Tài sản để thi hành án dân sự – Kê khai, kê biên, ủy uyền tài sản

[toc]

1.Thi hành án trong trường hợp người thứ ba giữ tài sản

Theo Điều 83 Luật Thi hành án dân sự 2008 thì người thứ ba đang giữ tiền của người bị cưỡng chế thi hành án phải giao nộp cho cơ quan thi hành án. Tuy nhiên, nếu số tiền do người thứ ba đang giữ của để phục vụ cho việc bảo đảm 01 nghĩa vụ khác (ví dụ nghĩa vụ bảo hành) mà việc bảo đảm này chưa kết thúc thì người thứ ba có phải nộp ngay số tiền đang giữ hay là sau khi kết thúc thời hạn bảo lãnh mới nộp cho cơ quan thi hành án.

Gửi bởi: Phạm Văn Cường

Trả lời có tính chất tham khảo

Điều 81 Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định vầ thu tiền của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ như sau:

“Trường hợp phát hiện người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định thu khoản tiền đó để thi hành án. Người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án có nghĩa vụ giao nộp tiền cho Chấp hành viên để thi hành án. Chấp hành viên lập biên bản thu tiền, cấp biên lai cho người thứ ba đang giữ tiền và thông báo cho người phải thi hành án. Trường hợp người thứ ba đang giữ tiền không ký vào biên bản thì phải có chữ ký của người làm chứng”.

Điều 14 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật thi hành án dân sự, quy định về thu tiền, tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ như sau:

“Tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án mà không thực hiện quyết định của Chấp hành viên về việc giao nộp số tiền, tài sản đó thì bị áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế để thi hành án”.

Chi phí cưỡng chế thi hành án do người phải thi hành án chịu.

Tuy nhiên Điều 90 Luật Thi hành án dân sự 2008 cso quy định về kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp (tài sản có bảo đảm) như sau:

“1. Trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án.

2. Khi kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho người nhận cầm cố, nhận thế chấp; khi xử lý tài sản kê biên, người nhận cầm cố, nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật này.”

Như vậy, nghĩa vụ bảo hành để thực hiện cho một nghĩa vụ khác được bảo đảm cho nghĩa vụ đó.

Theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự nếu người phải thi hành án không còn tài sản khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp (tài sản có bảo đảm) nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án.

Khi kê biên tài sản đang cầm cố, thế chấp (có bảo đảm), Chấp hành viên phải thông báo ngay cho người nhận cầm cố, nhận thế chấp; khi xử lý tài sản kê biên, người nhận cầm cố, nhận thế chấp được ưu tiên thanh toán theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật này.

Các văn bản liên quan:

Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Tổng cục Thi hành án dân sự

2.Bán tài sản đã bị kê biên để thi hành án

Năm 2003, tôi khởi kiện đòi lại 400 triệu đồng đã cho người bạn vay; cho đến năm 2005 thì vụ kiện mới được xét xử xong, Tòa án tuyên bạn tôi phải trả lại cho tôi số tiền trên và lãi suất chậm thi hành án. Trong năm 2005, tôi đã làm xong các thủ tục yêu cầu thi hành án và cơ quan thi hành án cũng đã kê biên nhà, đất của người bị thi hành án để bán đấu giá thi hành án cho tôi. Đến năm 2007 và 2008 người bị thi hành án liên tiếp dùng nhà đất đã bị kê biên đi thế chấp ngân hàng (có công chứng), cơ quan thi hành án biết (đã lập biên bản) nhưng không có văn bản và không gửi quyết định kê biên cho cơ quan chức năng khác để kịp thời ngăn chặn giao dịch. Hậu quả là người bị thi hành án đã bán tài sản bị kê biên, hợp đồng chuyển nhượng có công chứng. Người mua đã được cấp giấy chứng nhận, phá bỏ nhà cũ xây thành khách sạn. Khi tôi phát hiện và báo cho cơ quan thi hành án thì mọi việc đã rồi. Tôi làm đơn khiếu nại thi hành án làm việc tắc trách để người bị thi hành án tẩu tán tài sản kê biên và tố cáo người bị thi hành án thì cơ quan thi hành án chỉ tôi kiện ra tòa yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng, tôi nghe lời và kiện ra tòa. Tòa án cho tôi photocopy toàn bộ hồ sơ thì tôi được biết cơ quan công chứng không nhận được quyết định kê biên tài sản của Tòa án hay thi hành án, mà người bán trả nợ cho ngân hàng rồi cùng người mua đến công chứng làm hợp đồng, có thông báo giải chấp tài sản thế chấp của ngân hàng. Vụ kiện xin hủy hợp đồng đến nay đã 4 năm mà Tòa chưa xử xong, do mỗi cấp tòa xét xử mỗi khác. Đến nay thì tòa sơ thẩm phải xử lại từ đầu do bị hủy án. Tôi xin hỏi, tôi rút đơn kiện xin hủy Hợp đồng chuyển nhượng tại Tòa án được không? Tôi làm đơn kiện chấp hành viên phụ trách vụ thi hành án của tôi để yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước được không? Xin tư vấn giúp tôi, tôi chân thành cảm ơn!

Gửi bởi: lttha1964

Trả lời có tính chất tham khảo

Việc kê biên tài sản được thực hiện năm 2005 do đó sẽ được áp dụng theo khoản 7 Điều 41 Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1998:

“Đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm thì sau khi kê biên, Chấp hành viên phải thông báo cho cơ quan đăng ký quyền sở hữu, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm biết”.

Khoản 1 và 3 Điều 16 Nghị định 164/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/9/2004 quy định về những người tham gia kê biên quyền sử dụng đất như sau:

“1. Việc kê biên quyền sử dụng đất phải được tiến hành trên thực địa. Khi kê biên phải có mặt những người sau đây:

a) Các thành viên Hội đồng kê biên quyền sử dụng đất;

b) Đại diện Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất nơi có đất bị kê biên;

c) Đại diện ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất bị kê biên;

d) Người phải thi hành án, người được thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến quyền sử dụng đất được kê biên hoặc người đại diện hợp pháp của họ.

….

3. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp được mời tham gia giám sát; người sử dụng đất liền kề được mời tham gia chứng kiến việc kê biên quyền sử dụng đất.”

Khoản 4 Điều 20 Nghị định 164/2004/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/9/2004 quy định về Tạm giao quản lý, khai thác, sử dụng diện tích đất đã kê biên như sau:

“4. Trong thời hạn tạm giao quản lý, khai thác, sử dụng đất đã kê biên, người được tạm giao không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, để thừa kế quyền sử dụng đất, thế chấp, bảo lãnh hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất và không được sử dụng đất trái mục đích do pháp luật về đất đai quy định.”

Khoản 5 và 6 Điều 21 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ Quy định về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự quy định về kê biên tài sản như sau:

“5. Đối với trường hợp tài sản kê biên thuộc diện đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, đăng ký giao dịch bảo đảm thì khi ra quyết định kê biên tài sản, Chấp hành viên phải thông báo ngay cho các cơ quan sau đây biết việc kê biên tài sản:

a) Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan có thẩm quyền về đăng ký tài sản gắn liền với đất trong trường hợp kê biên quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;

b) Cục Hàng không Việt Nam, trong trường hợp tài sản kê biên là tàu bay;

c) Cơ quan đăng ký tàu biển và thuyền viên khu vực, trong trường hợp tài sản kê biên là tàu biển;

d) Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, trong trường hợp tài sản kê biên là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ;

đ) Cơ quan đăng ký thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp, trong trường hợp tài sản kê biên không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c của khoản này, trừ trường hợp tài sản kê biên là tài sản có giá trị nhỏ hoặc tài sản kê biên đã được giao cho cá nhân, tổ chức có điều kiện bảo quản hay được bảo quản tại kho của cơ quan thi hành án.

e) Các cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, sử dụng khác theo quy định của pháp luật.

6. Kể từ thời điểm nhận được thông báo về việc kê biên tài sản, cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản không thực hiện việc đăng ký chuyển dịch tài sản đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Điều 89 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định về kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm như sau:

“1. Trước khi kê biên tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật, Chấp hành viên yêu cầu cơ quan đăng ký cung cấp thông tin về tài sản, giao dịch đã đăng ký.

2. Sau khi kê biên, Chấp hành viên thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký về việc kê biên tài sản đó để xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 178 của Luật này.”

Như vậy, theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự thì tài sản đã kê biên để đảm bảo cho việc thi hành án người bị kê biên, quản lý tài sản không được mua bán, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, cho tặng dưới mọi hình thức. Tài sản kê biên đã được thông báo cho các cơ quan hữu quan và Phòng đăng ký quyền sở hữu, sử dụng nhà đất. Do vậy, hợp đồng chuyển nhượng tài sản đã kê biên là không có giá trị pháp lý.

Lỗi thuộc về Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự thực hiện vụ việc, cán bộ địa chính xã (phường, thị trấn) và cán bộ Phòng đăng ký quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở đã xác nhận và thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn liền với nhà ở là tài sản đã kê biên để đảm bảo cho việc thi hành án không đúng quy định của pháp luật.

Bạn nên làm đơn khiếu nại Thủ trưởng cơ quan thi hành hành án dân sự nơi Chấp hành viên đang giải quyết vụ việc.

Gửi đơn kiến nghị Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp để được giải quyết việc người phải thi hành án không chấp hành pháp luật, đã cố tình vi phạm pháp luật.

Gửi đơn khiếu nại tới Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện (quận, thị xã) nơi quản lý cán bộ Phòng đăng ký quyền sử dụng đất, nhà ở để xem xét tới việc hủy hợp đồng chuyển nhượng trái pháp luật, để ra quyết định thu hồi quyết định cấp quyền sử dụng đất đối với hợp đồng chuyển nhượng như trên.

Bạn đã làm đơn khởi kiện tại Tòa án thì không nên rút đơn, Tòa án sẽ căn cứ theo kết luận của Viện Kiểm sát cùng cấp và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân để cùng giải quyết vụ việc.

Các văn bản liên quan:

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Pháp lệnh 13/2004/PL-UBTVQH11 Thi hành án dân sự

Nghị định 173/2004/NĐ-CP Quy định về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự

Nghị định 164/2004/NĐ-CP Về kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất để bảo đảm thi hành án

Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Tổng cục Thi hành án dân sự

3.Uỷ quyền, thỏa thuận và căn cứ ra quyết định đình chỉ thi hành án dân sự

Người được thi hành án có văn bản ủy quyền thi hành án cho người được ủy quyền. Trong quá trình giải quyết thi hành án. Người phải thi hành án có văn bản đồng ý cho người khác thay mình thực hiện nghĩa vụ thi hành án. sau đó người được ủy quyền thi hành án và người được đại diện thực hiện thay nghĩa vụ người phải thi hành án tiến hành thỏa thuận thi hành án. Hai bên đương sự đồng ý việc thỏa thuận. đại diện người phải thi hành án nộp đủ số tiền theo biên bản thỏa thuận, người được ủy quyền (bên được thi hành án) đã có văn bản đề nghị đình chỉ việc thi hành án. Nhưng sau khi ký biên bản thỏa thuận và viết đơn đề nghị đình chỉ thi hành án (cơ quan thi hành chưa ra quyết định đình chỉ thi hành án). Sau đó người được ủy quyền thi hành án có thay đổi về việc thỏa thuận. Hỏi: Cơ quan thi hành án có được ra quyết định đình chỉ thi hành án theo nội dung thỏa thuận ban đầu hay không?

Gửi bởi: Nguyễn Ánh Ngọc

Trả lời có tính chất tham khảo

Luật Thi hành án dân sự năm 2008 không quy định về việc người phải thi hành án đồng ý hay ủy quyền cho người khác thay mình thực hiện nghĩa vụ thi hành án.

Do vậy, việc thỏa thuận giữa người được ủy quyền của bên được thi hành án và người đại diện thực hiện thay nghĩa vụ là không có giá trị pháp lý, cơ quan thi hành án dân sự không thể lấy văn bản đề nghị đình chỉ thi hành án của người được ủy quyền để làm căn cứ ra quyết định đình chỉ thi hành án theo điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự năm 2008.

Các văn bản liên quan:

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Tổng cục Thi hành án dân sự

4.Cách làm bản kê khai tài sản của người bị thi hành án

Tôi sống ở Đăklăk. Ngày 20/3/2010, bố tôi đi xe khách từ Đăklăk sang Gia Lai bị tai nạn lật xe và tử vong trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Theo bản án ngày 30/12/2011, Tòa án đã xử và tuyên: Buộc chủ xe phải bồi thường một số tiền cho những người bị nạn trong đó có bố tôi. Chi cục thi hành án ở Gia Lai yêu cầu gia đình phải cung cấp bản xác nhận tài sản của người bị thi hành án là chủ xe mà không hướng dẫn cách làm giấy này (chủ xe nhà ở Đăklăk). Vậy tôi muốn hỏi làm sao để làm giấy này? Tôi nhận được thông tin là ông chủ xe đã bán lại toàn bộ tài sản cho con gái. Trong trường hợp này tôi có được bồi thường theo bản án đã quy định không?

Gửi bởi: Lê Đình Tuấn

Trả lời có tính chất tham khảo

Điều 44 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định về xác minh điều kiện thi hành án như sau:

“1. Trường hợp chủ động ra quyết định thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.

Trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh. Việc yêu cầu này phải được lập thành văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả, kèm theo tài liệu chứng minh.

2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày chủ động ra quyết định thi hành án hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu xác minh của người được thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành việc xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải xác minh ngay.

Việc xác minh phải được lập thành biên bản, có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố, Uỷ ban nhân dân, công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi tiến hành xác minh. Biên bản xác minh phải thể hiện đầy đủ kết quả xác minh.”

Việc xác minh điều kiện thi hành án được quy định tại khoản 1, 2 Điều 6 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 như sau:

“1. Người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin khi người được thi hành án hoặc người đại diện theo ủy quyền của người được thi hành án ủy quyền có yêu cầu. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân đó từ chối cung cấp thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Kết quả xác minh được công nhận và làm căn cứ để tổ chức việc thi hành án, trừ trường hợp Chấp hành viên thấy cần thiết phải xác minh lại. Việc xác minh lại của Chấp hành viên được tiến hành trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh do đương sự cung cấp.

Trường hợp người được thi hành án, cơ quan, tổ chức, cá nhân cố tình cung cấp thông tin sai sự thật về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thanh toán các chi phí phát sinh, trường hợp gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.

2. Người được thi hành án khi yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án phải xuất trình các tài liệu hoặc biên bản làm việc để chứng minh việc người đó hoặc người đại diện theo ủy quyền đã tiến hành xác minh tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ các thông tin về tài sản, đang quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án nhưng không có kết quả.

Việc xác minh tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân được coi là không có kết quả khi người được thi hành án hoặc người được ủy quyền chứng minh đã trực tiếp hoặc yêu cầu bằng văn bản nhưng đã quá thời hạn 01 tháng, kể từ ngày yêu cầu nhưng không nhận được văn bản trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà không có lý do chính đáng.”

Như vậy, bạn là bên được thi hành án có nghĩa vụ phải xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Trường hợp bạn không tự mình xác minh được điều kiện của người phải thi hành án thì bạn có quyền yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và bạn phải chịu khoản chi phí xác minh cho Chấp hành viên và người tham gia xác minh theo quy định của pháp luật. Do vậy, bạn nên đến cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án sinh sống, có điều kiện thi hành án để trình bày với Thủ trưởng cơ quan thi hành án về những khó khăn của bạn trong việc xác minh điều kiện của người phải thi hành án và đề nghị cơ cơ quan thi hành án xem xét thay bạn thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và chấp nhận chịu các khoản chi phí xác minh để được giải quyết.

– Việc bạn nhận được tin rằng ông chủ xe đã bán lại toàn bộ tài sản cho con gái. Trong trường hợp này bạn có được bồi thường theo bản án đã quy định không?

Khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự quy định về kê biên, xử lý tài sản để thi hành án như sau:

“Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải thi hành án bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu có tranh chấp thì Chấp hành viên hướng dẫn đương sự thực hiện việc khởi kiện tại Toà án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo mà không có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án xử lý tài sản để thi hành án”.

“Kể từ thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc trong trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà tài sản bị bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố cho người khác, người phải thi hành án không thừa nhận tài sản là của mình thì bị kê biên, xử lý để thi hành án”.

Như vậy, kể từ khi bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật mà người phải thi hành án có những hành vi như trên để tẩu tán tài sản, trốn tránh việc thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên để đảm bảo cho việc thi hành án.

Các văn bản liên quan:

Thông tư liên tịch 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC Hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự

Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Tổng cục Thi hành án dân sự

5.Yêu cầu thi hành án dân sự để bồi thường thiệt hại

Chồng tôi bị chết sau một tai nạn. Do không biết bị can có tài sản nên gia đình tôi chấp nhận để Nhà nước xử lí bị can phạt tù. Nhưng hiện nay với lí do bị ốm bị can đang được ra ngoài điều trị nên hiện tại không phải thực hiện án tù. Nay gia đình tôi biết thông tin bị can có bìa đỏ. Gia đình tôi muốn làm thủ tục cưỡng chế tài sản để bắt bị can bồi thường cho gia đình tôi. Vậy thủ tục và trình tự làm phải như thế nào và nếu gia đình bị can cố y tẩu tán tài sản trong thời gian gia đình tôi xác minh gửi Tòa án mà gia đình bị can làm giấy chuyển nhượng đất thì có được công nhận không?

Gửi bởi: Nguyen Thi Ha

Trả lời có tính chất tham khảo

Do nội dung chị nêu chưa cụ thể về nhiều tình tiết, như: Bản án có từ năm nào? Số tiền được bồi thường bao nhiêu? Trong trường hợp chị nêu, gia đình chị làm đơn yêu cầu thi hành án gửi cơ quan thi hành án dân sự nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án để yêu cầu người đã gây ra tai nạn đối với chồng chị và phải bồi thường tiền cho gia đình chị. Gia đình chị đã biết thông tin người đã gây ra tai nạn đối với chồng chị có bìa đỏ thì cần đến Ủy ban nhân dân cấp xã đề nghị xác nhận về thông tin này.

Nếu gia đình chị chưa thực sự hiểu biết về quyền yêu cầu thi hành án thì cần trực tiếp đến cơ quan thi hành án dân sự nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án đề nghị hướng dẫn giúp. Khi đến cần mang theo bản án, bản xác nhận về tài sản của người đã gây ra tai nạn đối với chồng chị.

Nếu đúng là người đã gây ra tai nạn đối với chồng chị có tài sản (bìa đỏ – giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) và bản án mà gia đình chị yêu cầu thi hành còn trong thời hiệu yêu cầu thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự (Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện hoặc Cục Thi hành án dân sự cấp huyện) sẽ nhận đơn và ra quyết định thi hành án.

Thời hiệu yêu cầu thi hành án quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 như sau:

“1. Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.

Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.

2. Đối với các trường hợp hoãn, tạm đình chỉ thi hành án theo quy định của Luật này thì thời gian hoãn, tạm đình chỉ không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án.

3. Trường hợp người yêu cầu thi hành án chứng minh được do trở ngại khách quan hoặc do sự kiện bất khả kháng mà không thể yêu cầu thi hành án đúng thời hạn thì thời gian có trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án”.

Bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật vì vậy tài sản của người đã gây ra tai nạn đối với chồng chị bị bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố cho người khác, người phải thi hành án không thừa nhận tài sản là của mình thì bị kê biên, xử lý để thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự.

Vì thế, gia đình chị cần sớm làm đơn yêu cầu thi hành án dân sự gửi cơ quan thi hành án dân sự (không phải là Tòa án) để được bồi thường thiệt hại theo quy định.

Các văn bản liên quan:

Thông tư liên tịch 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC Hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự

6.Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định sở hữu đối với tài sản chung

Trình tự thủ tục Chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định quyền sở hữu của người phải thi hành án đối với tài sản chung?

Gửi bởi: Trần Trí Hiếu

Trả lời có tính chất tham khảo

Vấn đề này, Chấp hành viên thực hiện theo Điều 74 Luật Thi hành án dân sự, trước khi cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác, kể cả quyền sử dụng đất, Chấp hành viên phải thông báo cho chủ sở hữu chung biết việc cưỡng chế. Chủ sở hữu chung có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của họ đối với tài sản chung. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, nếu chủ sở hữu chung không khởi kiện thì người được thi hành án hoặc Chấp hành viên có quyền yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án. Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu chung của vợ, chồng thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết. Trường hợp vợ hoặc chồng không đồng ý thì có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phần sở hữu được Chấp hành viên xác định. Hết thời hạn trên, đương sự không khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành xử lý tài sản và thanh toán lại cho vợ hoặc chồng của người phải thi hành án giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.

Căn cứ Điều 4 và khoản 7 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011), cá nhân, cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác, trong đó có việc yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; phân chia tài sản chung để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Trình tự, thủ tục yêu cầu Tòa án phân xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản chung theo quy định của Bộ luật dân sự.

Các văn bản liên quan:

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự

Luật 65/2011/QH12 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng Dân sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự

7.Gửi quyết định hành án dân sự cho người đang ở tù

Anh trai tôi đang chấp hành án tù tại trại giam, nhưng bên thi hành án dân sự gửi quyết định thi hành án về cho gia đình tôi và bảo ký nhận vào biên bản là đúng hay sai? Nếu gia đình tôi không nhận quyết định này thì có sai phạm về pháp luật không? Mong nhận được câu trả lời của quý đơn vị. Xin chân thành cảm ơn!

Gửi bởi: Bùi Hương Mai

Trả lời có tính chất tham khảo

Việc gửi quyết định thi hành án là một hình thức thông báo về thi hành án dân sự. Thông báo về thi hành án dân sự hiện nay được quy định tại các điều từ Điều 38 đến Điều 43 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Điều 7 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ và Điều 3 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự.

Theo quy định nêu trên, trường hợp do đường sá xa xôi, giao thông không thuận tiện, người được thông báo có nhiều địa chỉ liên lạc, nơi ở không cố định, thường vắng mặt ở nhà vào giờ hành chính, đương sự đang bị giam, tạm giam và các trường hợp khác mà việc thông báo trực tiếp có khó khăn thì việc thông báo được thực hiện qua đường bưu điện bằng thư bảo đảm. Thông báo đối với người đang bị giam, tạm giam được thực hiện theo địa chỉ nơi người đó đang bị giam, tạm giam. Giám thị trại giam, tạm giam có trách nhiệm giao văn bản thông báo cho người được thông báo.

Do vậy, nếu anh trai của bạn đang chấp hành án tù tại trại giam thì cơ quan thi hành án gửi quyết định thi hành án dân sự cho anh trai bạn đến trại giam nơi anh trai bạn đang chấp hành hình phạt tù (thực hiện qua đường bưu điện bằng thư bảo đảm hoặc trực tiếp đến trại giam để gửi thông qua Giám thị trại giam). Giám thị trại giam đó có trách nhiệm giao quyết định thi hành án dân sự cho anh trai bạn. Vì thế, gia đình bạn không nhận quyết định thi hành án đó là không sai pháp luật.

Các văn bản liên quan:

Thông tư liên tịch 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC Hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự

Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com