Tiếp tục bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Tiếp tục bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

20/12/2013

Nghiên cứu Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, chúng tôi thấy có 14 nhóm quy phạm chính sau đây:

– Quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường, những hoạt động bảo vệ môi trường được khuyến khích và những hành vi bị nghiêm cấm…

– Quy định về tiêu chuẩn môi trường: Nguyên tắc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn môi trường; nội dung tiêu chuẩn môi trường quốc gia, hệ thống tiêu chuẩn môi trường quốc gia…

– Đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường.

– Bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên: Điều tra, đánh giá, lập quy hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên; bảo vệ đa dạng sinh học; bảo vệ và phát triển cảnh quan thiên nhiên…

– Bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ: Trách nhiệm bảo vệ môi trường của tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…

– Bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư: Quy hoạch bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư; yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với đô thị, khu dân cư tập trung; bảo vệ môi trường nơi công cộng…

– Bảo vệ môi trường biển, nước sông và các nguồn nước khác.

– Quản lý chất thải: Trách nhiệm quản lý chất thải, xử lý sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ; tái chế chất thải, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý chất thải…

– Các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, khắc phục và phục hồi môi trường;

– Quan trắc và thông tin về môi trường;

– Nguồn lực bảo vệ môi trường: Tuyên truyền về bảo vệ môi trường; giáo dục về môi trường và đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường…

– Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường;

– Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên về bảo vệ môi trường…

– Thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và bồi thường thiệt hại về môi trường.

Qua nghiên cứu Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, chúng tôi thấy những điểm thiếu sót cụ thể của 25 điều (các Điều 3, 7, 10, 18, 19, 24, 36, 37, 41, 42, 43, 44, 49, 52, 65, 67, 74, 75, 79, 83, 84, 86, 113, 121, 126) cần nhanh chóng được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Những bất cập đó cụ thể là:

Thứ nhất, về công tác hướng dẫn thi hành. Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 có 15 chương với 135 điều nhưng việc hướng dẫn thi hành rất chậm. Nhiều nội dung không có văn bản hướng dẫn thi hành nên khó thực thi. Cần nhanh chóng có nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện để đảm bảo tính thống nhất và tính khả thi của Luật.

Thứ hai, về quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Về mặt thuật ngữ, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 sử dụng thuật ngữ “Tiêu chuẩn môi trường” không còn phù hợp với quy định của Luật về quy chuẩn và tiêu chuẩn. Việc Điều 10 Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành chỉ xác định có hai loại quy chuẩn kỹ thuật môi trường là quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh và quy chuẩn kỹ thuật về chất thải, mặc dù các quy định khác của pháp luật có quy định “phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật môi trường”. Ví dụ: Theo Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường, thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyền không có cơ sở pháp lý để ban hành các loại quy chuẩn này, nếu các loại hàng hoá này không phải là chất thải. Hậu quả của tính thiếu thống nhất trong quy định đã dẫn đến cách hiểu khác nhau trong quy định về bảo vệ môi trường đối với hoạt động nhập khẩu hàng hoá được quy định tại Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường.Với bất cứ cách hiểu nào cũng tạo ra sự mâu thuẫn và những khó khăn trong quá trình xây dựng quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với hàng hoá và phế liệu xuất khẩu.

Thứ ba, về bảo vệ môi trường trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu: Luật Bảo vệ môi trường không đưa ra khái niệm xuất khẩu, nhập khẩu và cũng không có văn bản hướng dẫn thi hành, nên khi áp dụng các quy định của pháp luật môi trường phải sử dụng khái niệm xuất khẩu, nhập khẩu được quy định trong Luật Thương mại, Luật Hải quan. Vì vậy, dẫn đến sự bất cập trong hoạt động vận chuyển chất thải, phế liệu từ trong các khu kinh tế, thương mại có quy chế đặc biệt ra ngoài khu vực này.Dưới góc độ Luật Thương mại, Luật Hải quan, đây là hoạt động nhập khẩu. Do đó, hoạt động vận chuyển chất thải từ những khu vực này ra bên ngoài để xử lý là hành vi bị cấm theo Luật Bảo vệ môi trường nhưng nếu không thực hiện thì lại gây ảnh hưởng tới môi trường chung.

Với điều kiện về cơ sở xử lý chất thải, nhiều quốc gia cho phép nhập khẩu chất thải để xử lý. Việt Nam đã trở thành thành viên của Công ước Basel về vận chuyển chất thải xuyên biên giới nên có thể xuất khẩu chất thải sang các quốc gia là thành viên của công ước này. Trong khi đó, có nhiều hoạt động làm phát sinh chất thải, nhưng Việt Nam chưa có hệ thống xử lý phù hợp với môi trường.Luật Bảo vệ môi trường chỉ cấm nhập khẩu, quá cảnh chất thải mà không cấm xuất khẩu chất thải.Tuy nhiên, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có những quy định hướng dẫn về trình tự, thủ tục, điều kiện đối với hoạt động xuất khẩu chất thải.Thực trạng này không những gây khó khăn cho các chủ thể có nhu cầu xuất khẩu chất thải, mà còn có nguy hại gây ảnh hưởng xấu tới môi trường Việt Nam.

Quy định cấm nhập khẩu các phương tiện giao thông vận tải đã qua sử dụng về để phá dỡ (điểm b, khoản 2, Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường) chưa bảo đảm quan điểm phát triển bền vững. Về mặt nguyên lý, chỉ cấm những loại phương tiện mà sau phá dỡ có nguy cơ rõ ràng và lớn tới môi trường, làm phát sinh nhiều chất thải nguy hại. Thực tế cho thấy, với quy định cấm này đã làm cho một lĩnh vực kinh tế (phá dỡ tàu cũ) bị ảnh hưởng nghiêm trọng và các lĩnh vực có liên quan (ngành thép, cơ khí) thiếu nguyên liệu sản xuất.

Quy định về điều kiện phế liệu được phép nhập khẩu (điểm a, khoản 1 Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường) đưa ra tiêu chí “đã được làm sạch” là tiêu chí định tính và do đó không rõ ràng trong quy định. Bên cạnh đó, quy định này cũng mâu thuẫn với điều kiện phế liệu được phép nhập khẩu tại Điều 43 khoản 1 mục b và quy định về điều kiện của chủ thể được phép nhập khẩu phế liệu (mục b, khoản 2, Điều 43). Có những loại phế liệu trong Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu theo Quyết định số 12/2006/QĐ-BTNMT không phù hợp với thực tế khi quy định về nguồn gốc phát sinh chứ không theo yêu cầu bảo vệ môi trường và do đó mâu thuẫn với quy định cấm nhập khẩu hàng tiêu dùng đã qua sử dụng gồm thuỷ tinh, kim loại, nhựa được quy định tại Phụ lục I Nghị định số 12/2006/NĐ-CP.

Đây là nguyên nhân tạo ra nguy cơ xung đột giữa cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị nhập khẩu; là nguy cơ tạo ra tham nhũng, nhũng nhiễu.

Thứ tư, về đánh giá tác động môi trường: Theo quy định hiện hành, chủ thể phải thực hiện đánh giá tác động môi trường được quy định trong nhóm quy định về vấn đề này (Điều 18 Luật Bảo vệ môi trường và được cụ thể hoá Phụ lục II Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường). Tuy nhiên, khoản 1 Điều 65 Luật Bảo vệ môi trường, khi quy định về bảo vệ môi trường nước ngầm, cũng quy định về trường hợp khai thác nước ngầm phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Hệ quả là tạo ra mâu thuẫn giữa các quy định. Bên cạnh đó, trong khi khoản 4 Điều 19 Luật Bảo vệ môi trường quy định phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung, thì khoản 3 Điều 13 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP của Chính phủ lại quy định phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường. Lập lại và bổ sung báo cáo đánh giá tác động môi trường có những yêu cầu khác nhau. Do đó, khoản 3 Điều 13 Nghị định hướng dẫn đã mâu thuẫn với khoản 4 Điều 19 Luật Bảo vệ môi trường. Mục 146 Phụ lục II Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 uỷ quyền cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định những trường hợp khác phải đánh giá tác động môi trường. Quy định này mâu thuẫn với khoản 2 Điều 18 Luật Bảo vệ môi trường vì thẩm quyền quy định danh mục các dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường do Chính phủ quy định và trái với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (khoản 1 Điều 8).

Các quy định về điều kiện của chủ thể được phép lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (khoản 3 và 5 Điều 19 Luật Bảo vệ môi trường, Điều 16 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011) đã không phân biệt giữa điều kiện của chủ thể thực hiện nghĩa vụ và điều kiện của chủ thể thực hiện hoạt động kinh tế trong lĩnh vực này. Do đó, các quy định này tạo ra tính không thống nhất, không hợp lý và thiếu tính khả thi.

Các quy định về hình thức thẩm định thông qua Tổ chức dịch vụ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (khoản 7 Điều 19 Luật Bảo vệ môi trường, khoản 3 Điều 19 Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011) không phù hợp với chủ trương xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường, không phù hợp với chủ trương cải cách hành chính và tạo ra những doanh nghiệp “sân sau” của cơ quan nhà nước khi quy định “cơ quan có thẩm quyền thẩm định quyết định việc tuyển chọn tổ chức dịch vụ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường”. Các quy định hiện hành chưa có quy định về trách nhiệm của Hội đồng thẩm định và Tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với kết luận thẩm định ràng buộc trách nhiệm của các chủ thể này đối với kết luận thẩm định của mình.

Thứ năm, về thẩm quyền quản lý: Theo Điều 121 Luật Bảo vệ môi trường, có quá nhiều bộ chủ quản chuyên ngành thực hiện hoặc phối hợp thực hiện hướng dẫn việc thực hiện pháp Luật Bảo vệ môi trường. Mặc dù là lĩnh vực bảo vệ môi trường có đặc thù là lĩnh vực mang tính đa ngành, liên ngành cao nhưng việc quy định quá nhiều cơ quan chủ trì, phối hợp nhưng không quy định sự phối hợp đó như thế nào dẫn tới việc về cùng một vấn đề tồn tại những văn bản hướng dẫn của các bộ khác nhau với những nội dung khác nhau. Theo các Điều 121, Điều 126, Điều 44 khoản 5 Luật Bảo vệ môi trường, có nhiều bộ cùng có chức năng kiểm tra việc thực hiện pháp Luật Bảo vệ môi trường. Thực trạng các quy định này không chỉ là sự chồng chéo, mâu thuẫn, bất hợp lý trong quy định mà còn dẫn tới sự lãng phí chi phí xã hội và chi phí cho doanh nghiệp.

Thứ sáu, các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất và quản lý chất thải: Luật Bảo vệ môi trường quy định (Điều 36 khoản 2, Điều 37 khoản 2, Điều 74 khoản 1 điểm d, Điều 75 khoản 1 điểm a, Điều 79 khoản 1 điểm b) các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp và cơ sở sản xuất trong những ngành nghề, lĩnh vực được liệt kê tại các quy định này “phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư, khu bảo tồn thiên nhiên…”. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành mới chỉ có quy định về phương pháp xác định khoảng cách an toàn đối với cơ sở sản xuất, cất giữ một số loại hoá chất nguy hiểm (quy định tại Điều 22 Luật Hoá chất và Điều 13, 14, 15 Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 7/10/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Hoá chất).

Điều 41 khoản 5, Điều 86 khoản 1 Luật Bảo vệ môi trường xác định nghĩa vụ của các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, phương tiện vận tải có nguy cơ gây sự cố môi trường phải áp dụng thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo quy định tại Điều 41 khoản 5 và Điều 86. Ngoài các quy định tại Luật Hoá chất (Điều 38), Điều 5 Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 7/10/2008 và Luật Dầu khí (Điều 5), Quyết định số 11103/2005/QĐ-TTg, Quyết định số 395/1998/QĐ-BKHCNMT ngày 10/4/1998, hiện nay chưa có các quy định nhằm xác định cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khác là cơ sở “có nguy cơ gây sự cố môi trường”.

Khoản 1 Điều 34 Luật Bảo vệ môi trường quy định: Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân tiêu dùng sản phẩm được cấp nhãn sinh thái và Điều 67 Luật Bảo vệ môi trường quy định về trách nhiệm thu hồi một số loại sản phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ, nhưng cho tới nay, Nhà nước vẫn chưa có những quy định hướng dẫn để thực hiện. Các quy định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (Nghị định số 67/2003/NĐ-CP ngày 13/6/2003, Nghị định số 04/2007/NĐ-CP ngày 8/1/2007, Nghị định số 26/2010/NĐ-CP ngày 22/3/2010, Thông tư liên tịch số 106/2007/TTLT-BTC-BTNMT ngày 6/9/2007, Thông tư liên tịch số 107/2010/TTLT-BTC-BTNMT) còn chưa rõ ràng giữa trách nhiệm nộp phí bảo vệ môi trường với trách nhiệm xử lý nước thải và phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản (Nghị định số 63/2008/NĐ-CP ngày 13/5/2008) chưa phù hợp với cơ sở tính phí bảo vệ môi trường tại Điều 113 Luật Bảo vệ môi trường, không những tạo ra sự mâu thuẫn trong các quy định, mà còn không có tác dụng khuyến khích doanh nghiệp khai thác khoáng sản giảm thiểu ô nhiễm trong quá trình khai thác.

Doanh nghiệp nhỏ và hoạt động kinh doanh quy mô hộ gia đình khó thực thi những nghĩa vụ quản lý chất thải, nhất là khí thải và nước thải được quy định tại các Điều 7 khoản 5, 6, 7; Điều 37 khoản 1 điểm c, Điều 77 khoản 2, Điều 83, Điều 84 Luật Bảo vệ môi trường vì không thể đủ điều kiện về cơ sở vật chất cũng như cơ sở hạ tầng.

Thứ bảy, về xử lý vi phạm: Hình thức xử lý “Tạm thời đình chỉ hoạt động” hoặc “cấm hoạt động” khi có hành vi vi phạm pháp luật môi trường (gây ô nhiễm môi trường) được quy định tại Điều 49 khoản 1 điểm b, Điều 49 khoản 2 điểm c Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 có thể được hiểu là: 1) “Tạm thời đình chỉ hoạt động” hoặc “cấm hoạt động” gây ảnh hưởng xấu tới môi trường (hành vi gây ô nhiễm môi trường) hoặc 2) “Tạm thời đình chỉ hoạt động” hoặc “cấm hoạt động” kinh doanh. Nếu hiểu theo cách thứ nhất thì có sự mâu thuẫn giữa quy định của Luật Bảo vệ môi trường (Điều 49 khoản 1, 2) với quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (Điều 3 khoản 2 điểm h, Điều 4 khoản 1, khoản 3 Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 và các điều khoản cụ thể trong Nghị định này). Nếu hiểu theo cách thứ 2 thì lại không có cơ sở pháp lý để thu hồi đăng ký kinh doanh vì quy định của Luật Doanh nghiệp (Điều 156, Điều 165 khoản 2) không xác định đây là căn cứ để có thể tạm thời đình chỉ hoặc thu hồi đăng ký kinh doanh.

Điểm b khoản 3 Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường quy định hình thức xử lý vi phạm “buộc lao động vệ sinh môi trường có thời hạn ở nơi công cộng” không phù hợp với các quy định xử lý hành chính, kỷ luật, hình sự, bồi thường thiệt hại. Bên cạnh đó, hình thức xử lý này áp dụng cả đối với tổ chức (doanh nghiệp) là không hợp lý và cho tới thời điểm này vẫn chưa có quy định hướng dẫn để thực hiện.

Để góp phần hoàn thiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, chúng tôi xin kiến nghị những giải pháp sau:

Một là, nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường trong từng lĩnh vực.Xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trên tất cả các lĩnh vực.

Hai là, nghiên cứu sửa đổi Điều 10 Luật Bảo vệ môi trường theo hướng liệt kê thêm các loại quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với hàng hoá nhập khẩu, quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu. Sửa đổi việc sử dụng thuật ngữ “Tiêu chuẩn môi trường” trong tất cả các điều khoản có sử dụng thuật ngữ này của Luật Bảo vệ môi trường thành thuật ngữ Quy chuẩn kỹ thuật môi trường và phải chỉ rõ trong đó phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật nào trong các quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Sửa đổi Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường theo hướng quy định thêm điều kiện của “phế liệu nhập khẩu phải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu”. Nhanh chóng xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với hàng hoá nhập khẩu và những quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu nhập khẩu còn thiếu.

Ba là, bổ sung một số khái niệm trong Luật Bảo vệ môi trường như khái niệm xuất khẩu, nhập khẩu theo cách hiểu của pháp luật môi trường theo hướng: Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu chỉ bao hàm hoạt động đưa hàng hoá vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc đưa hàng hoá ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Cần xây dựng những quy định riêng đối với hoạt động nhập khẩu chất thải và phế thải từ các khu vực có quy chế kinh tế đặc biệt nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ môi trường và bảo đảm tính phù hợp với đặc thù của hoạt động này. Nên quy định theo hướng áp dụng các quy định vận chuyển chất thải và phế liệu sản sinh ở trong nước đối với các hoạt động đưa chất thải và phế liệu từ các khu vực có quy chế đặc biệt về kinh tế ra ngoài khu vực này. Đồng thời, nên bỏ yêu cầu đối với phế liệu được phép nhập khẩu được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 43 Luật Bảo vệ môi trường về nội dung “đã được làm sạch”.

Đổi mới hoạt động ban hành danh mục phế liệu được phép nhập khẩu theo hướng sử dụng tiêu chí những vấn đề bảo vệ môi trường cần đáp ứng chứ không dựa vào nguồn gốc phát sinh phế liệu và mở rộng loại phế liệu được phép nhập khẩu sau đó hướng tới ban hành danh mục chất thải thông thường để sử dụng nó như danh mục phế liệu được phép nhập khẩu.

Ban hành các quy định liên quan đến hoạt động xuất khẩu chất thải, cụ thể, sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường theo hướng quy định rõ quyền được xuất khẩu chất thải của các chủ thể khác nhau và uỷ quyền cho chính phủ ban hành văn bản chi tiết hướng dẫn trình tự, thủ tục, điều kiện xuất khẩu chất thải. Sửa đổi điểm b khoản 2 Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường theo hướng: Cấm nhập khẩu phương tiện giao thông vận tải đã qua sử dụng không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường để phá dỡ.

Bốn là, nghiên cứu thay đổi hoặc bỏ quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật Bảo vệ môi trường. Cần đảm bảo an toàn về mặt pháp lý cho chủ dự án khi xác định những trường hợp được quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật Bảo vệ môi trường thực hiện lại báo cáo đánh giá tác động môi trường. Vì vậy, sửa đổi khoản 4 Điều 19 theo hướng thay thế báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung bằng lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Bổ sung các quy định về trách nhiệm của Hội đồng thẩm định và tổ chức dịch vụ thẩm định đối với kết luận của mình theo hướng: Trong trường hợp báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt mà dự án vẫn làm tổn hại đến môi trường xuất phát từ chất lượng của báo cáo đánh giá tác động môi trường thì Hội đồng thẩm định hoặc tổ chức dịch vụ thẩm định phải chịu trách nhiệm về hậu quả này như là cơ quan có thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Năm là, sửa đổi các quy định về thẩm quyền hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường theo hướng:

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm ban hành các quy định hướng dẫn, các quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thực hiện hoạt động kiểm tra việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường của các chủ thể. Trong trường hợp nội dung có liên quan đến các lĩnh vực như xây dựng, y tế, nông nghiệp… Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan xây dựng hướng dẫn và Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản hướng dẫn. Đối với hoạt động kiểm tra, trong trường hợp hoạt động kiểm tra các chủ thể hoạt động trong những lĩnh vực như xây dựng, y tế, nông nghiệp…, Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể yêu cầu bộ chuyên ngành phối hợp cùng thực hiện (Đoàn kiểm tra liên ngành).

Các Bộ quản lý ngành có trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật việc thực thi pháp luật bảo vệ môi trường của các chủ thể, doanh nghiệp thuộc ngành quản lý.

Sáu là, ban hành các hướng dẫn kỹ thuật về khoảng cách an toàn từ khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất (được liệt kê tại khoản 2 Điều 36, khoản 2 Điều 37, điểm d khoản 1 Điều 74, điểm a khoản 1 Điều 75, điểm b khoản 1 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường) tới khu dân cư, khu bảo tồn thiên nhiên, vùng được bảo vệ.

Ban hành quy định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường theo hướng: Xác định tiêu chí (hoặc liệt kê các lĩnh vực sản xuất kinh doanh) “có nguy cơ gây sự cố môi trường” và cụ thể hoá những nghĩa vụ được quy định tại Điều 86 Luật Bảo vệ môi trường. Nhà nước cần ban hành (có thể dưới dạng Nghị định) quy định về điều kiện, tiêu chí, trình tự, thủ tục cấp nhãn sinh thái, cơ chế thực thi và các chủ thể có liên quan.

Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện dự thảo, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định hướng dẫn về việc thu hồi các sản phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ. Sửa đổi các quy định về phí bảo vệ môi trường theo hướng: Xác định rõ nghĩa vụ nộp phí và nghĩa vụ xử lý chất thải là hai nghĩa vụ độc lập, trong đó làm rõ trách nhiệm của bên đóng phí và bên thu phí; mức bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản phải được thu dựa trên cơ sở mức độ ảnh hưởng tới môi trường của hoạt động khai thác khoáng sản. Các nội dung này nên đưa vào các Nghị định quy định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản.

Sửa đổi khoản 5, 6, 7 Điều 7, điểm c khoản 1 Điều 37, khoản 2 Điều 77, Điều 83, Điều 84 Luật Bảo vệ môi trường theo hướng tách riêng nghĩa vụ quản lý khí thải và nước thải đối với các cơ sở phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (là những doanh nghiệp lớn) với các doanh nghiệp phải thực hiện cam kết bảo vệ môi trường (là những doanh nghiệp nhỏ và quy mô hộ gia đình) và xây dựng những quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất thải áp dụng riêng cho hai nhóm này. Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách, quy hoạch, kế hoạch nhằm phát triển khu, cụm công nghiệp nhằm di chuyển các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ, quy mô hộ gia đình từ khu dân cư ra các khu vực này.

Bảy là, sửa đổi hình thức xử lý “tạm thời đình chỉ hoạt động” hoặc “cấm hoạt động” khi có hành vi vi phạm pháp luật về môi trường cụ thể: Nếu theo nguyên lý chung, hành vi nào vi phạm pháp luật thì sẽ cấm hành vi đó để tránh những hậu quả tiếp tục xảy ra. Từ đây, biện pháp tạm đình chỉ hoặc cấm hoạt động nên được hiểu là tạm đình chỉ hoặc cấm hoạt động đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, cần sửa đổi Điều 4 Luật Bảo vệ môi trường theo hướng bỏ hình thức xử lý “tạm đình chỉ hoạt động”, “cấm hoạt động” trong khoản 1, khoản 2, đồng thời, nên chuyển và quy định cụ thể hơn tại Nghị định số 117/2009/NĐ-CP theo hướng chỉ rõ hoạt động bị tạm đình chỉ hoặc bị cấm là hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

ĐặngThu Hiền

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com