Một số nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014

Một số nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014

25/06/2015

Luật Công chứng năm 2014 (sau đây gọi tắt là Luật) được Quốc hội khoá XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7, đã chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015. Việc thông qua Luật này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc tiếp tục khẳng định, nâng cao vai trò, vị trí của hoạt động công chứng, chức năng xã hội của công chứng viên trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, thực hiện nghĩa vụ với Liên minh Công chứng Quốc tế mà Việt Nam đã gia nhập.Việc triển khai thi hành Luật kịp thời, đồng bộ, đúng quy định là yếu tố quyết định nhằm đưa các quy định của Luật đi vào cuộc sống.

Bên cạnh các công việc thường xuyên, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền vàliên quan khi triển khai thi hành Luật, cần nhận diện và xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, lâu dài để có giải pháp đáp ứng được yêu cầu triển khai thi hành một đạo luật lớn có tác động trực tiếp đến nhiều chủ thể chịu sự điều chỉnh của Luật, trong đó phải kể đến cá nhân, tổ chức khi tham gia giao dịch, đội ngũ công chứng viên hành nghề, cơ quan có thẩm quyền quản lý về tổ chức và hoạt động công chứng…

1. Một số công việc đã thực hiện trong quá trình triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014

Sau khi Luật Công chứng năm 2014 được Quốc hội thông qua, chỉ trong thời gian ngắn, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã triển khai đồng thời nhiều nội dung công việc trong điều kiện có thể bao gồm: (1) Xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật; (2) Tuyên truyền, phổ biến Luật; (3) Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến tổ chức và hoạt động công chứng để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung; (4) Xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật; (5) Thành lập tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên; (6) Xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng và ban hành quy chế khai thác, sử dụng và (7) Thanh tra, kiểm tra thực hiện Luật. Một số kết quả đạt được như:

Ngày 01/10/2014, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2250/QĐ-BTP về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Công chứng số 53/2014/QH13 ngày 20/6/2014, xác định rõ nội dung công việc cần thực hiện, thời gian thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan nhằm đảm bảo triển khai thi hành Luật đồng bộ, thống nhất và hiệu quả trong phạm vi cả nước.

Ngày 15/3/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng năm 2014 (Nghị định số 29/2015/NĐ-CP).

Ngày 15/4/2015, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 04/2015/TT-BTP hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng và hiện nay Dự thảo Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng cũng đang được Bộ Tư pháp hoàn thiện để ban hành trong thời gian tới.

Ngày 21/4/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 54/2015/TT-BTC quy định thu phí sát hạch bổ nhiệm công chứng viên; lệ phí cấp thẻ công chứng viên, cấp giấy đăng ký hoạt động. Thông tư liên tịch Bộ Tài chính – Bộ Tư pháp quy định về phí, lệ phí trong hoạt động công chứng cũng đang trong quá trình xem xét, ban hành.

Tính đến hết ngày 30/12/2014, trong phạm vi cả nước đã có 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành được Kế hoạch triển khai thi hành Luật Công chứng chiếm gần 1/2 số địa phương ban hành Kế hoạch theo đúng tiến độ yêu cầu. Kế hoạch triển khai của các địa phương đều bám sát Kế hoạch triển khai thi hành Luật Công chứng ban hành kèm theo Quyết định số 2250/QĐ-BTP ngày 01/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về cả nhiệm vụ và tiến độ thực hiện, tập trung vào những nhiệm vụ được giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Tư pháp chủ trì thực hiện. Các nhiệm vụ quan trọng như: Xây dựng Quyết định quy định mức trần thù lao công chứng áp dụng đối với các tổ chức hành nghề công chứng tại địa phương và Quyết định quy định tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng, thành lập Hội công chứng được đa số địa phương xác định thời hạn thực hiện là năm 2015 hoặc triển khai thực hiện từ năm 2015.

Bên cạnh những nhiệm vụ, công việc được phân công theo Kế hoạch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành, một số địa phương đã xác định được những nhiệm vụ, công việc phù hợp với tình hình tổ chức, hoạt động công chứng tại địa phương mình như: Xác định nhiệm vụ lập và công bố danh sách tổ chức hành nghề công chứng; đánh giá về tổ chức, chất lượng hoạt động công chứng ở địa phương (tỉnh Cà Mau); xác định thêmnhiệm vụ phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ở địa phương theo định hướng xã hội hóa (tỉnh Quảng Bình); xác định nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng mô hình liên thông trong hoạt động công chứng – thuế – đăng ký, tổ chức hội thảo, hội nghị hàng năm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đăng ký, giao dịch bảo đảm (tỉnh Sơn La)…Song song với việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014, một số địa phương đã khẩn trương chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được đặt ra trong Kế hoạch như: Tỉnh Kon Tum đã thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh; TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn những quy định mới về công chứng; hướng dẫn các tổ chức hành nghề công chứng công tác chuẩn bị và thực hiện quy định mới của Luật về dịch thuật, chứng thực, chuyển đổi mô hình hoạt động, kịp thời báo cáo xin ý kiến vướng mắc liên quan đến công tác chuyển giao…

2. Một số nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong năm 2015 và những năm tiếp theo

Bên cạnh việc hoàn thiện, ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Công chứng năm 2014, thì trong năm 2015 và các năm tiếp theo cũng là thời điểm quan trọng quyết định chất lượng triển khai thi hành Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, tác động trực tiếp đến số lượng, chất lượng đội ngũ công chứng viên, quy mô và tính chuyên nghiệp của các tổ chức hành nghề công chứng cũng như hiệu quả hoạt động hành nghề công chứng. Do vậy, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan cần xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên thực hiện, cụ thể:

Thứ nhất, việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014 là cơ sở để xác định rõ các nội dung hoạt động, cơ quan chịu trách nhiệm, thời gian thực hiện… nhằm bảo đảm Luật Công chứng năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành được triển khai hiệu quả và thống nhất trong phạm vi cả nước. Đối với các bộ, ngành, địa phương chưa ban hành được Kế hoạch triển khai, thì những tháng còn lại của năm 2015 phải khẩn trương ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch này. Nội dung Kế hoạch cần căn cứ theo Quyết định số 2250/QĐ-BTP ngày 01/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư phápvà phù hợp với tình hình thực tiễn, quản lý của mình. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn chưa ban hành các văn bản hướng dẫn trên cơ sở các quy định của Luật như: Quy định mức trần thù lao công chứng; tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập; xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng, phải ban hành sớm, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai thi hành Luật tại địa phương. Riêng việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng đây là công việc lớn, phức tạp, đòi hỏi phải có thời gian và sự phối hợp của các sở, ban, ngành… do vậy, các địa phương phải đưa ra lộ trình cụ thể để hoàn thành công việc này.

Về phía trung ương, ngoài việc ban hành Thông tư số 54/2015/TT-BTC ngày 21/4/2015 của Bộ Tài chính quy định thu phí sát hạch bổ nhiệm công chứng viên; lệ phí cấp thẻ công chứng viên, cấp giấy đăng ký hoạt động, còn một số văn bản khác liên quan trực tiếp đến quá trình triển khai thi hành Luật Công chứng năm 2014 cũng cần được các cơ quan, tổ chức, đơn vị quan tâm tiếp tục hoàn chỉnh để sớm ban hành như: Thông tư của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng năm 2014; Thông tư liên tịch Bộ Tài chính – Bộ Tư pháp sửa đổi Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 19/01/2012 hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí công chứng; Quyết định quy định chương trình khung đào tạo, khóa bồi dưỡng nghề công chứng…

Tiếp tục phổ biến, tuyên truyền, tập huấn các quy định của Luật Công chứng năm 2014, Nghị định số 29/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành bằng các hình thức phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương và từng đối tượng, địa bàn, đổi mới, đa dạng cách thức phổ biến, tuyên truyền, tập huấn để đạt hiệu quả cao như: Tập huấn, biên soạn, phát hành các tài liệu phổ biến, giới thiệu Luật; phối hợp với các cơ quan báo chí tổ chức thực hiện các chuyên mục, chương trình, tin, bài phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Ưu tiên nhấn mạnh tuyên truyền, phổ biến, tập huấn những nội dung mới, phức tạp của Luật như: Thẩm quyền thực hiện các việc mới được giao cho công chứng viên; chuyển đổi Phòng công chứng; tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên… – nhiệm vụ này được thực hiện cả ở trung ương và địa phương.

Thứ hai, thành lập tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên

Luật Công chứng năm 2014, Nghị định số 29/2015/NĐ-CP đã quy định tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên là tổ chức tự quản được thành lập ở cấp trung ương và cấp tỉnh để đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các công chứng viên; ban hành quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; giám sát việc tuân thủ quy định của pháp luật về công chứng, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; tham gia cùng cơ quan nhà nước trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập sự hành nghề công chứng; tham gia ý kiến với cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm công chứng viên, thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng, chấm dứt hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng và thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến hoạt động công chứng theo quy định của Chính phủ.

Trong năm 2015 và những năm tiếp theo việc đẩy mạnh thành lập Hội công chứng viên ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải được coi trọng1. Ngay trong năm 2015, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải quan tâm, chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tạo điều kiện cho các công chứng viên ở địa phương mình thực hiện một số quy trình cần thiết theo quy định để thành lập Hội công chứng viên cấp tỉnh, phấn đấu trong năm 2015 sẽ có khoảng 1/2 số địa phương trong cả nước thành lập được Hội công chứng viên hoặc xây dựng được Đề án thành lập Hội công chứng viên. Đây cũng là một trong các tiêu chí chấm điểm xếp hạng các Sở Tư pháp năm 2015. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có Hội công chứng viên cần chủ động trong việc củng cố, kiện toàn tổ chức của Hội, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để có thể thực hiện tốt những nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của Luật,Nghị định số 29/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn. Hội công chứng viên cần hướng dẫn, tạo điều kiện để cho các công chứng viên hành nghề tại địa phương chưa tham gia Hội nhanh chóng trở thành hội viên và thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của hội viên.Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ thành lập Hội công chứng viên tại các địa phương, việc xây dựng Đề án thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam tiếp tục được Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, ngành có liên quan hoàn chỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Nội dung của Đề án một mặt phải phù hợp với các quy định của Luật Công chứng năm 2014, Nghị định số 29/2015/NĐ-CP, đồng thời cũng phải phù hợp với tình hình thực tiễn, có tính khả thi cao để Hiệp hội có thể được thành lập ngay sau khi Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ ba, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra kiểm tra về tổ chức và hoạt động công chứng

Bên cạnh những nhiệm vụ cần được ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2014 – 2016, các nhiệm vụ quản lý thường xuyên khác cũng cần được các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc theo quy định của Luật, như: Công tác quản lý thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động công chứng theo thẩm quyền… Các địa phương cũng cần quan tâm chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, con người để thực hiện tốt nhiệm vụ mới theo quy định của Luật Công chứng năm 2014 như: Việc đăng ký hành nghề và cấp thẻ cho công chứng viên; việc công chứng bản dịch và chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thựcchữ ký trong giấy tờ, văn bản… Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật Công chứng năm 2014 không chỉ được thực hiện ở trong nước mà còn cả với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ tư, cần đánh giá hoạt động các Phòng công chứng tại địa phương để xây dựng Kế hoạch chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứngChuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng là quy định mới, chưa có tiền lệ trong quản lý hoạt động công chứng, có liên quan đến quyền lợi của công chứng viên, viên chức, người lao động và nhiều sở, ban, ngành trong phạm vi địa phương. Do vậy, trên cơ sở quy định của Luật và Nghị định số 29/2015/NĐ-CP, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần tiến hành đánh giá toàn diện về tổ chức và hoạt động của các Phòng công chứng trong phạm vi địa phương để có tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chuyển đổi được chính xác, khách quan, đúng quy định, phù hợp với nguyện vọng của công chứng viên, viên chức, người lao động, do vậy, cần phải thực hiện chặt chẽ từ khâu khảo sát, đánh giá mức độ phát triển, sự cần thiết chuyển đổi… các Phòng công chứng tại địa phương. Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp chủ trì và phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan xây dựng Kế hoạch chuyển đổi, Đề án chuyển đổi Phòng công chứng đúng với tiêu chí, bảo đảm việc chuyển đổi đúng các nguyên tắc, yêu cầu, trình tự, điều kiện của địa phương

ThS. Đỗ Hoàng Yến

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com