Biện pháp bảo đảm cho bản án, quyết định về dân sự của Tòa án có tính khả thi

Biện pháp bảo đảm cho bản án, quyết định về dân sự của Tòa án có tính khả thi

28/03/2013

Hiện nay, sau khi Toà án ra phán quyết, ở giai đoạn thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự thường phải điều tra, xác minh tài sản, thu nhập của người phải thi hành án để buộc họ thực thi nghĩa vụ nếu không tự nguyện thi hành. Việc điều tra, xác minh thu nhập, tài sản của người phải thi hành án thường mất rất nhiều thời gian và công sức, làm cho việc thi hành án bị kéo dài, vì có rất ít trường hợp đương sự tự nguyện cung cấp điều kiện thi hành án của mình, thậm chí nhiều trường hợp còn dùng nhiều cách tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập để trì hoãn, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án. Vì vậy, tìm ra một cơ chế bảo đảm cho bản án, quyết định về dân sự của Toà án có tính khả thi ngay sau khi Toà án ra phán quyết là vấn đề đang được quan tâm hiện nay.

Để phán quyết của Toà án được bảo đảm thi hành một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất, qua thực tiễn, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số biện pháp bảo đảm tính khả thi của các bản án, quyết định về dân sự của Toà án để bạn đọc tham gia ý kiến.

1. Đối với các vụ kiện về nghĩa vụ trả tiền: Pháp luật cần sửa đổi theo hướng quy định khi vụ kiện xảy ra, Toà án yêu cầu người bị khởi kiện phải tạm nộp một khoản tiền bằng giá trị số tiền bị đòi nợ để chứng minh mình không có nghĩa vụ, người khởi kiện phải tạm nộp một khoản tiền bằng với khoản lãi suất tín dụng cho vay mà Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với khoản tiền khởi kiện và thời gian giải quyết vụ kiện cho cơ quan thi hành án dân sự, làm cơ sở để thụ lý và giải quyết vụ kiện. Nếu người bị khởi kiện không nộp số tiền trên, người khởi kiện có quyền yêu cầu Toà án kê biên bất kỳ tài sản nào tương ứng với số tiền khởi kiện hoặc toàn bộ tài sản của người bị khởi kiện để bảo đảm thực thi nghĩa vụ trả nợ sau này (nếu thắng kiện). Khi án có hiệu lực pháp luật, theo quyết định của Toà án, nếu nguời bị khởi kiện có nghĩa vụ trả tiền, cơ quan thi hành án dân sự chỉ cần dùng số tiền họ đã nộp trước trả cho người khởi kiện; nếu họ không có nghĩa vụ trả tiền, thì cơ quan thi hành án dân sự trả lại số tiền mà họ đã tạm nộp hoặc giải toả kê biên, trả lại tài sản cho họ, người khởi kiện phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người bị khởi kiện bằng toàn bộ khoản tiền theo mức lãi suất cho vay mà người khởi kiện đã tạm nộp trong giai đoạn xét xử vụ việc và những chi phí phát sinh khác, thậm chí còn phải chịu khoản tiền phạt nếu lợi dụng việc khởi kiện để gây thiệt hại về thời gian, công sức và tài sản đối với người bị khởi kiện.

2. Đối với các vụ tranh chấp, phân chia tài sản: Pháp luật cần sửa đổi theo hướng quy định khi giải quyết vụ kiện, cơ quan thi hành án dân sự được tham gia cùng Toà án trong việc xác minh tài sản, vẽ sơ đồ hiện trạng, xác định mốc giới đối với nhà đất…, để có sự định hình và thống nhất giữa các dữ kiện cho việc thi hành án sau này. Thực tế hiện nay khi giải quyết các vụ việc loại này, Toà án cũng vẫn phải phối hợp với các cơ quan hữu quan khác để tiến hành những công việc trên. Nếu cơ quan thi hành án dân sự được tham gia vào công việc này thì cũng là chỉ thêm một thành phần, nhưng hiệu quả khi thi hành án là rất to lớn. Bởi vì, khi tổ chức thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự chỉ cần căn cứ vào quyết định của Toà án, các dữ kiện đã thu thập được trước đây để xác định tài sản, phân chia tài sản tranh chấp, đảm bảo được tính chính xác của bản án. Quy định như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành án, hạn chế được tình trạng vướng mắc, sai sót giữa bản án của Toà án với thực tế khi thi hành án, mà vướng mắc này hiện nay vẫn đang là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ việc thi hành án còn tồn đọng do bản án không thi hành được.

3. Đối với các việc dân sự trong vụ án hình sự: Như bồi thường thiệt hại, tịch thu tài sản, truy thu do thu lợi bất chính…, pháp luật cần quy định rõ trong khi giải quyết vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng như: Công an, Toà án phải có trách nhiệm uớc tính tất cả nghĩa vụ dân sự mà bị can, bị cáo sẽ phải thi hành, đồng thời phải triệt để thực hiện việc kê biên, tạm giữ tài sản của họ để đảm bảo cho việc thi hành án sau này.

Trước thực trạng một số người phạm tội trong các vụ án hình sự phải thi hành khoản bồi thường thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức, nhưng chưa có tài sản để thi hành án, dẫn đến những tổn hại về tính mạng, vật chất hay tinh thần của người bị hại trong vụ án không được đảm bảo, công lý không được thực thi và làm cho vụ việc tồn đọng, cần thành lập Quỹ bảo đảm bồi thường thiệt hại trong các vụ án hình sự để chi trả thay cho người phải thi hành án. Quỹ bảo đảm bồi thường thiệt hại trong các vụ án hình sự có thể được thành lập ở trung ương, do Uỷ ban các vấn đề về xã hội của Quốc hội quản lý. Nguồn kinh phí của Quỹ có thể do Nhà nước bảo đảm một phần (vì Nhà nước có trách nhiệm trong việc quản lý xã hội và duy trì trật tự pháp luật, khi người bị hại không được bồi thường bởi hành vi phạm tội thì trật tự xã hội không được bảo đảm, phán quyết của Toà án nhân danh Nhà nước không được hiện thực hoá) và đóng góp của các tổ chức, cá nhân khác. Các tổ chức, cá nhân này sẽ được Nhà nước ưu đãi, tạo điều kiện trong một số hoạt động xã hội nào đó vì đã giúp Nhà nước hoàn thành tốt chức năng đảm bảo trật tự xã hội. Khi bản án, quyết định của Toà án về bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự được thi hành, người bị hại yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự áp dụng các biện pháp để buộc người phạm tội phải bồi thường thiệt hại cho họ. Trong trường hợp người phạm tội chưa có khả năng bồi thường như không có tài sản, đang chấp hành hình phạt tù không có tài sản, không có thu nhập nào khác…, trên cơ sở xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự, người bị hại có quyền làm đơn đến Quỹ bảo đảm bồi thường thiệt hại trong các vụ án hình sự để yêu cầu được bồi thường thiệt hại thay cho người phải thi hành án. Dựa vào bản án, quyết định của Toà án, xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc người phải thi hành án chưa có điều kiện để thi hành án, Quỹ bảo đảm bồi thường thiệt hại trong các vụ án hình sự sẽ chịu trách nhiệm chi trả cho người bị hại khoản bồi thường thiệt hại mà họ được hưởng theo quyết định của Toà án. Quỹ này sau đó sẽ kiện yêu cầu người có hành vi phạm tội hoàn lại các khoản này. Người có hành vi phạm tội sẽ hoàn trả lại Quỹ bằng khoản thu nhập do lao động tại nơi chấp hành hình phạt tù hay trả dần sau khi hết hạn tù, hoặc do người thân trả giúp. Hiện nay, đặc xá là chủ trương lớn, thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước và truyền thống của dân tộc ta đối với người bị kết án tù. Một trong những điều kiện để người bị kết án được đặc xá là họ phải thực hiện xong phần trách nhiệm dân sự trong bản án hình sự. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp, do họ chưa thực hiện xong phần trách nhiệm dân sự trong bản án hình sự nên chậm được hưởng chính sách đặc xá, mặc dù đáp ứng được các điều kiện khác. Vì vậy, đối với những trường hợp này, nên áp dụng chính sách “đặc xá có điều kiện”, tức là vẫn xét cho họ được đặc xá không phải chấp hành hình phạt tù nữa nhưng với điều kiện họ phải ở lại lao động tại trại giam một thời gian để có thu nhập hoàn trả khoản tiền mà Quỹ đã trả thay cho họ, tất nhiên trong thời gian này họ được đối xử khác với những người đang phải chấp hành án. Khi đã hoàn trả Quỹ đầy đủ hoặc khi Quỹ thấy không cần thiết phải giữ họ ở lại lao động nữa thì sẽ trao quyết định đặc xá cho họ. Với cơ chế thi hành án như vậy quyền lợi của người bị hại trong các vụ án hình sự sẽ được bảo đảm, phán quyết của Toà án sẽ được thi hành một cách nhanh chóng, công lý được thực thi, nhưng quan trọng nhất là Nhà nước đã thực hiện tốt chức năng, vai trò của mình trong việc đảm bảo ổn định trật tự xã hội.

4. Đối với các vụ có thế chấp tài sản: Thực tế công tác thi hành án dân sự cho thấy, có rất nhiều vụ việc, khi một người (ví dụ người chồng) có nhu cầu vay tiền tại các tổ chức tín dụng pháp luật và phải thế chấp tài sản để bảo đảm tiền vay, họ thường mang thế chấp tài sản thuộc sở hữu chung của gia đình như nhà, quyền sử dụng đất…, có giá trị lớn hơn hoặc bằng khoản tiền cần vay của tổ chức tín dụng. Người đồng sở hữu (người vợ) thường ký tên vào hợp đồng thế chấp tài sản với ý nghĩa là đồng sở hữu tài sản cũng đồng ý với việc thế chấp tài sản. Khi không trả được nợ, tổ chức tín dụng khởi kiện ra Toà án, Toà án quyết định chỉ buộc một mình người vay phải trả nợ cho tổ chức tín dụng, vì chỉ có mình họ đứng tên trong hợp đồng tín dụng. Khi xử lý tài sản thế chấp, việc thi hành án gặp vướng mắc, vì về nguyên tắc, chỉđược dùng tài sản của người phải thi hành án để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án của họ, trong khi đó tài sản thế chấp là tài sản chung, đồng sở hữu còn lại không có nghĩa vụ phải trả nợ theo quyết định của bản án, nên không thể xử lý phần tài sản của họ (mặc dù họ đã đồng ý mang thế chấp) để thi hành án được, vì vậy vụ việc không thể thi hành dứt điểm được và tồn đọng kéo dài. Để giải quyết những trường hợp này, pháp luật cần được sửa đổi theo hướng quy định rõ cơ quan thi hành án dân sự có quyền xử lý ngay và toàn bộ tài sản đã đem thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ tiền vay theo quyết định của Toà án. Người đồng sở hữu có quyền khởi kiện để buộc người phải thi hành án có trách nhiệm trả lại cho mình phần tài sản trong tài sản thế chấp đã bị xử lý.

5. Đối với những vụ việc mà đương sự phải tự mình thực hiện, nhưng có thể thuê người khác làm thay được (ví dụ nghĩa vụ tháo dỡ bức tường xây lấn chiếm trên đất của người khác): Khi thụ lý vụ kiện, Toà án cần dự tính khoản tiền chi phí để thuê người khác thực hiện thay (nếu sau này đương sự thua kiện không tự nguyện thi hành án) và buộc cả 2 bên đương sự đều phải nộp trước khi xét xử. Khi thi hành án, nếu người có nghĩa vụ không tự nguyện thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự chỉ cần dùng khoản tiền nộp trước của họ thuê người khác thực hiện thay, khoản tiền của người thắng kiện đã nộp được trả lại cho họ.

6. Đối với khoản án phí dân sự: Pháp luật cần quy định các đương sự phải nộp tạm ứng toàn bộ số tiền án phí nếu họ phải nộp khi thua kiện là điều kiện để toà án thụ lý xét xử vụ việc dân sự. Bất cứ một bản án, quyết định giải quyết một vụ việc dân sự nào được Toà án xét xử đều có phần quyết định về án phí, lệ phí Toà án (trừ những trường hợp được Toà án miễn nộp án phí, lệ phí theo quy định của pháp luật). án phí, lệ phí Toà án là khoản thu nộp ngân sách nhà nước nên cơ quan thi hành án dân sự phải chủ động ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành. Thực tế công tác thi hành án dân sự hiện nay cho thấy, có rất nhiều vụ việc thi hành án dân sự bị tồn đọng là do đương sự (bao gồm cả người thắng kiện) không nộp tiền án phí sau khi vụ việc được toà án xét xử. Điều này xuất phát từ việc pháp luật hiện nay quy định chỉ có người khởi kiện vụ kiện dân sự mới có nghĩa vụ phải nộp tiền tạm ứng án phí và coi đây là một điều kiện bắt buộc để toà án có cơ sở xem xét, thụ lý đơn khởi kiện. Tuy nhiên, trong vụ án dân sự có giá ngạch người khởi kiện chỉ phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp mà đương sự yêu cầu giải quyết. Số tiền tạm ứng án phí này được nộp cho cơ quan thi hành án dân sự nơi Toà án xét xử sơ thẩm. Khi ra bản án, quyết định, Toà án quyết định nghĩa vụ chịu án phí theo nguyên tắc đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, theo đó, nguyên đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn không được Tòa án chấp nhận; bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận; nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận, bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Tòa án chấp nhận. Như vậy, trong rất nhiều trường hợp, người thua kiện phải chịu 100% án phí dân sự, nhưng do trước đó họ không phải nộp một khoản tiền tạm ứng án phí nào cả, nên khi bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật, nhiệm vụ của cơ quan thi hành án dân sự là đi thu khoản án phí này. Tuy nhiên, những người thua kiện thường có tâm lý đã thua kiện lại phải mất tiền án phí nên tìm mọi cách để trì hoãn, trốn tránh nghĩa vụ nộp án phí. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc do tài sản tranh chấp có giá trị lớn như nhà, đất, chia thừa kế là bất động sản (xuất hiện nhiều ở nông thôn trong thời gian gần đây)…, nên số tiền án phí cũng không nhỏ (thường là từ vài triệu đồng tới hàng trăm triệu đồng). Việc buộc người thua kiện (nhất là ở nông thôn) nộp toàn bộ số tiền án phí này một lúc là rất khó khăn, vì vậy, cơ quan thi hành án dân sự phải mất rất nhiều thời gian và công sức mới có thể thu được đầy đủ số tiền án phí theo quyết định của Toà án, làm cho nhiều vụ việc tồn đọng kéo dài.

Để giải quyết những trường hợp này, theo chúng tôi, pháp luật về án phí, lệ phí Toà án cần sửa đổi quy định người khởi kiện chỉ phải nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp mà đương sự yêu cầu giải quyết, người bị khởi kiện không phải nộp bất cứ một khoản tiền tạm ứng án phí nào trong vụ án dân sự có giá ngạch như hiện nay, thành quy định tất cả các bên đương sự đều phải nộp số tiền tạm ứng án phí bằng 100% mức án phí dân sự sơ thẩm mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp mà đương sự yêu cầu giải quyết cho cơ quan thi hành án dân sự nơi Toà án thụ lý vụ việc. Qua việc thu tiền tạm ứng án phí ở các cơ quan thi hành án dân sự cho thấy, ở thời điểm phát sinh vụ kiện, tâm lý của các bên đương sự lúc này là sẵn sàng nộp ngay số tiền tạm ứng án phí này để được Toà án phân xử. Số tiền tạm ứng án phí này sẽ được hoàn trả toàn bộ cho người không phải chịu án phí hoặc hoàn trả một phần khi họ phải chịu một phần án phí theo quyết định của Toà án khi xét xử vụ kiện. Khi tổ chức thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự chỉ phải làm thủ tục nộp ngân sách nhà nước số tiền án phí đương sự phải nộp hoặc trả cho đương sự số tiền tạm ứng án phí họ được hoàn trả theo quyết định của Toà án. Như vậy quyền lợi của các bên đương sự vẫn được đảm bảo, đồng thời phần bản án, quyết định về án phí dân sự của Toà án được thi hành xong một cách dứt điểm với thời gian ngắn nhất, không bị tồn đọng.

7. Đối với án phí hình sự: Pháp luật nên bỏ quy định người bị kết án phải chịu án phí hình sự. án phí là khoản chi phí về xét xử một vụ án mà đương sự phải nộp trong mỗi vụ án do cơ quan có thẩm quyền quy định. Tuy nhiên, án phí hình sự mà người bị kết án phải nộp thì chỉ mang tính chất tượng trưng, vì số tiền mà họ phải nộp (hiện nay là 200.000 đồng) không đủ để chi phí cho bất kỳ việc xét xử vụ án hình sự nào. Nhưng dù ít như vậy, cũng có rất nhiều đương sự không có khả năng nộp khoản tiền này, dẫn đến việc thi hành án bị tồn đọng. Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền phải quy định họ được miễn thi hành khoản tiền này khi hết một khoảng thời gian nhất định mà họ vẫn không có điều kiện để thi hành án. Như vậy, phần phán quyết này của bản án, mặc dù chỉ mang tính chất tượng trưng, nhưng cuối cùng cũng không thi hành được mà lại làm cho việc thi hành án bị kéo dài. Thực chất, pháp luật hình sự là công việc chủ động của Nhà nước nhằm giữ gìn trật tự, kỷ cương xã hội, trừng trị những người phạm tội dù họ không mong muốn. Do đó, Nhà nước cần xoá bỏ việc thu án phí hình sự. Như vậy, cũng sẽ giải quyết được nguồn gốc phát sinh lượng án tồn đọng. Về lâu dài, cần sửa đổi các luật có liên quan như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự… theo hướng, khi quyết định trách nhiệm về tài sản, Tòa án chỉ tuyên án trong khả năng có điều kiện thi hành của đương sự. Nghiên cứu xây dựng tiêu chí cơ chế cho phép xoá nợ đối với những khoản qua xác minh chắc chắn không thể thi hành được trên thực tế.

Đặng Đình Quyền

Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hưng Yên

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com