Pháp chế Công an TP. Cần Thơ góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân địa phương

Pháp chế Công an TP. Cần Thơ góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân địa phương

07/12/2015

Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề củng cố và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa ở nước ta có ý nghĩa rất quan trọng và đang là vấn đề cấp thiết để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Để củng cố và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa phải áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ trong đó có các biện pháp cơ bản như: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác pháp chế; đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa; tăng cường công tác tổ chức thực hiện và áp dụng pháp luật, mà trong đó, quan trọng nhất là nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL).

1. Những kết quả đạt được

Xác định công tác tuyên truyền, PBGDPL là một trong những mặt công tác có ý nghĩa to lớn trong công tác bảo đảm an ninh trật tự ở Cần Thơ, giúp cho cán bộ chiến sỹ và nhân dân hiểu biết thêm và nắm vững các quy định của pháp luật hiện hành, từ đó nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, đề cao tinh thần cảnh giác, phát hiện tố giác tội phạm, góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, trong những năm qua Phòng Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp, Công an thành phố Cần Thơ đã chủ động tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám đốc ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, công văn hướng dẫn chỉ đạo Công an các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, PBGDPL tại đơn vị mình và mở rộng tuyên truyền cho quần chúng nhân dân trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và người dân; phối hợp tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật, trong đó có cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tìm hiểu pháp luật về thi hành án hình sự, tìm hiểu pháp luật về biển đảo Việt Nam…, đã thu hút trên 18.000bài dự thi thông qua nhiều hình thức thi trắc nghiệm, tự luận. Ngoài ra, Phòng Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp, Công an thành phố Cần Thơ còn cử báo cáo viên đến các khu dân cư, trường học, cơ quan, xí nghiệp, công ty kinh doanh vận tải… tổ chức các buổi tuyên truyền, PBGDPL cho nhân dân bằng nhiều hình thức, nội dung tập trung vào các lĩnh vực: Phòng chống tội phạm mua bán người; phòng chống tội phạm mua bán, sử dụng chất ma túy; phòng chống bạo lực học đường, các tệ nạn xã hội, môi trường, an toàn giao thông… Đặc biệt, Ban Giám đốc Công an thành phố đã thống nhất cho Phòng Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp tổ chức thí điểm thành công và hiện nay đang nhân rộng chương trình “Giao lưu giáo dục ý thức công dân khi tôi 18”cho các đối tượng học sinh trường phổ thông trung học, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Cần Thơ, thu hút hàng nghìn học sinh, sinh viên, thầy, cô giáo, cùng với các sở, ban, ngành tham gia như: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ, Thành đoàn Cần Thơ và các cơ quan truyền thông tham gia tuyên truyền.

Được sự đồng ý của Đảng ủy, Ban Giám đốc, Phòng Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp, Công an thành phố Cần Thơ còn phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam và Đài phát thanh và Truyền hình thành phố Cần Thơ thực hiện 38 chương trình phát thanh – truyền hình định kỳ tập trung đưa tin về tình hình an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông đường bộ và hoạt động của các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm; thực hiện 12 bản tin Công an thành phố với số lượng 3.600 quyển, tập trung phản ánh tình hình tội phạm cũng như phương thức, âm mưu thủ đoạn của bọn tội phạm để quần chúng nhân dân biết và tự đề ra các biện pháp phòng chống. Đặc biệt, Phòng Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp, Công an thành phố Cần Thơ còn phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng mô hình “Tổ phòng chống tội phạm – Cổng An ninh, trật tự”trên các địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự. Đây là mô hình có tổ chức và hoạt động chặt chẽ với sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chính quyền địa phương và lực lượng công an. Định kỳ hàng tháng, Tổ phòng chống tội phạm trên tất cả địa bàn phải tổ chức sinh hoạt, thông báo về tình hình tội phạm, tuyên truyền giáo dục cho các thành viên và quần chúng nhân dân tại địa phương nắm rõ các quy định của pháp luật, đồng thời đề ra các kế hoạch để thực hiện mô hình có hiệu quả.

Kết quả công tác tuyên truyền, PBGDPL và xây dựng các mô hình trong thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trong thời gian qua đã góp phần giảm tỷ lệ tội phạm, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ; nâng cao chất lượng công tác điều tra, khám phá các loại án, góp phần quan trọng thúc đấy kinh tế, xã hội ổn định và phát triển.

2. Một số tồn tại, hạn chế

Thứ nhất, một số đơn vị, địa phương chưa thật sự quan tâm đúng mức đến công tác tuyên truyền, PBGDPL, còn tập trung nặng cho công tác chuyên môn, nên việc tuyên truyền, PBGDPL rộng ra quần chúng nhân dân chưa đạt được hiệu quả cao.

Thứ hai, lực lượng báo cáo viên pháp luật của Công an thành phố Cần Thơ đa số là kiêm nhiệm, thực hiện cùng lúc nhiều công việc, nên việc đầu tư thời gian để trau dồi, nâng cao kiến thức pháp luật và kỹ năng PBGDPL còn hạn chế, từ đó phần nào đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác này.

Thứ ba, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tuyên truyền còn thiếu, chế độ bồi dưỡng cho báo cáo viên còn thấp cũng một phần là nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng công tác tuyên truyền, PBGDPL.

3. Một số giải pháp nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân ở thành phố Cần Thơ trong thời gian tới

Một là, tập trung rà soát, đánh giá đúng thực chất đội ngũ cán bộ pháp chế (kể cả cán bộ pháp chế kiêm nhiệm ở công an các đơn vị, địa phương), đội ngũ báo cáo viên pháp luật trong Công an thành phố Cần Thơ, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ bảo đảm về số lượng, chất lượng. Việc đánh giá phải toàn diện thông qua các tiêu chí như: Trình độ chuyên môn, trình độ văn hóa, trình độ lý luận chính trị, khả năng ngoại ngữ, khả năng thực thi công việc (nghiên cứu, tham mưu tư vấn, tuyên truyền…).

Hai là, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Để bảo đảm thực hiện được vấn đề này, trước hết, mỗi cán bộ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL phải tự cập nhật, bổ sung kiến thức chuyên môn, kiến thức xã hội nhằm phục vụ tốt các nhiệm vụ chuyên môn và công tác kiêm nhiệm được giao; tiếp theo, tổ chức đào tạo và đào tạo lại những cán bộ còn yếu về chuyên môn và nghiệp vụ để thực hiện tốt các nhiệm vụ của cơ quan bảo vệ pháp luật.

Ba là, tiếp thu và tổ chức thực hiện tốt sự chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ pháp chế của Bộ Công an, Sở Tư pháp, Đoàn đại biểu Quốc hội, Ban pháp chế Hội đồng nhân dân, các ngành trong khối nội chính của tỉnh Cần Thơ; chủ động rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung chính sách liên quan đến cán bộ làm công tác pháp chế trong lực lượng Công an nhân dân.

Bốn là,tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với công tác tuyên truyền, PBGDPL trong Công an nhân dân,bảo đảm cho công tác này đạt mục đích, yêu cầu đề ra. Các cấp ủy phải coi đây là nội dung quan trọng trong công tác lãnh đạo của tổ chức đảng; kết hợp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chung với xác định những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, có tính đặc thù trên từng lĩnh vực công tác.

Năm là, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Công an thành phố Cần Thơ khuyến khích các cơ quan, đơn vị thông qua thực tiễn hoạt động tìm ra nhiều mô hình, cách làm mới hơn nữa để thu hút đông đảo cán bộ chiến sỹ và quần chúng nhân dân tham gia; nâng cao hiệu quả hoạt động của Tủ sách pháp luật ở các đơn vị, thường xuyên cập nhật nhiều nội dung mới, phong phú, có tính giáo dục cao; tổ chức tuyên truyền sinh động, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, qua đó cần đánh giá cụ thể về hiệu quả đạt được trong việc triển khai thực hiện; ghi nhận và biểu dương những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, nhân rộng những cách làm hay, mô hình hiệu quả để tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình hiệu quả cho những năm tiếp theo. Đồng thời, cần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đề cao ý thức tự giác, lối sống kỷ cương, kỷ luật, tác phong chính quy, khoa học.

Sáu là, tạo điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, kinh phí cho hoạt động tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Cấp ủy các cấp phải phân công cán bộ phụ trách công tác tuyên truyền, PBGDPL và chịu trách nhiệm trước cấp ủy về kết quả tổ chức thực hiện.

Bảy là, tích cực hưởng ứng và thực hiện hiệu quả, nghiêm túc Ngày pháp luật hàng năm, nhằm chuyển tải pháp luật đến các tầng lớp nhân dân, đồng thời, cần xem đây là kênh rất quan trọng và hiệu quả trong việc tuyên truyền, PBGDPL. Việc lựa chọn chủ đề để tổ chức Ngày pháp luật cần phải gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và đối tượng tuyên truyền sao cho nội dung sinh hoạt pháp luật gần gũi nhất, cần thiết đối với đối tượng quan tâm.

ThS. Trịnh Duy Thuyên

Công an thành phố Cần Thơ

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com