A trộm cắp tài sản của H trị giá 300 triệu đồng Hành vi của A được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 138 BLHS

TÌNH HUỐNG

A trộm cắp tài sản của H trị giá 300 triệu đồng. Hành vi của A được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 138 BLHS. A bị đưa ra xét xử và bị tòa án xử phạt 7 năm tù. Hỏi :

  1. Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 8 BLHS hãy phân loại tội phạm đối với tội trộm cắp tài sản quy định tại Điều 138 BLHS?
  2. Tội trộm cắp tài sản là tội có CTTP vật chất hay CTTP hình thức? Tại sao?
  3. Nếu trong quá trình điều tra xác minh được khi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản nói trên A đang bị mắc bệnh tâm thần thì A có phải chịu TNHS không? Tại sao?
  4. Nếu có đủ căn cứ xác định A chuẩn bị phạm tội trộm cắp tài sản là chiếc xe máy trị giá 300 triệu đồng nói trên thì A có phải chịu TNHS không? Tại sao?
  5. Giả sử tòa án căn cứ vào Điều 47 BLHS xử phạt A 3 năm tù, thì có thể cho A hưởng án treo được không? Tại sao?

GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG

  1. Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 8 BLHS hãy phân loại tội phạm đối với tội trộm cắp tài sản quy định tại Điều 138 BLHS?

Khoản 3 Điều 8 BLHS quy định :

Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiệm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”

Tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 138 của BLHS như sau:

1*. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng* đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng* nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2.Phạm tội một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.”

Như vậy, căn cứ vào khoản 3 Điều 8 BLHS, tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 138 BLHS được phân loại các tội phạm như sau:

Khoản 1 Điều 138 BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt người phạm tội có thể phải chịu là ba năm tù, do đó, tội phạm quy định tại khoản này là tội phạm ít nghiêm trọng.

Khoản 2 Điều 138 BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội có thể phải chịu là bảy năm tù, do đó, tội phạm quy định tại khoản này là tội phạm nghiêm trọng.

Khoản 3 Điều 138 BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội có thể phải chịu là mười lăm năm tù, do đó, tội phạm được quy định tại khoản này là tội phạm rất nghiêm trọng. Xét trong tình huống đầu bài,hành vi của A được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 138 BKHS , do đó, tội phạm mà A thực hiện là tội phạm rất nghiêm trọng.

Khoản 4 Điều 138 BLHS quy định mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội có thể phải chịu là hai mười năm tù hoặc tù chung thân, do đo, tội phạm được quy định tại khoản này là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Khoản 5 Điều 138 BLHS quy định về hình phạt bổ sung mà người phạm tội trộm cắp tài sản có thể phải gánh chịu. Vì vậy, với quy định tại khoản này thì không áp dụng phân loại tội phạm.

  1. Tội trộm cắp tài sản là tội có CTTP vật chất hay CTTP hình thức? Tại sao?

Tội trộm cắp tài sản là tội có Cấu thành tội phạm vất chất.

Giải thích:

Cấu thành tội phạm vật chất là CTTP có dấu hiệu về mặt khách quan là hành vi, hậu quả, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Như vậy, có nghĩa là, khi mô tả trong điều luật, nhà làm luật nói tới hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà hành vi gây ra. Hậu quả có thể về tài sản, về tổn hại sức khỏe,… gây hại cho đối tượng bị hành vi của tội phạm xâm hại tới.

Đối với Tội trộm cắp tài sản, thì tội này có CTTP cơ bản được quy định tại khoản 1 Điều 138 BLHS :

1*. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng* đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng* nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”

Theo quy định trên, trong CTTP của tội trộm cắp tài sản, nhà làm luật đã miêu tả hậu quả của hành vi trộm cắp gây ra. Đó là sự thiệt hại về tài sản của người bị mất tài sản, tài sản bị trộm có “giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc người trộm đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc người trộm cắp đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” . Vì vậy, có thể khẳng định, tội trộm cắp tài sản là tội có CTTP vật chất.

  1. Nếu trong quá trình điều tra xác minh được khi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản nói trên A đang bị mắc bệnh tâm thần thì A có phải chịu TNHS không? Tại sao?

Trong trường hợp này, A vẫn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi trộm cắp tài sản của mình.

Giải thích:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 BLHS về “ Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự” :

1. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.”

Với quy định tại khoản 1 Điều 13 Bộ luật hình sự, thì tình trạng không có nặng lực trách nhiệm hình sự là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Như vậy, tiêu chuẩn (dấu hiệu) để xác định một người không có năng lực trách nhiệm hình sự là mắc bệnh (tiêu chuẩn y học) và tâm lý (mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển).

Trong đó , dấu hiệu ý học là: người trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm rối loạn hoạt động tâm thần.

Dấu hiệu tâm lý là: Người trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự phải là người mất năng lực hiểu biết những đòi hỏi của xã hội liên quan đến hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được thực hiện là đúng hay sai, nên làm hay không nên làm. Và như vậy, họ cũng không thể có năng lực kiềm chế việc thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội để thực hiện hành vi xử sự khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội.

Người trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự còn có thể là người tuy có năng lực nhận thức, tuy có khả năng đánh giá được tính nguy hiểm cho xã hội của mình nhưng do các xung đột bệnh lí nên không thể kiểm chế việc thực hiện hành vi đó.

Chỉ được coi là trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự khi đồng thời cả hai dấu hiệu y học và tâm lý học đều thỏa mãn. Hai dấu hiệu này cùng có quan hệ với nhau. Dấu hiệu y học là nguyên nhân, tâm lí có vai trò là kết quả, nhưng không có nghĩa mắc bệnh tâm thần là đều dẫn đến việc mất năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi. Năng lực này có mất hay không, không chỉ phụ thuộc vào loại bệnh mà còn phụ thuộc vào mức độ bệnh và vào tính chất của hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thực hiện. Có loại bệnh tâm thần luôn luôn làm mất NLTNHS, có loại bệnh chỉ làm mất năng lực này khi ở vào mức độ nhất định và có loại bệnh hoàn toàn không làm mất năng lực này.

Việc xác định hai dấu hiệu này đều thuộc nội dung của giám định tâm thần tư pháp. Kết luận giám định tâm thần vừa xác định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có mắc bệnh tâm thần và có trong tình bệnh khi thực hiện hành vi đó hay không, vừa xác định ảnh hưởng của bệnh đã mắc ( nếu có) đối với năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi của người bệnh. Đối với người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng nói trên, thì luật Hình sự không đặt vấn đề trách nhiệm hình sự mà chỉ áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Trở lại với tình huống, A được xác minh là khi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, A đang bị mắc bệnh tâm thần. Trong trường hợp này, không nói rõ hay không nói đến kết quả thẩm định xác minh rằng bệnh tâm thần của A đã thỏa mãn đầy đủ hai dấu hiệu về y học và tâm lí. Tức là bệnh tâm thần đã làm A mất hết năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi của mình khi thực hiện hành vi phạm tội, vì ở một số bệnh nó có thể làm mất hoàn toàn, không mất hoặc chỉ mất một phần năng lực hành vi. Giả sử, xác minh được rằng, khi thực hiện hành vi trộm cắp, A mắc bệnh tâm thần, nhưng bệnh này không làm mất năng lực nhận thức và năng lực điều khiển, hoặc có mất nhưng chỉ mất một phần năng lực đó, có nghĩa là A vẫn nhận thức được hành vi của mình gây ra là nguy hại cho xã hội. Như vậy, A vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự toàn bộ hoặc một phần đối với hành vi trộm cắp tài sản của mình.

Tuy nhiên, nếu giả sử trong trường hợp này, đã xác minh được rõ, rằng bệnh tâm thần mà A đang mắc phải, thỏa mãn đầy đủ cả hai dấu hiệu, và làm A mất hoàn toàn năng lực hành vi của mình, thì A sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của mình, nhưng phải chịu biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

  1. Nếu có đủ căn cứ xác định A chuẩn bị phạm tội trộm cắp tài sản là chiếc xe máy trị giá 300 triệu đồng nói trên thì A có phải chịu TNHS không? Tại sao?

Trong tình huống đề bài không đề cập đến tuổi của A, như vậy, ta có thể mặc nhiên A có đủ độ tuổi và năng lực chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.

Xét trong trường hợp này, nếu có đủ ăn cứ xác định A chuẩn bị phạm tội trộm cắp tài sản là chiếc xe máy trị giá 300 triệu đồng thì A phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình. Giải thích :

Chuẩn bị phạm tội được quy định tại Điều 17 BLHS như sau:

Chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn cộng cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm.

Người chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện.”

Với tình huống này, A có đủ căn cứ cho thấy việc chuẩn bị trộm cắp tài sản là chiếc xe máy có trị giá 300 triệu đồng. Tội mà A chuẩn bị phạm tội được quy định tại khoản 3 Điều 138 BLHS. Mà theo như ở phần 1 đã phân loại thì đây là tội phạm rất nghiêm trọng. Do đó, A phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi này.

  1. Giả sử tòa án căn cứ vào Điều 47 BLHS xử phạt A 3 năm tù, thì có thể cho A hưởng án treo được không? Tại sao?

Giả sử tòa án căn cứ vào Điều 47 BLHS xử phạt A 3 năm tù, thì A có thể được hưởng án treo.

Giải thích:

Điều 47 BLHS quy định về “Quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật” như sau:

Khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật này, Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt nhẹ hơn của điều luật, trong trường hợp điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất của điều luật, thì Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hoặc chuyển sang một hình phạt khác nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nẹ phải được ghi rõ trong bản án.”

Xét với tình huống đề bài, Tòa án căn cứ vào Điều 47 trên đây xử phạt A 3 năm tù. Như vậy, căn cứ vào đây, có thể xác định rằng trong tình huống này, A sẽ có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc Tòa án xem xét cho A được hưởng án treo.

 “Án treo” được quy định tại khoản 1 Điều 60 BLHS như sau:

1. Khi xử phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một đến năm năm.”

Ngoài ra “ Nghị quyết số 01/ 2007/ NQ – HĐTP ngày 02 tháng 10 năm 2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt” có quy định hướng dẫn như sau :

6.1. Chỉ cho người bị xử phạt tù hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Bị xử phạt tù không quá ba năm, không phân biệt về tội gì;

Trường hợp người bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội mà khi tổng hợp hình phạt, hình phạt chung không quá ba năm tù, thì cũng có thể cho hưởng án treo.

b) Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân; chưa có tiền án, tiền sự; có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng;

c) Có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên và không có tình tiết tăng nặng, trong đó có ít nhất là một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của BLHS. Trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ vừa có tình tiết tăng nặng, thì tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ hai tình tiết trở lên;

d) Nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây nguy hiểm cho xã hội hoặc không gây ảnh hưởng xấu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Như vậy, với những quy định trên, thì để xem xét người bị kết án có được hưởng án treo hay không, Tòa án phải căn cứ vào các yếu tố sau: về mức phạt tù, về nhân thân người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ. Ngoài ra, Tòa án còn căn cứ vào điều kiện thuộc trường hợp không cần bắt buộc

Chấp hành hình phạt tù. Đây là những căn cứ bắt buộc để Tòa án dựa vào đó để cho bị cáo hưởng án treo hay không.

Mức phạt tù là căn cứ đầu tiên để Tòa án cho người bị kết án được hưởng án treo hay không. Người bị kết án có thể được Tòa án cho hưởng án treo nếu người đó bị tuyên phạt tù không quá 3 năm tù, không phân biệt tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hay tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Xét trong trường hợp của A, A bị kết án 3 năm tù vì không phân biệt loại tội phạm, nên ở đây, sẽ không cần xét đến việc A phạm tội rất nghiêm trọng như đã nói tại mục 1.

Về nhân thân người phạm tội, đây cũng là căn cứ quan trọng để Tòa án xem xét việc cho người bị kết án hưởng án treo. Để được hưởng án treo, thì người bị kết án phải là người có nhân thân tốt, được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn tôn trọng các quy tắc xã hội, chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân nơi cư trú, công tác; không vi phạm các điều mà pháp luật cấm; chưa bao giờ bị kết án, bị xử lý vi phạm hành chính, bị xử lý kỷ luật. Trở lại với tình huống, thì đầu bài không nói đến tình tiết nhân thân nên việc xác định nhân thân của A là hết sức quan trọng, nó có liên quan lớn đến việc A có thể được cho hưởng án treo hay không.

Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là một trong những điều kiện để Tòa án cho người bị kết án cho hưởng án treo. Điểm c mục 6.1 Nghị quyết số 01/ 2007/ NQ – HĐTP ngày 02 tháng 10 năm 2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt” đã nếu rõ, để được hưởng án treo thì người bị kết án đó “Có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên và không có tình tiết tăng nặng, trong đó có ít nhất là một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của BLHS. Trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ vừa có tình tiết tăng nặng, thì tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ hai tình tiết trở lên”. Điều này cũng được ghi nhận tại điểm d khoản 2 của Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dấn áp dụng Điều 60 của Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, bên cạnh ba yêu tố quan trọng trên, thì việc cân nhắc nếu cho người phạm tội hưởng án treo thì người đó sẽ không gây nguy hại cho xã hội hoặc gây ảnh hưởng xấu đến công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm cũng đóng vai trò quan trọng. Ở đây, Tòa án cũng cần xem xét kĩ điều này đối với A.

Trở lại với tình huống đầu bài, cũng như đã phân tích ở trên, A sẽ có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của BLHS. Trong trường hợp này, không nói đến tình tiết tăng nặng, dựa vào tình tiết của đầu bài, việc A được hưởng mức án thấp hơn so với mức thấp nhất của khung hình phạt quy định tại Điều 47, có thể giả sử rằng, ở đây A không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Như vậy, từ những phân tích ở trên, trong tình huống này, A đã đáp ứng được yêu cầu về mức án phạt tù ( bị xử phạt 3 năm tù), và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1 Điều 46 BLHS). Ở đây không nói đến nhân thân người phạm tội, nhưng việc A được hưởng án treo là có thể xảy ra, nếu Tòa án chứng minh được rằng, A là người có nhân thân tốt, đáp ứng được các nội dung trên và việc cho A hưởng án treo là không gây hại hay nguy hiểm cho xã hội và không ảnh hưởng xấu đến việc phòng chống, đấu tranh với tội phạm của các cơ quan chức năng.

Do đó, có thể kết luận rằng, nếu căn cứ vào Điều 47 BLHS , Tòa án xử phạt A 3 năm tù giam, thì A có thể được hưởng án treo.

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com