Ưu tiên thanh toán trong thi hành án dân sự – Chỉ được thực hiện khi đủ điều kiện

Ưu tiên thanh toán trong thi hành án dân sự – Chỉ được thực hiện khi đủ điều kiện

22/01/2015

Hệ thống các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự hiện nay đang dần được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Theo pháp luật, nhiệm vụ của cơ quan thi hành án dân sự, mà trực tiếp chấp hành viên là người có trách nhiệm đảm bảo hiệu lực trên thực tế của các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Tính hiệu quả trong việc này phụ thuộc trước hết vào tính khách quan, công bằng trong phán quyết của bản án, quyết định đó. Ngoài ra, tính minh bạch, rõ ràng trong các quy định của pháp luật cũng là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng. Xin nêu và phân tích một vụ việc cụ thể để thấy rõ tầm quan trọng cũng như vướng mắc mà chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự gặp phải như sau:

Trong quá trình giải quyết vụ kiện dân sự đòi lại tài sản giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Tú và bị đơn là ông Nho Văn Lập. Theo đơn đề nghị của ông Tú, ngày 13/01/2014, Tòa án nhân dân huyện K đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài khoản của ông Lập với số tiền phong tỏa là 320.000.000 đồng. Việc thực hiện Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được cơ quan thi hành án dân sự huyện K thụ lý và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 14/3/2014, Tòa án nhân dân huyện K ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa nguyên đơn là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện K và ông Nho Văn Lập (Quyết định số 01/2014/KDTM). Theo đó, ông Nho Văn Lập có trách nhiệm trả tiền nợ đã vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện K số tiền là 400.000.000 đồng. Đồng thời, ông Nho Văn Lập phải chịu 10.000.000 đồng tiền án phí.

Trên cơ sở Quyết định trên, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện K đã làm đơn yêu cầu thi hành án, Chi cục Thi hành án dân sự huyện K đã thụ lý và phân công chấp hành viên tổ chức thi hành.

Ngày 02/4/2014, Tòa án nhân dân huyện K đưa ra xét xử vụ kiện đòi tài sản giữa ông Tú và ông Lập và ban hành Bản án số 02/2014/DSST. Trong phần Quyết định nêu rõ:

“1. Buộc ông Nho Văn Lập phải trả cho ông Nguyễn Văn Tú số tiền đã vay là 320.000.000 đồng.

2. Giữ nguyên biện pháp phong tỏa tài khoản đối với ông Nho Văn Lập để đảm bảo thi hành án.

3. Ông Nho Văn Lập phải chịu 16.000.000 đồng tiền án phí”.

Sau khi Bản án có hiệu lực pháp luật, ông Nguyễn Văn Tú làm đơn yêu cầu thi hành án, Chi cục Thi hành án dân sự huyện K đã thụ lý và đưa ra tổ chức thi hành theo đúng quy định của pháp luật.

Hết thời hạn tự nguyện thi hành án theo các quyết định thi hành án, ông Nho Văn Lập không tự nguyện thi hành. Chi cục Thi hành án dân sự huyện K tiến hành xử lý số tiền 320.000.000 đồng của ông Nho Văn Lập bị phong tỏa. Đến đây, có hai quan điểm, khác nhau liên quan đến việc thanh toán các nghĩa vụ của ông Nho Văn Lập. Cụ thể như sau:

Quan điểm thứ nhất, cơ quan thi hành án dân sự huyện K phải xử lý toàn bộ số tiền 320.000.000 đồng để thanh toán nghĩa vụ trả nợ của ông Nho Văn Lập đối với ông Nguyễn Văn Tú.

Quan điểm thứ hai, cơ quan thi hành án dân sự huyện K phải thực hiện thứ tự thanh toán tiền thi hành án theo đúng quy định tại Điều 47 Luật Thi hành án dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành.

– Ý kiến theo quan điểm thứ nhất cho rằng, trong Bản án số 02/2014/DSST ngày 02/4/2014, Tòa án nhân dân huyện K đã ấn định số tiền phong tỏa 320.000.000 đồng được dùng để thanh toán cho nghĩa vụ trả nợ cho ông Nguyễn Văn Tú. Vì vậy, cơ quan thi hành án xử lý tiền để chi trả toàn bộ cho ông Tú là đúng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thi hành án. Mặt khác, trước khi ban hành Bản án số 02/2014/DSST, Tòa án đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để ngăn chặn việc ông Lập cất giấu, tẩu tán tiền, gây khó khăn cho việc thi hành án sau này.

Tại Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định các biện pháp khẩn cấp tạm thời gồm:

“Điều 102. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời

1. Giao người chưa thành niên cho cá nhân hoặc tổ chức trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.

2. Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ cấp dưỡng.

3. Buộc thực hiện trước một phần nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm.

4. Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

5. Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định sa thải người lao động.

6. Kê biên tài sản đang tranh chấp.

7. Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.

8. Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp.

9. Cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hoá khác.

10. Phong toả tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong toả tài sản ở nơi gửi giữ.

11. Phong toả tài sản của người có nghĩa vụ.

12. Cấm hoặc buộc đương sự thực hiện hành vi nhất định.

13. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác mà pháp luật có quy định”.

Khoản 4 Điều 17 Bộ luật Tố tụng dân sự cũng quy định:

“4. Trong trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 10, khoản 11 Điều 102 của Bộ luật này thì chỉ được phong toả tài khoản, tài sản có giá trị tương đương với nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện”.

Mặt khác, tại tiểu mục 7.2 Mục 7 Nghị quyết số 02/2005/NQ-HĐTP ngày 27/4/2005 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định tại Chương VIII “Các biện pháp khẩn cấp tạm thời” của Bộ luật Tố tụng dân sự hướng dẫn:

“7.2. Trong trường hợp người yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời yêu cầu phong toả tài khoản, tài sản để bảo đảm nghĩa vụ tài sản mà người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ phải thực hiện theo đơn khởi kiện, thì Toà án chỉ được phong toả tài khoản, tài sản có giá trị tương đương với nghĩa vụ tài sản đó trở xuống”.

Từ những quy định trên có thể nhận định rằng, ngay từ khi thụ lý vụ việc, ông Tú đã làm đơn đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài khoản và đã được Tòa án chấp nhận là cơ sở khẳng định việc phong tỏa số tiền 320.000.000 đồng là vừa đủ và chỉ để đảm bảo thanh toán nghĩa vụ trả nợ cho ông Nguyễn Văn Tú mà không quan tâm đến các nghĩa vụ khác như án phí, trả nợ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay bất kỳ nghĩa vụ nào theo bản án, quyết định đã có hiệu lực khác.

– Ý kiến theo quan điểm thứ hai cho rằng, tại phần quyết định của Bản án số 02/2014/DSST chỉ nêu: “Giữ nguyên biện pháp phong tỏa tài khoản đối với ông Nho Văn Lập để đảm bảo thi hành án” mà không ấn định rõ là “để đảm bảo thi hành nghĩa vụ trả nợ cho ông Nguyễn Văn Tú”. Vì vậy, không thể xác định số tiền 320.000.000 đồng được dùng để thi hành nghĩa vụ đã ấn định trong bản án, mà phải hiểu rằng số tiền này được dùng để đảo bảo thi hành cho các nghĩa vụ dân sự của ông Nho Văn Lập theo các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Có như vậy mới đảm bảo tính công bằng giữa các chủ thể trước pháp luật.

Ý kiến theo quan điểm thứ hai còn chỉ ra rằng, Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn như trên là để xác định trách nhiệm của người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và tránh tình trạng lạm dụng, gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, chứ không có ý nghĩa biện pháp khẩn cấp tạm thời là để đảm bảo cho nghĩa vụ trong đơn khởi kiện.

Mặt khác, thứ tự thanh toán tiền thi hành án, Điều 47 Luật Thi hành án dân sự quy định:

“Điều 47. Thứ tự thanh toán tiền thi hành án

1. Số tiền thi hành án, sau khi trừ các chi phí thi hành án và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này, được thanh toán theo thứ tự sau đây:

a) Tiền cấp dưỡng; tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần;

b) Án phí;

c) Các khoản phải thi hành án khác theo bản án, quyết định.

2. Trường hợp có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán tiền thi hành án được thực hiện như sau:

a) Việc thanh toán được thực hiện theo thứ tự quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ số tiền mà họ được thi hành án;

b) Số tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế thi hành án nào thì thanh toán cho những người được thi hành án đã có đơn yêu cầu tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó. Số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán.

Số tiền còn lại được trả cho người phải thi hành án.

3. Số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm đó sau khi trừ các chi phí về thi hành án.

4. Thứ tự thanh toán tiền thi hành án về phá sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.

5. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày thu được tiền, Chấp hành viên phải thực hiện việc thanh toán tiền thi hành án quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này”.

Để phản bác lại quan điểm thứ nhất, nếu dựa vào quy định tại khoản 3 Điều 47 nêu trên, thì điều kiện để cơ quan thi hành án được thực hiện ưu tiên thanh toán cho một nghĩa vụ cụ thể đã được ấn định trong bản án bao gồm:

Thứ nhất, “nghĩa vụ cụ thể được ưu tiên thanh toán theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự phải được xác định cụ thể trong bản án, quyết định của Tòa án tuyên kê biên bảo đảm thi hành cho nghĩa vụ cụ thể đó”. (Quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 125/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009).

Thứ hai, chỉ thực hiện trong trường hợp Tòa án tuyên kê biên tài sản để đảm bảo thi hành nghĩa vụ cụ thể.

Như vậy, có thể thấy rằng, trong trường hợp này, Tòa án nhân dân huyện K không tuyên việc tiếp tục phong tỏa số tiền 320.000.000 đồng để đảm bảo thi hành nghĩa vụ trả nợ cho ông Nguyễn Văn Tú là hoàn toàn đúng và không thể cho rằng việc tuyên như vậy là chưa rõ ràng. Vì về mặt lý luận, việc xử lý tiền, tài sản bảo đảm thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án dân sự, vấn đề phân phối, thanh toán tiền thi hành án phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 47 Luật Thi hành án dân sự.

Thanh toán tiền thi hành án theo quan điểm này một mặt có đầy đủ cơ sở pháp lý là Điều 47 Luật Thi hành án dân sự và Nghị định số 125/2013/NĐ-CP, mặt khác đảm bảo được tính công bằng cho các chủ thể, trong vụ việc này là Nhà nước, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn và ông Nguyễn Văn Tú.

Trên đây là phân tích từ một vụ việc cụ thể để thấy được tầm quan trọng, ý nghĩa của việc nhận thức đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật. Tránh tình trạng suy diễn theo ý chí chủ quan, gây ra những thiệt hại về mặt kinh tế cho cá nhân, tổ chức và là nguồn gốc phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo, gây mất uy tín của cơ quan thi hành án đối với người dân và làm giảm hiệu quả, chất lượng của công tác thi hành án dân sự.

Mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng chí, đồng nghiệp!

Lương Thanh Tùng

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com