Luật áp dụng khi nhặt được tiền khai báo nhưng không tìm được chủ

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Luật áp dụng khi nhặt được tiền khai báo nhưng không tìm được chủ?

Bà C là người mua đồng nát, mua được 1 cái loa cũ , khi bà đập ra để lấy linh kiện thì phát hiện có 50 tr, bà đem đến giao cho công an xã. Sau 1 năm thông báo ko tìm đc chủ nhân số tiền. Bà C được nhận số tiền theo quy định tại điều 228 hay 230 BLDS 2015? Mình chỉ muốn hỏi là áp dụng điều luật nào thôi?

Luật sư Tư vấn Luật Dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 23 tháng 05 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề luật áp dụng khi nhặt được tiền đã khai báo nhưng không tìm được chủ

Bộ luật Dân sự 2015

3./ Luật sư tư vấn

Với trường hợp nêu trên, việc xác định điều luật áp dụng phụ thuộc vào việc người phát hiện tài sản có hay không xác định được chủ sở hữu của tài sản. Pháp luật dân sự quy định đối với việc nhặt/ phát hiện được tài sản như sau:

Căn cứ Điều 228 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu như sau:

“Điều 228. Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu

1. Tài sản vô chủ là tài sản mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản đó.

Người đã phát hiện, người đang quản lý tài sản vô chủ là động sản thì có quyền sở hữu tài sản đó, trừ trường hợp luật có quy định khác; nếu tài sản là bất động sản thì thuộc về Nhà nước.

2. Người phát hiện tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Việc giao nộp phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người giao nộp, người nhận, tình trạng, số lượng, khối lượng tài sản giao nộp.

Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người phát hiện về kết quả xác định chủ sở hữu.

Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được ai là chủ sở hữu tài sản là động sản thì quyền sở hữu đối với động sản đó thuộc về người phát hiện tài sản.

Sau 05 năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được ai là chủ sở hữu tài sản là bất động sản thì bất động sản đó thuộc về Nhà nước; người phát hiện được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.”

Căn cứ Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên như sau:

“Điều 230. Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên

1. Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.

2. Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:

a) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước;

b) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên là tài sản thuộc di tích lịch sử – văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì tài sản đó thuộc về Nhà nước; người nhặt được tài sản được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.”

Theo đó, căn cứ theo quy định pháp luật nêu trên, Điều 228 Bộ luật Dân sự 2015 được áp dụng khi người nhặt được tài sản là tài sản vô chủ hoặc người nhặt được tài sản không xác định được tài sản đó là của ai. Với Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015 được áp dụng khi một người nhặt được hoặc phát hiện tài sản của chủ sở hữu tài sản bỏ quên, ở đây người phát hiện biết chủ sở hữu của tài sản hoặc xác định được chủ sở hữu của tài sản bị bỏ quên là ai nhưng có thể biết hoặc không biết địa chỉ của người đó để trả lại tài sản.

Do vậy, trường hợp này, nếu bà C là người mua đồng nát xác định được chiếc loa cũ đó được mua của ai, người đó có thể là chủ sở hữu đối với số tiền đó thì áp dụng theo Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015. Trường hợp bà C nhặt được chiếc loa và phát hiện số tiền và hoàn toàn không có thông tin gì đối với chủ sở hữu của số tiền đó, thì ở đây số tiền đó là tài sản không xác định được chủ sở hữu là ai nên áp dụng theo Điều 228 Bộ luật Dân sự 2015 để xác lập quyền sở hữu.

Với những tư vấn về câu hỏi Luật áp dụng khi nhặt được tiền khai báo nhưng không tìm được chủ, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

Bài liên quan:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com