Một số bất cập về cách tính thời hạn khởi kiện theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009

Một số bất cập về cách tính thời hạn khởi kiện theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009

31/12/2015

Điều 22 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 quy định về quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường và các quy định có liên quan, chúng tôi nhận thấy có hai bất cập lớn liên quan đến cách tính thời hạn khởi kiện. Một là, thời điểm nào được coi là người bị thiệt hại nhận được quyết định giải quyết bồi thường để làm cơ sở tính thời hạn khởi kiện. Hai là, cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường không thực hiện trách nhiệm chi trả tiền bồi thường khi quyết định giải quyết bồi thường đã có hiệu lực, thì người bị thiệt hại có quyền được khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết hay không. Qua bài viết này, các tác giả sẽ chỉ ra những bất cập và đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về cách tính thời hạn khởi kiện theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009.

1. Về thời điểm người bị thiệt hại nhận được quyết định giải quyết bồi thường để làm cơ sở tính thời hạn khởi kiện

Điều 22 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 quy định thời hạn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường là 15 ngày, kể từ ngày người bị thiệt hại nhận được quyết định giải quyết bồi thường, nhưng không đồng ý với quyết định đó thì có quyền khởi kiện ra Toà án có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết bồi thường, quy định như vậy chưa toàn diện, bởi trong thực tiễn có một số trường hợp sau sẽ không thể giải quyết được theo Luật này, đó là:

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 3/3/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Nghị định số 16/2010/NĐ-CP) thì đối với trường hợp người được bồi thường vắng mặt, quyết định giải quyết bồi thường có thể được giao cho người thân có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú với họ. Người thân của người được bồi thường phải ký nhận vào biên bản hoặc sổ giao nhận quyết định giải quyết bồi thường. Ngày người thân của người được bồi thường ký nhận được tính là ngày người được bồi thường nhận được quyết định giải quyết bồi thường. Trường hợp này đã quy định rất rõ về ngày nhận quyết định của người bị thiệt hại. Nhưng trong trường hợp người được bồi thường không có người thân có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú hoặc có nhưng họ từ chối nhận hộ quyết định giải quyết bồi thường, thì có thể giao quyết định giải quyết bồi thường thông qua Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã – nơi người được bồi thường cư trú. Quy định này không rõ thời điểm người bị thiệt hại nhận được quyết định giải quyết bồi thường là ngày nào, là ngày UBND cấp xã nhận từ người chuyển giao hay ngày người bị thiệt hại nhận được quyết định từ UBND cấp xã giao. Bởi luật quy định rằng, phải giao ngay quyết định cho người bị thiệt hại để đảm bảo quyền lợi cho họ, vì thời hạn để khởi kiện ra Toà án là rất ngắn.

Đồng thời, Điều 10 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP cũng có quy định “trường hợp việc giao quyết định giải quyết bồi thường qua người khác thì người thực hiện việc giao quyết định phải lập biên bản ghi rõ việc người được bồi thường vắng mặt, quyết định giải quyết bồi thường đã được giao cho ai; lý do; ngày, giờ giao; quan hệ giữa người nhận hộ với người bị thiệt hại; cam kết giao ngay tận tay quyết định giải quyết bồi thường cho người được bồi thường. Biên bản có chữ ký của người nhận chuyển quyết định giải quyết bồi thường và người thực hiện việc giao quyết định giải quyết bồi thường, người chứng kiến”. Người khác ở đây đương nhiên được hiểu là người thân có đủ năng lực hành vi dân sự và cùng cư trú với người bị thiệt hại, nhưng có được hiểu là UBND cấp xã không? Pháp luật của Việt Nam hay sử dụng từ người cho cả cá nhân và tổ chức, ví dụ như quy định “người khởi kiện” bao gồm cá nhân, cơ quan, tổ chức[1], ngay cả các nhà khoa học cũng vậy, họ cho rằng: Khái niệm pháp lý về “con người” với tính cách là chủ thể chung của các quan hệ pháp luật cần được hiểu là bao gồm các loại thể nhân và pháp nhân[2], nên có lẽ trong trường hợp này “người khác” cũng được hiểu là UBND cấp xã. Chúng tôi kiến nghị trong trường hợp này, pháp luật nên quy định rõ là ngày nhận quyết định của người bị thiệt hại là ngày được người đại diện của Ủy ban giao cho, bởi người này cũng thuộc danh sách những người được pháp luật quy định có nhiệm vụ thực hiện việc chuyển giao quyết định và cũng đảm bảo quyền khởi kiện cho người bị thiệt hại.

Thứ hai, trường hợp người được bồi thường vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ, thì người thực hiện việc giao quyết định giải quyết bồi thường phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc giao quyết định. Biên bản phải có chữ ký của người cung cấp thông tin về người được bồi thường. Trường hợp này xảy ra có thể do lỗi hoặc không do lỗi của người bị thiệt hại, thiết nghĩ trong trường hợp này nên áp dụng thủ tục niêm yết tương tự như trong quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004[3]. Bởi lẽ, thực ra thủ tục chuyển giao quyết định này khi nghiên cứu kỹ thì rất giống với thủ tục cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng quy định tại Chương X – Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004. Nhưng như đã đề cập trên, quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong nhiều trường hợp còn rất nhiều lỗ hổng, chưa dự liệu hết các trường hợp có thể xảy ra mà Bộ luật Tố tụng dân sự đã dự liệu được, mà lại thiếu các quy định viện dẫn về việc áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, muốn quy định cụ thể ra trực tiếp nhưng lại không ghi nhận được hết các trường hợp có khả năng xảy ra. Bên cạnh đó, việc đưa ra kiến nghị về việc niêm yết quyết định giải quyết bồi thường trong trường hợp này cũng là sự tiếp thu các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, có thể coi đây là luật hình thức khá đầy đủ để giải quyết các quan hệ dân sự rộng lớn, ví dụ như quy định về thời hạn kháng cáo tại khoản 1 Điều 245 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 quy định: “Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Toà án cấp sơ thẩm là mười lăm ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết”. Do đó, chúng tôi kiến nghị trong trường hợp này xem như ngày niêm yết là ngày người bị thiệt hại nhận được quyết định giải quyết bồi thường.

Thứ ba, trường hợp người được bồi thường từ chối nhận quyết định giải quyết bồi thường thì người thực hiện việc giao quyết định phải lập biên bản trong đó nêu rõ lý do của việc từ chối. Trong trường hợp này chắc chắn là lỗi của người bị thiệt hại, nên chúng tôi cho rằng ngày người bị thiệt hại nhận được quyết định là ngày họ từ chối nhận quyết định giải quyết bồi thường.

Trên các cơ sở lập luận trên, chúng tôi kiến nghị cần quy định bổ sung thêm Điều 10 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP các nội dung đã trình bày trên như quy định cụ thể ngày nhận được quyết định giải quyết bồi thường là ngày nào, trường hợp nào phải niêm yết và thủ tục niêm yết. Theo đó, cần sửa đổi Điều 22 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 cho phù hợp.

2. Việc không thực hiện trách nhiệm chi trả tiền bồi thường

Nếu như trách nhiệm này được xác định trong bản án dân sự có hiệu lực pháp luật thì áp dụng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự, cụ thể là các quy định tại Chương XXXI – Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 và pháp luật về thi hành án và Điều này đã được Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 khẳng định tại khoản 5 Điều 54 như sau: “Trường hợp bản án, quyết định giải quyết bồi thường của Toà án có hiệu lực pháp luật mà cơ quan có trách nhiệm bồi thường không tự nguyện thi hành thì người được bồi thường có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự”. Thực ra, nếu Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 không quy định như trên thì đương nhiên các quy định tại Chương XXXI của Bộ luật Tố tụng dân sự vẫn được áp dụng, vì đây là trường hợp Toà án giải quyết vụ án dân sự thì pháp luật tố tụng dân sự được áp dụng một cách toàn diện nhất, điều này cho thấy một cái thừa của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế người bị thiệt hại vẫn chưa vận dụng triệt để quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho mình, đó là trường hợp của ông P. Cụ thể như sau:

Ông P. khổ sở đi đòi bồi thường oan sai đã kéo dài 15 năm nay. Năm 1999, Toà án nhân dân (TAND) tỉnh Thái Bình tuyên phạt ông P. 17 năm tù về hai tội trốn thuế và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa. Xét xử phúc thẩm năm 2000, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội tuyên ông P. không phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa và hủy phần tội trốn thuế để điều tra lại. Năm 2010, TAND tỉnh Thái Bình đã bồi thường cho ông P. 600 triệu đồng, đây là tiền bồi thường cho 3 năm ông P. ngồi tù và thu nhập thực tế bị mất. Riêng vụ kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản, tháng 8/2013, TAND thành phố Thái Bình tuyên buộc TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông P. hơn 21,4 tỉ đồng về tài sản bị kê biên, phát mại và một số chi phí khác sau khi ông P. bị bắt.

Trường hợp của ông P. khi bản án đã có hiệu lực chín tháng mà các cơ quan chưa trả tiền bồi thường cho ông Phi do ông P. bị bắt giam oan, tài sản bị phát mãi với giá rẻ mạt, ra tù cuộc sống của rất khó khăn. Nhiều năm qua ông P. chỉ biết đi kiện, nên ông P. cảm thấy thật sự rất mệt mỏi vì phải chờ đợi các cơ quan tố tụng từ năm này qua năm khác mà không biết khi nào mới nhận được số tiền bồi thường. Để giải tỏa những trăn trở của ông P. thì một cán bộ Toà án đã trả lời: “Theo nguyên tắc của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, bản án phải được TAND tối cao xem xét xem có phải kháng nghị giám đốc thẩm hay không. Nếu không có kháng nghị thì sẽ tiến hành chi trả tiền cho ông P.”[4]. Tuy nhiên, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 không có nguyên tắc như vậy và nếu chờ kháng nghị giám đốc thẩm thì người bị thiệt hại phải chờ rất lâu[5]. Thiết nghĩ, trong trường hợp bản án, quyết định giải quyết bồi thường của Toà án cũng như những bản án dân sự khác, khi đã có hiệu lực pháp luật thì phải được thi hành theo thủ tục quy định, còn nếu có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hay tái thẩm thì số tiền đã thi hành không đúng có thể được giải quyết trong một bản án dân sự và áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 tại chương XX về nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật, thực tiễn có những trường hợp như thế xảy ra và Toà án cũng đã áp dụng linh hoạt các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 để giải quyết (Điều 281, Điều 256, Điều 599 đến Điều 603)[6].

Theo chúng tôi, trong trường hợp cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường theo quyết định giải quyết bồi thường mà không nghiêm túc thực hiện việc bồi thường cho người bị thiệt hại, thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện cơ quan có trách nhiệm bồi thường để yêu cầu cơ quan này thực hiện nghĩa vụ bồi thường theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Lý giải cho việc kiến nghị này, theo chúng tôi quyết định giải quyết bồi thường về bản chất cũng giống như quyết định hoàn trả[7], nó không phải là quyết định hành chính nên không thể khởi kiện vụ án hành chính, mà đây thực chất như một thỏa thuận mang bản chất dân sự nên khởi kiện vụ án dân sự theo thủ tục tố tụng dân sự là hợp lý, để khi bản án, quyết định có hiệu lực mà cơ quan có trách nhiệm bồi thường không chấp hành, thì người bị thiệt hại có cơ sở yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự vào cuộc và có thể cưỡng chế thi hành án như những trường hợp thông thường khác, vì suy cho cùng cơ quan có trách nhiệm bồi thường cũng là người phải thi hành án như các chủ thể khác của pháp luật dân sự.

Trên cơ sở các bất cập và kiến nghị sửa đổi văn bản hướng dẫn nêu trên, chúng tôi kiến nghị sửa Điều 22 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 như sau:

Điều 22. Khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường

“Thời hạn khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết bồi thường là 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn ra quyết định giải quyết bồi thường theo quy định tại Điều 20 của Luật này mà cơ quan có trách nhiệm bồi thường không ra quyết định hoặc kể từ ngày người bị thiệt hại nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết.

Trường hợp quyết định giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật thì thời hạn 15 ngày được tính kể từ ngày hết thời hạn thực hiện việc chi trả bồi thường theo quy định tại Điều 54 của Luật này mà cơ quan có trách nhiệm bồi thường không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ”.

ThS. Lê Đức Hiền, Đại học Quy Nhơn

Châu Nữ Thu Hân, TAND TP. Cao Lãnh – Đồng Tháp

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011).

2. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009.

3. Nguyễn Như Phát (2007), “Một số vấn đề lý luận về trách nhiệm bồi thường Nhà nước”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật (4), tr. 25.

4.http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20140522/vu-an-oan-duoc-boi-thuong-nhieu-nhat/608638.html,

5. Bản án số 17/2012/DS-ST ngày 28/6/2012 “về việc tranh chấp về quyền sở hữu tài sản” của Tòa án nhân dân huyện DL, tỉnh LĐ.



[1] Điều 161 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 quy định về quyền khởi kiện vụ án: Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

[2] Nguyễn Như Phát (2007), “Một số vấn đề lý luận về trách nhiệm bồi thường Nhà nước”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật (4),tr. 25.

[3] Điều 154 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 về thủ tục niêm yết công khai

(1). Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng chỉ được thực hiện khi không rõ tung tích của người được cấp, tống đạt hoặc thông báo hoặc không thể thực hiện được việc cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp.

(2). Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng do Toà án trực tiếp hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được cấp, tống đạt hoặc thông báo được thực hiện theo thủ tục sau đây:

a) Niêm yết bản chính tại trụ sở Toà án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được cấp, tống đạt hoặc thông báo;

b) Niêm yết bản sao tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được cấp, tống đạt hoặc thông báo;

c) Lập biên bản về việc thực hiện thủ tục niêm yết công khai, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết.

(3). Thời gian niêm yết công khai văn bản tố tụng là mười lăm ngày, kể từ ngày niêm yết.

[4]http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20140522/vu-an-oan-duoc-boi-thuong-nhieu-nhat/608638.html,

[5] Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành tại Điều 288 như sau: Thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

1. Người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm được quyền kháng nghị trong thời hạn ba năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Trường hợp đã hết thời hạn kháng nghị theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng có các điều kiện sau đây thì thời hạn kháng nghị được kéo dài thêm hai năm, kể từ ngày hết thời hạn kháng nghị:

a) Đương sự đã có đơn đề nghị theo quy định tại khoản 1 Điều 284 của Bộ luật này và sau khi hết thời hạn kháng nghị quy định tại khoản 1 Điều này đương sự vẫn tiếp tục có đơn đề nghị;

b) Bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật theo quy định tại Điều 283 của Bộ luật này, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, của người thứ ba, xâm phạm lợi ích của Nhà nước và phải kháng nghị để khắc phục sai lầm trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đó.

[6] Xem thêm bản án số 17/2012/DS-ST ngày 28/6/2012 về việc tranh chấp về quyền sở hữu tài sản của Tòa án nhân dân huyện DL, tỉnh LĐ.

[7] Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 23/01/2014 hướng dẫn thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ, quy định tại Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ.

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com