Những khác biệt của truyền thống pháp luật Common Law với truyền thống pháp luật Việt Nam

Những khác biệt của truyền thống pháp luật Common Law với truyền thống pháp luật Việt Nam

04/08/2015

Hệ thống Common Law (hay thông luật) bắt nguồn từ Vương quốc Anh, “bắt đầu từ khi Guillaume le Conquérant, Công tước xứ Normandie, lên ngôi Hoàng đế nước Anh năm 1066” [1] và phát triển tại đây từ khoảng một thiên niên kỷ trước; về sau nó được sử dụng ở Hoa Kỳ và các quốc gia từng là thuộc địa của Anh (mặc dù ngày nay đã có những sự khác biệt nhất định). Hệ thống Common Law được đặc trưng bởi pháp luật Anh – Mỹ, có tư cách là một họ pháp luật lớn trên thế giới.

Việt Nam là quốc gia có lịch sử lập quốc lâu đời, song pháp luật Việt Nam không phải là một hệ thống pháp luật riêng biệt. Trải qua hàng nghìn năm bị đô hộ bởi Trung Hoa, sau này là Pháp, rồi trở thành một thành viên trong khối xã hội chủ nghĩa, pháp luật Việt Nam lần lượt bị ảnh hưởng bởi pháp luật của các triều đại Trung Hoa, của Pháp, sau cùng bị ảnh hưởng đặc biệt bởi truyền thống pháp luật xã hội chủ nghĩa bắt nguồn từ Liên Xô. Ngày nay, hệ thống pháp luật Việt Nam có đặc trưng của hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa kết hợp những yếu tố ngoại lai do quá trình hội nhập kinh tế với phương Tây kể từ thời kỳ đổi mới [2].

Như vậy, so sánh hai hệ thống pháp luật này là so sánh giữa một nền pháp luật đặc trưng, lâu đời với một nền pháp luật du nhập ảnh hưởng bởi các cuộc cách mạng xã hội. Trong bài viết này, chúng tôi xin đưa ra sự so sánh dựa trên một số tiêu chí như sau:

Thứ nhất, quan niệm về pháp luật

Quan niệm pháp luật của truyền thống Common Law nằm ở trong chính thuật ngữ Common Law (tức là án lệ). “Nước Anh không bao giờ tiếp thu quan điểm của Cách mạng Pháp cho rằng quyền lực của thẩm phán phải được kìm hãm, rằng họ cần bị hạn chế nghiêm ngặt chỉ áp dụng pháp luật mà cơ quan lập pháp công bố” [3]. Nước Anh có vị trí địa lý là một hòn đảo tách biệt khỏi lục địa Châu Âu, do phải đối mặt với những thách thức từ khí hậu tự nhiên, cuộc sống trên đảo nhiều bất ổn đã dẫn đến tư duy pháp lý linh hoạt, coi trọng việc giải quyết các vấn đề từ thực tiễn cuộc sống. Do vậy, tất cả các quy phạm được Tòa án công nhận và áp dụng đều được xem là nguồn của pháp luật. Pháp luật sinh ra từ chính cuộc sống và được thể nghiệm bởi các thẩm phán.

Ở Việt Nam và các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa, lấy học thuyết Mác – Lênin làm nền tảng phát triển cho toàn xã hội, trong đó có lĩnh vực pháp lý. Pháp luật là sự thể chế hóa đường lối của chính trị, công cụ của giai cấp thống trị dùng để đảm bảo cho lợi ích kinh tế và giữ vững nền chuyên chính. Trong quan điểm này, luật không thể sinh ra từ khu vực “tư”, đó là một luận điểm của Lênin. Khẳng định theo Lênin rằng: “Mọi pháp luật đều là luật công, đó chỉ là một phương thức khác thể hiện tư tưởng: Mọi quan hệ pháp lý đều tuân theo tư tưởng chính trị và quy phạm pháp luật không thể là sự phản ánh cho những nguyên tắc công lý tiêu biểu cho chúng” [4]. Bị ảnh hưởng sâu sắc bởi hệ tư tưởng trên, pháp luật Việt Nam là sự thể chế hóa các chính sách của Đảng cộng sản cầm quyền.

Thứ hai, các đặc trưng pháp lý

– Cơ quan ban hành luật

Nhiều luật gia cho rằng, hệ thống thông luật bao gồm những điều luật bất thành văn do thẩm phán lập ra; nhưng nói thông luật là luật bất thành văn thì không đúng. Ở Hoa Kỳ ngày nay, phần nhiều luật pháp được lập ra bởi cơ quan lập pháp. Cũng cần lưu ý rằng, nhiều đạo luật ở Hoa Kỳ là sự pháp điển hóa từ những tiền lệ pháp trước đó. Bản thân những phán quyết của Tòa án giải thích cho Hiến pháp và cho các đạo luật của cơ quan lập pháp cũng trở thành nguồn luật. Quan niệm hệ thống pháp luật Common Law bao gồm những điều luật của thẩm phán làm ra cũng có phần đúng. Những lập luận trên cho thấy, vai trò thiết yếu của các thẩm phán trong việc thiết lập nên hệ thống quy phạm Common Law.

Việc ban hành Hiến pháp và các đạo luật ở Việt Nam thuộc thẩm quyền của Quốc hội (Điều 70 Hiến pháp năm 2013). Bên cạnh đó, các cơ quan khác như Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án cũng có quyền ban hành những văn bản có tính chất luật (được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008). Điều này có căn nguyên bởi cơ chế tập quyền Quốc hội, là nơi tập trung quyền lực lớn nhất (về nguyên tắc) sẽ có quyền thiết lập hệ thống pháp luật cho quốc gia và áp dụng các đạo luật do Quốc hội ban hành là yêu cầu bắt buộc đối với thẩm phán trong quá trình xử án.

– Thủ tục xét xử

Tư tưởng linh hoạt và thực tế khiến thủ tục xét xử của hệ thống Common Law coi trọng việc tranh tụng tại phiên tòa. Nó trái ngược với hệ thống xử án của Việt Nam coi trọng tính thẩm vấn (xét – hỏi). Các thẩm phán của Anh – Mỹ không tham gia vào việc xét hỏi trên phiên tòa, việc tranh tụng là do các luật sư của Nhà nước và luật sư bào chữa cho thân chủ của họ thực hiện, sau cùng các thẩm phán và bồi thẩm đoàn sẽ ra phán quyết dựa trên những chứng cứ và lập luận của hai bên. Ở Việt Nam, việc xét – hỏi do thẩm phán thực hiện, cáo buộc người phạm tội (các tội hình sự) là do Viện kiểm sát (đồng thời là cơ quan kiểm sát tư pháp), các luật sư chỉ thực hiện tranh tụng dựa trên cơ sở những chứng cứ tự thu thập được.

– Nền pháp chế

Dựa trên nền tảng tư duy rất khác biệt, các quy tắc pháp lý ra đời nhằm cung cấp các giải pháp cho các trường hợp cụ thể. Đối với truyền thống của người Anh, họ luôn coi trọng kinh nghiệm, ít giáo điều và tin vào tiền lệ. Các quy tắc của Common Law được hình thành từ các quy tắc xã hội, cũng có sự vận động khi thực tiễn thay đổi thông qua các giải thích của Tòa án. Về căn bản, nền pháp chế của Common Law dựa trên sự coi trọng tiền lệ pháp, thông qua ý thức hệ. “Luật không phải được làm ra mà được phát biểu bởi những người quen biết với tập quán và hiểu biết tập quán trong một lãnh thổ nhất định” [5]. Do vậy, hệ thống Common Law được đặc trưng bởi án lệ và tập quán dân sự.

Nền pháp chế của Việt Nam được gọi tên “Pháp chế xã hội chủ nghĩa”, coi trọng việc lấp đầy các lỗ hổng pháp lý bằng quy phạm pháp luật do cơ quan lập pháp ban hành. Nguyên tắc pháp chế đòi hỏi sự thống nhất cao độ hay tính pháp điển của hệ thống các quy phạm thành văn. Cơ quan thực thi pháp luật và xét xử bắt buộc phải tuân thủ các quy tắc pháp lý định sẵn, do vậy tính sáng tạo trong các cơ quan này rất hạn chế. Sau cùng, nó đòi hỏi tất cả công dân và các cơ quan nhà nước đều phải tuân thủ nền pháp luật được làm ra bởi cơ quan lập pháp. Nền pháp chế Việt Nam mang đặc trưng lý tưởng của nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, nhưng bị khập khiễng bởi tư duy lập pháp hay thay đổi cộng với nền tư pháp thiếu độc lập.

Thứ ba, nguồn của luật

Common Law là hệ thống pháp luật được tạo nên bởi các thẩm phán, là người giải thích và tuyên bố luật, đồng thời xác định đâu là nguồn của luật. Bản thân Common Law cũng là nguồn trong hệ thống Common Law. Căn bản tư duy dựa trên kinh nghiệm thực tiễn và tập quán, Common Law coi trọng luật được làm ra từ Tòa án. Ngoài ra, Luật (luật văn bản lập pháp) cũng có vai trò bổ sung đối với hệ thống pháp luật sẵn có; các nguồn pháp luật khác như các học thuyết pháp lý, nguyên tắc công bằng (equity) cũng được ghi nhận và áp dụng khi cần thiết. Việc ban hành các văn bản lập pháp thuộc thẩm quyền của Nghị viện; ngoài ra Nghị viện có thể ủy quyền lập pháp cho nhà vua, các bộ trưởng, chính quyền địa phương. Việc ủy quyền lập pháp phải nằm trong các giới hạn mà luật định. Với tư cách là nguồn gốc của pháp luật nước Anh, tập quán vẫn được coi trọng trong Common Law nhưng không bị bắt buộc áp dụng. Trong quá trình áp dụng, tập quán phải thể hiện tính chắc chắn, được nhiều người khẳng định và tin cậy, sau cùng phải đạt sự hợp lý trong điều kiện mỗi địa phương. Các học thuyết pháp lý ít được coi trọng trong Common Law, tuy nhiên tùy từng trường hợp nó có thể được trích dẫn bởi tính hấp dẫn và sự sâu sắc của các luật gia.

Dựa trên nền tảng của hai yếu tố: “Công hữu hóa tư liệu sản xuất và sự thiết lập chính quyền nhân dân” [6], pháp luật xã hội chủ nghĩa thiết lập các hình thức pháp luật thông qua kỹ thuật lập pháp. Pháp luật Việt Nam cũng bị chi phối bởi nền tảng trên để xây dựng nguồn pháp luật của mình. Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay về nguyên tắc chỉ coi văn bản quy phạm pháp luật là nguồn duy nhất và “là hình thức pháp lý tiến bộ nhất” [7] so với các loại nguồn luật khác. Có thể dẫn ra mấy lý do như sau: Một là, sự coi trọng nguyên tắc tập trung quyền lực vào Quốc hội dẫn đến thiết lập thẩm quyền tối cao về lập pháp cho cơ quan này; Hai là, bị ảnh hưởng bởi truyền thống pháp luật xã hội chủ nghĩa không công nhận án lệ là một nguồn chính thức; Ba là, năng lực của các thẩm phán không hội đủ điều kiện để xây dựng nguồn luật từ án lệ.

Như vậy, ngoài những đặc thù của chế độ chính trị, việc Việt Nam không coi luật án lệ là một nguồn luật cũng bắt nguồn từ những nguyên nhân thực tế của một nền tư pháp ít được tin cậy. Hệ thống văn bản do Quốc hội và các cơ quan khác ban hành vẫn chiếm lĩnh một vị trí trọng yếu trong hệ thống pháp luật Việt Nam thời gian tới.

Thứ tư, vai trò của tư pháp

Không chỉ Common Law coi trọng việc xây dựng hệ thống tư pháp mạnh và độc lập, các quốc gia khác theo truyền thống Civil Law như Pháp, Đức cũng tập trung cho một cơ quan tư pháp mạnh, đủ đáp ứng được nhu cầu cũng như sức ép từ các thế lực khác. Mặc dù áp dụng thể chế tam quyền phân lập cứng (Hoa Kỳ) hay mềm dẻo (Vương quốc Anh) thì tư pháp vẫn được đáp ứng các điều kiện để có thể độc lập trong các phán quyết của mình. Tại Hoa Kỳ, kể từ sau phán quyết của John Marshall năm 1803 về vụ Marbury kiện Madison, ông đã thiết lập sự cân bằng trên thực tế của tư pháp với hai ngành quyền còn lại, khẳng định Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ hiến pháp và kiểm soát hành vi của Chính phủ. Theo truyền thống phương Tây, quyền tư pháp được giao cho các thẩm phán độc lập (quy định tại Điều III Hiến pháp Liên bang năm 1787). Theo truyền thống Common Law, thẩm phán không phải là thẩm phán chuyên nghiệp, không nhất thiết thẩm phán phải được bổ nhiệm từ những luật gia, thẩm phán giữ chức vụ suốt đời. Như vậy, người Mỹ đã vận dụng cả việc phân lập cấu trúc bộ máy lẫn việc tuyển lựa kỹ càng các thẩm phán để tạo ra một cơ chế xét xử độc lập cao với chính quyền và cả dư luận.

Ở nước Anh ngày nay không tạo lập một cơ chế phân quyền cứng như Mỹ, hệ thống tư pháp ở Anh có hai đặc điểm nổi bật: Một là, đội ngũ cán bộ tư pháp thống nhất, các luật gia và thẩm phán đều được đào tạo như nhau. Hai là, cơ chế phân chia Tòa án sơ cấp và Tòa án cao cấp, chỉ các Tòa án cao cấp mới có thẩm quyền xét xử chung và được hưởng một quy chế đặc biệt đảm bảo sự độc lập và uy tín của thẩm phán; từ những năm 1990 thì thẩm quyền chung đã được trao cho một số Tòa án sơ cấp. Thẩm phán của các Tòa án cao cấp chỉ bị bãi miễn khi có yêu cầu của cả Thượng viện và Hạ viện, thẩm phán của các Tòa sơ cấp chỉ bị bãi miễn trong trường hợp phạm lỗi nghiêm trọng [8].

Hệ thống tư pháp ở Việt Nam được đặc trưng bởi hai cơ quan là Tòa án (cơ quan xét xử) và Viện kiểm sát (cơ quan công tố và giám sát tư pháp). Cả Tòa án và Viện kiểm sát đều được tổ chức dựa trên sự phân cấp lãnh thổ hành chính. Có Tòa án tối cao và Tòa án cấp cao cho toàn quốc gia, Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp huyện tương ứng với các cấp hành chính, ở cấp hành chính thấp nhất (cấp xã) không tổ chức Tòa án. Nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội; chế độ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và nhiệm kỳ của thẩm phán, chế độ bầu cử và nhiệm kỳ của Hội thẩm do Luật Tổ chức tòa án quy định. Khoản 2 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Việt Nam cũng ghi nhận về yêu cầu độc lập của tư pháp trong cả Hiến pháp, nhưng thực tế tổ chức bộ máy tư pháp và cách tuyển lựa thẩm phán hiện nay dẫn đến tư pháp là một ngành vừa yếu, lại vừa thiếu, do đó, yêu cầu về sự độc lập của tư pháp chỉ minh chứng trên quy định.

Sự khác biệt lớn giữa Common Law và hệ thống pháp luật Việt Nam là đảm bảo một thiết chế tư pháp độc lập, đây là căn nguyên của một hệ thống pháp luật có chất lượng. Bởi bản thân các đạo luật sẽ không thể trở thành luật và không đem lại công bình nếu không thông qua sự phán quyết của các vị quan tòa công minh.

Thứ năm, vấn đề bảo hiến

Bảo hiến không đơn thuần là kiểm tra xem một văn bản pháp luật có trái với Hiến pháp không? Thông qua việc kiểm hiến sẽ kiểm soát các hành vi của Chính phủ, thậm chí là hành vi của nhà lập pháp. Việc bảo hiến hiệu quả sẽ bảo vệ được dân chúng trước hành vi lạm dụng quyền lực của chính quyền cũng như tạo được hệ thống các văn bản thống nhất, đảm bảo quyền lợi của các bên trong quan hệ pháp luật. Hướng đến một cơ chế kiểm hiến hiệu quả là hướng đến một hệ thống pháp luật đề cao pháp quyền, đề cao các giá trị con người và một nhà nước hiệu quả.

Ở Việt Nam hiện không có tố tụng hiến pháp, mặc dù có một vài thiết chế kiểm soát pháp luật từ Quốc hội nhưng không phát huy tác dụng. Một hệ thống pháp luật có số lượng văn bản khá đồ sộ, khoảng 13.500 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực thi hành [9] và được bổ sung hàng ngày bởi tất cả các cơ quan có thẩm quyền ban hành luật. Việc thiếu một cơ chế kiểm hiến vì bất cứ lý do gì cũng đang làm cho trật tự pháp lý gặp phải những bất cập như truyền thông đưa tin, tạo nên những phản ứng không tốt từ phía xã hội. Việt Nam đã xây dựng quy trình tố tụng trong các lĩnh vực về dân sự, hình sự, hành chính, kinh tế, lao động, nhưng tố tụng Hiến pháp thì vẫn chỉ là kết quả nghiên cứu của các nhà luật học. Việc ban hành chồng chéo hay lẫn lộn về thẩm quyền vẫn đang hàng ngày diễn ra mà không hứa hẹn sẽ được chấm dứt khi nào là một thiệt hại rất lớn cho xã hội, cả về phương diện tư duy lập pháp.

Hiến pháp ở Anh là sự tổng hợp tất cả các yếu tố pháp lý có tính ổn định cao, cộng với một cơ chế tố tụng chặt chẽ đã giúp cho hệ thống pháp luật hiệu quả và dân chủ. Hoa Kỳ là một hình mẫu về cơ chế kiểm hiến, chức năng kiểm hiến được trao cho Tòa án các cấp, việc kiểm hiến được đặc trưng bởi các vụ việc cụ thể và đảm bảo thi hành phán quyết của Tòa án nghiêm minh.

Sự khác biệt đặc trưng giữa Common Law và truyền thống pháp lý Việt Nam không nằm ở việc có thiết lập Tòa án Hiến pháp hay không, mà ở tư duy tôn trọng trật tự pháp lý và thiết lập cơ chế tố tụng hiệu quả bởi bộ máy tư pháp độc lập, nghiêm minh. Đem ra vài sự so sánh trên đây để hy vọng sự thay đổi và sự cải cách mạnh mẽ của toàn xã hội trong một tương lai gần.

Nguyễn Quang Đức

Khoa Luật – ĐH Quốc gia Hà Nội

Chú thích:

[1] Michel Fromont, Các hệ thống pháp luật cơ bản trên thế giới, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2006, tr.130.

[2] Đổi mới là một chương trình cải cách kinh tế và một số mặt xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng vào thập niên 80. Chính sách đổi mới được chính thức thực hiện từ Đại hội Đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 6, năm 1986. Như vậy, thuật ngữ đổi mới trong bài viết có thể được hàm nghĩa về thời gian là năm 1986.

[3] Peter J. Messitte, Hệ thống thông luật so với hệ thống luật Châu Âu lục địa, Phương thức hoạt động của Tòa án Hoa Kỳ, Nxb. Văn hóa – Thông tin, tr.42.

[4] Réne David, Những hệ thống pháp luật chính trong thế giới đương đại, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, tr.208.

[5] Bài giảng của PGS.TS. Ngô Huy Cương, Khoa Luật – ĐHQG Hà Nội.

[6] Réne David, Những hệ thống pháp luật chính trong thế giới đương đại, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, tr.166.

[7] Giáo trình Lý luận Nhà nước và pháp luật, Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2008, tr.83.

[8] Michel Fromont, Các hệ thống pháp luật cơ bản trên thế giới, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2006, tr.137.

[9] Cơ sở dữ liệu luật Việt Nam, Trung tâm tin học Văn phòng Quốc hội.

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com