Công tác vệ sinh, an toàn lao động đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn hội nhập

Công tác vệ sinh, an toàn lao động đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn hội nhập

24/12/2015

1. Thực trạng công tác vệ sinh, an toàn lao động ở khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay

Hiện nay, cả nước có khoảng gần 600.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động trên tổng số 890.000 doanh nghiệp đã đăng ký, chiếm > 97,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động thực tế với tổng số vốn đăng ký khoảng 121 tỉ USD, chiếm 30% tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp.

Hàng năm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp khoảng 40% GDP; 30% thu nộp ngân sách nhà nước, 33% giá trị sản lượng công nghiệp, 30% giá trị hàng hóa xuất khẩu và thu hút 51 % lao động. Trong những năm tiếp theo doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng sẽ tiếp tục có sự phát triển vượt bậc về số lượng để đáp ứng cho sự phát triển của đất nước (mục tiêu của Chính phủ là Việt Nam có 2 triệu doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả). Trong 9 tháng đầu năm 2015, số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước là 68.347 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 376.419 tỷ đồng, tăng 29,2% về số doanh nghiệp và tăng 29,9 % về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động theo quy mô vốn <50 tỷ (doanh nghiệp nhỏ và vừa) là 6.154 doanh nghiệp trên tổng số 6.294 doanh nghiệp, đặc biệt là số doanh nghiệp nhỏ và vừa có số vốn <10 tỷ đồng giải thể là 5.674 DN (95,4 %) (nguồn Tổng Cục thống kê). Đây là điều nói lên sự khó khăn chung của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, vận tải kho bãi, khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo, sửa chữa chiếm tỷ lệ cao về số lượng và lao động. Đây là các ngành nghề có nguy cơ cao về an toàn vệ sinh lao động, có khả năng phát sinh các yếu tố gây tai nạn trực tiếp hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động và cộng đồng xã hội.

Từ các số liệu trên cho thấy, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ lớn trong nền kinh tế, xã hội và cũng cho thấy sự khó khăn, yếu thế của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hoạt động kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động nói riêng. Những bất cập có thể nhận thấy như:

– Thói quen chung của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam là chỉ khi xảy ra các rủi ro thì mới tìm cách xử lý, giải quyết mà không có thói quen chủ động phòng ngừa ngay từ đầu (ngăn ngừa chủ động). Môi trường làm việc an toàn là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp duy trì sự ổn định và thành công trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam chưa chú trọng đến vấn đề này. Có thể do nhận thức của người sử dụng lao động còn hạn chế, chưa quan tâm đến quyền lợi của người lao động, chưa tìm hiểu, nghiên cứu pháp luật về lao động, các qui định về công tác an toàn vệ sinh lao động mà chỉ nhằm đối phó với các đoàn kiểm tra, thanh tra. Mặt khác, doanh nghiệp hiện nay cũng còn rất nhiều khó khăn (về vốn, công nghệ, bán hàng, tiền lương, thuế…). Một số doanh nghiệp chỉ quan tâm đến những gì cần ngay trước mắt phục vụ cho sản xuất, kinh doanh thu lợi nhuận, mà chưa chú ý đến những việc có thể xảy ra trong tương lai nên đã sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, sử dụng lao động không có hợp đồng, chưa qua đào tạo, lao động mùa vụ…để tiết giảm chi phí.

– Việc người sử dụng lao động chưa quan tâm, thiếu giải pháp, người lao động thiếu kiến thức, hiểu biết về an toàn vệ sinh lao động dẫn đến việc không lường trước được các mối nguy hại tiềm ẩn như tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ô nhiễm môi trường… có thể xảy ra bất cứ lúc nào, mà hậu quả là rất lớn, gây thiệt hại không chỉ về con người, kinh tế mà còn vi phạm pháp luật…

Trước tình hình này, các biện pháp hỗ trợ của nhà nước để cho doanh nghiệp hiểu, nắm bắt được các quy định của pháp luật cũng như đánh giá được các rủi ro và phòng ngừa nó là hết sức cấp thiết. Một trong những biện pháp hành động cần thiết được thực hiện đó là việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động. Bởi vì, hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động là tập hợp các yếu tố có quan hệ trong doanh nghiệp theo một quy luật, chỉnh thể nhằm phục vụ cho mục tiêu bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người lao động, dễ hiểu, dễ áp dụng.

2. Sự cần thiết áp dụng hệ thống an toàn vệ sinh lao độngvà một số yêu cầu của việc xây dựng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động ở khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa

2.1 Sự cần thiết áp dụng hệ thống an toàn vệ sinh lao động ở khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa

Công tác an toàn vệ sinh lao động có liên quan mật thiết tới công tác kỹ thuật an toàn. Công tác kỹ thuật an toàn nhằm mục đích, yêu cầu người sử dụng lao động khi thiết kế hoặc xây dựng công trình phải căn cứ vào các quy định nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và thiết bị. Dựa trên công tác kỹ thuật an toàn, người thiết kế các công trình phải đưa ra các biện pháp an toàn cho từng công việc cụ thể. Tuy nhiên, những tiến bộ về công nghệ, những cạnh tranh trong sản xuất hàng hóa… đã dẫn đến những thay đổi nhanh về điều kiện lao động, quy trình sản xuất và tổ chức lao động.

Các quy định của pháp luật về an toàn lao động là các quy định pháp lý bắt buộc thực hiện trong quá trình sản xuất, tổ chức lao động và kiểm soát môi trường, tuy nhiên, đôi khi pháp luật không theo kịp với những thay đổi trên. Vì vậy, để kịp thời giải quyết được những thách thức về an toàn vệ sinh lao động và nhằm đảm bảo sức khỏe người lao động, nhất thiết phải xây dựng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động. Vì nó có tính khả thi và linh hoạt cao trong thực hiện góp phần thúc đẩy công tác an toàn vệ sinh lao động và phát triển văn hóa an toàn tại cơ sở.

Hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động có những đặc điểm cơ bản là không bắt buộc phải thực hiện như các quy định pháp lý, không mang tính pháp lý, không thay thế các quy định của luật pháp, không thay thế các quy định của các quy trình, quy chuẩn và tiêu chuẩn quốc gia. Với đặc điểm khả thi và linh hoạt như trên, hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động đã trở thành công cụ hữu hiệu giúp cho người sử dụng lao động và người lao động kịp thời đối phó với những thay đổi về an toàn vệ sinh lao động trong thực tế sản xuất, hay nói cách khác là hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động chính là công cụ, biện pháp hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động và cơ quan quản lý các cấp không ngừng cải thiện điều kiện lao động và hoàn thiện công tác quản lý an toàn vệ sinh lao động.

2.2. Một số yêu cầu của việc xây dựng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động ở khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa

Để thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động nói riêng, hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động nói chung, các doanh nghiệp cần phải đáp ứng được một số yêu cầu sau:

Thứ nhất, cần đáp ứng khả năng về tài chính. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất khó khăn về tài chính (khoảng 90% doanh nghiệp phải đi vay vốn ngân hàng), từ đó dẫn đến không có sự đầu tư cho các nguồn lực để thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động.

Thứ hai, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và khả năng quản lý của chủ doanh nghiệp. Hiện nay, lực lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có tới 85,19% là lao động phổ thông, có trình độ phổ thông trung học và thấp hơn; số lao động là công nhân kỹ thuật có tỷ trọng là 7,73%, số lao động có trình độ trung học chuyên nghiệp là 3,17% và số lao động có trình độ cao đẳng, đại học là 3,83% trong tổng số lượng lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Số lượng lao động có trình độ cao (trên đại học) chỉ chiếm tỷ trọng là 0,07%. Đây là yếu tố dẫn đến khả năng nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về an toàn vệ sinh lao động, tính chủ động, xây dựng các biện pháp để phòng ngừa tai nạn lao động.

Thứ ba, cần tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực áp dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật. Hiện nay, khoảng 80 – 90% máy móc và công nghệ sử dụng trong các doanh nghiệp của Việt Nam là nhập khẩu và 76% từ thập niên 1980 – 1990, 75% máy móc và trang thiết bị đã hết khấu hao. Phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa được trang bị máy móc, thiết bị có nguồn gốc từ nhiều nước khác nhau như: Trung Quốc, Liên Xô cũ, Đông Âu, Hàn Quốc, Đài Loan… thuộc các thế hệ khác nhau và lạc hậu so với thế giới 10 – 20 năm. Trình độ công nghệ lạc hậu làm cho năng suất, hiệu quả hoạt động nói chung của doanh nghiệp kém và làm tăng nguy cơ rủi ro mất an toàn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Thứ tư, số lượng nhà khoa học, chuyên gia làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ chiếm 0,025% trong tổng số lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp. Điều này làm hạn chế việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nói chung và kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động nói riêng vào doanh nghiệp.

3. Xây dựng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2010 – 2015.

3.1. Những thuận lợi

– Chương trình hỗ trợ được xây dựng chi tiết, cụ thể dựa trên các khuyến cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) kết hợp với thực tiễn của Việt Nam và các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh lao động tiên tiến khác dễ hiểu, dễ áp dụng.

– Nền kinh tế đất nước hội nhập sâu hơn, rộng hơn khiến các doanh nghiệp phải vận động thay đổi linh hoạt trong việc đầu tư, sản xuất, kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu của hàng hóa dịch vụ, trong đó có tiêu chuẩn lao động và các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh lao động.

3.2. Khó khăn, hạn chế

– Nguồn lực của các doanh nghiệp dành cho công tác an toàn vệ sinh lao động còn nhiều hạn chế như: Trình độ nhận thức về hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động, con người thực hiện, kinh phí của đơn vị… dành cho công tác an toàn vệ sinh lao động.

– Do đặc thù đảm bảo bí mật sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp hoặc có những vấn đề doanh nghiệp ngại chia sẻ (như tai nạn, sai phạm về lao động…) nên thông tin có liên quan đến công tác an toàn vệ sinh lao động của doanh nghiệp còn bị hạn chế, việc cung cấp tài liệu của doanh nghiệp để nghiên cứu là rất khó khăn.

3.3. Những kinh nghiệm cần tiếp tục được triển khai trong giai đoạn tiếp theo

– Tiếp tục hỗ trợ duy trì sự hoạt động của hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp đã được tư vấn xây dựng, thường xuyên cải tiến hệ thống cho phù hợp với yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;

– Tạo được sự lan tỏa của các doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động hiệu quả để thu hút các doanh nghiệp khác chưa tham gia tự nguyện xây dựng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động, từng bước đưa công tác an toàn vệ sinh lao động nói chung, hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động nói riêng thành văn hóa, chuyên nghiệp và hiệu quả; hỗ trợ doanh nghiệp sát với thực tiễn hơn nữa.

– Thiết lập mạng lưới hệ thống chuyên gia tư vấn an toàn vệ sinh lao động rộng khắp từ trung ương đến địa phương, có kiến thức chuyên môn, chuyên nghiệp, trình độ chuyên sâu để tiếp tục tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp;

– Thành lập Trung tâm thông tin quốc gia về an toàn vệ sinh lao động để có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kịp thời cập nhật các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động cũng như các biện pháp, quy trình kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động phù hợp nhu cầu của doanh nghiệp.

Nguyễn Thị Thanh Bình

Khoa Quản lý xã hội, Học viện Hành chính quốc gia

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com