Các hàng hóa không được phép bán online trên mạng

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Các hàng hóa không được phép bán online trên mạng?

Em xin được tư vấn của công ty Luật là những hàng hóa nào bị cấm bán online trên mạng ạ, quy định ở đâu và nếu bán thì có thể bị phạt như thế nào? Em xin cảm ơn.


Luật sư Tư vấn Luật Dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 30 tháng 05 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề quy định về hàng hóa cấm lưu thông

– Bộ luật hình sự 2015

– Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

– Nghị định số 59/2006/NĐ-CP quy định chi tiết luật thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện

– Nghị định 43/2009/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh của Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 hướng dẫn thi hành Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện

3./ Luật sư tư vấn

Kinh doanh buôn bán hàng hóa online cũng là một hình thực thực hiện hoạt động kinh doanh buôn bán hàng hóa được thực hiện thông qua hệ thông internet. Do đó, khi kinh doanh trực tuyến online, anh/chị cần lưu ý các hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh và các loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện. Với các loại hàng hóa cấm kinh doanh, anh/chị không được thực hiện hoạt động mua bán. Với các loại hàng hóa kinh doanh có điều kiện, anh/chị cần đáp ứng điều kiện theo quy định pháp luật thì mới được phép thực hiện hoạt động mua bán; nếu không đáp ứng điều kiện mà thực hiện hoạt động mua bán, anh/chị sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật. Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa kinh doanh có điều kiện và các chế tài khi vi phạm được pháp luật quy định như sau:

  • Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh:

Căn cứ Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 59/2006/NĐ-CP, Điều 1 Nghị định 43/2009/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh của Nghị định 59/2006/NĐ-CP, Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh bao gồm:

1. Vũ khí quân dụng, trang thiết bị, kỹ thuật, khí tài, phương tiện chuyên dùng quân sự, công an; quân trang (bao gồm cả phù hiệu, cấp hiệu, quân hiệu của quân đội, công an), quân dụng cho lực lượng vũ trang; linh kiện, bộ phận, phụ tùng, vật tư và trang thiết bị đặc chủng, công nghệ chuyên dùng chế tạo chúng
2. Các chất ma túy
3. Hóa chất bảng 1 (theo Công ước quốc tế)
4. Các sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy, mê tín dị đoan hoặc có hại tới giáo dục thẩm mỹ, nhân cách
5. Các loại pháo
6. Đồ chơi nguy hiểm, đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội (bao gồm cả cả chương trình trò chơi điện tử)
7. Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm hoặc chưa được phép sử dụng tại Việt Nam theo quy định tại Pháp lệnh Thúy, Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật
8. Thực vật, động vật hoang dã (bao gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng đó được chế biến) thuộc danh mục điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên quy định và các loại thực vật,động vật quý hiếm thuộc danh mục cấm khai thác và sử dụng
9. Thủy sản cấm khai thác, thủy sản có dư lượng chất độc hại vượt quá giới hạn cho phép, thủy sản có độc tố tự nhiên gây nguy hiểm đến tính mạng con người
10. Phân bón không có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam
11. Giống cây trồng không có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh; giống cây trồng gây hại đến sản xuất và sức khỏe con người, môi trường, hệ sinh thái
12. Giống vật nuôi không có trong danh  mục được phép sản xuất, kinh doanh; giống vật nuôi gây hại cho sức khỏe con người, nguồn gen vật nuôi, môi trường,hệ sinh thái
13. Khoáng sản đặc biệt, độc hại
14. Phế liệu nhập khẩu gây ô nhiễm môi trường
15. Các loại thuốc chữa bệnh cho người, các loại vắc xin, sinh phẩm y tế, mỹ phẩm, hóa chất và chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn trong lĩnh vực gia dụng và y tế chưa được phép sử dụng tại Việt Nam
16. Các loại trang thiết bị y tế chưa được phép sử dụng tại Việt Nam
17.Phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, thực phẩm có nguy cơ cao, thực phẩm được bảo quản bằng phương pháp chiếu xạ, thực phẩm có gen đã bị biến đổi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép
18. Sản phẩm, vật liệu có chứa amiăng thuộc nhóm amfibole
19.Thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập lậu
  • Danh mục hàng hóa kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện của pháp luật: 

Căn cứ Phụ lục II, Phụ lục III Nghị định 59/2006/NĐ-CP, Danh mục hàng hóa kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện của pháp luật bao gồm:

1. Hàng hóa hạn chế kinh doanh:

1. Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ
2. Hàng hóa có chứa chất phóng xạ, thiết bị bức xạ hoặc nguồn phóng xạ
3. Vật liệu nổ công nghiệp, Nitrat Amôn (NH4NO3) hàm lượng cao từ 98,5% trở lên
4. Hóa chất bảng 2 và bảng 3 (theo Công ước quốc tế)
5. Thực vật, động vật hoang dã quý hiếm (bao gồm cả vật sống và các bộ phận của chúng đã được chế biến)
6. Thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác
7. Rượu các loại

2. Hàng hóa kinh doanh có điều kiện:

 Hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh:

1.Xăng, dầu các loại
2.Khí đốt các loại (Bao gồm cả hoạt động chiết nạp)
3.Các thuốc dùng cho người
4.Thực phẩm thuộc Danh mục thực phẩm có nguy cơ cao
5.Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật; nguyên liệu sản xuất thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật
6.Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia
7.Phim, băng, đĩa hình (bao gồm cả hoạt động in, sao chép)
8.Nguyên liệu thuốc lá

 

Hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh:

1.Các loại hóa chất độc khác không thuộc hóa chất bảng (theo Công ước quốc tế)
2.Thực phẩm ngoài Danh mục thực phẩm có nguy cơ cao, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm
3.Các loại trang thiết bị y tế
4.Ngư cụ (bao gồm cả nguyên liệu để chế tạo ngư cụ) và trang thiết bị khai thác thủy sản
5.Thức ăn nuôi thủy sản
6.Giống vật nuôi được phép sản xuất kinh doanh
7.Thức ăn chăn nuôi
8.Giống cây trồng chính, giống cây trồng quý hiếm cần bảo tồn
9.Phân bón
10.Vật liệu xây dựng
11.Than mỏ
12.Vật tư, thiết bị viễn thông (trừ thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến)
13.Thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến
14.Các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động
15.Vàng
  • Chế tài khi kinh doanh hàng hóa cấm hoặc không đủ điều kiện kinh doanh các loại hàng hóa pháp luật quy định điều kiện:

Đối với hành vi buôn bán hàng hóa cấm kinh doanh hoặc kinh doanh hàng hóa không đáp ứng điều kiện kinh doanh theo danh mục nêu trên, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người có hành vi buôn bán sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Xử lý hành chính:

+ Đối với kinh doanh hàng cấm:

Căn cứ Điều 10 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm sẽ căn cứ vào giá trị của hàng hóa được sản xuất, buôn bán để áp dụng mức xử phạt hành chính như sau:

Điều 10. Hành vi sản xuất, buôn bán hàng cấm

1. Đối với hành vi buôn bán hàng cấm quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền như sau:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị dưới 1.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

h) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;

i) Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

k) Phạt tiền 100.000.000 đồng trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này đối với hành vi sản xuất hàng cấm.

3. Các mức phạt tiền quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng xử phạt hành chính đối với:

a) Chủ phương tiện vận tải hoặc người điều khiển phương tiện vận tải có hành vi vận chuyển hàng cấm;

b) Chủ kho tàng, bến bãi, nhà ở có hành vi tàng trữ hàng cấm;

c) Người có hành vi giao nhận hàng cấm.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

b) Tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất hàng cấm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;

c) Tịch thu phương tiện vận tải được sử dụng để vận chuyển hàng cấm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 70.000.000 đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;

d) Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;

đ) Đình chỉ hoạt động một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất vi phạm từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy tang vật là hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường, đồ chơi có hại cho giáo dục nhân cách và sức khỏe trẻ em và văn hóa phẩm độc hại đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

c) Buộc thu hồi tiêu hủy hàng cấm đang lưu thông trên thị trường đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này.”

+ Kinh doanh hàng hóa hạn chế kinh doanh những không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật:

Căn cứ Điều 19 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, tuy thuộc vào hành vi và mức độ vi phạm, người thực hiện hoạt động kinh doanh sẽ bị xử phạt theo quy định như sau:

Điều 19. Hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, nhân viên trực tiếp mua bán hàng hóa, nhân viên trực tiếp thực hiện dịch vụ không đảm bảo một trong các yêu cầu về trình độ chuyên môn nghiệp vụ hoặc kinh nghiệm nghề nghiệp theo quy định;

b) Người trực tiếp mua bán hàng hóa hoặc trực tiếp thực hiện dịch vụ không đảm bảo sức khoẻ theo quy định.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cơ sở kinh doanh không đảm bảo một trong các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị, quy trình kinh doanh và các tiêu chuẩn khác theo quy định;

b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các điều kiện kinh doanh hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh trong quá trình hoạt động kinh doanh theo quy định;

c) Không thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định.

3. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định tại khoản 1 và 2 Điều này đối với người sản xuất, người nhập khẩu thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

4. Đối với các hành vi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh rượu và thuốc lá thì áp dụng các quy định tại Mục 4 và 5 Chương II Nghị định này để xử phạt hành chính.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định từ khoản 1 đến khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.”

+ Hàng hóa kinh doanh có điều kiện:

Trường hợp không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh hàng hóa theo quy định, người thực hiện hoạt động kinh doanh sẽ bị xử phạt hành chính theo hành vi vi phạm quy định tại Điều 20 Nghị định 185/2013/NĐ-CP như sau:

Điều 20. Hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, nhân viên trực tiếp mua, bán hàng hóa, nhân viên trực tiếp thực hiện dịch vụ không đảm bảo yêu cầu về trình độ nghiệp vụ chuyên môn hoặc kinh nghiệm nghề nghiệp theo quy định;

b) Người trực tiếp mua, bán hàng hóa hoặc người trực tiếp thực hiện dịch vụ không đảm bảo sức khoẻ theo quy định.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cơ sở kinh doanh không đảm bảo một trong các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị, quy trình kinh doanh và các tiêu chuẩn khác theo quy định;

b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các điều kiện kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện trong quá trình hoạt động kinh doanh theo quy định;

c) Không thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện không đảm bảo các điều kiện lưu thông theo quy định.

4. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 3 Điều này đối với người sản xuất, nhập khẩu thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật không bảo đảm điều kiện lưu thông đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Buộc thu hồi tiêu hủy hàng hóa vi phạm đang lưu thông trên thị trường đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.”

– Xử lý hình sự:

Bên cạnh xử lý hành chính, khi kinh doanh hàng hóa cấm kinh doanh có số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án về một trong các tội theo quy định pháp luật hình sự chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, người thực hiện hoạt động kinh doanh sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định như sau:

Căn cứ Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội buôn bán hàng cấm như sau:

Điều 190. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 232, 234, 244, 246, 248, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kilôgam đến dưới 100 kilôgam hoặc từ 50 lít đến dưới 100 lít;

b) Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 bao đến dưới 3.000 bao;

c) Sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam;

d) Sản xuất, buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Sản xuất, buôn bán hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

e) Sản xuất, buôn bán hàng hóa dưới mức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

d) Có tính chất chuyên nghiệp;

đ) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít;

e) Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao;

g) Pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam;

h) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

i) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng;

k) Buôn bán qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;

l) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:

a) Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kilôgam trở lên hoặc 300 lít trở lên;

b) Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;

c) Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;

d) Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:

a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;

b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 6.000.000.000 đồng;

c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 6.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;

d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Như vậyKhi thực hiện hoạt động kinh danh online, bên cạnh quan tâm đến các danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, anh/chị cần quan tâm đến các loại hàng hóa bị hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Với những loại hàng hóa bị hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, anh/chị cần đáp ứng đủ điều kiện để thực hiện hoạt động kinh doanh với loại hàng hóa đó. Trường hợp vi phạm quy định về kinh doanh hàng hóa cấm, hàng hóa hạn chế kinh doanh, hàng hóa kinh doanh có điều kiện, anh/chị sẽ phải chịu các chế tài với hành vi vi phạm của mình nêu trên.

 

Với những tư vấn về câu hỏi Các hàng hóa không được phép bán online trên mạng, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.

Bài liên quan:

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com