Nâng cao vai trò hoạt động xét xử của Hội thẩm nhân dân trong điều kiện cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay

Nâng cao vai trò hoạt động xét xử của Hội thẩm nhân dân trong điều kiện cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay

24/11/2015

Cải cách có nghĩa là tạo ra sự thay đổi, đem lại cái mới, cái tiến bộ, như vậy có thể hiểu rằng, cải cách tư pháp là hoạt động của Nhà nước nhằm tạo ra sự thay đổi đem lại những điều mới cho hoạt động của cơ quan tư pháp với mục đích tạo cơ chế hoạt động cho cơ quan tư pháp đạt hiệu quả tốt hơn về quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức và mọi công dân.

Trên tinh thần đó, Điều 103 của Hiến pháp năm 2013 quy định “Việc xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn”, quy định này đã thể hiện vai trò của nhân dân trong quá trình quản lý xã hội của đất nước. Hội thẩm nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử là tư tưởng xuyên xuốt được quy định từ bản Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013. Bản thân chế định “Hội thẩm là sự thể hiện tư tưởng “lấy dân làm gốc”, bảo đảm nguyên tắc thực hiện quyền lực của nhân dân trong hoạt động xét xử của Tòa án, thể hiện bản chất nhà nước của dân, do dân và vì dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”[1]. Cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, các văn bản pháp luật như Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 đã ghi nhận nguyên tắc xét xử có Hội thẩm tham gia và Hội thẩm được xác định là một trong những người tiến hành tố tụng tại Tòa án. Chức năng, nhiệm vụ của Hội thẩm nhân dân được thể hiện khi được phân công giải quyết vụ án. Hội thẩm có các nhiệm vụ: Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, Hội thẩm nhân dân có nghĩa vụ nghiên cứu hồ sơ vụ án; tham gia xét xử các vụ án hình sự theo thủ tục sơ thẩm, trong trường hợp cần thiết Hội thẩm nhân dân có thể tham gia xét xử theo thủ tục phúc thẩm. Trong quá trình xét xử sơ thẩm, Hội thẩm nhân dân có quyền tiến hành hoạt động xét hỏi, đồng thời thực hiện hoạt động nghị án và tuyên án, các quyết định liên quan đến vụ án sẽ được biểu quyết theo đa số.Về số lượng Hội thẩm nhân dân tham gia Hội đồng xét xử, thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm: 01 Thẩm phán và 02 Hội thẩm nhân dân; đối với những vụ án có mức hình phạt từ chung thân hoặc tử hình thì hội đồng xét xử gồm 02 Thẩm phán và 03 Hội thẩm nhân dân. Từ quá trình quy định của pháp luật trên cho thấy đối với vụ án, thủ tục xét xử sơ thẩm số lượng Hội thẩm nhân dân luôn nhiều hơn số lượng Thẩm phán. Vì vậy, chất lượng hoạt động xét xử của Hội thẩm nhân dân sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của bản án sơ thẩm. Chế định Hội thẩm nhân dân khi tham gia xét xử đã đưa những tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân vào trong bản án, để có được phán quyết đúng pháp luật, được xã hội đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động xét xử của Hội thẩm nhân dân hiện nay, bên cạnh những ưu điểm thì còn có một số vướng mắc nhất định như: Hội thẩm nhân dân chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm của mình, dẫn đến trách nhiệm của Thẩm phán càng nặng nề. Từ đó, chất lượng bản án nhiều lúc chưa đáp ứng được yêu cầu. Dưới đây, chúng tôi đề cập đến một số bất cập chính sau:

Thứ nhất, về cách thức tuyển chọn Hội thẩm nhân dân, Hội thẩm nhân dân hiện nay được tuyển chọn từ số cán, bộ công chức từng làm trong các lĩnh vực như: Giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, tài chính của cấp huyện và cấp tỉnh, cho nên, hoạt động của Hội thẩm nhân dân còn mang tính chất kiêm nhiệm. Hội thẩm nhân dân mặc dù có trình độ chuyên môn riêng nhưng còn hạn chế rất nhiều về trình độ pháp lý, đây là vấn để bất cập trong thực tiễn hiện nay.

Thứ hai, mặc dù quyền và nghĩa vụ của Hội thẩm nhân dân được pháp luật quy định rất cụ thể, khi xét xử Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập chỉ tuân theo pháp luật, quá trình nghị án được thực hiện theo hình thức biểu quyết theo đa số. Tuy nhiên, thực tế Hội thẩm nhân dân không phát huy được tính độc lập và thường lệ thuộc vào Thẩm phán.

Thứ ba, do điều kiện thực tế Hội thẩm nhân dân làm việc kiêm nhiệm, ngoài việc làm chính ở cơ quan nếu được Thẩm phán mời xét xử thì Hội thẩm sẽ sắp xếp thời gian tham gia xét xử, nên một trong những thực tế hiện nay rất ít Hội thẩm nhân dân nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi đưa vụ án ra xét xử, thậm chí đến ngày mở phiên tòa, Hội thẩm nhân dân được phân công xét xử vắng vì lý do phải giải quyết công việc ở cơ quan nên không tham gia phiên tòa được, trong tình huống này, để phiên tòa được khai mạc đúng theo lịch xét xử đã công bố, Thẩm phán phải thay đổi Hội thẩm nhân dân khác, lúc này thư ký phiên tòa đã tìm cách liên hệ với Hội thẩm khác để tham gia xét xử.

Thứ tư, mặc dù luật quy định Hội thẩm nhân dân khi tham gia xét xử ngang nguyền với Thẩm phán nhưng thực tiễn trong quá trình thực hiện tố tụng rất ít trường hợp Hội thẩm tham gia xét hỏi tại phiên tòa mà việc xét hỏi lại hoàn toàn do Thẩm phán chủ động ngoài ra nếu Hội thẩm nhân dân có tham gia xét xử hỏi thì cách thức đặt câu hỏi còn ít đi vào trọng tâm của nội dung vụ án, giá trị các câu hỏi nhằm kiểm tra lại các chứng cứ trong vụ án cũng như chứng cứ do các bên tranh tụng chưa cao.

Thứ năm, trong quá trình xét xử, nếu bản án hình sự sơ thẩm tuyên án mà bị kháng cáo, kháng nghị, bản án sẽ được Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại. Trong trường hợp này, nếu bản án bị Tòa án cấp phúc thẩm hủy án hoặc sửa án thì trách nhiệm pháp lý đối với bản án không ai ngoài Thẩm phán, trong khi đó Hội thẩm nhân dân mặc dù đã được pháp luật quy định cụ thể nhưng trong thực tế chưa có trường hợp nào Tòa án nhân dân xử lý đối với Hội thẩm nhân dân tham gia xét xửđể bản án bị hủy, bị sửa. Cho nên, chưa phát huy được tinh thần trách nhiệm của Hội thẩm nhân dân trong hoạt động xét xử hiện nay.

Thứ sáu, về chế độ phụ cấp cho Hội thẩm nhân dân trong quá trình tham gia xét xử chưa tương xứng với thời gian làm việc mà Hội thẩm nhân dân bỏ ra, hiện nay mỗi một hội thẩm tham gia xét xử được phụ cấp 90.000 đồng một ngày nên chưa kích thích được sự nhiệt tình của Hội thẩm nhân dân trong hoạt động xét xử.

Thứ bảy, do điều kiện vận động đi lên của xã hội dẫn đến trong một số quy định pháp luật hình sự phải thay đổi cho phù hợp điều kiện đấu tranh và phòng chống tội phạm. Để Hội thẩm nhân dân nắm bắt được những thay đổi của pháp luật, hàng năm Tòa án nhân dân đã thực hiện công tác tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ cũng như cung cấp những thông tin mới về pháp luật cho đội ngũ Hội thẩm nhân dân, song trên thực tế, việc tập huấn của Tòa án nhân dân cho Hội thẩm đôi lúc còn mang tính hình thức, chưa truyền tải được hết những yêu cầu và mục đích tập huấn đặt ra ban đầu, số lượng Hội thẩm tham gia hàng năm chưa nhiều do Hội thẩm nhân dân bận công tác.

Từ những tồn tại và hạn chế trên, nhằm cao trách nhiệm của Hội thẩm nhân dân khi tham gia xét xử tại phiên tòa, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp nước ta, cần thực hiện một số giải pháp sau đây:

Một là, pháp luật cần quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn bầu Hội thẩm nhân dân. Hiện nay, pháp luật yêu cầu tiêu chuẩn Hội thẩm nhân dân chỉ cần có sự am hiểu pháp luật, quy định này rất chung chung không mang tính định lượng pháp lý nên khó áp dụng vào thực tiễn để chọn được ra những Hội thẩm nhân dân thực sự đạt trình độ pháp lý tham gia vào hoạt động xét xử.

Hai là, pháp luật cần quy định cụ thể để ràng buộc trách nhiệm pháp lý của Hội thẩm nhân dân khi xét xử những vụ án bị Tòa án cấp phúc thẩm sửa án hoặc hủy án. Tòa án nhân dân cần có sự liên hệ chặt chẽ về năng lực hoạt động của Hội thẩm nhân dân với cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức là Hội thẩm nhân dân. Có thể sử dụng năng lực hoạt động của Hội thẩm nhân dân là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức.

Ba là, Tòa án nhân dân cần thực hiện tốt công tác tập huấn hàng năm cho Hội thẩm nhân dân, đặc biệt là tập huấn các kỹ năng xét hỏi, bồi dưỡng kịp thời những quy định của pháp lý để Hội thẩm nhân dân nắm bắt và vận dụng vào thực tiễn xét xử.

Bốn là, pháp luật cần quy định cụ thể việc Hội thẩm nhân dân không tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án thì không được tham gia xét xử, nếu Tòa án nào vi phạm nguyên tắc này là cơ sở để hủy bản án sơ thẩm vì đã vi phạm tố tụng.

Năm là, nhà nước cần quan tâm hơn nữu đến phụ cấp cho Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử trên tinh thần quyền lợi sẽ đi đôi với trách nhiệm.

Sáu là,pháp luật cần quy định lại về số lượng của Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử sơ thẩm cho phù hợp với điều kiện thực tế, đó là số lượng Hội thẩm nhân dân ít hơn số lượng của Thẩm phán, tránh trường hợp như hiện nay, những người tham gia xét xử có nghiệp vụ chuyên môn cao nhưng lại chiếm tỷ lệ ít hơn so với những người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ pháp lý thấp, có thể nói đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng xét xử vụ án ở nước ta hiện nay. Trong quá trình cải cách tư pháp, cần nghiên cứu thêm quy định Hội thẩm của một số nước trong khu vực và trên thế giới.

Lê Văn Quyến

Trường Chính trị tỉnh Bình Phước



[1] www.Toaan.gov.vnTrương Hòa Bình Bí thư Trung ương Đảng,Chánh án Tòa án nhân dân tối cao

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com