Sự ảnh hưởng của luật tục đến việc thực hiện pháp luật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Sự ảnh hưởng của luật tục đến việc thực hiện pháp luật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

06/11/2015

1. Luật tục và vai trò của luật tục

Điều 2 Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Nhà nước được tổ chức, hoạt động và quản lý xã hội bằng Hiến pháp, pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân phải tuân thủ chấp hành pháp luật, mọi quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Tuy nhiên, trên lãnh thổ nước ta có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, do vậy, vẫn tồn tại những luật tục, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư bên cạnh hệ thống pháp luật do Nhà nước ban hành và điều này gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện pháp luật ở từng địa phương.

Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung do Nhà nước ban hành theo một trình tự, thủ tục nhất định và bảo đảm thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và nhu cầu tồn tại của xã hội nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, tạo lập trật tự, ổn định cho sự phát triển của xã hội. Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, pháp luật thể hiện ý chí của toàn thể nhân dân. Hiện nay, việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ, nhân dân được tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật. Có thể nói, nước ta có một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, chặt chẽ, tạo hành lang pháp lý rộng rãi, vững chắc cho các cá nhân, tổ chức tham gia vào các quan hệ xã hội, giao lưu hợp tác một cách an toàn và bình đẳng. Ngoài ra, pháp luật còn có ưu điểm vượt trội, có khả năng dự liệu những tình huống sẽ xảy ra trong tương lai để điều chỉnh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, số lượng các văn bản quy phạm pháp luật nước ta hiện nay nhiều, giữa các văn bản quy phạm pháp luật còn tồn tại những mâu thuẫn, chồng chéo. Có trường hợp quy định về cùng một vấn đề nhưng các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau lại quy định khác nhau, thậm chí, ngay cả phía cơ quan nhà nước cũng có những cách hiểu khác nhau về cùng một quy định của pháp luật. Do vậy, mặc dù việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, nhưng với một hệ thống pháp luật hiện hành, việc truyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân là rất khó khăn, nhất là người dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu, vùng xa, ở những nơi người dân có trình độ dân trí thấp. Tình trạng người dân không biết được các quy định của pháp luật vẫn diễn ra một cách phổ biến.

Khác với pháp luật, luật tục là những nguyên tắc xử sự không thành văn, là tập hợp những quy định chặt chẽ về các mối quan hệ và trách nhiệm của các thành viên trong cộng đồng, thể hiện một cách bao quát, phong phú các mối quan hệ xã hội truyền thống. Luật tục được hình thành trong cộng đồng dân cư ở địa phương, được người dân thừa nhận và tự nguyện thực hiện và trở thành truyền thống của cộng đồng dân cư địa phương đó, được cộng đồng dân cư bảo đảm thực hiện. Luật tục gần gũi với người dân, được truyền từ đời này sang đời khác, được lưu truyền trong nhân dân một cách tự nhiên. Đối với người Kinh, lệ làng, hương ước, hương lệ, hương tục là một dạng luật tục của địa phương. Đối với người dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc thiểu số có những luật tục riêng của dân tộc mình(Mường, Thái, Dao, Thổ, Ba Na, Êđê…).Luật tục đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau của xã hội như quan hệ cộng đồng, vai trò trách nhiệm của thủ lĩnh, phong tục cưới hỏi, tang lễ, ma chay, tổ chức lễ hội, cúng lễ… trong cộng đồng dân cư, được mọi người thừa nhận và tuân thủ. Những cá nhân vi phạm quy định của luật tục có thể phải chịu những chế tài theo quy ước của cộng đồng dân cư đó.

Luật tục có vai trò quan trọng trong lịch sử hình thành hệ thống pháp luật không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Ở Việt Nam, dưới chế độ phong kiến và đặc biệt ở các vùng dân tộc thiểu số, luật tục đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Chúng ta có thể thấy luật tục có dáng dấp của pháp luật hay luật tục là pháp luật dựa trên phong tục tập quán tộc người (có xử phạt, có chế tài thông qua Toà án cộng đồng, Toà án phong tục) hoặc là hình thức phát triển cao của phong tục, tục lệ, là hình thức sơ khai của luật pháp. Luật tục là hình thức phát triển cao của phong tục tập quán, nhưng được cộng đồng chấp thuận, nó trở thành tình cảm, lương tâm và trách nhiệm của mỗi cá nhân. Nó không có sự áp đặt như pháp luật đối với mỗi cá nhân, mà là sự tự nguyện, tự giác của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Hiện nay, luật tục vẫn còn thể hiện vai trò của mình trong một chừng mực nhất định, vì vậy, trong quá trình xây dựng và áp dụng pháp luật, chúng ta không thể không tính đến vị trí, vai trò của luật tục một cách thận trọng để việc áp dụng và thực thi pháp luật đạt hiệu quả cao.

Luật tục là sự quy định phép ứng xử của mọi người trong cộng đồng, là sự trừng phạt những tội phạm, là những quy ước về trách nhiệm đối với người đứng đầu và người già, là những điều cần phải làm, là bổn phận của mỗi người trong xã hội, là những quy tắc để bảo vệ đất đai, rừng núi, nguồn nước, gia súc… của cả cộng đồng. Luật tục là những quy phạm xã hội tác động tới cả sự hình thành lẫn sự thực hiện pháp luật. Ở một khía cạnh nào đó, luật tục cũng có chức năng điều chỉnh xã hội và có ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện pháp luật. Sự ảnh hưởng của luật tục đến việc thực hiện pháp luật được thể hiện ở cả hai mặt, tích cực và tiêu cực. Nếu như những luật tục tồn tại trong nhân dân phù hợp với sự phát triển chung của địa phương, của đất nước, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, việc áp dụng pháp luật sẽ rất dễ dàng và thuận lợi, khi đó, luật tục sẽ ảnh hưởng tích cực đến việc thực hiện pháp luật. Ngược lại, nếu như những luật tục cổ hủ, lạc hậu, trái với sự phát triển chung, trái với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước sẽ là rào cản, ảnh hưởng đến việc thực hiện pháp luật.

Luật tục xuất hiện từ sớm, tồn tại lâu đời, ngấm sâu vào tiềm thức của nhân dân, được truyền từ đời này sang đời khác, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, trở thành thói quen ứng xử hàng ngày của họ và được đảm bảo thực hiện bằng dư luận xã hội, bằng các biện pháp cưỡng chế của cộng đồng nên được người dân tự giác thực hiện (chức năng điều chỉnh xã hội). Vì vậy, những tập quán, luật tục phù hợp với ý chí của Nhà nước, nguyện vọng của nhân dân cần được thừa nhận, hình thành những quy tắc xử sự tích cực, được Nhà nước bảo đảm thực hiện. Trong trường hợp đó, các quy định của pháp luật được người dân ủng hộ và việc thực hiện và áp dụng pháp luật được dễ dàng hơn. Các tập quán, luật tục phù hợp với ý chí của Nhà nước đã tác động tích cực tới cả sự hình thành lẫn sự thực hiện pháp luật, nếu biết phát huy, lồng ghép với các quy định của pháp luật sẽ đem lại hiệu quả cao, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh luật tục mang tính tích cực, những luật tục không còn phù hợp với sự phát triển của xã hội, trái với ý chí của Nhà nước cần phải có những biện pháp loại bỏ chúng ra khỏi đời sống xã hội.

Để thực hiện điều này, ngày 11/05/1998, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/1998/NĐ-CP về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã. Quy chế thực hiện dân chủ ở xã nhằm phát huy quyền làm chủ, sức sáng tạo của nhân dân ở xã, động viên sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn của nông dân và nhân dân trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội, tăng cường đoàn kết nông thôn, cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, xây dựng Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể ở xã trong sạch, vững mạnh; ngăn chặn và khắc phục tình trạng suy thoái, quan liêu, tham nhũng, góp phần vào sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân gắn liền với cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”; phát huy tốt chế độ dân chủ đại diện, nâng cao chất lượng và hiệu lực hoạt động của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, thực hiện tốt chế độ dân chủ trực tiếp ở cơ sở để nhân dân bàn bạc và quyết định trực tiếp những công việc quan trọng, thiết thực, gắn liền với lợi ích của mình. Cũng trong năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/1998/CT-TTG ngày 19/6/1998 về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư. Trước đây, hương ước đã xuất hiện tự phát ở từng làng quê. Đó là tập hợp những quy ước, luật tục liên quan đến các mặt của đời sống làng xã được ghi chép thành văn bản, được cộng đồng làng xã cùng nhau tuân thủ. Đến nay, việc xây dựng hương ước được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, việc xây dựng hương ước vẫn giữ gìn bản sắc riêng của từng làng quê Việt Nam, nhưng tuân thủ các quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới, mở rộng giao lưu, hợp tác và hội nhập. Việc xây dựng hương ước, có thể nói là một cách chắt lọc những luật tục, phong tục tập quán tích cực, tiếp tục nhân rộng để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong cộng đồng một cách lành mạnh, phù hợp với quy định của pháp luật, từ đó pháp luật của Nhà nước truyền tải tới nhân dân một cách mềm mại hơn, gần gũi hơn. Những luật tục phù hợp, tích cực được Nhà nước ghi nhận và bảo đảm thực hiện, những luật tục không phù hợp được loại bỏ để xây dựng một xã hội bình đẳng, công bằng, văn minh, giàu mạnh. Đến ngày 31/3/2000, Liên Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch), Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Thông tư liên tịch số 03/2000/TTLT/BTP-BVHTT-TTUBTƯMTTQVN về việc hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư. Tất cả những chủ trương đó cho thấy, Nhà nước ta quản lý xã hội bằng pháp luật, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân đề cao tính tự quản, tự trị của các thôn, làng, ấp, bản, cụm dân sư, những luật tục, phong tục tập quán tích cực, phù hợp được Nhà nước ghi nhận. Những quy định này đã trở thành tiền đề cho việc giữ gìn và phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp trên nguyên tắc tôn trọng và tuân thủ pháp luật, phù hợp với đạo đức và truyền thống dân tộc.

2. Sự ảnh hưởng của luật tục đến việc thực hiện pháp luật trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Thanh Hóa là địa phương có diện tích rộng (đứng thứ năm trong cả nước), dân cư đông đúc (chỉ sau thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh), là địa phương có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống (Kinh, Mường, Thái, H’mông, Dao, Thổ, Hoa)[1], với nhiều lệ làng, phong tục tập quán, luật tục khác nhau (người Kinh có lệ làng của mỗi làng, thôn…, người Mường có luật tục của người Mường, người H’mông có luật tục của người H’mông, người Dao có luật tục của người Dao…), do đó, việc thực hiện pháp luật ở tỉnh Thanh Hóa chịu sự tác động không nhỏ bởi luật tục của các địa phương, của từng đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này đã là thách thức lớn đối với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng nơi đây trong quá trình triển khai thực hiện pháp luật của Nhà nước.

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa luôn được các cấp chính quyền quan tâm, trú trọng. Để thực hiện thống nhất, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn xây dựng hương ước, quy ước phải phù hợp với đặc thù từng địa phương; chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn xây dựng, ban hành, phê chuẩn hương ước, quy ước tại địa phương theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Vì vậy, đến nay, các địa phương cơ bản đã xây dựng được các bản hương ước, quy ước thích hợp, phát huy dân chủ trong cộng đồng dân cư; bảo đảm giữ gìn và phát huy thuần phong, mỹ tục, thực hiện nếp sống văn minh trong ứng xử, giao tiếp, xóa bỏ hủ tục, phát triển các hoạt động văn hóa lành mạnh, xây dựng và phát huy tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư; thực hiện tốt các chủ trưong, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Nhằm góp phần hỗ trợ tích cực trong việc chấp hành hương ước, quy ước ở khu dân cư, thời gian qua Thanh Hóa đã có chủ trương định hướng về xây dựng quy định ứng xử ở khu dân cư. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nghị quyết trong đó định hướng nội dung hương ước, quy ước phù hợp pháp luật và thực tiễn địa phương. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các quyết định như: Quyết định số 3037/QĐ-CT ngày 16/9/2002 về việc phê duyệt Đề án tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Quyết định số 1026/QĐ-UBND ngày 9/4/2009 điều chỉnh, bổ sung quy chế công nhận danh hiệu làng văn hóa, khu phố văn hóa cấp tỉnh; Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 14/2/2015 của về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội… tạo cơ sở quan trọng để thống nhất việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn.

Theo số liệu thống kê năm 2005, tại Thanh Hóa đã có 4.666 bản hương ước quy ước được phê duyệt/5.423 thôn, làng, bản khu dân cư (chiếm 86% số thôn, bản, làng, khu dân cư). Năm 2010, có 5.235 bản hương ước quy ước được phê duyệt/5.503 thôn, làng, bản khu dân cư (chiếm 95%); đến năm 2014, có 5.466 bản hương ước quy ước được phê duyệt/5.636 thôn, làng, bản khu dân cư (chiếm 97% số thôn, bản, làng, khu dân cư). Các thôn, làng, khu dân cư chưa xây dựng và phê duyệt được hương ước, quy ước đã và đang tích cực xây dựng, phê duyệt hương ước, quy ước để đáp ứng yêu câu. Theo thống kê năm 2005, toàn tỉnh số hương ước đang được xây dựng là 501 bản, đến năm 2010 đang xây dựng thêm 127 bản, năm 2014 xây dựng thêm 72 bản. Số lượng hương ước, quy ước chưa được phê duyệt càng có xu hướng ngày càng giảm, năm 2005 toàn tỉnh còn 304 bản hương ước, quy ước chưa được phê duyệt, năm 2010 con số này giảm xuống còn 141 bản, đến 2014 chỉ còn 95 bản[2].

Thực tiễn xây dựng hương ước, quy ước như trên cho thấy, với vai trò hỗ trợ và bổsung cho pháp luật trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội tại cộng đồng dân cư, hương ước, quy ước đang dần chiếm địa vị pháp lý quan trọng trong đời sống xã hội, trở thành công cụ mở rộng, phát huy dân chủ ở cơ sở, giúp nhân dân giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước. Trên cơ sở kế thừa có chọn lọc nội dung, hình thức xây dựng các bản hương ước, quy ước trước đây, các thôn, bản, khu dân cư tại Thanh Hóa đã vận dụng sáng tạo, xây dựng nên những bản hương ước, quy ước tại cơ sở phù hợp với vùng, miền và đảm bảo đúng pháp luật. Hiện nay, tình hình thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá cơ bản được thực hiện nghiêm túc, có tính tự giác tương đối cao, việc niêm yết, phổ biến hương ước, quy ước đã được phê duyệt hầu hết được các địa phương công khai đến các thành viên đại diện hộ gia đình, trong cộng đồng dân cư.

Việc xây dựng hương ước, quy ước của thôn, bản, khu dân cư là chính sách đúng đắn của Nhà nước ta. Hương ước, quy ước được xây dựng phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gần gũi, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của nhân dân, giữ gìn được bản sắc riêng của mỗi địa phương. Đặc biệt, chủ trương này có ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Đa số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung, mỗi dân tộc thiểu số có những luật tục riêng. Việc tuyên truyền pháp luật cho những đối tượng người dân tộc thiểu số là rất khó khăn vì nhiều nguyên nhân khác nhau như: Người dân tộc thiểu số thường sống tập trung ở những nơi vùng sâu, vùng xa đường xá đi lại xa xôi, vì trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số còn chưa cao, vì hệ thống pháp luật của chúng ta còn cồng kềnh… nhưng hơn cả người dân tộc thiểu số họ có những luật tục riêng của dân tộc mình, những luật tục này được lưu truyền, ăn sâu vào tiềm thức của bà con vì vậy việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho người dân tộc thiểu số là rất khăn. Tuy nhiên, thực hiện quy định xây dựng hương ước, quy ước của thôn, bản khu dân cư đã giải quyết được tình trạng này. Đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng quy ước, hương ước riêng của thôn, bản, khu dân cư của mình. Những quy ước này phù hợp với chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với phong tục tập quán của bà con. Thanh Hóa là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, việc tuyên truyền pháp luật, bài trừ những hủ tục lạc hậu là việc làm rất khó khăn. Tuy nhiên, triển khai thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đã có bản quy ước của bản, cụm dân cư của mình. Theo đó, chính sách pháp luật của Nhà nước đã đến được với bà con, được bà con đón nhận, những hủ tục (nạn tảo hôn, kết hôn không giá thú, tổ chức lễ hội tốn kém, người chết để lâu trong nhà, ăn uống trong tổ chức ma chay mất vệ sinh…) được loại bỏ, cuộc sống của đồng bào văn minh hơn. Trước đây, tục cướp vợ là một luật tục của người H’mông. Khi gia đình có con gái lớn, người con trai đến nhà người con gái cướp về để làm vợ, thêm người làm, sinh con đẻ cái… Người con gái không được tìm hiểu để lựa chọn cho mình một người chồng phù hợp, phải kết hôn khi chưa đủ tuổi quy định. Nhưng đến nay, nam nữ H’mông đến tuổi kết hôn được tự do tìm hiểu nhau và kết hôn theo quy định của pháp luật.

Có thể nói, luật tục có ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện pháp luật, để phát huy những yếu tố tích cực, hạn chế yếu tố tiêu cực lạc hậu của luật tục, các cơ quan nhà nước ở Trung ương cần chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ các cơ quan nhà nước địa phương tiến hành đồng thời xây dựng nếp sống văn hoá, gia đình văn hoá, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phát triển kinh tế – xã hội, giao thông, thông tin liên lạc, từng bước nâng cao dân trí, đời sống vật chất, văn hoá tinh thần cho nhân dân, từ đó, từng bước xoá bỏ những tập tục lạc hậu, đưa những chuẩn mực đạo đức tiến bộ phù hợp với phong tục, tập quán của dân tộc. Bên cạnh đó, cần tiếp tục xem xét, giải quyết mối quan hệ giữa pháp luật và luật tục, coi luật tục là sự bổ sung cho pháp luật, vì pháp luật không thể bao quát hết được mọi đặc thù của từng dân tộc. Nghiên cứu, xây dựng Bộ luật Dân tộc, trong đó có quy định những nguyên tắc chung về luật tục, những nguyên tắc sử dụng luật tục.., tạo tiền đề để điều hoà các mối quan hệ giữa các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc sinh sống ở địa bàn miền núi.

Đối với tỉnh Thanh Hóa, là địa phương có địa bàn rộng, phức tạp với nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống, nhiều luật tục thể hiện sự lạc hậu, cổ hủ trong nhận thức thậm chí là phản khoa học, trái với pháp luật hiện hành của Nhà nước, gây tâm lý cục bộ, hình thành tư tưởng “phép vua thua lệ làng”, khó khăn cho việc quản lý nhà nước, thực hiện pháp luật ở địa phương. Vì vậy, việc tiếp thu những giá trị của hương ước, luật tục cũ để xây dựng hương ước, luật tục mới phù hợp với quy định của pháp luật, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu ở thôn, bản, buôn, làng cần được tiếp tục thực hiện để xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

ThS. Phùng Thị Quyên & ThS. Nguyễn Thị Quy

Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa



[1] Thanhhoa.gov.vn.

[2] Báo cáo về việc rà soát, đánh giá tình hình xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa năm2015.

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com