Công tác bán đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An – Thực trạng và giải pháp

Công tác bán đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An – Thực trạng và giải pháp

27/01/2016

Trong những năm qua, hoạt động bán đấu giá tài sản nói chung và bán đấu giá quyền sử dụng đất nói riêng trên địa bàn tỉnh Nghệ An luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của Hội đồng nhân dân (HĐND) và Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh. Để triển khai thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản (Nghị định số 17/NĐ-CP) và các văn bản có liên quan, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành kịp thời các văn bản theo thẩm quyền. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quán triệt văn bản và thực hiện nghiêm túc các quy định, tạo sự thống nhất trong quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động bán đấu giá tài sản và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp (trong đó 1 Trung tâm bán đấu giá tài sản trực thuộc Sở Tư pháp và 7 doanh nghiệp bán đấu giá tài sản), 19 đấu giá viên (trong đó có 11 đấu giá viên đang hoạt động tại các tổ chức bán đấu giá tài sản). Trong thời gian qua, các tổ chức bán đấu giá tài sản đã thực hiện việc bán đấu giá quyền sử dụng đất và UBND thực hiện việc giao đất, thu vào ngân sách của tỉnh 6.409.373.000.000 tỷ đồng. Nhìn chung, các tổ chức bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất, đã thực hiện các trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản bảo đảm chặt chẽ và khách quan, cơ bản tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn liên quan, đảm bảo thực hiện tốt công tác xã hội hóa hoạt động đấu giá trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực trong thực hiện tốt các giao dịch của tổ chức, cá nhân phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh.Hoạt động bán đấu giá tài sản trong những năm qua đã có chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả nhất định, góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Việc triển khai thi hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn, nhìn chung nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các ngành, các cấp ở địa phương. Chủ trương xã hội hóa tiếp tục được đẩy mạnh và vai trò quản lý của Nhà nước đối với tổ chức, hoạt động bán đấu giá tài sản tiếp tục được tăng cường.

1. Những khó khăn, vướng mắc của công tác bán đấu giá quyền sử dụng đất

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động bán đấu giá tài sản vẫn còn một số tồn tại, hạn chế do công tác tuyên truyền thực hiện chưa thường xuyên, dẫn tới số người nắm thông tin để tham gia đấu giá ít. Trong khi đó, quá trình chuyển nhượng, mua bán đấu giá đất liên quan đến chính quyền cơ sở, nên khi chuyển đấu giá đất cho các doanh nghiệp thực hiện, tâm lý người dân chưa thực sự tin tưởng cho nên không tham gia đấu giá.

Các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp do bước đầu mới thành lập nên năng lực và kinh nghiệm thực tế của đấu giá viên ở một số tổ chức đấu giá chưa đáp ứng được trong từng hoạt động cụ thể. Còn tồn tại tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá, giá trị tài sản bán vượt mức giá khởi điểm chưa cao, chưa có tiêu chí lựa chọn tổ chức bán đấu giá, cơ chế kiểm soát việc bán đấu giá… Sự phân bổ đấu giá viên, tổ chức bán đấu giá tài sản không đồng đều giữa các vùng, miền. Trên địa bàn tỉnh, đội ngũ đấu giá viên và doanh nghiệp bán đấu giá tài sản hiện tập trung chủ yếu trên địa bàn thành phố Vinh, vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện việc ký kết hợp đồng bán đấu giá với các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản để bán tài sản như Quế Phong,Quỳ Châu, Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông.

Trong khi pháp luật về bán đấu giá tài sản hiện hành chưa đồng bộ, chưa thống nhất, còn tồn tại những mâu thuẫn, chồng chéo về trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản. Hiện nay, hoạt động bán đấu giá tài sản đang được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Ngày 04/4/2015 Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP quy định việc tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất (Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP) và Thông tư số 02/2015/TT-BTC ngày 05/01/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 48/2012/TT-BTC về hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm và chế độ tài chính trong đấu giá quyền sử dụng đất (Thông tư số 02/2015/TT-BTC), không thống nhất dẫn tới việc một số nội dung của Quyết định số 74/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh về ban hành Quy chế bán đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An không còn phù hợp do một số quy định mới như:

– Quỹ đất được sử dụng để đấu giá theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP được bổ sung thêm; việc thành lập Hội đồng bán đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đặc biệt, ngoài các trường hợp được quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, theo quy định mới thì được thành lập tại các xã thuộc địa bàn miền núi cách trung tâm tỉnh lỵ từ 60 km trở lên mà tại địa bàn huyện nơi giao đất, cho thuê đất không có tổ chức có chức năng bán đấu giá theo quy định của pháp luật.

– Việc xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất còn chồng chéo: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02/2015/TT-BTC thì thẩm quyền phê duyệt giá khởi điểm tại Điều 5 Thông tư 48/2012/TT-BTC do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định; căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ủy quyền hoặc phân cấp cho Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất theo thẩm quyền. Cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì đấu giá quyền sử dụng đất có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị xác định giá khởi điểm tới Sở Tài chính (trong trường hợp giá khởi điểm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Giám đốc Sở Tài chính quyết định) hoặc Phòng Tài chính – Kế hoạch (trong trường hợp giá khởi điểm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định). Với quy định trên, thì cơ quan tài chính sẽ có trách nhiệm xác định giá khởi điểm trình UBND cấp có thẩm quyền quyết định.

– Theo quy định của Điều 9 Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP thì: “Căn cứ quyết định đấu giá quyền sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện việc xác định giá khởi điểm của thửa đất đấu giá (gồm giá đất, hạ tầng kỹ thuật, tài sản gắn liền với đất nếu có) theo quy định của pháp luật và trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) phê duyệt… Căn cứ hồ sơ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện phê duyệt giá khởi điểm của thửa đất đấu giá”. Quy định trên đã khẳng định: Sở Tài nguyên – Môi trường tổ chức thực hiện việc xác định giá khởi điểm của thửa đất đấu giá trình UBND tỉnh phê duyệt, trong khi đó lại không quy định rõ cơ quan nào thẩm định phương án giá khởi điểm. Điều này là không thống nhất với quy định của khoản 3 Điều 114 của Luật Đất đai năm 2013: “Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh trình Hội đồng thẩm định giá đất xem xét trước khi trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định”.

Với quy định chồng chéo này thì việc xác định giá khởi điểm trong đấu giá quyền sử dụng đất sẽ gây khó khăn cho quá trình tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại địa phương. Mặt khác, ngày 08/6/2015, Bộ Tài chính vừa ban hành Văn bản số 7519/BTC-QLCS về việc xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất đã nêu rõ: Việc xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 thực hiện thống nhất theo Thông tư số 02/2015/TT-BTC.

Như vậy, có thể nói đến thời điểm này, các hướng dẫn về việc xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất chưa đồng bộ, nên việc áp dụng để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại địa phương gặp nhiều vướng mắc, khó thực hiện.

Hiện nay, thể chế pháp lý chưa tạo nên chính sách thống nhất, đồng bộ để phát triển đội ngũ đấu giá viên chuyên nghiệp. Các quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP mới thể hiện một bước chuyên nghiệp hóa đội ngũ đấu giá viên, hiệu lực còn thấp vì chỉ là Nghị định trong khi các quy định khác liên quan đều được điều chỉnh bởi các Luật, Pháp lệnh, thiếu văn bản có hiệu lực pháp lý cao ở tầm luật để điều chỉnh thống nhất hoạt động bán đấu giá. Vì vậy, hiện tại chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ để phát triển đội ngũ đấu giá viên theo yêu cầu của xã hội.

2. Những giải pháp

Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong hoạt động bán đấu giá quyền sử dụng đất, vừa quaUBND tỉnhđã tổ chức cuộc họp về công tác quản lý nhà nước lĩnh vực bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, sau cuộc họp UBND tỉnh đã ban hành Kết luận của đồng chí Lê Xuân Đại, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về nhiệm vụ và giải pháp cần tập trung trong thời gian tới đó là:

– Sở Tư pháp và các ngành có liên quan tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan về công tác bán đầu giá tài sản để cá nhân, tổ chức hiểu được các quy định về bán đấu giá tài sản và chủ trương “xã hội hóa” trong hoạt động bán đấu giá tài sản để có sự tin tưởng vào các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp khi tham gia đấu giá; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và các ngành có liên quan thực hiện việc rà soát để tham mưu sửa đổi Quyết định số 74/2014/QĐ-UBND phù hợp với văn bản của trung ương trong năm 2016.

– Đối với sự bất cập giữa Thông tư số 02/2015/TT-BTC và Thông tư số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP về việc xác định giá khởi điểm trong đấu giá quyền sử dụng đất, để thống nhất thực hiện, trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02/2015/TT-BTC.

– Về thành lập Hội đồng đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đặc biệt, các huyện có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP làm văn bản trình UBND tỉnh đề xuất thành lập.

UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục phối hợp với các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác bán đấu giá theo đúng quy định của pháp luật.

– Các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp cần nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, nắm bắt kịp thời các quy định của pháp luật để khẳng định thương hiệu, tạo lòng tin cho các bên tham gia bán đấu giá tài sản, đáp ứng nhu cầu trong hoạt động bán đấu gái tài sản.

Nguyễn Quế Anh

Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com