Bàn về quan hệ phối hợp giữa cơ quan thi hành án với các cơ quan hữu quan trong thi hành án dân sự

Bàn về quan hệ phối hợp giữa cơ quan thi hành án với các cơ quan hữu quan trong thi hành án dân sự

23/01/2013

1. Vai trò, ý nghĩa của quan hệ phối hợp trong thi hành án dân sự

Thi hành án dân sự là hoạt động liên quan trực tiếp đến quyền về tài sản và nhân thân của các bên đương sự, để giải quyết việc thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải tiến hành nhiều thủ tục như: Tống đạt, xác minh, áp dụng các biện pháp đảm bảo, biện pháp cưỡng chế thi hành án v.v… vì thế, cơ quan thi hành án dân sự không thể “đơn thân độc mã” thực hiện được các công việc trên, mà cần có sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan. Ví dụ: Liên quan đến quyền sử dụng đất cơ quan thi hành án dân sự cần sự phối hợp của cơ quan quản lý tài nguyên và môi trường; liên quan đến tài khoản cần sự phối hợp của ngân hàng, tổ chức tín dụng v.v…

Việc phối hợp tốt với các cơ quan, tổ chức, ban ngành liên quan trong thi hành án dân sự là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của công tác thi hành án dân sự. Có thể nói, không chỉ riêng cơ quan thi hành án dân sự tại thành phố Hồ Chí Minh, mà tất cả các cơ quan thi hành án dân sự trong cả nước đều ý thức rằng, nếu nhận được sự phối hợp hỗ trợ tốt từ các cơ quan, ban ngành liên quan thì công tác thi hành án đạt kết quả cao. Ở đâu, nơi nào có sự quan tâm của cấp uỷ, Ủy ban nhân dân, nơi đó công việc thi hành án thuận lợi và đạt được thành tích tốt.

Tuy nhiên, để tạo được mối quan hệ tốt với các cơ quan ban ngành, các tổ chức là điều không dễ dàng đối với lãnh đạo cũng như chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự, vì cơ quan thi hành án dân sự được thành lập để thực hiện nhiệm vụ chính và duy nhất là tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Toà án về phần dân sự mà quyền lợi của các bên đương sự giai đoạn này luôn mâu thuẫn nhau (một bên là được thi hành án bên kia là phải thi hành án) và đây cũng là giai đoạn mà quyền về tài sản, nhân thân của các bên được thi hành trên thực tế, nên mâu thuẫn càng gay gắt và quyết liệt hơn, khiếu nại – tố cáo cũng vì thế mà diễn ra nhiều hơn, phức tạp hơn. Từ đó, tên gọi và hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự không mang lại thiện cảm cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nói chung và người dân, doanh nghiệp nói riêng, hoạt động thi hành án dân sự đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Đồng thời, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không thấy được hết trách nhiệm của mình hoặc có nhận biết trách nhiệm nhưng không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời các yêu cầu của chấp hành viên, thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, dẫn đến một thực tế không thể phủ nhận được là lượng hồ sơ thi hành án dân sự còn tồn đọng nhiều.

Hơn thế nữa, cơ quan thi hành án dân sự là cơ quan được thành lập muộn (tách ra từ Toà án nhân dân) cơ sở vật chất nghèo nàn (trụ sở nhỏ hẹp, trang thiết bị thiếu thốn không xứng tầm với các cơ quan ban ngành tại địa phương…), đồng thời, một số cán bộ công chức thi hành án dân sự thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, một số cán bộ công chức có thái độ nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, có văn hóa ứng xử không phù hợp và một số chưa nắm vững quy định của pháp luật, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được nhu cầu công việc, từ đó, uy tín ngành thi hành án dân sự có phần giảm sút, ảnh hưởng đến mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự với các cơ quan, tổ chức trong thi hành án dân sự. Từ sau khi có Luật Thi hành án dân sự, vị thế cơ quan thi hành án dân sự được nâng lên, các cơ quan thi hành án dân sự đã ý thức và quan tâm xây dựng mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức, ban ngành ở địa phương, nên hiệu quả công tác thi hành án dân sự được nâng lên rõ rệt.

Từ những phân tích, có thể thấy phối hợp với các cơ quan hữu quan trong thi hành án dân sự là điều không thể thiếu trong hoạt động thi hành án dân sự.

2. Căn cứ pháp lý của quan hệ phối hợp trong thi hành án dân sự

2.1. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự

Theo pháp luật về thi hành án dân sự hiện hành, nhiệm vụ của cơ quan thi hành án dân sự được cụ thể hoá bởi nhiệm vụ quyền hạn của chấp hành viên, của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, trong đó:

– Chấp hành viên là người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định theo quy định của pháp luật. Nội dung nhiệm vụ, quyền hạn của chấp hành viên được quy định tại Điều 20 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 bao hàm những công việc chấp hành viên được làm, đặc biệt khoản 4 và khoản 6 Điều luật này nêu rõ chấp hành viên có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án và thực hiện các công việc pháp luật quy định, đây là nội dung quan trọng để chấp hành viên thực hiện việc thi hành án đúng pháp luật. Ở cuối điều luật này quy định: “Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chấp hành viên phải tuân theo pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án và được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín”, để được pháp luật bảo vệ, trước tiên chấp hành viên phải sử dụng quyền và thực hiện nghĩa vụ đúng pháp luật, hành xử đúng chuẩn mực đạo đức được quy định.

Để hạn chế tiêu cực, giúp chấp hành viên nâng cao ý thức trách nhiệm, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã dành Điều 21 quy định những việc chấp hành viên không được làm, nhằm giúp phòng tránh tham nhũng và hạn chế tiêu cực khi thi hành công vụ của chấp hành viên, trong đó, khoản 7, khoản 8 nhấn mạnh điều chấp hành viên không được sách nhiễu, gây phiền hà cho cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thi hành án; không được cố ý thi hành trái nội dung bản án, quyết định, trì hoãn, kéo dài thời gian giải quyết việc thi hành án.

Năm 2010, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được ban hành cũng đã buộc người thi hành công vụ trong hoạt động thi hành án dân sự phải nghiêm khắc hơn trong quá trình hoạt động của mình để tránh gây thiệt hại cho cá nhân, cơ quan, tổ chức và nhà nước.

– Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải là chấp hành viên, nên ngoài nhiệm vụ, quyền hạn của chấp hành viên, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 23 Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Điểm c khoản 1 Điều luật này quy định Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự được quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp trong việc thi hành án, đây là nội dung quan trọng và cần thiết để cơ quan thi hành án dân sự có được sự hỗ trợ trong tổ chức thi hành án.

Ngoài ra, trong quá trình thi hành án dân sự, chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự phải áp dụng các điều luật quy định về thủ tục thi hành án trong Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản pháp luật có liên quan để phối hợp với các cơ quan hữu quan như:

+ Điều 89 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định về xác minh thông tin về tài sản có đăng ký giao dịch bảo đảm (phối hợp với cơ quan quản lý tài nguyên môi trường – Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất…); Điều 62, Điều 63 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định về xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án (phối hợp với Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân các cấp,…); Điều 124 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định về xử lý vật chứng, tài sản tuyên tịch thu sung công (phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp) v.v…;

+ Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 về thủ tục thi hành án dân sự;

+ Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/07/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự;

+ Thông tư liên tịch số 14/2011/TTLT-BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 11/7/2011 hướng dẫn hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự;

+ Thông tư liên tịch số 144/2010/TTLT-BTP-BTC ngày 22/9/2010 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự …

2.2. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan phối hợp với cơ quan thi hành án trong việc thi hành án dân sự

Điều 11 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định về trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân với cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên, cụ thể là: “(1) Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của mình cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc thi hành án; (2) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên theo quy định của Luật này; Mọi hành vi cản trở, can thiệp trái pháp luật đối với hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên đều bị xử lý theo quy định của pháp luật”. Vấn đề này được quy định từ các Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1989 và năm 1993, điều đó cho thấy, ngay từ những ngày đầu thành lập cơ quan thi hành án dân sự, đã khẳng định cần thiết phải có sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức, liên quan trong thi hành án dân sự.

Bên cạnh đó, để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cá nhân trong việc phối hợp thi hành án dân sự, Điều 10 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại: “Cơ quan, tổ chức và cá nhân vi phạm quy định của Luật này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Đồng thời, khoản 6 Điều 162 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 cũng quy định: “Không thực hiện yêu cầu của chấp hành viên về việc cung cấp thông tin, giao giấy tờ liên quan đến tài sản bị xử lý để thi hành án mà không có lý do chính đáng” và khoản 10: “Không chấp hành quyết định của chấp hành viên về việc khấu trừ tài khoản, trừ vào thu nhập, thu hồi giấy tờ có giá của người phải thi hành án” là hành vi vi phạm hành chính. Về xử lý vi phạm, khoản 2 Điều 165 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện các quyết định về thi hành án thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường; nếu là cá nhân thì còn có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 dành hẳn Chương VIII quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức trong thi hành án, trong đó quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan ở trung ương như: Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công an… (từ Điều 166 đến Điều 172); nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức ở địa phương như: Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã … (từ Điều 173 đến Điều 180). Căn cứ vào các quy định trên, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phải thực hiện các yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự.

3.Mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan thi hành án dân sự địa phương với các cơ quan nhà nước, các tổ chức có liên quan trong thi hành án dân sự

Hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự gắn liền với sự phối hợp của các cơ quan hữu quan từ giai đoạn thụ lý cho đến khi kết thúc vụ việc. Vì vậy, pháp luật cũng đã quy định cụ thể về trách nhiệm phối hợp này như:

3.1. Trách nhiệm phối hợp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện

Điều 173 và Điều 174 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân cấp huyện trong thi hành án dân sự, bao gồm:

– Chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn.

– Chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp.

– Có ý kiến bằng văn bản về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp.

– Quyết định khen thưởng hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác thi hành án dân sự.

– Yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp báo cáo công tác thi hành án dân sự ở địa phương.

Như vậy, trong quan hệ phối hợp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn; chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện.

3.2. Trách nhiệm của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự

Khoản 1, Điều 13 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện thành lập Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự để tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp. Thành phần Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự gồm:

a. Trưởng ban chỉ đạo thi hành án dân sự là Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân.

b. Phó trưởng ban là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp.

c. Các ủy viên gồm: Đại diện lãnh đạo cơ quan tư pháp, công an, tài chính, tài nguyên và môi trường, mời đại diện lãnh đạo cơ quan Toà án nhân dân và Mặt trận Tổ quốc cùng cấp.

Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tiếp tục được các văn bản quy định chi tiết như: Chỉ thị số 21/2008/CT-TTg ngày 01/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ “về việc tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự” đã nhấn mạnh “Ban Chỉ đạo thi hành án các cấp làm tốt công tác tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp và cấp trên tăng cường sự chỉ đạo phối hợp trong công tác thi hành án dân sự”; Thông tư liên tịch số 14/2011/TTLT-BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 11/7/2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/9/2011) hướng dẫn hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, quy định chi tiết việc chỉ đạo công tác thi hành án dân sự đúng chức năng, kịp thời, theo quy định của pháp luật trên cơ sở tôn trọng hoạt động nghiệp vụ của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật và phát huy vai trò phối hợp của các cấp, các ngành trong hoạt động chỉ đạo công tác thi hành án dân sự trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

3.3. Trách nhiệm phối hợp của Ủy ban nhân dân cấp xã

Cơ quan thi hành án dân sự phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thi hành án dân sự, đặc biệt là phối hợp thực hiện việc xác minh, tống đạt, thỏa thuận thi hành án… Trách nhiệm phối hợp của Uỷ ban nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã đã được pháp luật quy định, cụ thể: Theo khoản 3 Điều 117 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân năm 2003, Uỷ ban nhân dân cấp xã có nhiệm vụ: “Tổ chức thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc thi hành án theo quy định của pháp luật”. Điều 175 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định: “Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự trong việc thông báo thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án và các nhiệm vụ khác về thi hành án dân sự trên địa bàn”.

3.4. Quan hệ phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở địa phương

Cơ quan thi hành án dân sự phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở địa phương như: Cơ quan quản lý tài nguyên và môi trường, cơ quan quản lý xây dựng đô thị, cơ quan tài chính, cơ quan thuế, ngân hàng, bảo hiểm xã hội, cơ quan quản lý doanh nghiệp, cơ quan công an, Viện kiểm sát… trong việc xác minh, áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự…

– Với cơ quan tài chính: Điều 124 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tài chính trong việc tiếp nhận tài sản, vật chứng sung công, thanh toán các chi phí trong quá trình xử lý vật chứng, tài sản sung công và hoàn trả lại tiền khi phát hiện có sai lầm trong việc sung công tài sản, vật chứng. Điều 18 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và thủ tục thi hành án dân sự cũng xác định: Cơ quan tài chính có trách nhiệm tiếp nhận để xử lý vật chứng, tài sản bị tuyên tịch thu, sung quỹ nhà nước… Còn cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm thông báo và ấn định cho cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận vật chứng, tài sản thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo để tiếp nhận. Hết thời hạn nêu trên mà không tiếp nhận vật chứng, tài sản thì cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận phải thanh toán các khoản chi phí cho việc bảo quản tài sản và phải chịu mọi rủi ro kể từ thời điểm chậm tiếp nhận.

Trong việc xử lý tiêu hủy tang vật, khoản 2 Điều 125 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định: “Hội đồng tiêu huỷ vật chứng, tài sản gồm chấp hành viên là Chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan tài chính cùng cấp là thành viên, đại diện cơ quan chuyên môn tham gia Hội đồng khi cần thiết”. Ngoài ra, cơ quan tài chính còn phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự trong việc có ý kiến tham khảo để giúp chấp hành viên xác định giá đối với tài sản kê biên khi cần thiết theo khoản 2 Điều 15 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP và các công việc khác theo quy định của pháp luật.

– Với cơ quan công an: Cơ quan thi hành án dân sự phối hợp với các cơ quan công an trong việc xác minh thi hành án; phối hợp giải quyết thi hành án dân sự đối với người phải thi hành án dân sự đang chấp hành hình phạt tù; xử lý các hành vi vi phạm trong thi hành án dân sự; thực hiện các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án, đặc biệt là hỗ trợ cưỡng chế có huy động lực lượng; chuyển giao vật chứng, tài liệu liên quan đến việc thi hành án dân sự…;

Điều 180 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức được giao theo dõi, quản lý người đang chấp hành án hình sự có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự các nội dung sau đây:

+ Giáo dục người đang chấp hành án hình sự thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Toà án;

+ Cung cấp cho cơ quan thi hành án dân sự thông tin liên quan về người phải thi hành nghĩa vụ về dân sự đang chấp hành án hình sự; thực hiện việc thông báo giấy tờ về thi hành án dân sự cho người phải thi hành án đang chấp hành án hình sự;

+ Phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự thu tiền thi hành án theo quy định của Luật này;

+ Kịp thời thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự về nơi cư trú của người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt tù, được đặc xá, được miễn chấp hành hình phạt tù.

– Với Viện kiểm sát nhân dân các cấp: Cơ quan thi hành án dân sự phối hợp với Viện kiểm sát các cấp trong việc thi hành án, nhưng thực chất là Viện kiểm sát nhân dân các cấp kiểm sát việc tuân thủ pháp luật trong thi hành án để hỗ trợ cơ quan thi hành án dân sự thực hiện đúng quy định pháp luật trong việc thụ lý; xác minh; phân loại hồ sơ; xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án; xử lý tiêu huỷ vật chứng; giải quyết khiếu nại – tố cáo; cưỡng chế thi hành án và các thủ tục khác.

– Với Tòa án nhân dân các cấp: Cơ quan thi hành án dân sự phối hợp với Tòa án nhân dân trong việc tiếp nhận bản án, quyết định; giải thích bản án, quyết định; trả lời kiến nghị khi cơ quan thi hành án có yêu cầu; xét miễn giảm nghĩa vụ thi hành án; giải quyết yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự về xác định quyền sở hữu, phân chia tài sản hoặc giải quyết tranh chấp tài sản phát sinh trong quá trình thi hành án dân sự.

Điều 179 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định trách nhiệm của cơ quan ra bản án, quyết định có trách nhiệm:

+ Bảo đảm bản án, quyết định đã tuyên chính xác, rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thực tế.

+ Có văn bản giải thích những nội dung mà bản án, quyết định tuyên chưa rõ trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của đương sự hoặc của cơ quan thi hành án dân sự. Trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn trả lời không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.

+ Trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự về việc xem xét lại bản án, quyết định của Toà án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị.

+ Thụ lý và kịp thời giải quyết yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự, đương sự về việc xác định quyền sở hữu, phân chia tài sản hoặc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản thuộc thẩm quyền của Toà án phát sinh trong quá trình thi hành án.

– Với cơ quan ngân hàng, bảo hiểm xã hội: Theo Điều 176 và Điều 177 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, thì ngân hàng, tổ chức tín dụng và bảo hiểm xã hội có các nhiệm vụ sau: Cung cấp đúng, đầy đủ, kịp thời thông tin, số liệu về tài khoản, các khoản thu nhập của người phải thi hành án theo yêu cầu của chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự. Thực hiện nghiêm chỉnh, kịp thời yêu cầu của chấp hành viên về phong tỏa tài khoản, phong toả tài sản; khấu trừ tiền trong tài khoản; giải toả việc phong toả tài khoản, phong toả tài sản; khấu trừ thu nhập của người phải thi hành án. Thực hiện đầy đủ yêu cầu khác của chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự…

Chỉ thị số 21/2008/CT-TTg cũng nêu rõ: Ngân hàng và các tổ chức tín dụng, Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm cung cấp đúng, đầy đủ, kịp thời thông tin về tài khoản, về các khoản thu nhập của người phải thi hành án, thực hiện nghiêm chỉnh, kịp thời các yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự về phong tỏa tài khoản, phong tỏa tài sản, khấu trừ tiền trong tài khoản, khấu trừ thu nhập, giải tỏa việc phong tỏa tài khoản, phong tỏa tài sản của người phải thi hành án và thực hiện đầy đủ các yêu cầu khác của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.

– Với cơ quan đăng ký tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm: Điều 178 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định về trách nhiệm của cơ quan đăng ký tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm trong thi hành án dân sự như sau:

+ Tạm dừng hoặc dừng việc thực hiện các yêu cầu liên quan đến các giao dịch đối với tài sản của người phải thi hành án đăng ký tại cơ quan đăng ký tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm ngay sau khi nhận được yêu cầu của chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự.

+ Thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất cho người mua được tài sản, người được thi hành án nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án.

+ Thu hồi, sửa đổi, hủy các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất, giấy tờ đăng ký giao dịch bảo đảm đã cấp cho người phải thi hành án; thực hiện việc cấp mới các giấy tờ theo quy định của pháp luật.

4. Một số yêu cầu đối với chấp hành viên, cán bộ cơ quan thi hành án dân sự nhằm nâng cao hiệu quả của các mối quan hệ phối hợp trong thi hành án dân sự

Trong mối quan hệ phối hợp với các cơ quan hữu quan trong thi hành án dân sự, chấp hành viên, cán bộ cơ quan thi hành án dân sự cần phải thực hiện công việc thi hành án một cách thuần thục, trên cơ sở nắm vững quy định pháp luật và kinh nghiệm giải quyết công việc phù hợp với thực tiễn nhằm đảm bảo bản án, quyết định của Tòa án được thi hành đúng pháp luật. Để mối quan hệ phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong thi hành án dân sự được thuận lợi, nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án, yêu cầu đặt ra đối với chấp hành viên, cán bộ cơ quan thi hành án dân sự là cần phải nắm vững kiến thức chuyên môn, đồng thời, phải có kỹ năng giao tiếp và tác phong làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp, cụ thể:

4.1. Về kiến thức chuyên môn

Trước hết, chấp hành viên, cán bộ thi hành án khi chuẩn bị làm việc phải nghiên cứu kỹ hồ sơ và đề ra kế hoạch, phương án giải quyết hồ sơ đạt hiệu quả phù hợp với quy định pháp luật, như đọc kỹ bản án, quyết định của Tòa án để nắm bắt toàn bộ nội dung vụ việc, cụ thể về độ tuổi, giới tính của các bên thi hành án, đặc biệt là những tranh chấp, bức xúc hay yêu cầu của các bên đương sự trong giai đoạn xét xử… Đồng thời, chấp hành viên, cán bộ thi hành án cũng cần nắm thêm những thông tin cần thiết phục vụ cho việc yêu cầu hỗ trợ cung cấp thông tin như địa chỉ, tài sản hoặc những vấn đề khác đã được Tòa án nhận định, tuyên xử…, đọc kỹ đơn yêu cầu thi hành án (đối với hồ sơ yêu cầu), quyết định thi hành án nắm được nội dung các khoản phải thi hành án…, sau đó, lên kế hoạch thực hiện từng thủ tục, nghiên cứu kỹ các thủ tục theo Luật Thi hành án dân sự năm 2008 cũng như các văn bản có liên quan để đề nghị các cơ quan hữu quan phối hợp thực hiện đúng pháp luật. Ví dụ: Để thực hiện tống đạt, cần nghiên cứu kỹ quy định tại Điều 39 đến Điều 43 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Điều 7 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP… Việc nghiên cứu, chuẩn bị kỹ hồ sơ, các điều luật và thực hiện đầy đủ nghiêm túc các thủ tục, giúp chấp hành viên, cán bộ thi hành án giảm được thời gian, công sức, nhất là giải quyết hồ sơ đạt hiệu quả, gây thiện cảm với các cơ quan, tổ chức liên quan.

4.2. Về nghệ thuật giao tiếp và tác phong làm việc

Khi tiến hành các thủ tục thi hành án, chấp hành viên, cán bộ thi hành án có thể trực tiếp hoặc gián tiếp liên hệ với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, chấp hành viên có thể sử dụng ngôn ngữ bằng chữ viết, ngôn ngữ bằng lời nói cử chỉ với thái độ giao tiếp đúng mực, áp dụng và tiến hành thủ tục thi hành án đúng pháp luật quyết định sự thành công trong quan hệ phối hợp với các cơ quan, để đạt được kết quả. Khi giao tiếp, chấp hành viên, cán bộ thi hành án cần rèn luyện tác phong, giao tiếp; trang phục gọn gàng, lịch sự, nghiêm túc; thái độ, cử chỉ, lời nói rõ ràng, đúng mực; khi ban hành văn bản, giấy mời… phải trình bày trang trọng theo đúng quy định, văn phong rõ ràng, thể hiện được sự tôn trọng, đặc biệt có thể gửi kèm các tài liệu liên quan cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp thông tin liên quan. Ví dụ: Khi yêu cầu Phòng Tài nguyên – Môi trường xác minh tính pháp lý của quyền sử dụng đất, cần gửi kèm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nếu có); đồng thời trong văn bản yêu cầu, chấp hành viên cũng nên có thêm thông tin về số điện thoại cần liên hệ để các cơ quan có trao đổi khi cần thiết.

Rèn luyện, tu dưỡng chuẩn mực đạo đức chấp hành viên cũng rất quan trọng như chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính. Khi mời các cơ quan tham gia hỗ trợ thi hành án dân sự, chấp hành viên, cán bộ thi hành án phải đến đúng giờ, đúng địa điểm đã mời, khi có bất kỳ sự thay đổi phải báo trước để các cơ quan biết. Thực hiện nghiêm túc, công khai việc hỗ trợ chi phí theo quy định. Kiên quyết chống cửa quyền, quan liêu, tham nhũng và những biểu hiện tiêu cực khác bằng nhiều hình thức, trong đó điều đầu tiên là công khai, minh bạch các thủ tục thi hành án dân sự cho người dân, doanh nghiệp biết, giải quyết công việc đúng quy định, đúng trình tự, khách quan minh bạch, có trách nhiệm, tận tâm và xử lý hồ sơ đạt lý thấu tình, giảm được khiếu nại tố cáo trong giải quyết hồ sơ thi hành án.

ThS. Lê Thị Lệ Duyên

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com