sản thế chấp. Đề xuất của UNCITRAL lại có xu hướng bảo vệ người mua ngay tình: Người mua ngay tình tài sản hữu hình trừ công cụ chuyển nhượng hoặc giấy tờ có thể chuyển nhượng (là người mua tài sản trong trường hợp thông thường và tại thời điểm mua không biết là tài sản đang được sử dụng để bảo đảm) không phải chịu ràng buộc bởi lợi ích bảo đảm trên tài sản mua[27]. Theo UNCITRAL, đối với tài sản phải đăng ký hoặc xác nhận trong giấy chứng nhận quyền sở hữu, thì nếu tài sản này được dùng để bảo đảm nhưng không đăng ký tại cơ quan đăng ký quyền sở hữu hoặc không được xác nhận trong giấy chứng nhận quyền sở hữu thì bên thứ ba nhận chuyển nhượng, thuê hoặc được phép sử dụng tài sản không bị ảnh hưởng bởi lợi ích bảo đảm này[28].

UNCITRAL cũng quan tâm đến thứ tự ưu tiên thanh toán khi tài sản bị trộn lẫn hoặc chế biến. Trong trường hợp tài sản bảo đảm bị trộn lẫn hoặc chế biến thì thứ tự ưu tiên của các lợi ích bảo đảm trên tài sản bị trộn lẫn hoặc chế biến vẫn được giữ nguyên. Trong trường hợp có nhiều tài sản bảo đảm bị trộn lẫn hoặc chế biến thành tài sản mới thì thứ tự ưu tiên của các lợi ích bảo đảm trên tài sản mới được xác định theo tỷ lệ giá trị của mỗi lợi ích bảo đảm trong phạm vi tỷ lệ giá trị của tài sản bị trộn lẫn hoặc chế biến trong tài sản mới[29]. Theo luật của Mỹ, trong trường hợp sáp nhập động sản, người có lợi ích bảo đảm trên tài sản sáp nhập có hiệu lực trước khi sáp nhập được hưởng quyền ưu tiên so với những người khác. Đối với trường hợp trộn lẫn hoặc chế biến tài sản thì quyền ưu tiên được xác định theo tỷ lệ giá trị của mỗi thành phần (tài sản trước khi bị trộn lẫn/chế biến) cấu thành lên tài sản/sản phẩm mới trên tổng giá trị tài sản/sản phẩm. Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa đề cập đến vấn đề này.

6. Xử lý tài sản bảo đảm

Trong các hợp đồng tài trợ vốn, vi phạm của bên nhận tài trợ vốn là không thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ nợ gốc và lãi và/hoặc phí (nếu có) khi đến hạn. Trong các hợp đồng tín dụng thường quy định một số sự kiện nếu xảy ra sẽ làm cho nghĩa vụ trả nợ (bao gồm trả nợ gốc và lãi) đến hạn. Sự kiện này chỉ làm phát sinh quyền xử lý tài sản bảo đảm cho khoản vay khi khoản vay đến hạn và không được thanh toán. Bên tài trợ vốn không bao giờ mong muốn sự kiện vi phạm xảy ra. Tuy nhiên, trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ thanh toán, chủ nợ buộc phải xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của pháp luật. Hiện nay, hầu hết pháp luật các nước đều thừa nhận quyền tự xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm mà không phải thông qua thủ tục tòa án. Tài sản bảo đảm có thể được bán, bên nhận bảo đảm nhận tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm nhận thanh toán từ bên thứ ba trong trường hợp tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ hoặc phương thức khác do các bên thỏa thuận. Tài sản bảo đảm phải được bán trong điều kiện thương mại hợp lý. Theo pháp luật Việt Nam, tài sản có thể được bán thông qua bán đấu giá, hoặc bán đơn lẻ theo giá thỏa thuận, nếu không thể thỏa thuận thì theo giá được xác định bởi bên thứ ba. Tuy nhiên, về mặt thực tiễn, việc xử lý tài sản bảo đảm thông qua bán đấu giá hoặc bán đơn lẻ gặp khó khăn nếu như bên bảo đảm không hợp tác. Vì vậy, ở Việt Nam, thông thường các chủ nợ lựa chọn phương án kiện ra tòa án để yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm hơn là tự mình xử lý tài sản bảo đảm.

Điều 8.1 Công ước Cape Town đưa ra giải pháp xử lý tài sản bảo đảm như sau:Trong trường hợp xảy ra hành vi vi phạm của thụ trái, bên nhận bảo đảm có quyền áp dụng một hoặc những biện pháp sau: (1) Chiếm hu hoặc kiểm soát vật bảo đảm; (2) Bán hoặc cho thuê vật bảo đảm; (3) Thu hồi hoặc nhận bất kỳ khoản thu hoặc lợi nhuận phát sinh từ việc quản lý hoặc sử dụng vật bảo đảm. Bên nhận bảo đảm có thể tự mình thực hiện các hành vi trên hoặc yêu cầu tòa án áp dụng các biện pháp trên và các biện pháp này phải được thực hiện trong điều kiện thương mại hợp lý, nghĩa là được thực hiện phù hợp với hợp đồng bảo đảm trừ trường hợp rõ ràng hợp đồng là bất hợp lý. Trước khi tiến hành bán hoặc cho thuê vật bảo đảm, bên nhận bảo đảm phải thông báo trước cho các bên có liên quan: thụ trái, bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm khác, và các bên khác có quyền liên quan đến tài sản bảo đảm. Như vậy, thủ tục bắt buộc trong xử lý tài sản bảo đảm là thông báo công khai cho các bên liên quan. Việc bên nhận bảo đảm hoặc bên do bên này ủy quyền xử lý tài sản bảo đảm không công bố công khai là vi phạm pháp luật và phải bồi thường thiệt hại nếu gây thiệt hại. Trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, bên xử lý tài sản bảo đảm (bên nhận bảo đảm hoặc bên do bên nhận bảo đảm ủy quyền) có quyền yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp hành chính hoặc tư pháp nhằm hỗ trợ hoạt động xử lý tài sản bảo đảm. Ngược lại, nếu bên nhận bảo đảm xử lý tài sản bảo đảm không có căn cứ pháp luật hoặc không tuân theo điều kiện, thủ tục luật định hoặc không đúng với thỏa thuận hợp pháp của các bên mà gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại.

7. Kết luận và một số kiến nghị

Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế. Thị trường tài chính của Việt Nam đang ngày càng liên hệ mật thiết với thị trường tài chính thế giới. Thực tế đã chứng minh, các hợp đồng tài trợ vốn đang ngày càng được quốc tế hóa cao. Vì vậy, trước hết chúng ta cần nghiên cứu pháp luật về GDBĐ của cộng đồng quốc tế nhằm hoàn thiện hơn nữa pháp luật về GDBĐ của Việt Nam. Hiện nay, pháp luật về GDBĐ của Viêt Nam tương đối đầy đủ và tương thích với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề mà pháp luật vẫn chưa đề cập hoặc chưa quy định cụ thể.

Thứ nhất, pháp luật nên có quy định đầy đủ và cụ thể về địa vị pháp lý của người quản lý GDBĐ. Chủ thể này sẽ hỗ trợ hiệu quả cho thị trường trái phiếu và bảo vệ hiệu quả lợi ích của những chủ nợ yếu thế. Người quản lý GDBĐ là một tổ chức cung cấp dịch vụ quản lý và mua bán tài sản. Người quản lý GDBĐ sẽ do bên nhận bảo đảm chỉ định để thay mặt bên nhận bảo đảm quản lý tài sản bảo đảm, kiểm soát các giao dịch liên quan đến tài sản bảo đảm, kiểm soát việc sử dụng vốn của bên có nghĩa vụ (nếu các bên có thỏa thuận), thay mặt bên nhận bảo đảm gửi thông báo vi phạm và xử lý tài sản bảo đảm đến bên bảo đảm, thay mặt bên nhận bảo đảm xử lý tài sản bảo đảm.

Thứ hai, trong hoạt động kinh doanh, vẫn có những hoạt động dịch vụ trực tiếp bảo trì hoặc gia tăng giá trị của động sản, như sửa chữa, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, cứu hộ, vận chuyển tài sản,… Theo chúng tôi, pháp luật nên quy định cụ thể các đặc quyền trên tài sản mà họ cung cấp dịch vụ nhằm bảo đảm nghĩa vụ thanh toán phí dịch vụ ngoài quyền cầm giữ đã được quy định về mặt nguyên tắc trong BLDS. Ngoài ra, cũng nên dành cho những người nông dân cung cấp nguyên liệu cho các công ty sản xuất lương thực, thực phẩm đặc quyền trên nguyên liệu cung cấp, thành phẩm hoặc bán thành phẩm chế biến hoặc sản xuất từ nguyên liệu cung cấp và doanh thu từ việc bán nguyên liệu cung cấp, thành phẩm hoặc bán thành phẩm. Theo đó, người hưởng đặc quyền được bảo đảm thu hồi được khoản nợ bằng việc xử lý tài sản chịu đặc quyền. Người hưởng đặc quyền hưởng quyền ưu tiên cao hơn so với các chủ nợ khác trừ các ngoại lệ. Đây là biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa người nông dân khỏi tình trạng “trắng tay” khi các doanh nghiệp trốn nợ hoặc bị phá sản.

Thứ ba, pháp luật cũng cần có quy định cụ thể giải quyết vấn đề hiệu lực của GDBĐ và thứ tự ưu tiên thanh toán trong trường hợp tài sản bảo đảm bị sáp nhập, trộn lẫn hoặc chế biến thành tài sản khác. Pháp luật cũng nên cho phép các bên được thỏa thuận thay đổi thứ tự ưu tiên thanh toán.

Thứ tư, pháp luật cần quy định về quyền ưu tiên của ngân hàng và các chủ nợ khác trong trường hợp cho vay mua sắm tài sản. Theo đó, trong trường hợp tổ chức tín dụng cho khách hàng vay để mua sắm tài sản hoặc hàng hóa và người mua dùng tài sản hoặc hàng hóa để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ thì nếu GDBĐ được hoàn thiện, tổ chức tín dụng sẽ được hưởng quyền ưu tiên so với các chủ nợ khác. Nguyên tắc này cũng được áp dụng trong trường hợp người bán cấp tín dụng thương mại cho người mua.

Thứ năm, pháp luật cần hoàn thiện cơ chế xử lý tài sản nhằm bảo đảm cho chủ nợ có thể chủ động xử lý tài sản bảo đảm mà không nhất thiết phải thông qua con đường tòa án. Các quy định về xử lý tài sản bảo đảm không thông qua con đường tòa án cần bảo đảm việc xử lý tài sản bảo đảm công bằng, minh bạch và hợp lý về khía cạnh thương mại. Bên xử lý tài sản bảo đảm có quyền thu hồi tài sản bảo đảm nhưng không được sử dụng vũ lực hoặc xâm phạm trật tự công cộng. Hợp lý về khía cạnh thương mại được hiểu là bên xử lý tài sản bảo đảm phải thông báo cho bên bảo đảm một thời hạn hợp lý trước khi xử lý tài sản bảo đảm, việc xử lý tài sản bảo đảm phải được thực hiện ngay tình trên cơ sở nguyên tắc thiện chí, trung thực. Giá bán tài sản không được thấp hơn giá trị hợp lý của tài sản. Giá trị hợp lý là giá thị trường tại thời điểm bán tài sản đối với tài sản có thị trường giao dịch hoặc là giá trị được định giá bởi tổ chức định giá có thẩm quyền đối với tài sản không có thị trường giao dịch./.


[1] Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, Bình luận khoa học BLDS năm 2005, Chủ biên: PGS,TS. Hoàng Thế Liên, tập II, Phần thứ ba: Nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.70.

[2] United Nations Commission on International Trade Law, UNCITRAL Legislative Guide on Secured Transactions – Terminology and Recommendations – United Nations, Vienna, 2009, phần Terminology tr. xv.

[3] Tất cả các giao dịch dù theo hình thức nào, xác lập lợi ích bảo đảm trên động sản và vật gắn liền với bất động sản (§9.109(a) The Uniform Commerce Code (UCC).

[4] European Bank for Reconstruction and Development, Model Law on Secured Transactions 2004, Điều 16 (phần giải nghĩa).

[5] Thomas W. Merrill & Henry E.Smith, The Oxfored Introductions to the U.S Law – Property, Oxford University Press, 2010, tr. 176.

[6] Dan Prentice, Arad Reisberg, Corporate finance law in the UK and EU, Oxford University Press, 2011, tr. 240.

[7] Dan Prentice, Arad Reisberg, sđd, tr. 241.

[8] Bryan A. Garner, Black’s Law Dictionary, West Group, A Thomson Company, 2001, tr. 419.

[9] Donald B. King, Calvin A. Kuenzel, Bradford Stone, W.H. Knight, Jr. Commercial transactions under the Uniform Commercial Code and other laws, New York [etc.]: Mathew Bender, Cop. 1997, tr. 1029-1030.

[10] § 9-102(5) UCC.

[11] Điều 36.1 BLHH năm 2005.

[12] Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp, Bình luận khoa học BLDS năm 2005, sđđ, tr. 72.

[13] Viện Khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp, Bình luận khoa học BLDS năm 2005, sđd, tr. 73.

[14] European Bank for Reconstruction and Development, Model Law on Secured Transactions 2004, Điều 1.2 (phần giải nghĩa).

[15] United Nations Commission on International Trade Law, UNCITRAL Legislative Guide on Secured Transactions – Terminology and Recommendations – United Nations, Vienna, 2009, điểm 15, tr. 10

[16]Donald B. King, Calvin A. Kuenzel, Bradford Stone, W.H. Knight, Jr. Commercial transactions under the Uniform Commercial Code and other laws, New York [etc.]: Mathew Bender, Cop. 1997, tr. 807.

[17] Điều 860 Companies Act 2006 (Luật Công ty của Vương quốc Anh năm 2006 – bản gốc tiếng Anh).

[18] United Nations Commission on International Trade Law, UNCITRAL Legislative Guide on Secured Transactions – Terminology and Recommendations – United Nations, Vienna, 2009, điểm 21, tr. 11.

[19] United Nations Commission on International Trade Law, tlđd, điểm 22, tr. 11.

[20] Donald B. King, Calvin A. Kuenzel, Bradford Stone, W.H. Knight, Jr. Commercial transactions under the Uniform Commercial Code and other laws, New York [etc.]: Mathew Bender, Cop. 1997, tr. 928.

[21] Điều 325.1 BLDS năm 2005 của Việt Nam quy định “Trong trường hợp GDBĐ được đăng ký thì việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định theo thứ tự đăng ký.” Và Điều 325.3 BLDS năm 2005 của Việt Nam quy định “Trong trường hợp một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự mà các GDBĐ đều không đăng ký thì thứ tự ưu tiên thanh toán được xác định theo thứ tự xác lập giao dịch” .

[22] § 9.327(1) UCC.

[23] Điều 36.2 BLHH năm 2005 của Việt Nam quy định: “Các khiếu nại hàng hải làm phát sinh quyền cầm giữ hàng hải quy định tại Điều 37 của Bộ luật này có thứ tự ưu tiên cao hơn các khiếu nại hàng hải được bảo đảm bằng thế chấp tàu biển và các GDBĐ khác” .

[24] Bryan A. Garner, Black’s Law Dictionary, West Group, A Thomson Company, 2001, tr. 630.

[25] European Bank for Reconstruction and Development, Model Law on Secured Transactions 2004, Điều 17.6 (phần giải nghĩa).

[26] Điều 29.5 của Công ước về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng thiết bị di động ngày 16/11/2001 tại Cape Town (bản gốc tiếng Anh).

[27] United Nations Commission on International Trade Law, UNCITRAL Legislative Guide on Secured Transactions – Terminology and Recommendations – United Nations, Vienna, 2009, điểm 81(a), tr. 35.

[28] United Nations Commission on International Trade Law, tlđd, điểm 78, tr. 34.

[29] United Nations Commission on International Trade Law, tlđd, tr. 37

SOURCE: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU LẬP PHÁP ĐIỆN TỬ

Trích dẫn từ: http://www.nclp.org.vn/kinh_nghiem_quoc_te/giao-dich-bao-111am-duoi-khia-canh-so-sanh-luat-hoc-1

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com