Bán tài sản đấu giá thi hành án – Một số vấn đề về lý luận và thực tiễn

Bán tài sản đấu giá thi hành án – Một số vấn đề về lý luận và thực tiễn

29/07/2014

Bán đấu giá là giai đoạn cuối cùng và quan trọng trong quá trình xử lý tài sản của người phải thi hành án để bảo đảm việc thi hành án. Khi một tài sản cưỡng chế, kê biên được đưa ra bán công khai trong thời hạn nhất định, quá thời hạn thông báo mà không có người đăng ký mua hoặc có một hoặc nhiều người đăng ký đấu giá, nhưng cuối cùng không ai đồng ý mua, thì tài sản đó được xem là bán đấu giá không thành. Việc tổ chức bán đấu giá có nội dung khá rộng, bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến cách xử lý tài sản kê biên, đấu giá không thành.

1. Quy định pháp luật về xử lý việc bán đấu giá không thành

Điều 34 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 quy định về bán đấu giá tài sản đã kê biên: “… Tài sản không bán được thì được định giá lại để tiếp tục bán đấu giá.

Đối với tài sản không bán được, chấp hành viên yêu cầu người được thi hành án nhận; nếu người được thi hành án không nhận thì chấp hành viên trả tài sản cho người phải thi hành án và quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế khác…”1

Đây là quy định nền tảng về vấn đề xử lý tài sản kê biên bán đấu giá không thành một cách chung nhất với hai nội dung đặt ra cần giải quyết là, tài sản bán không được thì được định giá lại để tiếp tục bán đấu giá và sự kiện bán đấu giá không thành xuất hiện quyền được nhận và nghĩa vụ phải nhận tài sản kê biên bán đấu giá để cấn trừ nợ của người được thi hành án.

Hậu quả của việc không nhận tài sản đấu giá trừ nợ của người được thi hành án làm phát sinh quyền được nhận lại tài sản bị kê biên, bán đấu giá của người phải thi hành án. Sự lựa chọn giải pháp kê biên tài sản khác là quyền của cơ quan thi hành án.

Điểm 8 Điều 17 Nghị định số 69/1993/NĐ-CP ngày 18/10/1993 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 đã khẳng định lại lần nữa nội dung quy định của pháp lệnh, cụ thể: “Đối với tài sản không bán được, chấp hành viên yêu cầu người được thi hành án nhận; nếu người đó không nhận, thì chấp hành viên trả tài sản cho người phải thi hành án và quyết định áp dụng biện pháp trừ vào thu nhập hoặc trừ vào tài sản khác của người phải thi hành án đang do người khác giữ, hoặc kê biên tài sản khác nếu có”2

Với quy định xử lý tài sản kê biên không bán được như trên đã phát sinh một số vấn đề như: Số lần được giảm giá tài sản là bao nhiêu thì hợp lý, mỗi lần giảm bao nhiêu phần trăm là vừa phải, người được thi hành án có bị ép phải nhận tài sản kê biên để trừ nợ không sau khi tài sản kê biên được giảm giá hai lần, việc người được thi hành án không nhận tài sản bán đấu giá trừ nợ, thì tài sản được trả lại cho người phải thi hành án có vội vã quá không, xử sự như vậy có hợp lý không. Chúng tôi cho rằng, quy định như vậy là quá sơ khai, còn nợ quá nhiều nghi vấn chưa giải quyết thấu đáo.

Đến Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, quan điểm xử lý tài sản kê biên không bán được vẫn giống như Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993; có chăng, quy định cụ thể hơn về mức giá tối đa được phép giảm…3

Điều104 Luật Thi hành án năm 2008 quy định: “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày bán đấu giá không thành, mà đương sự không yêu cầu định giá lại, thì chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá. Mỗi lần giảm giá không quá mười phần trăm giá đã định.

Trường hợp giá tài sản đã giảmthấp hơn chi phí cưỡng chế mà người được thi hành án không nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án, thì tài sản được trả lại cho người phải thi hành án”.

Ngoài ra, các nghị định như Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/07/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008; Nghị định số 125/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/07/2009 cũng quy định về xử lý việc bán đấu giá không thành. Bên cạnh đó, ngày 23/01/2014, Bộ Tư pháp lại có Công văn số 224 tiếp tục hướng dẫn cụ thể một số vướng mắc về nghiệp vụ thi hành án.

Như vậy, đến thời điểm này, nếu chỉ tính riêng các văn bản luật chuyên ngành quy định về xử lý tài sản bán đấu giá không thành thì đã có 01 văn bản luật, 02 pháp lệnh (chỉ tính từ Pháp lệnh Thi hành án năm 1993), 03 nghị định, 02 công văn hướng dẫn.

Qua nội dung các văn bản quy định, hướng dẫn nội dung xử lý việc bán đấu giá tài sản kê biên không thành, chúng tôi quan tâm mấy nội dung như sau:

Một là, tất cả các văn bản luật đều thống nhất tài sản kê biên có giá trị được bán công khai (bán đấu giá), trường hợp bán không được thì giảm giá bán tiếp.

Hai là, những văn bản luật trước khi có Luật Thi hành án dân sự năm 2008, thì có những quy định thể hiện tâm lý xử lý tài sản kê biên không bán được của nhà làm luật một cách quá vội vàng (giảm giá hai lần giao cho người được thi hành án nhận để trừ nợ, không nhận, trả đơn yêu cầu thi hành án), thể hiện sự nóng vội trong việc sớm chấm dứt vụ án một cách miễn cưỡng, mà không xem xét, căn cứ vào các nguyên nhân khách quan, chủ quan trong việc chưa bán được tài sản kê biên (Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 không quy định số lần giảm giá; Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 quy định sau hai lần giảm giá thì giao tài sản trừ nợ). Sự vội vàng này theo tác giả là một tâm lý tiêu cực, là một bất cập.

Bà là, những quy định tính từ Luật Thi hành án dân sự năm 2008 về sau, thì quy định việc xử lý tài sản kê biên không bán được lại phải được giảm giá bán đến cùng và chỉ dừng lại khi giá trị tài sản được giảm bằng với chi phí đã bỏ ra trong quá trình cưỡng chế, kê biên, bán đấu giá. Đây cũng là một quy định bất cập khác mà Luật Thi hành án dân sự năm 2008 vấp phải.

Quan điểm phải giảm giá tài sản cưỡng chế, kê biên đến cùng quy định trong Luật Thi hành án dân sự năm 2008 cũng là quan điểm tiêu cực không kém gì quan điểm vội vàng buộc người được thi hành án nhận tài sản xử lý chưa được để trừ nợ của các Pháp lệnh trước Luật.

Những bất cập có thể được mô tả như sau:

– Chưa xem xét thấu đáo nguyên nhân bán đấu giá không thành. Thông thường một tài sản được định giá đúng quy trình, trong quá trình tổ chức bán đấu giá mà phải giảm đến một nửa hoặc hơn một nửa… nhưng vẫn bán không được, thì quy luật về giá trị của tài sản không còn bảo đảm. Hay nói cách khác, trong trường hợp này, giá trị của tài sản không phải là nguyên nhân dẫn đến việc không bán được tài sản, việc tài sản không bán được là do nhiều nguyên nhân khác nhau.

– Quan điểm “buộc” chấp hành viên phải truy đuổi đến cùng một tài sản như vậy là hoàn toàn sai lầm, không thể xử lý đến cùng một tài sản để cuối cùng chỉ nhằm thu hồi về số tiền bằng với chi phí đã bỏ ra. Xét về mặt kinh tế thì việc làm như vậy là phi kinh tế, xét về mặt nhân đạo của nhà nước thì không bảo đảm, xét về mặt thực tiễn thì đã bỏ qua những tài sản khác (trong quá trình thi hành án thì chấp hành viên có quyền xử lý bất kỳ tài sản nào nếu việc xử lý thuận lợi nhất), xét về mặt tâm lý thì chấp hành viên bị sa lầy hồ sơ thi hành án.

– Sau khi ban hành Nghị định số 125/2013/NĐ-CP bổ sung Nghị định số 58/2009/NĐ-CP, sự việc vẫn có chỗ vướng mắc nên phải ban hành tiếp một số công văn hướng dẫn thêm. Tuy vậy, việc này vẫn còn có chỗ vướng mắc.

Ví dụ: Ông A phải nộp trả nợ cho ông B 400 triệu đồng, cơ quan thi hành án tổ chức kê biên nhà của ông A, tổ chức bán đấu giá bảo đảm thi hành án. Quá trình đấu giá đã giảm giá 4 lần nhưng không có người đăng ký mua; người phải thi hành án yêu cầu thẩm định lại giá, khi có giá mới, cơ quan thi hành án tiếp tục tổ chức bán đấu giá theo giá mới, người được thi hành án yêu cầu được nhận tài sản để trừ nợ. Trong trường hợp này, có các quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, người được thi hành án yêu cầu nhận tài sản là đúng, cơ quan thi hành án phải làm thủ tục cho họ nhận tài sản để trừ nợ vì căn cứ Nghị định số 125/2013/NĐ-CP, trường hợp này đã giảm giá đến bốn lần theo quy định của pháp luật, thủ tục thi hành án là một quá trình, việc định giá lại không làm mất hiệu lực của những lần giảm giá trước đó.

Quan điểm thứ hai thì cho rằng, trong trường hợp này, không thể cho người được thi hành án nhận tài sản trừ nợ theo quy định tại Nghị định số 125/2013/NĐ-CP, vì dù rằng, xét quá trình tổ chức bán đấu giá thì đã hơn ba lần giảm giá, nhưng trong quá trình bán đấu giá, người phải thi hành án yêu cầu thẩm định lại giá, tài sản có sự thay đổi về giá trị, do đó, quy định sau ba lần giảm giá nếu không bán được tài sản thì yêu cầu người được thi hành án nhận tài sản trừ nợ được hiểu là ba lần giảm giá liên tục ở một giá trị nhất định đã được thông báo. Hay nói cách khác, những lần giảm giá trước khi tổ chức xác định lại giá trị tài sản kê biên bán đấu giá không thành không tính vào số lần giảm giá chung làm căn cứ cho người được thi hành án nhận tài sản kê biên trừ nợ.

Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất và cho rằng, Nghị định số 125/2013/NĐ-CP quy định sau ba lần giảm giá nhưng không có người đăng ký mua tài sản kê biên, bán đấu giá thì người được thi hành án có quyền yêu cầu được nhận tài sản đấu giá để cấn trừ nợ. Việc giảm giá đến ba lần tính trên tổng số lần giảm giá trong quá trình bán đấu giá không phân biệt các lần giảm giá trước, sau khi giá trị tài sản kê biên có sự thay đổi.

2. Nhận xét

Trong cuộc sống, một tài sản được chào bán nhiều lần, nhưng không bán được, cách xử lý như thế nào là vấn đề quan tâm đối với người bán tài sản đó. Ví như, người nông dân mang mớ rau ra chợ bán, đến trưa, đến chiều không có người mua, thì việc xử lý như thế nào đối với mớ rau đó, cần được cân nhắc, có thể để lại ngày hôm sau mang ra chợ bán tiếp, có thể để lại nhà sử dụng, cũng có thể phải bỏ đi…, tuyệt nhiên không thể mang ra chợ bán đến ngày thứ ba, thứ tư, vì chi phí cho việc bán nó chắc chắn lớn hơn giá trị bản thân mớ rau đó rất nhiều. Cũng vậy, khi doanh nhân chào hàng một bất động sản, việc xử lý như thế nào đối với bất động sản đó khi nhiều lần không bán được là vấn đề cần suy nghĩ. Có thể, doanh nhân không bán nữa, mà dùng tài sản đó vào việc khác, có thể giảm giá nhiều lần để tiếp tục bán, thậm chí có khi không còn quan tâm đến việc mua bán bất động sản đó nữa, tuyệt nhiên không có doanh nhân nào đem tài sản bán chỉ để thu hồi chi phí đã bỏ ra bán chúng.

Theo các quy định của pháp luật thì:

Đối với quy định pháp luật trước khi có Luật Thi hành án dân sự năm 2008 ra đời, thì việc xử lý tài sản đấu giá không bán được quá “nghiêm khắc”. Theo đó, sau hai lần giảm giá mà tài sản kê biên không bán được, giao cho người được thi hành án nhận để trừ nợ, trường hợp người được thi hành án không nhận, thì trả lại đơn yêu cầu thi hành án và xem xét kê biên tài sản khác để bảo đảm thi hành án. Chỉ hai lần giảm giá không có người mua, đã phát sinh nghĩa vụ nhận tài sản của người được thi hành án, không nhận thì trả đơn là quá nghiêm khắc.

Đối với quy định pháp luật từ khi có Luật Thi hành án ra dân sự năm 2008 ra đời, thì việc xử sự đối với tài sản kê biên không bán được lại có chiều hướng đi ngược lại với quan điểm của quy định pháp luật trước đó, cụ thể là “bán không được thì giảm giá đến cùng”. Đây cũng là quan điểm quá nghiêm khắc.

Sự nghiêm khắc của quy định pháp luật dẫn đến hệ lụy: Biểu hiện tính vội vàng xử lý tài sản kê biên của quy định pháp luật kéo theo nhiều hệ lụy bất lợi khác cho các bên đương sự; Biểu hiện tính thụ động, tiêu cực trong việc xử lý tài sản kê biên không bán được; Các quy định của pháp luật chưa dự liệu được tình huống:

– Khi đang xử lý một tài sản (có thể bán được hoặc chưa bán được), chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế để “giữ chân” tài sản khác của người phải thi hành án không? Thực tiễn cho thấy, khi chấp hành viên “cố” xử lý một tài sản mà chưa biết có thể xử lý hiệu quả đến đâu, thì người phải thi hành án cũng có thể nhanh chân tẩu tán những tài sản khác, nếu không có biện pháp ngăn chặn hoặc kê biên xử lý, thì việc chứng minh, xác minh đối với các loại tài sản bị tẩu tán, việc xử lý hết sức khó khăn, phức tạp

– Tài sản giảm giá đến bằng chi phí cưỡng chế, nhưng vẫn không bán được và người được thi hành án cũng không nhận để trừ nợ, thì được trả lại cho người phải thi hành án, sau đó có thể kê biên, bán đấu giá trở lại chính tài sản đó không, thời gian bao lâu thì được kê biên trở lại.

3. Kiến nghị

Từ quy định, nhận định và phân tích về nội dung xử lý tài sản kê biên, bán đấu giá không thành như trên, chúng tôi kiến nghị mấy vấn đề như sau:

Thứ nhất, chúng tôi đồng tình với cách giải quyết về xử lý tài sản kê biên không bán được theo Nghị định 125/2013/NĐ-CP, cụ thể là, sau ba lần giảm giá mà không có người mua, thì giao tài sản cho người được thi hành án theo giá đã giảm, để cấn trừ nợ là vừa phải, hợp lý, hợp tình. Trường hợp người được thi hành án không đồng ý nhận tài sản theo giá đã giảm để cấn trừ nợ, thì cần quy định chi tiết:

– Cơ quan thi hành án tiếp tục giảm giá thêm hai lần nữa, nếu tài sản vẫn không bán được, thì tiếp tục yêu cầu người được thi hành án nhận để trừ nợ, trường hợp người được thi hành án vẫn không đồng ý nhận, mà người phải thi hành án cũng không còn tài sản nào khác, thì cơ quan thi hành án quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án lại cho người được thi hành án, quyết định trả lại tài sản cho người phải thi hành án, sau khi đã thu hồi chi phí cưỡng chế thi hành án.

– Trường hợp người phải thi hành án có tài sản khác có giá trị bảo đảm việc thi hành án, thì chấp hành viên tiếp tục kê biên tài sản đó để thi hành án; tài sản đã kê biên được trả lại cho người phải thi hành án khi đã thu hồi các khoản chi phí cưỡng chế.

Thứ hai, trong quá trình kê biên, xử lý một tài sản, chấp hành viên có quyền áp dụng các biện pháp bảo đảm liên quan đến tài sản và nhân thân người phải thi hành án, để duy trì điều kiện thi hành án, bảo đảm cho việc thi hành bản án.

Bùi Thái Bình

Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hàm Tân, Bình Thuận

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com