Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng bao gồm (cơ sở pháp lí điều 237, 294 Luật thương mại 2005) :
Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics điều 237 luật thương mai 2005
Ngoài những trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không phải chịu trách nhiệm về những tổn thất đối với hàng hoá phát sinh trong các trường hợp sau đây:
a) Tổn thất là do lỗi của khách hàng hoặc của người được khách hàng uỷ quyền;
b) Tổn thất phát sinh do thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics làm đúng theo những chỉ dẫn của khách hàng hoặc của người được khách hàng uỷ quyền;
c) Tổn thất là do khuyết tật của hàng hoá;
d) Tổn thất phát sinh trong những trường hợp miễn trách nhiệm theo quy định của pháp luật và tập quán vận tải nếu thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics tổ chức vận tải;
đ) Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về khiếu nại trong thời hạn mười bốn ngày, kể từ ngày thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics giao hàng cho người nhận;
e) Sau khi bị khiếu nại, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về việc bị kiện tại Trọng tài hoặc Toà án trong thời hạn chín tháng, kể từ ngày giao hàng.
Các trường hợp miễn trách nhiệm theo quy định tại điều 294 luật thương mại 2005
Thứ nhất, xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận. Theo quy định này, các bên của hợp đồng được quyền thỏa thuân trước về những trường hợp được miễn trách nhiệm khi xảy ra vi phạm hợp đồng
Thứ hai, xảy ra sự kiện bất khả kháng là những sự việc xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép
Thứ ba, hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia
Thứ tư, hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng trong thương mại.
Miên trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics.
Theo quy định tại Điều 233 Luật thương mại năm 2005 thì “dịch vu logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hang hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hang hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao…”
Do tính chất công việc đặc thù của loại hình dịch vụ này nên pháp luật cũng quy định một số trường hợp miễn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics. Hoạt động kinh doanh có tính chất liên hoàn, do đó số lượng công việc nhiều, tính chất công việc phức tạp, thời gian thực hiện có thể kéo dài, vì vậy pháp luật cũng đặt ra các quy định để miễn trách nhiệm và giới hạn trách nhiệm cho nhà cung cấp dịch vụ logistics theo quy định tại Điều 237 Luật thương mại 2005 về các trường hợp miễn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics thì thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics được miễn trách nhiệm trong một số trường hợp
Tổn thất là do lỗi của khách hàng hoặc của người được khách hàng ủy quyền.
Trường hợp này tổn thất gây ra đối với hàng hóa không phải do lỗi của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics mà là lỗi của khách hàng hoặc người được khách hàng ủy quyền, chính việc khách hàng không thực hiện đúng việc chỉ dẫn, cũng như cung cấp những thông tin cần thiết, đúng đắn cho thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics thực hiện hoạt động của mình, và việc thực hiện dịch vụ logistics gây thiệt hại, tuy nhiên thiệt hại này không phải do lỗi của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics, ở đây hoàn toàn do lỗi của khách hàng nên họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm do hành vi của mình gây ra, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không có trách nhiệm đối với những tổn thất về hàng hóa.
Tổn thất phát sinh do thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics làm đúng theo những chỉ dẫn của khách hàng hoặc người được khách hàng ủy quyền
Trường hợp này lỗi là do khách hàng hoặc người được khách hàng ủy quyền gây ra, chính những chỉ dẫn không đúng của khách hàng hoặc người được khách hàng ủy quyền là nguyên nhân gây nên những tổn thất đối với hàng hóa, và thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics do đã thực hiện những chỉ dẫn của khách hàng hoặc người được khách hàng ủy quyền mới gây nên những tổn thất này, ở đây thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không có lỗi nên họ sẽ không phải chịu trách nhiệm về những tổn thất đối với hàng hóa.
Tổn thất là do khuyết tật của hàng hóa
Thiệt hại đối với hàng hóa do những khuyết tật của chính hàng hóa gây ra, trường hợp này là khách quan đối với yếu tố lỗi của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics, nhưng là chủ quan đối với hàng hóa, chính những khuyết tật bên trong hàng hóa là nguyên nhân chính, chủ yếu gây nên thiệt hại, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không có lỗi, nên trường hợp này họ không phải chịu trách nhiệm về tổn thất đối với hàng hóa.
Tổn thất phát sinh trong những trường hợp miễn trách nhiệm theo quy định của pháp luật và tập quán vận tải nếu thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics tổ chức vận tải
Giống như các thương nhân kinh doanh dịch vụ khác thì thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics cũng được miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 294 Luật thương mai đó là các trường hợp: xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm hình sự mà các bên đã thỏa thuân; sự kiện bất khả kháng; hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia; hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng. Đây là những trường hợp miễn trách nhiệm mà Luật thương mại đã dự liệu cho các chủ thể tham gia vào các quan hệ thương mại, khi xuất hiện một trong các trường hợp này thì các bên tham gia quan hệ được miễn trách nhiệm. Đây là những trường hợp xảy ra có thể do các bên thỏa thuận ý chí chủ quan của các bên hoặc cũng có thể do sự kiện bất khả kháng gây ra mà không phải lỗi của chủ thể nào do điều kiện khách quan, hoặc việc vi phạm do thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Những trường hợp này thì thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics được miễn trách nhiệm đối với những tổn thất của hàng hóa..
Ngoài ra thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics cũng được miễn trách nhiệm đối với những tổn thất của hàng hóa nếu những tổn thất này được gây ra trong quá trình vận chuyển và việc gây tổn thất trong quá trình này được thừa nhận là tập quán và không phải chịu trách nhiệm.
Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về khiếu nại trong thời hạn mười bốn ngày, kể từ ngày thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics giao hàng cho người nhận.
Theo quy định này thì kể từ khi thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics giao hàng cho người nhận nếu có khiếu nại về công việc mà thương nhân kinh doanh doanh dịch vu logistics thực hiện, thì khách hàng phải tiến hành các hoạt động khiếu nại trong thời hạn mười bốn ngày, đây là thời hạn mà pháp luật quy định cho khách hàng nếu có tổn thất đối với hàng hóa thì được quyền khiếu nại, quá thời gian này thì mọi tổn thất đối với hàng hóa, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không phải chịu trách nhiệm.
sau khi bị khiếu nại, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về việc bị kiện tại trọng tài hoặc Tòa án trong thời hạn chín tháng, kể từ ngày giao hàng.
Theo quy định này của pháp luật thì sau khi khiếu nại hoạt động của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics, nếu muốn truy cứu trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics thì khách hàng phải tiến hành các thủ tục pháp lý để yêu cầu đối với những tổn thất về hàng hóa, theo đó khách hàng phải khởi kiện tại trọng tài hoặc tòa án trong thời hạn chín tháng, nếu quá thời hạn này thì thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không phải chịu trách nhiệm về những tổn thất đối với hàng hóa.
Việc pháp luật quy định khách hàng phải khởi kiện ở trọng tài hoặc tòa án và có đủ căn cứ thì khi đó thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics mới phải chịu trách nhiệm về những tổn thất đối với hàng hóa, việc chỉ khiếu nại mà không khởi kiện và thương nhân kinh doanh dịch vu logistics không nhận được thông báo bị kiện trong thời hạn chín tháng thì họ không phải chịu trách nhiệm về những tổn thất của hàng hóa.
Có thể nói, việc pháp luật quy định cho thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics được miễn trách nhiệm về những tổn thất đối với hàng hóa bên cạnh những trường hợp được trách nhiệm đối với hành vi vi phạm quy định tại điều 294 Luật thương mại là những quy định cần thiết, với tính chất đặc thù của hoạt động dịch vụ này mang nhiều rủi do, tính chất công việc phức tạp, thời gian lâu dài vì vậy pháp luật cần có những quy định bảo vệ lợi ích của thương nhân kinh doanh dịch vụ này tạo điều kiện cho loại hình dịch vụ này phát triển. Quy định các trường hợp miễn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics còn nhằm khuyến khích các chủ thể đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ logistics, tạo tiềm lực phát triển kinh thế.
Miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng theo quy định tại điều 294.
Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận.
Pháp luật thương mại đề cao tính tự do trong thương mại. Do vậy, các bên dược quyền tự thỏa thuận các trường hợp được miễn trách nhiệm khi giao kết hợp đồng thương mại. Thỏa thuận giữa các bên về trường hợp miễn trách nhiệm phải tồn tại trước khi hành vi vi phạm xảy ra và có hiệu lực đến thời điểm bên bị vi phạm áp dụng chế tài. Khi hợp đồng được giao kết bằng văn bản thì thỏa thuận miễn trách nhiệm được ghi nhân trong nội dung hợp đồng hoặc trong phụ lục hợp đồng. Nhưng kể cả khi hợp đồng đã ký kết các bên vẫn có thể thỏa thuận bằng lời nói hoặc hành vi cụ thể hoặc sửa đổi, bổ sung vào hợp đồng các trường hợp miễn trách nhiệm. Xuất phát từ lí do đó, Luạt thương mại 2005 quy định: “các bên sẽ không phải chịu trách nhiệm do vi phạm hợp đồng nếu có sự thỏa thuận của các bên về trường hợp đó được miễn trách nhiệm” điểm a khoản 1 điều 294.
Tuy nhiên, quy định này mới chỉ dừng ở mức chung chung, không đưa ra điều kiện để công nhận thỏa thuận miễn trách nhiệm hợp đồng giữa các bên. Quy định này chỉ mới công nhận trường hợp miễn trách nhiệm hợp đồng đã được các bên thỏa thuận trước mà chưa quy định cụ thể điều kiện để được công nhận nên các bên trong hợp đồng đã lợi dụng điều khoản miễn trừ này để vi phạm hợp đồng mà không phải chịu chế tài nào, từ đó dẫn tới sự bất bình đẳng giữa các bên trong hợp đồng thương mại.
Do xảy ra sự kiện bất khả kháng
Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng (điểm b khoản 1 điều 294 Luật hương mai 2005). Điều này có nghĩa là dù hợp đồng có quy định hay không thì khi xảy ra sự kiện bất khả kháng dẫn đến việc vi phạm hợp đồng, bên vi phạm vẫn được miễn trách nhiệm. Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Sự kiện này xẩy ra chỉ sau khi ký hợp đồng, không phải do lỗi của bất kỳ bên tham gia hợp đồng nào, mà xẩy ra ngoài ý muốn và các bên không thể dự đoán trước, cũng như không thể tránh và khắc phục được, dẫn đến không thể thực hiện hoặc không thể thực hiện đúng hoặc đầy đủ nghĩa vụ, bên chịu sự cố này có thể được miễn trừ trách nhiệm của hợp đồng hoặc kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng.
Sự kiện bất khả kháng có thể là những hiện tượng do thiên nhiên gây ra (thiên tai) như lũ lụt, hỏa hoạn, bão, động đất, sóng thần… Tuy nhiên, để một sự kiện được coi là sự kiện bất khả kháng thì nó phải đáp ứng được các tiêu chí sau đây:
Về tính chất: đó là một sự kiện khách quan, nằm ngoài phạm vi kiểm soát của bên vi phạm hợp đồng như các hiểm họa thiên nhiên (động đất, sóng thần, mưa lũ, sạt lở đất,…), các sự biến xã hội (đình công, bạo loạn, giặc giã,…) và các hiểm họa do cháy nổ tự nhiên.
Về thời điểm: sự kiện này phải xảy ra sau khi ký hợp đồng. Xét về góc độ lý luận, nếu sự kiện khách quan này mà xảy ra trước hoặc trong khi giao kết hợp đồng thì nó sẽ đi ngược lại mục đích của hoạt động thương mại là sinh lợi. Không một thương nhân nào lại chấp nhận những thiệt hại mà mình biết rõ nó đang xảy ra
Về việc dự trù: sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra không thể dự đoán trước được. Bản thân thương nhân, không phải chủ thể nào cũng có khả năng đánh giá và dự trù những rủi ro có thể xảy ra.
Về hậu quả: Hậu quả do sự kiện bất khả kháng để lại có tính tất yếu khách quan, tức là bên vi phạm đã sử dụng hết các biện pháp cần thiết nhưng cũng không thể ngăn ngừa, phòng chống cũng như hạn chế thiệt hại xảy ra. Tuy nhiên, nếu như bên vi phạm không thực hiện các biện pháp cần thiết để khắc phục hậu quả nhưng chứng minh được rằng dù có hành động vẫn không thể khắc phục được hậu quả thì xem như đã thỏa mãn điều kiện này. Để được áp dụng miễn trừ do sự kiện bất khả kháng thì bên có hành vi vi phạm phải chứng minh được sự cố dẫn đến vi phạm hợp đồng thõa mãn 3 điều kiện
Khi xảy ra trường hợp bất khả kháng, các bên có thể thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng; trừ các hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thời hạn cố định về giao hàng hoặc hoàn thành dịch vụ. Nếu các bên không có thoả thuận hoặc không thỏa thuận được thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả, nhưng không được kéo dài quá:
“a) Năm tháng đối với hàng hoá, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thoả thuận không quá mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng;
- b) Tám tháng đối với hàng hoá, dịch vụ mà thời hạn giao hàng, cung ứng dịch vụ được thoả thuận trên mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng
Tuy nhiên, nếu sự kiện bất khả kháng kéo dài quá thời hạn nêu trên thì các bên có quyền từ chối thực hiện hợp đồng và không bên nào có quyền yêu cầu bên kia bồi thường thiệt hại. Bên từ chối thực hiện hợp đồng phải thông báo cho bên kia biết trước khi bên kia bắt đầu thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng trong thời hạn 10 ngày” (điều 296 Luật thương mại 2005).
Luật thương mại hiện hành không giải thích thế nào là sự kiện bất khả kháng. Xét theo mối quan hệ giữa luật chung và luật riêng, trong đó luật thương mại là luật riêng trong lĩnh vực thương mại, còn Bộ luật dân sự là luật chung, có thể dẫn chiếu quy định của Bộ luật dân sự về sự kiện bất khả kháng để áp dụng trong lĩnh vực thương mại. Ngoài ra, Điều 294 chỉ quy định chung chung sự kiện bất khả kháng là điều kiện để bên vi phạm được miễn trách nhiệm nhưng chưa nêu bật được mối quan hệ nhân quả giữa sự kiện bất khả kháng và hành vi vi phạm hợp đồng. Về bản chất, để có thể được miễn trách nhiệm, sự kiện bất khả kháng phải xảy ra sau khi các bên ký hợp đồng và sự kiện bất khả kháng phải là nguyên nhân dẫn đến kết quả là bên vi phạm không thể thực hiện được theo đúng cam kết. Ở đây, rõ ràng điều 294 chưa thể hiện được mối quan hệ đó.
Trong khi sự kiện bất khả kháng chưa được hiểu một cách thống nhất thì pháp luật Việt Nam còn ghi nhận về “Trở ngại khách quan”. Vượt ra ngoài khuôn khổ quốc gia, còn có một khái niệm nữa đó là “Hoàn cảnh khó khăn”, là một khái niệm được thừa nhận trong thực tiễn thương mại quốc tế. Vậy có hay không sự trùng lặp giữa ba khái niệm này? Về Trở ngại khách quan, đây là một khái niệm độc lập hoàn toàn so với sự kiện bất khả kháng. Tại khoản 1 điều 161 Bộ luật dân sự 2005, sau khi giải thích sự kiện bất khả kháng là gì, thì “Trở ngại khách quan” được ghi nhận “là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền hoặc nghĩa vụ dân sự của mình”. Nhưng, cũng giống như sự kiện bất khả kháng, khái niệm trên cũng tạo ra sự khó hiểu cho thương nhân và dễ dẫn đến nhầm lẫn với sự kiện bất khả kháng. Tại điểm b khoản 3 điều 2 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP đã giải thích rõ hơn khi quy định: “Trở ngại khách quan là trường hợp đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo mà không thể gửi đơn yêu cầu thi hành án đúng hạn; tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức, phải điều trị nội trú hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án dân sự hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn hoặc đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hóa mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật.
Có thể nói, Trở ngại khách quan cùng với sự kiện bất khả kháng là quy định khá tiến bộ của pháp luật Việt Nam khi tính đến cả những sự kiện nằm ngoài khái niệm sự kiện bất khả kháng làm cản trở chủ thể thực hiện quyền và nghĩa vụ. Nhưng thật đáng tiếc, trở ngại khách quan chỉ được dùng để xác định thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự hoặc thi hành án dân sự mà không được áp dụng cùng với sự kiện bất khả kháng để dẫn đến miễn trách nhiệm cho bên vi phạm hợp đồng. Do đó mà ngoài điều 294 Luật thương mại nêu trên chỉ nhắc đến sự kiện bất khả kháng, điều 302 Bộ luật dân sự 2005 cũng chỉ quy định: “… Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được nghĩa vụ dân sự do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác
Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia
Căn cứ miễn trách nhiệm trong trường hợp này phải do lỗi của bên bị vi phạm. Lỗi này có thể là hành động hoặc không hành động của bên bị vị phạm. Ngoài ra cũng có thể là một hành vi vi phạm hợp đồng của bên bị vi phạm, tức là cả hai bên đều có hành vi vi phạm hợp đồng.
Điều luật mới dự liệu miễn trách nhiệm đối với bên vi phạm hợp đồng khi “Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia” mà chưa tính đến khả năng hành vi vi phạm của một bên có nguyên nhân xuất phát từ bên thứ ba, mà bên này rơi vào các trường hợp mà pháp luật quy định được miễn trách nhiệm8. Đành rằng, các bên có thể thoả thuận về các trường hợp miễn trách nhiệm trong hợp đồng của họ. Nhưng trong trường hợp không được thoả thuận, đương nhiên bên vi phạm sẽ không được miễn trách nhiệm nếu do lỗi của bên thứ ba, mặc dù bên này rơi vào các trường hợp miễn trách nhiệm. Về vấn đề này, có vẻ như Luật thương mại 2005 cứng nhắc hơn so với Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989, một văn bản pháp luật điều chỉnh hợp đồng kinh tế trong không gian và thời gian của cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung. Tại Điều 40 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế quy định: “Bên vi phạm hợp đồng kinh tế được xét giảm hoặc miễn hoàn toàn trách nhiệm tài sản trong các trường hợp sau đây: 1) Gặp thiên tai, địch hoạ và các trở lực khách quan khác không thể lường trước được và đã thi hành mọi biện pháp cần thiết để khắc phục ; 2) Phải thi hành lệnh khẩn cấp của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; 3) Do bên thứ ba vi phạm hợp đồng kinh tế với bên vi phạm nhưng bên thứ ba không phải chịu trách nhiệm tài sản trong các trường hợp quy định tại điểm 1 và điểm 2 của điều này…. Tất cả các luật quy định về hợp đồng sau này như Bộ luật dân sự 1995, Luật thương mại 1997, Bộ luật dân sự 2005, Luật thương mại 2005 đã không kế thừa sự tiến bộ này mà lại loại bỏ nó ra khỏi các trường hợp miễn trách nhiệm được quy định trong luật
Luật thương mại hiện hành nói chung và điều 294 Luật thương mại nói riêng cũng chưa dự liệu trường hợp miễn trách nhiệm do một bên ủy quyền cho bên thứ ba thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng mà bên thứ ba này vi phạm nghĩa vụ trong một số trường hợp cụ thể. Nếu trong trường hợp CISG 1980 (Công Ước Viên về hợp đông mua bán hàng hoác quốc tế) trở thành nguồn luật để điều chỉnh thì đối với hợp đồng trong một số trường hợp được áp dụng thì vấn đề này sẽ được giải quyết tại điều 79. Theo điều này của CISG, nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình do người thứ ba mà họ nhờ thực hiện toàn phần hay một phần của hợp đồng cũng không thực hiện điều đó, thì bên ấy chỉ được miễn trách nhiệm trong trường hợp bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm chiếu theo công ước được áp dụng cho họ. Hiện tại Việt Nam vẫn chưa phải là thành viên của CISG 1980 mặc dù nó vẫn có thể được áp dụng tại Việt Nam trong một số trường hợp nhất định, nhưng về cơ bản CISG vẵn chưa là nguồn của pháp luật thương mại Việt Nam
Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước
Xét về bản chất, hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước là hành vi vi phạm do sự kiện bất khả kháng về sự biến pháp lý. Rõ ràng, các bên cũng không lường trước được những vi phạm và thiệt hại khi có một quyết định của nhà nước xen vào. Đó có thể là quyết định hành chính (quyết định xử phạt vi phạm, quyết định trưng thu,…) hoặc quyết định của cơ quan tư pháp (bản án, quyết định). Miễn trách nhiệm chỉ được áp dụng khi hành vi vi phạm do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng. Nếu như các bên đã biết về việc thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có thể dẫn đến vi phạm hợp đồng mà vẫn đồng ý giao kết hợp đồng thì không được áp dụng miễn trách nhiệm.
Quyết định của cơ quan nhà nước phải làm phát sinh nghĩa vụ của bên vi phạm, tức là phải thực hiện hoặc không thực hiện một hành vi nhất định nào đó dẫn tới hành vi vi phạm hợp đồng. “Các bên” ở trong trường hợp này có nghĩa là cả bên vi phạm và bên bị vi phạm, thế nhưng việc không thể biết quyết định cơ quan nhà nước có thẩm quyền dẫn đến vi phạm hợp đồng chỉ có ý nghĩa đối với bên vi phạm hợp đồng, từ đó khẳng định bên vi phạm hợp đồng không có “lỗi”. Việc bên bị vi phạm có biết hay không thì về bản chất không ảnh hưởng gì đến thái độ của bên vi phạm hợp đồng. Giả sử bên bị vi phạm hợp đồng khi ký hợp đồng biết trước có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chắc chắn dẫn đến việc vi phạm hợp đồng và cứ ký hợp đồng trong khi bên vi phạm hợp đồng không hề biết. Vậy khi có hành vi vi phạm hợp đồng do thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước, bên vi phạm hợp đồng có được miễn trách nhiệm hay không khi bên bị vi phạm chứng minh được mình biết trước quyết định đó? Thêm vào nữa, hiểu thế nào là “không thể biết” để từ đó được miễn trách nhiệm đối với trường hợp này cũng còn quá chung chung. Việc biết sự tồn tại của quyết định của cơ quan nhà nước có buộc phải theo một “kênh chính thống” hay có thể biết bằng nhiều cách khác nhau? Cơ quan quản lý nhà nước có phải thông báo bằng văn bản hay chỉ cần thông báo bằng miệng về quyết định đó thì thương nhân mới “biết”, hay nếu bên bị vi phạm chỉ cần chứng minh các bên biết sự tồn tại của quyết định đó, bất kể “biết” theo kiểu gì, “biết” bằng cách nào cũng đều là chứng cứ để bên vi phạm phải gánh chịu trách nhiệm?
Tham khảo thêm:
- [Hỏi đáp Wiki Luật] Xin tư vấn ly hôn không tranh chấp tài sản thì có giải quyết nhanh hơn không ?
- [Hỏi đáp Wiki Luật] Các con có được tham gia làm di chúc thừa kế của bố mẹ không ?
- [Hỏi đáp Wiki Luật] Nhờ người khác làm giấy tờ giả phạm tội gì?
- [Hỏi đáp Wiki Luật] Xử lý thế nào khi cha ngoại tình và bạo lực gia đình ?
- [Hỏi đáp Wiki Luật] Phạm tội trộm cắp tài sản khi đang hưởng án treo thì bị xử phạt thế nào?
- [Hỏi đáp Wiki Luật] Tư vấn về thừa kế theo quy định pháp luật ?
- [Hỏi đáp Wiki Luật] Tư vấn trợ cấp thôi việc?
- [Hỏi đáp Wiki Luật] Điều kiện nhập khẩu?
- [Hỏi đáp Wiki Luật] Hỏi về khai sinh cho con để con có quốc tịch nước ngoài?
- [Hỏi đáp Wiki Luật] Điều kiện kết hôn của cán bộ công an là gì?