Bàn về một số điểm mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015

Bàn về một số điểm mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015

29/12/2015

1. Bối cảnh ra đời và bố cục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015

Quá trình thực thiện các luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã bộc lộ những bất cập, hạn chế lớn sau đây: (1) Hệ thống pháp luật quá phức tạp, cồng kềnh với số lượng quá lớn và quá nhiều hình thức văn bản pháp luật có thứ bậc hiệu lực không thật rõ ràng do nhiều cơ quan có thẩm quyền từ trung ương đến chính quyền cấp xã ban hành, gây khó khăn cho việc tuân thủ, áp dụng, thi hành; (2) Hệ thống pháp luật thiếu tính ổn định do chất lượng nhiều văn bảnpháp luật còn hạn chế, tính khả thi chưa cao, phải sửa đi sửa lại nhiều lần, ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định của môi trường đầu tư – kinh doanh và cuộc sống người dân; (3) Hiệu lực thi hành của hệ thống pháp luật chưa cao, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh vẫn đang là nguyên nhân hạn chế hiệu lực thực tế của cả hệ thống pháp luật; chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành thông tư dẫn đến nhiều văn bản không phù hợp với thực tế, còn hiệu tượng thiên về thuận lợi cho cơ quan quản lý, chưa tôn trọng đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; (4) Nguyên tắc dân chủ trong hoạt động xây dựng, ban hành văn bản pháp luật chưa được bảo đảm một cách thực chất, do vậy chưa khuyến khích được sự tham gia tích cực của Nhân dân, cũng như chưa thực sự phát huy được vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với quá trình xây dựng và thi hành pháp luật; (5) Việc tổ chức thi hành pháp luật chưa được chú trọng đúng mức, văn bản pháp luật bị vi phạm nhiều nhưng xử lý chưa kịp thời, chưa nghiêm, làm giảm hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và giảm niềm tin của Nhân dân vào sự tôn nghiêm, công bằng của pháp luật.

Để khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, đồng thời nhằm bảo đảm cụ thể hóa kịp thời nội dung của Hiến pháp năm 2013, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại kỳ họp thứ 9 ngày 22/6/2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Sau đây gọi là Luật năm 2015).

Luật năm 2015 gồm 17 chương với 137 điều, cụ thể: Chương I –Những quy định chung (gồm 14 điều, từ Điều 1 đến Điều 14); Chương II – Thẩm quyền ban hành, nội dung văn bản quy phạm pháp luật (16 điều, từ Điều 15 đến Điều 30); Chương III, IV, V, VI, VII, VIII, IX, X và XI (gồm 115 điều, từ Điều 31 đến Điều 145) quy định trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước, văn bản quy phạm pháp luật liên tịch và văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; Chương XII – Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn (gồm 4 điều, từ Điều 146 đến Điều 149); Chương XIII – Hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật, nguyên tắc áp dụng, công khai văn bản quy phạm pháp luật (gồm 8 điều, từ Điều 150 đến Điều 157); Chương XIV – Giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh (gồm 4 điều, từ Điều 158 đến Điều 161); Chương XV – Giám sát, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật (gồm 6 điều, từ Điều 162 đến Điều 167); Chương XVI – Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, rà soát, hệ thống hoát văn băn quy phạm pháp luật (gồm 3 điều, từ Điều 168 đến Điều 170); Chương XVIII – Điều khoản thi hành (gồm 3 điều, từ Điều 171 đến Điều 173).

2. Một số điểm mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015

2.1. Thống nhất các đạo luật hiện hành về ban hành văn bản quy phạm pháp luật thành một luật duy nhất

Trước đây, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo hai luật, đó là: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 (Luật năm 2008) và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2004 (Luật năm 2004). Mặc dù cùng điều chỉnh hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên nội dung của hai luật có những quy định không thống nhất, thậm chí mâu thuẫn nhau như khái niệm, hình thức văn bản quy phạm pháp luật, quy trình soạn thảo, lấy ý kiến, đăng tải, đưa tin về văn bản quy phạm pháp luật…Với sự ra đời của Luật năm 2015 đã khắc phục được những bất cấp này. Sau khi Luật năm 2015 có hiệu lực (thay thế Luật năm 2008 và Luật năm 2004) việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ được áp dụng thống nhất ở trung ương và địa phương.

2.2. Làm rõ hai khái niệm: Văn bản quy phạm pháp luật và Quy phạm pháp luật

Khái niệm “Văn bản quy phạm pháp luật” được quy định lần đầu tiên trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996, sau đó tiếp tục được quy định trong Luật năm 2008 và Luật năm 2004. Việc quy định khái niệm văn bản quy phạm pháp luật là căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền phân biệt văn bản quy phạm pháp luật với văn bản hành chính và văn bản áp dụng pháp luật, góp phần hạn chế đáng kể số lượng văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, cách định nghĩa “văn bản quy phạm pháp luật” ở Luật năm 2008 và Luật năm 2004 còn nặng về tính học thuật, chung chung, thiếu sự cụ thể, rõ ràng nên đã gây khó khăn, lúng túng cho các cơ quan, tổ chức và người dân trong việc xác định văn bản nào là văn bản quy phạm pháp luật.

Xuất phát từ ý nghĩa quan trọng của khái niệm văn bản quy phạm pháp luật, nhằm khắc phục hạn chế trong việc phân biệt khái niệm văn bản quy phạm pháp luật với văn bản hành chính thông thường và những văn bản khác của cơ quan nhà nước được ban hành trong thời gian qua, Luật năm 2015 đã tách khái niệm “văn bản quy phạm pháp luật” và khái niệm “quy phạm pháp luật”. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 3 của Luật năm 2015 thì “quy phạm pháp luật là những quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật này ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện”. Đối với khái niệm “văn bản quy phạm pháp luật”, được quy định tại Điều 2 của Luật năm 2015, theo đó “văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này. Văn bản quy phạm pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật”.

Bên cạnh đó, Luật năm 2015 cũng bổ sung thêm một quy định mới khẳng định: “Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật” (đoạn 2, Điều 2). Đây là một trong những điểm mới đáng ghi nhận của Luật năm 2015. Với quy định mang tính chất pháp quyền mạnh mẽ như vậy sẽ hạn chế, loại từ khả năng cơ quan nhà nước không có thẩm quyền hoặc có thẩm quyền nhưng ban hành văn bản một cách tùy tiện, không tuân thủ hình thức, trình tự, thủ tục do luật định nhằm né tránh sự kiểm soát, kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản trong quá trình soạn thảo, ban hành.

2.3. Về hình thức văn bản quy phạm pháp luật

Theo quy định của Luật năm 2008 và Luật năm 2004 hệ thống văn bản quy phạm pháp luật gồm 26 hình thức do 18 chủ thể có thẩm quyền ban hành, ví dụ: Hiến pháp; Bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Văn bản QPPL của chính quyền đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt…

So với Luật năm 2008 và Luật năm 2004 thì Luật năm 2015 đã bỏ 05 loại hình văn bản quy phạm pháp luật, gồm:

(1) Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị – xã hội (trừ nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam);

(2) Thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ;

(3) Chỉ thị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

(4) Chỉ thị của Ủy ban nhân dân cấp huyện;

(5) Chỉ thị của Ủy ban nhân dân cấp xã;

Tuy nhiên, để phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật năm 2015 đã bổ sung hình thức văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt[1].

Như vậy, việc giảm bớt hình thức ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật năm 2015 đã hạn chế được sự cồng kềnh, phức tạp, nhiều tầng nấc, thậm chí là chồng chéo, mâu thuẫn của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta hiện nay; đồng thời phù hợp với chủ trương tinh gọn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

2.4. Về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013 và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước như: Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015… Luật năm 2015 đã xác định lại nội dung ban hành văn bản quy phạm pháp luật của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Cụ thể:

– Đối với luật, nghị quyết của Quốc hội: Điều 15 của Luật năm 2015 đã quy định rõ ràng, cụ thể những nội dung Quốc hội phải ban hành luật và những nội dung Quốc hội ban hành nghị quyết. Theo đó, Quốc hội ban hành luật để quy định về tổ chức, bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia… Quốc hội ban hành nghị quyết để quy định việc thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành; tạm ngưng hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần luật, nghị quyết của Quốc hội đáp ứng các yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân…

– Đối với pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Nếu như Điều 12 Luật năm 2008 quy định “Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định những vấn đề được Quốc hội giao, sau một thời gian thực hiện trình Quôc hội xem xét, quyết định ban hành luật” thì nay, Điều 16 của Luật năm 2015 đã không còn quy định việc pháp lệnh sau một thời gian thực hiện phải trình Quốc hội xem xét, quyết định ban hành luật nữa. Đồng thời, bổ sung một số nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết gồm: Tạm ngưng hoặc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội đáp ứng các yêu cầu cấp bách về phát triển kinh tế – xã hội; Bãi bỏ pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội…

– Đối với lệnh, quyết định của Chủ tịch nước (Điều 17) so với Luật năm 2008, thẩm quyền ban hành lệnh, quyết định của Chủ tịch nước được quy định trong Luật năm 2015 rõ ràng hơn.

– Đối với nghị định của Chính phủ (Điều 19): Ngoài việc giữ nguyên Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước…Luật năm 2015 bổ sung một số nội dung Chính phủ ban hành nghị định để quy định về các vấn đề sau: Các biện pháp cụ thể để tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; Những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của hai bộ, cơ quan ngang bộ trở lên…

– Đối với văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Luật năm 2015 đã phân định rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp tỉnh gồm: Quy định chi tiết những vấn đề được giao; tổ chức, bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương; quyết định những vấn đề cụ thể tại địa phương. Nội dung nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quy định cụ thể tại Điều 27 và Điều 28 của Luật năm 2015.

Ngoài ra, Luật cũng quy định rõ ràng hơn thẩm quyền ban hành lệnh, quyết định của Chủ tịch nước tại Điều 17; bổ sung một số nội dung Chính phủ phải ban hành Nghị định tại Điều 19; giới hạn nội dung ban hành văn bản quy phạm pháp luật của một số chủ thể như Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Điều 18), Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Điều 25), Hội đồng nhân dân cấp huyện, Hội đồng nhân dân cấp xã (Điều 30).

2.5. Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Luật năm 2015 đã bổ sung 01 điều (Điều 7) về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền tham gia vào quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật từ khâu lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chủ trì, tham gia soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, chỉnh lý, trình dự án, dự thảo đến ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong trường hợp dự thảo văn bản không bảo đảm về chất lượng, chậm tiến độ, không bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2.6. Về các hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Việc nghiêm cấm một số hành vi nhất định trong hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được quy định trong một số lần sửa đổi, bổ sung Luật. Tuy nhiên, các hành vi bị nghiêm cấm chưa rõ ràng, đầy đủ, vì vậy Luật năm 2015 đã dành riêng 1 điều quy định về vấn đề này (Điều 14). Ngoài việc quy định cấm ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, trái với văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, trái với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, ban hành văn bản không thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật, ban hành văn bản quy phạm pháp luật không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục, Luật năm 2015 còn bổ sung quy định cấm rất mới, đó là cấm quy định thủ tục hành chính trong cac văn bản quy phạm pháp luật của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tổng kiểm toán Nhà nước, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, trừ trường hợp được giao trong luật.

2.7. Về văn bản quy định chi tiết

So với Luật năm 2008, Luật năm 2015 vẫn quy định việc giao quy định chi tiết được thực hiện trong trường hợp văn bản nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật nhưng bỏ quy định ban hành văn bản quy định chi tiết đối với những vấn đề chưa có tính ổn định cao, thay vào đso là quy định “những nội dung khác cần quy định chi tiết” (Điều 11).

Nhằm khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, bảo đảm khi Luật có hiệu lực thì phải được thi hành ngay, ngoài việc kế thừa quy định văn bản quy định chi tiết phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết, Luật năm 2015 còn bổ sung quy định “Dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh…”(Điều 11)

Luật năm 2015 đã bổ sung một mục (Mục 1 Chương V gồm 02 điều quy định việc lập danh mục văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và ban hành danh mục văn bản quy định chi tiết. Bộ Tư pháp theo dõi, đôn đốc việc ban hành văn bản quy định chi tiết, định kỳ hằng quý và hằng năm báo cáo Chính phủ.

2.8. Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

Điểm khác biệt giữa Luật năm 2015 so với Luật năm 2008 đó là Luật năm 2015 không quy định về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội mà chỉ giữ lại quy định về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm. Tuy nhiên, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm cũng được sửa đổi, bổ sung theo hướng lồng ghép với quy trình xây dựng chính sách với nhiều điểm mới đột phá.

Mặt khác, Luật năm 2015 cũng quy định cụ thể việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Theo đó, việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong các trường hợp sau: Đưa ra khỏi chương trình các dự án luật, pháp lệnh không cần thiết phải ban hành do có sự thay đổi về tình hình kinh tế – xã hội hoặc điều chỉnh thời điểm trình trong trường hợp cần thiết; bổ sung vào chương trình các dự án luật, pháp lệnh không cần thiết phải ban hành do có sự thay đổi về tình hình kinh tế – xã hội hoặc điều chỉnh thời điểm trình trong trường hợp cần thiết; bổ sung vào chương trình các dự án luật, pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu cấp thiết phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tính mạng, tài sản của Nhân dân; các dự án luật, pháp lệnh cần sửa đổi theo các văn bản mới được ban hành để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật hoặc để thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (khoản 1 Điều 51).

2.9. Về quy trình xây dựng chính sách

Luật năm 2008 và Luật năm 2004 quy định về quy trình xây dựng văn bản, từ đề xuất sáng kiến, soạn thảo, xem xét cho đến ban hành và công bố văn bản quy phạm pháp luật, nhưng chưa tách bạch giữa quy trình xây dựng chính sách và quy trình soạn thảo văn bản. Do vậy, Luật năm 2015 bổ sung quy trình hoạch định, phân tích chính sách trước khi soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tách bạch với quy trình soạn thảo văn bản. Quy trình xây dựng chính sách được áp dụng đối với luật, pháp lệnh và một số nghị định của Chính phủ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh

2.10. Về quyền kiến nghị về luật, pháp lệnh, quyền trình dự án luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội

Để cụ thể hóa quy định tại khoản 2 Điều 84 Hiến pháp năm 2013 về quyền “trình kiến nghị về luật, dự án pháp lệnh và dự án luật, pháp lệnh” của đại biểu Quốc hội, Luật năm 2015 dành riêng 01 điều quy định về quyền kiến nghị về luật, pháp lệnh, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội (Điều 33) cụ thể như sau:

Thứ nhất, quy định rõ quyền sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội gồm quyền kiến nghị về luật, pháp lệnh và quyền trình dự án luật, pháp lệnh; đồng thời phân biệt rõ giữa hai quyền này dựa trên các tiêu chí về căn cứ lập, quy trình, hồ sơ. Yêu cầu đối với đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội được quy định tương tự như các chủ thể khác có thẩm quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Riêng đối với kiến nghị xây dựng luật, pháp lệnh, Luật năm 2015 quy định đơn giản hơn về căn cứ lập cũng như hồ sơ kiến nghị. Theo đó, kiến nghị về luật, pháp lệnh căn cứ vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Về hồ sơ, đại biểu Quốc hội chỉ cần chuẩn bị văn bản kiến nghị, trong đó nêu rõ sự cần thiết ban hành luật, pháp lệnh; đối tượng, phạm vi điều chỉnh của luật, pháp lệnh; mục đích, yêu cầu ban hành luật, pháp lệnh; quan điểm, chính sách, nội dung chính của luật, pháp lệnh.

Thứ hai, bổ sung quy định cơ chế trợ địa biểu Quốc hội trong việc kiến nghị xây dựng luật, pháp lệnh, theo đó: Đối với việc hỗ trợ lập văn bản kiến nghị, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, khoản 3 và khoản 4 Điều 33 của Luật năm 2015 quy định đại biểu Quốc hội có quyền tự mình hoặc đề nghị Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp hỗ trợ trong việc lập văn bản kiến nghị về luật, pháp lệnh hoặc hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện cần thiết để đại biểu Quốc hội thực hiện quyền kiến nghị về luật, pháp lệnh, quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Trong quá trình tự mình soạn thảo dự án, dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết, khoản 1 Điều 56 quy định đại biểu Quốc hội có thể đề nghị Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội có thể đề nghị Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp, cơ quan, tổ chức có liên quan hỗ trợ trong quá trình soạn thảo…

2.11. Một số điểm mới khác

Bên cạnh những điểm mới nêu trên, Luật năm 2015 còn có một số điểm mới như: Đổi mới quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của một số cơ quan, người có thẩm quyền khác; Mở rộng dân chủ, tăng cường tính công khai, minh bạch trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Nâng cao vai trò của Chính phủ trong xây dựng pháp luật; Sửa đổi, bổ sung một số quy định về thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật; Quy định cụ thể, hợp lý hơn các trường hợp, các loại văn bản và quy trình, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn; Quy định hợp lý hơn về đăng Công báo, công bố, đăng tải, đưa tin văn bản quy phạm pháp luật; Bổ sung một số quy định về hiệu lực và nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật; Bổ sung một số quy định về giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh; Sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác…

Quỳnh Vũ (tổng hợp)

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tư pháp, Những quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Hà Nội 2015, Nxb. Tư pháp;

2. Kim Lân, Một số điểm mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, đăng tải trên trang web http://tuphaphatinh.gov.vn/home/default/explorer.html/news/548?folder_id=18



[1]Theo quy định tại Điều 4 của Luật năm 2015 thì hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước ta bao gồm:

“1. Hiến pháp

2. Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.

3. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

4. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.

5. Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

6. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

7. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

8. Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.

9. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh)

10. Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh.

11. Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

12. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện)

13. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

14. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).

15. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã”.

Tham khảo thêm:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com