HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2005 LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG NHẬN VÀ BẢO HỘ TÀI SẢN ẢO Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

TS. TRƯƠNG HỒ HẢI – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

“Tài sản ảo” đã và đang trở thành một vấn đề “nóng” trên thực tiễn và phương diện pháp lý. Trong những năm qua ở Việt Nam (1), việc mua bán “tài sản ảo” diễn ra rất sôi động. Nhưng cho tới nay, pháp luật nước ta chưa thừa nhận chính thức “tài sản ảo” là tài sản và bảo vệ quyền sở hữu “tài sản ảo”. “Tài sản ảo” ngày càng nhiều và những tác động về mặt kinh tế, xã hội ngày một lớn. Vì vậy, trong quá trình hoàn thiện pháp luật nước ta nói chung và sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005 nói riêng, những góp ý bổ sung các quy phạm pháp luật điều chỉnh loại hình tài sản mới này là thực sự cần thiết.

Bản chất của “tài sản ảo”

Cho đến nay, các nghiên cứu về “tài sản ảo” chưa đi tới một khái niệm thống nhất. Vì thế, “tài sản ảo” có thể hiểu là các đối tượng ảo trong thế giới ảo, là tài sản có được khi chơi trò chơi trực tuyến (game online) hoặc tên miền, địa chỉ thư điện tử (email)…

Về bản chất tự nhiên, “tài sản ảo” có thể hiểu là một phần của một chương trình phần mềm máy tính hoàn chỉnh(2). Máy tính giải mã, đọc chương trình này và thể hiện ra bên ngoài màn hình là “tài sản ảo” tương ứng, điều này giúp chúng phân biệt các “tài sản ảo” với nhau. Bất cứ một chương trình phần mềm nào cũng được viết dưới dạng một ngôn ngữ lập trình nào đó (các chương trình tồn tại được trên mạng thì nó phải được viết dưới dạng một trong các ngôn ngữ, như ASP.net, PHP, HTML, Java,…). Các chương trình phần mềm đó là một chuỗi các con số nhị phân, khi một người chơi đăng ký chơi, họ sẽ được cung cấp một tài khoản mà thực chất đó là chuỗi những con số nhị phân. Tất cả các dữ liệu này đều được lưu trữ trong máy chủ. Người chơi có thể chơi online được là nhờ thông tin được truyền trên hệ thống mạng dựa vào các giao thức định tuyến, như RIP, EIGRP, OSPF… Các tài khoản đều được máy chủ quản lý thông qua ngôn ngữ lập trình, nói chung tất cả hệ thống đều hoạt động dựa trên các câu lệnh, tập hợp của nhiều câu lệnh là một đoạn mã. Tài khoản (account), nhân vật, vũ khí, ngân lượng, ngựa, quần áo… chỉ là những đoạn mã của một chương trình phần mềm máy tính.

 

Mặc dù, một nhân vật, một thanh kiếm, một bộ giáp… chỉ là các chương trình máy tính trong cơ sở dữ liệu trên máy chủ của nhà cung cấp, tuy nhiên, người chơi đã trả phí cho nhà cung cấp và nhà cung cấp phải có trách nhiệm cung cấp dịch vụ theo cam kết. Theo đó, “tài sản ảo” mà người chơi có được trong game online phải thuộc về người chơi vì hai lý do cơ bản. Thứ nhất, người chơi phải bỏ tiền, công sức và thời gian của mình thì mới tạo ra được các đồ vật ảo. Thứ hai, người chơi có thể có được các đồ vật ảo qua việc mua bán, trao đổi một cách hợp pháp.

Về giá trị sử dụng: “Tài sản ảo” mang lại giá trị tinh thần cho người chơi, có được tài sản này, các hình ảnh trong trò chơi sẽ trở nên đẹp mắt hơn, người chơi cũng dễ dàng lên cấp bậc hơn, cảm thấy hứng thú hơn. Giá trị sử dụng của “tài sản ảo” hoàn toàn do tâm lý của người chơi mang lại, không phải là do các đặc tính tự nhiên có thể dùng được trong đời sống xã hội như các hàng hóa khác. Giá trị sử dụng đó hoàn toàn phụ thuộc vào việc trò chơi đó còn tồn tại hay không và nếu như trò chơi đó không còn tồn tại thì “tài sản ảo” trở nên vô nghĩa, nó không còn tác dụng gì nữa.

Về giá trị: “Tài sản ảo” trở nên có giá trị vì nó đáp ứng được những nhu cầu nhất định của người chơi, góp phần làm cho việc giải trí của người chơi được tốt hơn. Mặc dù pháp luật có quy định các nhà cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến không được khởi tạo các tài sản có giá trị trong trò chơi với mục đích kinh doanh thu lợi(3) và các nhà cung cấp dịch vụ cũng đã cam kết sẽ không tạo các “tài sản ảo” như vậy. Tuy nhiên, “tài sản ảo” được người sử dụng các dịch vụ trò chơi trực tuyến tạo ra. Vì thế, về bản chất, “tài sản ảo” vẫn có thể tạo ra lợi ích về vật chất và tinh thần cho người sở hữu hay sử dụng nó(4). Việc kinh doanh “đồ ảo” còn tồn tại dưới rất nhiều hình thức, trên diễn đàn game, website trực tuyến được các công ty kinh doanh “đồ ảo” lập ra. Cách thức giao dịch dù khác nhau nhưng có cùng một đích hướng đến là khai thác “tài sản ảo” để làm ra lợi nhuận thật.

Sự cần thiết phải công nhận, bảo hộ “tài sản ảo” trong pháp luật dân sự Việt Nam

Trên phương diện khoa học pháp lý, “tài sản là các vật có giá trị bằng tiền và là đối tượng của quyền tài sản và các lợi ích vật chất khác”(5). Khái niệm tài sản lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 1995, theo đó tại Điều 172 quy định “Tài sản bao gồm vật có thực, tiền, giấy tờ trị giá được bằng tiền và các quyền tài sản”. Tiếp đó, Điều 163, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”. Khái niệm tài sản theo Bộ luật Dân sự năm 2005 đã mở rộng hơn Bộ luật Dân sự năm 1995 về những đối tượng nào được coi là tài sản, theo đó, không chỉ những “vật có thực” mới được gọi là tài sản mà cả những vật được hình thành trong tương lai cũng được gọi là tài sản. Tuy nhiên, cũng giống như Bộ luật Dân sự năm 1995, Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng đưa ra khái niệm tài sản theo hình thức liệt kê. Điều này không đáp ứng sự phát triển của thực tiễn cuộc sống và gây ra sự tranh cãi về một số đối tượng, như tài sản ảo trong game online, khoảng không, hệ thống khách hàng,… có được coi là tài sản trong pháp luật dân sự hay không? Chính điều này đòi hỏi cơ quan lập pháp phải tiến hành sửa đổi quy định về khái niệm tài sản trong Bộ luật Dân sự theo hướng khái quát hơn và đưa ra những tiêu chí để phân biệt đâu là tài sản, đâu không phải là tài sản. Với bản chất cơ bản của mình, “tài sản ảo” đương nhiên được xếp vào một loại tài sản đặc biệt và phải được pháp luật dân sự điều chỉnh trong các giao dịch dân sự. Việc thừa nhận “tài sản ảo” là một loại tài sản và được pháp luật bảo hộ sẽ giải quyết được những vấn đề liên quan đến tài nguyên điện tử, tài nguyên mạng như tên miền, thư điện tử,…

Có ý kiến cho rằng, “tài sản ảo” là tài sản và cần đưa ra những quy định pháp luật xác đáng để bảo vệ nó như chúng ta đã đưa ra các quy định pháp luật để bảo vệ quyền sở hữu các tài sản thông thường khác. Sự phát triển của khoa học – công nghệ khiến cho khái niệm tài sản không ngừng mở rộng. Chẳng hạn, cách đây vài chục năm khi chưa có in-tơ-nét, có ai nghĩ rằng cụm từ http://www.business.com là tài sản và có giá lên tới 7 triệu đô-la Mỹ. Trên phương diện pháp lý, một số quốc gia, như Đài Loan, Hàn Quốc đang đi tiên phong trong việc ban hành các văn bản pháp luật về tài sản ảo, thừa nhận chính thức “tài sản ảo” là tài sản, ăp cắp “tài sản ảo” cũng bị xử lý hình sự như đối với các tài sản khác. Ở Mỹ không cấm mua bán công khai các tài sản này. Thế giới ảo không chỉ dừng lại ở trò chơi trực tuyến mà nó còn có thể có ích trong các lĩnh vực khác như thương mại, y tế, giáo dục.

Trên thực tế, cho dù pháp luật có thừa nhận hay không thừa nhận quyền sở hữu hợp pháp đối với “tài sản ảo” trong game online, thì cộng đồng game thủ vẫn coi những nhân vật, đồ vật ảo trong game online là sở hữu của họ chứ không thuộc sở hữu của nhà cung cấp trò chơi. Người chơi là chủ sở hữu các tài sản ảo mà họ kiếm được trong game. Người chơi có thể mua, bán “tài sản ảo” trong game online bằng tiền trong game hoặc tiền thật và các giao dịch đó được thừa nhận và bảo hộ. Đồ vật ảo trong game online bản chất là một loại dữ liệu máy tính có giá trị bằng tiền thực sự. Mà thứ gì đó có giá trị bằng tiền thật lại không được pháp luật bảo hộ quyền tài sản thì rất dễ dẫn đến những tranh chấp phức tạp. Nếu không có quy định pháp lý về quyền và nghĩa vụ đối với tài sản ảo trong game online thì trong trường hợp có tranh chấp về “tài sản ảo” xảy ra, người chơi sẽ buộc phải tự giải quyết với nhau. Rõ ràng, việc giải quyết “ngoài vòng pháp luật” có thể dẫn tới những hệ quả không tốt.

Chính vì thế, việc thừa nhận “tài sản ảo” là một loại tài sản trong Bộ luật Dân sự sẽ giải quyết được các vấn đề còn vướng mắc trên thực tế như sau:

Một là, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xác định các giao dịch liên quan đến “tài sản ảo” với tư cách là tài sản trong giao dịch dân sự để có thể xác lập quyền sở hữu.

Hai là, tạo cơ sở để giải quyết các hành vi phạm tội đối với “tài sản ảo” khi các vụ án hình sự đối với hành vi trộm cắp, lừa đảo “tài sản ảo” ngày càng gia tăng.

Công nhận “tài sản ảo” là một đòi hỏi của thực tế cuộc sống. Dù muốn hay không, các giao dịch về “tài sản ảo” vẫn diễn ra. Hơn nữa, mục đích hoạt động giao dịch “tài sản ảo” nhằm biến “tài sản ảo” thành lợi nhuận thật. Trên thế giới, một số nước đã có những hành vi thực tế để dần “luật hóa” tài sản này. Ví dụ, Thụy Điển chính thức tuyên bố khẳng định sự hiện diện ngoại giao của mình trong thế giới ảo (trò chơi Second Life), Công ty Truyền thông Linchtenstein Creative Media ở Cambridge (Mỹ) thực hiện chương trình truyền thông định kỳ phát sóng trực tuyến cho cộng đồng ảo mỗi tuần/giờ từ tháng 8-2006 với trên 250 lần phát sóng,…

Trong khoa học pháp lý không có khái niệm thống nhất về tài sản, cũng không có tiêu chí chung để dựa vào đó xác định đối tượng nào đó có phải là tài sản hay không. Những loại tài sản hiện nay được thừa nhận trong Điều 163 Bộ luật Dân sự năm 2005 là kết quả của quá trình phát triển lưu thông dân sự, được thừa nhận và thể hiện trong các quy định của pháp luật. Đối chiếu với các loại tài sản được thừa nhận trong Bộ luật Dân sự, dễ dàng nhận thấy “tài sản ảo” không phải là tiền, là giấy tờ có giá, là vật. Nó có bản chất “rất gần” với quyền tài sản(6).

Xét về quyền chiếm hữu và quyền định đoạt, thì người chơi game online không có quyền sở hữu “tài sản ảo”. Tuy nhiên, do người chơi đã bỏ công sức, tiền bạc vào trò chơi nên họ cũng có một quyền tương đối với “tài sản ảo”. Công sức của người chơi cần phải được ghi nhận nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ có quyền sở hữu “tài sản ảo”. Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những quy định rất rõ ràng về tài sản này. Có thể kể đến Luật Phát triển và Bảo vệ viễn thông của Hàn Quốc quy định rõ về hành vi ăn cắp “tài sản ảo”. Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng luật Bảo vệ lợi ích của người sở hữu “tài sản ảo” nhằm xây dựng ngành “kinh tế ảo” có sức cạnh tranh cao. Năm 2001, Bộ Tư pháp Đài Loan đã ban hành văn bản quy định: “Các tài khoản và giá trị được sáng tạo ra trong các game online được lưu trữ như những bản ghi điện tử trên các máy chủ trò chơi. Người sở hữu tài khoản có quyền kiểm soát tài khoản và giá trị của các bản ghi điện tử, được tự do bán hoặc chuyển giao chúng”(7). Hơn nữa, việc thừa nhận hay loại bỏ một đối tượng nào đó khỏi phạm trù tài sản không thuần túy là ý chí chủ quan của những người làm luật mà trước tiên “phải dựa vào ý nghĩa kinh tế của nó”. Ý nghĩa kinh tế của “tài sản ảo” là hiển nhiên bởi thực tiễn nó đã là đối tượng của các giao dịch kinh tế liên quan. Điều này có nghĩa là “tài sản ảo” có cơ sở thực để trở thành tài sản mới trong lưu thông dân sự.

Với những lý do đã phân tích ở trên, cùng tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin hiện nay, việc thừa nhận “tài sản ảo” là cần thiết và phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới. Việc công nhận và bảo hộ “tài sản ảo” cũng phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo hộ và khai thác các lợi ích của “tài sản ảo”, đồng thời giải quyết được nhiều vấn đề về tài nguyên mạng đã và đang gây tranh chấp.

Kiến nghị bổ sung chế định “tài sản ảo” trong Bộ luật Dân sự năm 2005

Hiện nay các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến “tài sản ảo” còn thiếu, tính pháp lý còn chưa được quy định rõ ràng, trong khi đó các giao dịch vẫn diễn ra hết sức nhộn nhịp. Để có thể giải quyết được các tranh chấp có liên quan đến “tài sản ảo”, không thể không xem xét tính pháp lý của nó. Việc công nhận “tài sản ảo” là tài sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc xem xét tính pháp lý của nó.

Chính vì thế, trong bối cảnh ở nước ta hiện nay, việc xem xét tính chất pháp lý của “tài sản ảo” cần tiếp cận trên cả hai phương diện sau:

Một là, “tài sản ảo” được phát sinh trên cơ sở hợp đồng dịch vụ giữa nhà cung cấp trò chơi trực tuyến và người chơi. Tuy nhiên, tài sản này không phải là sản phẩm trực tiếp từ hợp đồng dịch vụ, mà là tài sản do người chơi khởi tạo, xây dựng trong quá trình chơi (sử dụng dịch vụ theo hợp đồng đã ký). Do đó, nhà cung cấp trò chơi chỉ có quyền cung cấp hay thu hồi dịch vụ trò chơi cho người chơi theo đúng hợp đồng đã ký mà không có quyền quyết định đến quyền tài sản đối với “tài sản ảo”. Vì vậy, “tài sản ảo” là một phần của loại hình dịch vụ mà người chơi được cung cấp. Người chơi có quyền sử dụng dịch vụ theo hợp đồng dân sự đã ký kết và đương nhiên người chơi có quyền sở hữu đối với “tài sản ảo” do mình tạo ra, phải được hưởng đầy đủ quyền đối với tài sản này như các loại tài sản hợp pháp khác. Tuy nhiên, do đặc tính của mình, “tài sản ảo” không thể khởi tạo và tồn tại được nếu không có dịch vụ trò chơi trực tuyến.

Hai là, xét về bản chất tự nhiên, “tài sản ảo” là một phần của một chương trình phần mềm máy tính (chương trình phần mềm trò chơi trực tuyến). Dưới góc độ đó, chương trình trò chơi là phần mềm máy tính, có thể coi là chương trình máy tính(8) – một trong những loại hình sản phẩm được bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ. Tác giả của chương trình máy tính đó được bảo hộ quyền tác giả (trong đó có quyền tài sản). Quyền tài sản của chủ sở hữu tác phẩm không phải là tác giả (bao gồm cả nhà cung cấp dịch vụ trò chơi hợp pháp) cũng được bảo hộ.

Từ những khía cạnh đó, “tài sản ảo” cần được pháp luật dân sự công nhận và bảo hộ trên phương diện quyền tài sản. Theo đó, để công nhận và bảo hộ “tài sản ảo”, Bộ luật Dân sự năm 2005, cần sửa một số nội dung sau:

Thứ nhất, mở rộng chế định tài sản trong Bộ luật Dân sự.

Tài sản là một trong những chế định quan trọng của pháp luật dân sự. Theo điều 163 Bộ luật Dân sự năm 2005, tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá (như trái phiếu, cổ phiếu, kỳ phiếu…) và các quyền tài sản (như quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, quyền đòi nợ, quyền được nhận số tiền bảo hiểm đối với vật bảo đảm, quyền tài sản đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng…). Điều 181 của Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ”. Do vậy, quyền sở hữu trí tuệ được coi là tài sản.

Thực tế chủ sở hữu “tài sản ảo” là người khởi tạo “tài sản ảo” này và có đầy đủ các quyền đối với tài sản này giống như các loại tài sản thông thường khác đã được quy định trong Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, “tài sản ảo” là một dạng tài sản đặc biệt, cho nên chủ sở hữu tài sản đó không có quyền sở hữu đối với dịch vụ cung cấp chương trình khởi tạo tài sản. Chủ thể cung cấp dịch vụ này được bảo hộ quyền sở hữu đối với dịch vụ do mình cung cấp. Người sử dụng dịch vụ này được thụ hưởng các lợi ích phát sinh từ dịch vụ cung cấp này sau khi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với chủ thể cung cấp dịch vụ theo hợp động đã ký. Do đó, “tài sản ảo” được khởi tạo từ dịch vụ này là tài sản chính đáng, hợp pháp của người sử dụng và phải được bảo hộ. Tuy nhiên, “tài sản ảo” không thể tồn tại độc lập, vì nếu không có chủ thể cung ứng dịch vụ, thì “tài sản ảo” sẽ không được khởi tạo và không thể tồn tại được. Theo đó, Điều 181 của Bộ luật Dân sự năm 2005 có thể sửa như sau: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả tài sản ảo và quyền sở hữu trí tuệ”.



Thứ hai, quy định rõ về “tài sản ảo”.


Trong Bộ luật Dân sự, “tài sản ảo” cần được quy định như sau:“Tài sản ảo là những tài nguyên máy tính được xác định giá trị bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự. Tài sản ảo bao gồm: tên miền, địa chỉ thư điện tử (email), các đối tượng ảo được tạo ra trong trò chơi trực tuyến, kể cả tiền ảo (bitcoin)(9)”.

Thứ ba, quy định rõ các quan hệ tài sản đối với “tài sản ảo”.

Xét về tính chất tự nhiên và tính chất pháp lý của “tài sản ảo”, đây là một dạng tài sản đặc biệt, khác với các tài sản thông thường, bởi tài sản này tồn tại trong mối quan hệ với hợp đồng cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến giữa nhà cung cấp dịch vụ với người chơi. Do đó, trong Bộ luật Dân sự cần quy định rõ về quan hệ tài sản đối với tài sản này như sau:

“Quan hệ tài sản đối với tài sản ảo chỉ được phát sinh khi người sử dụng dịch vụ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến theo hợp đồng dịch vụ”.

Dù có được pháp luật cho phép hay không thì việc giao dịch mua bán trao đổi “tài sản ảo” vẫn đang diễn ra với giá trị ngày một lớn, thậm chí có cả những sàn đấu giá “tài sản ảo”(10). Các tranh chấp về tài sản này cũng đang diễn ra. Vì chưa có quy định pháp luật nên việc giải quyết các tranh chấp này thường làm cho những người có tranh chấp cảm thấy không thỏa đáng. Gần đây, ở nước ta đã xuất hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí là phạm tội có liên quan đến “tài sản ảo”. Việc hoàn thiện cơ sở pháp lý về công nhận và bảo hộ “tài sản ảo” là một nhu cầu cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, bảo đảm cơ sở pháp lý cho quản lý và phát triển xã hội bền vững./.

———————

(1) Từ năm 2010, Việt Nam đã là thị trường game online lớn nhất khu vực Đông Nam Á với thị phần 45,2%. Xem: Thu Hiền, “Sôi động chợ vật phẩm ảo”, Thời báo Kinh tế Sài gòn, ngày 22-11-2012, tr. 56 – 57

(2) Chương trình máy tính (programme) = cấu trúc dữ liệu (data structure) + thuật toán (algorithm)

(3) Khoản 5, điều 9, Thông tư Liên tịch số 60/2006/TTLT-BVHTT-BBCVT-BCA.

(4) Tại Việt Nam, Công ty An ninh mạng Bkav đã bỏ ra 2,3 tỷ đồng để mua lại tên miền Bkav.com; doanh nhân Phạm Trường Sơn, Giám đốc Công ty Kinh doanh đồ ảo Market4gamer đã phải chi 1,8 tỷ đồng mua lại hai tài khoản game của game thủ Hắc Điểu – một đại gia khác trong làng game Việt. Xem http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/744968/bai-2-phai-co-che-tai-doi-voi-tai-san-ao, ngày 16-3-2015.

(5) Viện khoa học pháp lý, Từ điển luật học, Nxb. Từ điển Bách khoa – Tư pháp, Hà Nội, 2006, tr. 685

(6) Điều 181 Bộ luật Dân sự: Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ.

(7) Joshua A.T Fairfiel, Virtual property, page. 1086, https://www.bu.edu/law/central/jd/organizations/journals/bulr/volume85n4/Fairfield.pdf.

(8) Khoản 1, điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ 2005: “Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể…”

(9) Mặc dù hiện nay, bitcoin chưa được thừa nhận và lưu hành ở Việt Nam, nhưng trong tương lai loại tài sản này sẽ được thừa nhận

(10) Xem http://vietbao.vn/Vi-tinh-Vien-thong/Game-Online-Lan-dau-tien-dau-gia-tai-san-ao/30107592/217/, ngày 21-3-2006

SOURCE: TẠP CHÍ CÔNG SẢN ĐIỆN TỬ

Trích dẫn từ: http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Xay-dung-nha-nuoc-phap-quyen/2015/33742/Hoan-thien-quy-dinh-cua-Bo-luat-Dan-su-nam-2015-lien.aspx

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com