Tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) – Cơ hội và thách thức đối với ViệtNam

Tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) – Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam

25/12/2013

Nếu như việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 được xem như là bước hội nhập theo chiều rộng của Việt Nam vào kinh tế thế giới, thì việc ký kết các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với các đối tác là hình thức hội nhập theo chiều sâu với các cam kết mạnh mẽ hơn, ở nhiều lĩnh vực hơn và do đó mức độ tác động tới tương lai của nền kinh tế, cũng như của mỗi ngành cũng lớn hơn và phức tạp hơn. Chính vì vậy, việc đàm phán để gia nhập Hiệp định Hợp tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Việt Nam trong thời gian qua là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu một số nét cơ bản về TPP, đồng thời phân tích, bình luận về cơ hội và thách thức đối với Việt Nam khi tham gia TPP.

Đôi nét về TPP

TPP (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement) là tên gọi tắt của Hiệp định Hợp tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương. Đây là một Hiệp định thương mại tự do nhiều bên, được ký kết với mục tiêu thiết lập một mặt bằng thương mại tự do chung cho các nước khu vực châu Á Thái Bình Dương, thúc đẩy thương mại, hấp dẫn đầu tư, thúc đẩy các nước cải cách thể chế. Hiệp định này được ký kết ngày 3/6/2005, có hiệu lực từ 28/5/2006 giữa 4 nước Singapore, Chile, New Zealand, Brunei. Tháng 9/2008, Hoa Kỳ tỏ ý định muốn tham gia đàm phán TPP, sau đó, tháng 11/2008, các nước Australia, Peru cũng tuyên bố tham gia, tiếp đến là Canada tham gia vào tháng 10/2012 và mới đây nhất, Nhật Bản tham gia đàm phán vào tháng 3/2013. Việt Nam đã tuyên bố tham gia TPP với tư cách là thành viên đầy đủ từ ngày 13/11/2010.Tính đến thời điểm hiện nay, có 12 quốc gia tham gia đàm phán, trong đó có những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Singapore[1]. Với sự tham gia của các nền kinh tế lớn trên thế giới, TPP trở thành khu vực kinh tế với hơn 790 triệu dân, đóng góp 40% GDP và chiếm 1/3 thương mại toàn cầu[2].

Về nguyên tắc, mức độ “tự do hóa” trong các nội dung cam kết là điểm để phân biệt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các hiệp định mở cửa thương mại thông thường. Đối với Hoa Kỳ, việc mở cửa thị trường các đối tác là vấn đề được đặc biệt nhấn mạnh. Vì vậy, TPP với sự tham gia của Hoa Kỳ được suy đoán là một thỏa thuận thương mại trong đó các bên sẽ phải đưa ra những cam kết mạnh, mở cửa rộng hơn nhiều so với các cam kết trong WTO.

TPP được đánh giá là Hiệp định mẫu mực cho thế kỷ XXI, không chỉ vì nó là Hiệp định lớn mà còn ở tầm vóc và sức ảnh hưởng của nó. Về phạm vi, so với Hiệp định Thương mại song phương (BTA), Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và trong WTO, TPP mở rộng hơn bao gồm cả về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, còn có các vấn đề phi thương mại như mua sắm Chính phủ, môi trường, lao động, công đoàn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Một số nội dung đàm phán nổi bật, nhạy cảm khi tham gia TPP là: Thương mại hàng hóa, vấn đề đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, lao động, công đoàn, các rào cản kỹ thuật (Hiệp định về Hàng rào kỹ thuật đối với Thương mại – TBT, Hiệp định về việc áp dụng các Biện pháp kiểm dịch động thực vật – SPS), chống tham nhũng, bảo vệ môi trường và các vấn đề khác.

Cơ hội lớn cho Việt Nam

Theo đánh giá của các chuyên gia trong nước cũng như quốc tế, khi tham gia “sân chơi” này, Việt Nam sẽ là một trong những nước có lợi nhiều nhất, vì mục tiêu chính của TPP là giảm thuế và những rào cản hàng hoá cho dịch vụ. Khi các dòng thuế giảm xuống, Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu quần áo, giày dép, hải sản và nhiều mặt hàng khác vốn là thế mạnh của mình vào các thị trường lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ – thị trường lớn nhất trong TPP, mà không phải cạnh tranh với sản phẩm của một số nước khác (đặc biệt là hàng hóa Trung Quốc). Có thể nói, việc mở rộng giao lưu thương mại với Hoa Kỳ và đầu tư nước ngoài gia tăng là yếu tố quan trọng giúp kinh tế Việt Nam phát triển[3]. Những nước TPP sẽ là nguồn cung cấp vốn đầu tư nước ngoài cho Việt Nam. Với tình trạng kinh tế trì trệ như hiện nay, Việt Nam cần vốn đầu tư nước ngoài hơn bao giờ hết. Nếu có một chính sách đầu tư nước ngoài khéo léo, Việt Nam có thể học hỏi và phát triển những ngành công nghiệp cao từ những nước TPP.

Theo kết quả nghiên cứu của Peter A. Petri, Michael G. Plummer và Fan Zhai vào cuối năm 2012, thì việc gia nhập TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng 46 tỉ USD, tức khoảng 13,6%. Khi TPP được ký kết, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 26,2 tỉ USD và sẽ tăng lên 37,5 tỉ USD nếu Nhật Bản tham gia TPP[4].

Bên cạnh đó, trong số 11 đối tác đang đàm phán với Việt Nam, hiện có 7 đối tác có quan hệ thương mại tự do với nước ta; 4 đối tác còn lại (Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Peru), chưa thiết lập quan hệ thương mại tự do nên cơ hội chủ yếu của Việt Nam sẽ mở rộng ở 4 thị trường này. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) kỳ vọng, TPP sẽ mang về cho Việt Nam kim ngạch xuất khẩu 30 tỷ USD vào năm 2020 và cán mức 55 tỷ USD vào năm 2030[5].

Ba lĩnh vực mà Việt Nam có thể tận dụng lợi thế khi tham gia TPP để tập trung phát triển nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới là[6]:

Trước hết là các nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam (gồm nông sản, dệt may, da giầy và đồ gỗ nội thất) sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi khi Việt Nam tham gia vào TPP. Cụ thể, các thành viên TPP có thể tham gia vào việc tư vấn, chuyển giao công nghệ và bán máy móc, nguyên liệu cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực này. Đồng thời, các nước cũng có thể đầu tư trực tiếp phát triển công nghệ phụ trợ, chế biến để phân phối các mặt hàng này ra thế giới.

Tiếp theo là lĩnh vực cơ sở hạ tầng, vì đây là nền tảng để hàng hóa của các nước thành viên được luân chuyển trong khu vực. Đặc biệt, tiềm năng của lĩnh vực này được nhân lên khi Việt Nam có vị trí địa lý gắn với Lào và Campuchia, cùng với những thỏa thuận về phát triển vận tải và phân phối của cả ba nước Đông Dương. Từ đây, hệ thống giao thông có thể được mở rộng ra cả các nước cận biển khác như Thái Lan, Myanmar.

Cuối cùng là cơ hội đầu tư vào ASEAN, với quy mô 600 triệu dân và GDP đạt 1.800 tỷ USD, thì ASEAN là khu vực có tiềm năng phát triển về tiêu dùng và đầu tư tương đối lớn. Các nước trong TPP cũng nhìn thấy việc đầu tư vào Việt Nam như một cơ hội để phát triển ra toàn khu vực ASEAN.

Nhưng thách thức không nhỏ

TPP nêu ra một số vấn đề nồng cốt mà Việt Nam sẽ phải thỏa mãn, đồng thời cũng là thách thức đối với Việt Nam như về sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, công ty nhỏ và trung bình. Quyền lao động, bao gồm quyền thành lập nghiệp đoàn dộc lập, quyền tụ họp, quyền đình công, chỉ là một phần của vấn đề rộng lớn hơn là nhân quyền. Theo đó, ba vấn đề khó khăn nhất là: (i) Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ: Những quy định của TPP về lĩnh vực này cao hơn, chế tài khắc nghiệt hơn khi các thành viên vi phạm thương mại tự do; (ii) Vấn đề doanh nghiệp nhà nước, cạnh tranh, mua sắm Chính phủ: Tham gia TPP phải xóa bỏ hết sự phân biệt, đối xử, áp dụng luật chơi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trên thị trường cũng như trong đấu thầu các khoản mua sắm công (trừ mua sắm cho an ninh quốc phòng); mọi doanh nghiệp bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, tài nguyên, vốn, thị trường; kiểm soát đầu tư công, công khai toàn bộ ngân sách quốc gia, mua sắm Chính phủ; (iii) Phải cam kết trao cho người lao động quyền lập hội để làm việc với giới chủ, để hỗ trợ nhau lúc khó khăn.

Vấn đề khó khăn lớn tiếp theo mà Việt Nam phải vượt qua là việc cải tổ các doanh nghiệp nhà nước để loại bỏ sự cạnh tranh thiếu công bằng giữa nhà nước và tư nhân. Khu vực quốc doanh chiếm khoảng gần 40% tổng sản lượng nội địa mà lại luôn luôn làm ăn thua lỗ, ngăn cản sự phát triển kinh tế, nhưng lại được ưu tiên về vốn đầu tư của nhà nước, quỹ phát triển quốc tế ODA và vay nợ ngân hàng. Trên 50% nợ xấu của các ngân hàng là xuất phát từ các doanh nghiệp nhà nước. Hơn 10 năm nay, nhà nước bàn thảo việc cải tổ khu vực quốc doanh, nhưng không đạt được tiến bộ cụ thể đáng kể nào[7].

Khi tham gia TPP, thuế quan giảm nhưng hàng rào phi thuế quan lại tăng, đó là những yêu cầu khắt khe về rào cản kỹ thuật và vệ sinh dịch tễ. Điển hình là trong quá trình đàm phán, một khó khăn nghiêm trọng mà Việt Nam gặp phải là vấn đề xuất xứ hàng hóa Ngành Dệt may. Theo đó, Hoa Kỳ đòi hỏi quần áo chỉ được coi là hàng hóa của Việt Nam nếu vải làm bằng tơ sợi cũng phải được sản xuất tại Việt Nam hay mua của các nước trong TPP. Trên thực tế, việc chứng minh xuất xứ hàng hóa là rất khó khăn[8].

Qua một số nghiên cứu mang tính định tính cho thấy, ngành hàng trong nước có thể gặp khó khăn đầu tiên là ô tô nếu chúng ta mở cửa thị trường hoàn toàn cho Hoa Kỳ và Nhật Bản. Cùng với đó, TPP sẽ ảnh hưởng mạnh đến giá thành nông sản. Các nông hóa phẩm mà Việt Nam hiện nay sử dụng đều có bảo hộ sáng chế, vì vậy chi phí sản xuất sẽ cao. Việc sử dụng những sản phẩm có bảo hộ sở hữu trí tuệ trong TPP khắt khe hơn. Các mặt hàng thịt gà, lợn, bò là lợi thế của Hoa Kỳ hoặc mặt hàng đường là thế mạnh của Australia, thì các ngành hàng tương ứng của ta cũng có thể gặp khó khăn.

Một số khuyến nghị

Để nắm bắt và tận dụng tốt cơ hội cũng như vượt qua được thách thức khi tham gia Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương – TPP, Việt Nam cần hoàn thiện thể chế, tạo ra khung pháp lý phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Đối với các doanh ngiệp, cần chuẩn bị tốt về tâm thế, kỹ năng và điều kiện cho sự cạnh tranh, tận dụng tối đa các quyền cạnh tranh mà cải cách mang lại, chấp nhận cạnh tranh bằng chính năng lực của mình. Cụ thể:

Đối với các cơ quan chức năng: (i)Cần tăng cường thông tin cho các doanh nghiệp thông qua nhiều kênh khác nhau. Qua đó nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp khi tham gia TPP; (i)Xem xét các chính sách thu hút đầu tư cho phù hợp với tình hình mới (ví dụ như đối với ngành dệt may); (iii) Hỗ trợ cho daonh nghiệp tham gia chuỗi giá trị; (iv) Chuẩn bị tốt quá trình cải cách thể chế.

Đối với các doanh nghiệp:(i) Chủ động theo dõi nắm bắt thông tin về TPP; (ii) Tích cực đóng góp ý kiến khi Chính phủ tham vấn; (iii) Tận dụng tốt các cơ hội về đầu tư; (iv) Cải thiện từng bước các chuẩn mực trong hoạt động kinh doanh (như kế toán, lao động, môi trường…)

Quốc Khánh



[1]Tài liệu phục vụ Hội thảo “Hành trang cho doanh nghiệp khi tham gia TPP”, Hà Nội, tháng 12/2013.

[2]Http://baodientu.chinhphu.vn/Kinh-te/TPP-Hiep-dinh-thuong-mai-cua-the-ky-21/180754.vgp.

[3]Trần Đình Thiên – Viện Kinh tế Việt Nam, “Kinh tế Việt Nam trước ngưỡng cửa TPP”, Tài liệu Hội thảo “Hành trang cho doanh nghiệp khi tham gia TPP”.

[4]Tài liệu phục vụ Hội thảo “Hành trang cho doanh nghiệp khi tham gia TPP”, Hà Nội, 12/2013.

[5]Trần Đình Thiên – Viện Kinh tế Việt Nam, “Kinh tế Việt Nam trước ngưỡng cửa TPP”, Tài liệu Hội thảo “Hành trang cho doanh nghiệp khi tham gia TPP”.

[6]TPP – Cơ hội đan xen thách thức cơ hội cho nền kinh tế và Ngành Ngân hàng Việt Nam, xem tại website http://www.sacombank.com.vn/nhadautu/bantinnhadautu.

[7]Http://m.voatiengviet.com/a/vietnam-va-hiep-dinh-tpp-thach-thuc-va-co-hoi.

[8]Trần Đình Thiên – Viện Kinh tế Việt Nam, “Kinh tế Việt Nam trước ngưỡng cửa TPP”, Tài liệu Hội thảo “Hành trang cho doanh nghiệp khi tham gia TPP”.

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com