Trọn bộ thủ tục kinh doanh, các bước giấy phép để mở nhà nghỉ 2019

Thủ tục kinh doanh nhà nghỉ đầy đủ nhất bao gồm tất cả các bước từ xây dựng nhà nghỉ, đăng ký kinh doanh, giấy phép hoạt động, treo biển hiệu.

Với số vốn đầu tư không quá lớn và lợi nhuận cao, kinh doanh nhà nghỉ là định hướng của rất nhiều người muốn tự điều hành công việc kinh doanh của riêng mình. Không quy mô lớn và đòi hỏi phải có nhiều khoản đầu tư như khách sạn,tuy nhiên, bạn không thể chỉ rót tiền vào và mong muốn nhà nghỉ của bạn sẽ tự động thành công.

Bạn cần nghiên cứu rõ thủ tục, quản lý và lập kế hoạch tài chính chặt chẽ để công việc kinh doanh không phải bỏ quá nhiều tiền bạc mà vẫn đem lại lợi nhuận tối đa.

1. Thủ tục kinh doanh nhà nghỉ: Xây dựng nhà nghỉ hoặc thuê nhà có sẵn

Bạn có thể dễ dàng tìm thấy một căn nhà hoặc nhà nghỉ mà chủ sở hữu của nó đang muốn cho thuê hoặc bán đi phù hợp với nhu cầu kinh doanh của mình. Mặt khác bạn cũng có thể xây dựng một cái mới từ đầu. Có những ưu điểm và nhược điểm cho mỗi lựa chọn trên bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định.

Nếu bạn mua một nhà nghỉ hiện có hoặc thuê một căn nhà để làm nhà nghỉ, nó sẽ có thể rẻ hơn so với xây dựng một nhà nghỉ mới, trừ khi nó cần phải được cải tạo, sửa chữa quá nhiều. Cách này cho bạn một số lợi thế về nhân viên, hạ tầng sẵn sàng, đơn giản hóa bước đầu và có thể ngay lập tức kinh doanh.

Tuy nhiên, nếu căn nhà, nhà nghỉ mà bạn mua lại có một lịch sử xấu hoặc các vấn đề pháp lý khác, công việc kinh doanh có thể bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Bạn sẽ phải đưa ra nhiều giải pháp, thời gian và công sức để thay đổi những giá trị này.

Nếu bạn xây dựng một nhà nghỉ mới, nó có lẽ sẽ đắt hơn. Nhưng bạn sẽ có thể xây dựng nó theo cách bạn muốn. Cũng nên nhớ rằng nếu bạn xây dựng một nhà nghỉ mới, uy tín, chất lượng, ấn tượng đều sẽ được đưa về từ mốc khởi đầu.

Việc xây dựng nhà nghỉ sẽ đi cùng với thủ tục bắt buộc là xin giấy phép xây dựng nhà nghỉ. Mức phí cho thủ tục này không quá lớn và các chủ đầu tư có thể xin được giấy tờ đó một cách dễ dàng. Ngoại trừ những trường hợp nhà nghỉ của bạn:

    • Nằm trong dự án quy hoạch của thành phố hay địa bàn;
    • Trái với những quy định pháp luật hiện hành;

a. Điều kiện cấp giấy phép xây dựng nhà nghỉ

Theo quy định  tại Điều 93 Luật Xây dựng 2014, điều kiện chung cấp giấy phép xây dựng đối với nhà tại đô thị gồm:

– Phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt;

– Bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm an toàn hạ tầng kỹ thuật, hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi, đê điều, năng lượng, giao thông; bảo đảm khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ, độc hại…;

– Thiết kế xây dựng nhà nghỉ được thực hiện theo quy định;

Ngoài ra, nhà nghỉ phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng; nhà nghỉ thuộc khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng thì phải phù hợp với quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị.

Trường hợp nhà nghỉ tại nông thôn khi xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn.

b. Thủ tục xin cấp phép xây dựng nhà nghỉ

Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 15/2016/TT-BXD, hồ sơ xin cấp phép xây dựng nhà nghỉ gồm:

– Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo mẫu

– Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

– Bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính hai bộ bản vẽ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt theo quy định của pháp luật về xây dựng, mỗi bộ gồm:

+ Bản vẽ mặt bằng công trình trên lô đất tỷ lệ 1/50 – 1/500 kèm theo sơ đồ vị trí công trình;

+ Bản vẽ mặt bằng các tầng, các mặt đứng và mặt cắt chính của công trình tỷ lệ 1/50 – 1/200;

+ Bản vẽ mặt bằng móng tỷ lệ 1/50 – 1/200 và mặt cắt móng tỷ lệ 1/50 kèm theo sơ đồ đấu nối hệ thống thoát nước mưa, xử lý nước thải, cấp nước, cấp điện, thông tin tỷ lệ 1/50 – 1/200.

Trường hợp thiết kế xây dựng của công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định, các bản vẽ thiết kế nêu trên là bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp các bản vẽ thiết kế xây dựng đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định.

– Đối với công trình xây chen có tầng hầm, ngoài các tài liệu đã nêu, hồ sơ còn phải bổ sung bản sao hoặc tệp tin chứa bản chụp chính văn bản chấp thuận biện pháp thi công móng của chủ đầu tư đảm bảo an toàn cho công trình và công trình lân cận.

– Đối với công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết của chủ đầu tư bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề.

Hồ sơ nộp tại UBND cấp huyện. Thời gian cấp Giấy phép xây dựng là 15 ngày đối với nhà nghỉ, trường hợp đến thời hạn cấp giấy phép nhưng cần phải xem xét thêm thì cơ quan cấp giấy phép phải thông báo bằng văn bản và thời gian không được quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn.

2. Thủ tục kinh doanh nhà nghỉ: Đăng ký kinh doanh lĩnh vực nhà nghỉ, lưu trú

Đối với việc đăng ký kinh doanh nhà nghỉ, các cá nhân, tổ chức có thể lựa chọn giữa việc Thành lập Doanh nghiệp hoặc Thành lập hộ kinh doanh cá thể. Thực tế chỉ ra rằng, đa phần các nhà nghỉ đều lựa chọn phương án thành lập và đăng ký hộ kinh doanh cá thể, do những ưu điểm trong việc quản lý sổ sách, kế toán, hoạt động, phương thức tính thuế và sự phù hợp với quy mô kinh doanh.

Theo quy định Luật Doanh nghiệp 2014 và Điều 71 Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký như sau:

a. Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh cá thể:

– Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm:

+ Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có);

+ Ngành, nghề kinh doanh (Kinh doanh nhà nghỉ);

+ Số vốn kinh doanh;

+ Số lao động (Số lượng ước chừng tối đa);

+ Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.

– Bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình và bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.

b. Thời hạn giải quyết:

Là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh.

Nếu quá thời hạn trên mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thì người đăng ký hộ kinh doanh có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

c. Nơi thực hiện thủ tục hành chính:

Phòng tài chính kế toán thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi dự định đặt nhà nghỉ.

3. Thủ tục kinh doanh nhà nghỉ: Hoàn thiện Giấy phép Phòng cháy chữa cháy (PCCC) nếu thuộc trường hợp bắt buộc

Hiện nay, an toàn về cháy nổ đang được đặt lên hàng đầu, đặc biệt các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn, karaoke thì yêu cầu phải có Giấy phép phòng cháy, chữa cháy là yêu cầu bắt buộc.

Theo quy định tại Phụ lục IV Nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định về Danh mục dự án, công trình do cơ quan cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy có quy định như sau:

“…10. Nhà chung cư cao 05 tầng trở lên; nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên. …”

a. Điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, Karaoke

    • Có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của cơ sở.
    • Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy trong cơ sở.
    • Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện; thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt; việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
    • Có quy trình kỹ thuật an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
    • Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.
    • Có phương án chữa cháy, thoát nạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt
    • Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người phù hợp với tính chất, đặc điểm của cơ sở bảo đảm về số lượng, chất lượng và hoạt động phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an.
    • Có văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa
    • Có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động phòng cháy và chữa cháy theo quy định của Bộ Công an.

b. Hồ sơ xin cấp Giấy phép phòng cháy, chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, Karaoke

    • Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy;
    • Bản sao Giấy chứng nhận Thẩm duyệt về PCCC và văn bản nghiệm thu về PCCC đối với cơ sở xây dựng mới hoặc cải tạo;
    • Bảng thống kê các phương tiện PCCC, phương tiện thiết bị cứu người đã trang bị theo mẫu;
    • Quyết định thành lập đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở kèm theo danh sách những nhân viên có “Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC”;
    • Phương án chữa cháy của cơ sở.

c. Cơ quan có thẩm quyền

Cảnh sát PCCC cấp quận, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và thẩm định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện PCCC.

    • Đối với khách sạn, nhà nghỉ cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích 5000 mtrở lên:

Giấy phép PCCC là: Công văn nghiệm thu PCCC  hay Quyết định nghiệm thu PCCC của cơ quan CS PCCC.

Thẩm quyền: CS PCCC cấp tỉnh.

    • Đối với những khách sạn, cơ sở lưu trú quy mô dưới 5 tầng và dưới 5000 m3

Giấy phép PCCC là: Biên bản kiểm tra về PCCC của cơ quan cảnh sát PCCC.

Thẩm quyền CS PCCC cấp quận.

d. Thời hạn giải quyết

      Thời hạn là 20- 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

4. Thủ tục kinh doanh nhà nghỉ: Hoàn thiện Giấy phép An ninh trật tự

Kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ là một trong những ngành nghề kinh doanh bắt buộc phải có điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định tại khoản 6 Điều 3 của Thông tư 33/2010/TT-BCA như sau:

“Cho thuê lưu trú, gồm các hoạt động kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ hoặc các hình thức cho thuê lưu trú khác cho khách nghỉ qua đêm hoặc theo giờ.”

a. Điều kiện cấp Giấy phép an ninh, trật tự để kinh doanh nhà nghỉ

– Người đứng đầu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và người đại diện hợp pháp theo pháp luật của cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự phải có đạo đức tốt, lý lịch rõ ràng và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định này.

– Cơ sở kinh doanh ngành, nghề có điều kiện về an ninh, trật tự chỉ được tiến hành các hoạt động kinh doanh sau khi có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp.

– Chỉ các cá nhân, tổ chức Việt Nam ở trong nước mới được sản xuất con dấu. Chỉ các cơ sở của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân mới được sản xuất, kinh doanh sửa chữa công cụ hỗ trợ và sửa chữa súng săn.

– Địa điểm kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự không nằm trong khu vực cấm theo quy định của pháp luật.

b. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự

– Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;

– Bản sao: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trừ hộ gia đình kinh doanh chưa được cấp giấy chứng nhận này); Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động (đối với chi nhánh doanh nghiệp); Giấy chứng nhận đăng ký thuế (đối với các tổ chức sự nghiệp có thu);

– Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy hoặc biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy;

– Bản khai lý lịch của những người quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này (có dán ảnh và xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan nhà nước quản lý trực tiếp). Nếu là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có bản khai nhân sự, bản photocopy hộ chiếu, bản photocopy thẻ cư trú (xuất trình bản chính để kiểm tra).

c. Nơi thực hiện thủ tục hành chính:

Cơ quan công an cấp huyện nơi anh đang cư trú.

d. Thời hạn giải quyết:

Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan Công an có thẩm quyền phải hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho tổ chức, cá nhân. Trường hợp không đủ điều kiện thì cơ quan Công an phải có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

5. Thủ tục kinh doanh nhà nghỉ: Gắn biển, tiếp thị, quảng cáo chính thức đi vào quá trình kinh doanh

a. Quy định về biển hiệu nhà nghỉ

  • Các nội dung cần có trên biển hiệu nhà nghỉ

Theo điều 34 Luật Quảng cáo năm 2012 về Biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh thì biển hiệu phải có các nội dung sau:

– Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có).

– Tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

– Địa chỉ, điện thoại.

Trong đó tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có); Tên gọi đầy đủ bằng chữ Việt Nam đúng với quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp; Loại hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã; Ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chính (đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ); Địa chỉ giao dịch, số điện thoại (nếu có); Trên biển hiệu được thể hiện biểu tượng (logo) đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, diện tích logo không quá 20% diện tích biển hiệu, không được thể hiện thông tin, hình ảnh quảng cáo cho bất cứ loại hàng hóa, dịch vụ nào.

  • Quy định về ngôn ngữ và kích thước của biển hiệu nhà nghỉ

– Việc thể hiện chữ viết trên biển hiệu phải tuân thủ quy định tại Điều 18 của Luật quảng cáo. Biển hiệu phải bảo đảm mỹ quan; Biển hiệu phải viết bằng chữ Việt Nam; trường hợp muốn thể hiện tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế, tên, chữ nước ngoài phải ghi ở phía dưới, kích thước nhỏ hơn chữ Việt Nam.

– Kích thước biển hiệu được quy định như sau:

+ Đối với biển hiệu ngang, chiều cao tối đa là 2 m, chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà;

+ Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là một mét, chiều cao tối đa là 4 mét nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu.

Về mỹ quan, chữ viết, vị trí và nội dung biển hiệu được hướng dẫn tại Điều 23 Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 6/11/2009 ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng.

  • Vị trí đặt biển hiệu nhà nghỉ

Biển hiệu chỉ được viết, đặt sát cổng, hoặc mặt trước của trụ sở hoặc nơi kinh doanh của tổ chức, cá nhân; mỗi cơ quan, tổ chức chỉ được viết, đặt một biển hiệu tại cổng; tại trụ sở hoặc nơi kinh doanh độc lập với tổ chức, cá nhân khác chỉ viết, đặt một biển hiệu ngang và không quá hai biển hiệu dọc.

Quy định về treo biển hiệu là một trong các thủ tục cần đáp ứng. Do vậy sau khi thành lập thương nhân sẽ phải lưu tâm ngay vấn đề này để đảm bảo đúng quy định.

  • Những điều cấm trong việc lắp đặt biển hiệu nhà nghỉ

1. Biển hiệu không được che chắn không gian thoát hiểm, cứu hoả; không được lấn ra vỉa hè, lòng đường, ảnh hưởng đến giao thông công cộng.

2. Việc đặt biển hiệu phải tuân thủ các quy định của Luật quảng cáo và quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

  • Điều kiện treo biển quảng cáo của nhà nghỉ

1. Giấy phép xây dựng công trình quảng cáo ngoài trời

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 31 Luật Quảng cáo năm 2012, với trường hợp xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 20 m2 kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn phải xin giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương.

Cũng theo quy định tại Điều 31 Luật quảng cáo năm 2012, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo gồm có:

– Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo;

– Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo. Đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo, cho thuê biển quảng cáo thì giấy phép đăng ký kinh doanh bắt buộc phải có ngành nghề Quảng cáo. Doanh nghiệp có thể thay đổi đăng ký kinh doanh nếu thấy thiếu ngành nghề nói trên.

– Bản sao có chứng thực một trong những loại giấy tờ sau: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; văn bản thoả thuận hoặc hợp đồng thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với công trình quảng cáo đứng độc lập; hợp đồng thuê địa điểm giữa chủ đầu tư xây dựng công trình quảng cáo với chủ sở hữu hoặc chủ sử dụng hợp pháp đối với công trình quảng cáo gắn với công trình xây dựng có sẵn hoặc văn bản thông báo kết quả trúng thầu đối với trường hợp địa điểm quảng cáo trong quy hoạch phải tổ chức đấu thầu;

– Trường hợp công trình quảng cáo gắn với công trình đã có trước phải có văn bản thoả thuận hoặc hợp đồng của chủ đầu tư xây dựng công trình quảng cáo với chủ sở hữu hoặc người được giao quyền quản lý công trình đã có trước;

– Bản vẽ thiết kế của tổ chức thiết kế hợp pháp thể hiện được vị trí mặt bằng, mặt cắt, mặt đứng điển hình; mặt bằng móng của công trình có chữ ký và đóng dấu của chủ đầu tư xây dựng công trình quảng cáo. Trường hợp công trình quảng cáo gắn vào công trình đã có trước thì bản vẽ thiết kế phải thể hiện được giải pháp liên kết công trình quảng cáo vào công trình đã có trước.

2. Quy cách treo biển quảng cáo ngoài trời

Về cách đặt biển quảng cáo được hướng dẫn chi tiết tại Mục 2 Khoản 2 Điều 2 Chương 2 của Thông tư 19/2013/TT-BXD ngày 31/10/2013 ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương tiện quảng cáo ngoài trời như sau: Bảng quảng cáo đặt tại các công trình/nhà ở riêng lẻ:

a) Bảng quảng cáo treo, gắn, ốp vào mặt tường bên công trình/nhà ở phải đảm bảo các yêu cầu sau:

– Chiều cao tối đa 5 m, chiều dài không vượt quá giới hạn mặt tường tại vị trí đặt bảng. Số lượng không quá 2 bảng;

– Đối với công trình/nhà ở 4 tầng trở xuống, chiều cao của bảng quảng cáo ốp vào mặt tường bên không được nhô lên quá sàn mái 1,5 m;

– Đối với công trình/nhà ở 5 tầng trở lên toàn bộ diện tích mặt bảng quảng cáo phải gắn, ốp vào mặt tường bên.

b) Bảng quảng cáo đặt tại mặt tiền công trình/nhà ở phải đảm bảo các yêu cầu sau:

– Bảng quảng cáo ngang:

+ Mỗi tầng chỉ được đặt một bảng, chiều cao tối đa 2 m, chiều ngang không được vượt quá giới hạn chiều ngang mặt tiền công trình/nhà ở; mặt ngoài bảng quảng cáo nhô ra khỏi mặt tường công trình/nhà ở tối đa 0,2 m;

+ Vị trí: ốp sát vào ban công, mép dưới bảng trùng với mép dưới của sàn ban công hoặc mái hiên.

– Bảng quảng cáo dọc:

+ Chiều ngang tối đa một m, chiều cao tối đa 4 m nhưng không vượt quá chiều cao của tầng công trình/nhà ở nơi đặt bảng quảng cáo, mặt ngoài bảng quảng cáo nhô ra khỏi mặt tường công trình/nhà ở tối đa 0,2 m;

+ Vị trí đặt: ốp sát vào mép tường đứng;

– Đối với công trình/nhà ở một tầng chỉ được đặt một bảng ngang và một bảng đứng.

Chú thích: Tùy thuộc vào điều kiện thực tế của địa phương và địa hình cụ thể của khu vực có thể có quy định riêng.

  • Mức xử phạt lỗi vi phạm quy định về treo biển hiệu, biển quảng cáo nhà nghỉ

Việc vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo bị xử lý như sau:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định;

b) Quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này, Điểm a Khoản 2 Điều 63, Khoản 3 Điều 66 Nghị định này;

c) Quảng cáo có tính chất kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc; xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo; định kiến về giới; định kiến về người khuyết tật;

d) Ép buộc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo hoặc tiếp nhận quảng cáo trái ý muốn.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định;

b) Quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Lợi dụng quảng cáo để xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;

b) Quảng cáo có nội dung so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác;

c) Quảng cáo có nội dung tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em;

d) Quảng cáo có nội dung trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam.

5. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 68, Điểm c Khoản 3 Điều 69, Điểm a Khoản 2 Điều 72, Điểm b Khoản 1 Điều 75 và Khoản 1 Điều 78 Nghị định này;

b) Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 68, Điểm a Khoản 3 Điều 69 và Khoản 4 Điều 70 Nghị định này;

c) Quảng cáo gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo;

d) Sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam trong quảng cáo mà không thể hiện đầy đủ chủ quyền quốc gia;

đ) Sử dụng hình ảnh đồng tiền Việt Nam trong quảng cáo.

6. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước;

b) Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 63 Nghị định này;

c) Quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sự tôn nghiêm đối với anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 63 Nghị định này.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này;

b) Buộc xin lỗi tổ chức, cá nhân đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều này;

c) Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 5 Điều này.

b. Các bước cần làm để tiếp thị, quảng cáo nhà nghỉ

  • Thiết kế một trang web

Nếu nhà nghỉ của bạn không có trên Internet, về cơ bản khách hàng tiềm năng của bạn sẽ khó có thể tìm thấy nó. Tối thiểu, trang web của bạn phải có tên nhà nghỉ, địa điểm, thông tin liên lạc và giá cả ban đêm.

  • Đặt quảng cáo trên các trang web du lịch, phần mềm đặt phòng,…

Các trang web du lịch được thiết kế cho mọi người tìm nhà nghỉ khách sạn và điểm đến du lịch. Bằng cách đặt quảng cáo trên các trang web này, bạn sẽ thu hút khách hàng từ khắp nơi trên đất nước, và thậm chí từ các quốc gia khác.

  • Để tờ rơi quảng cáo trên điểm dừng nghỉ ở quốc lộ

Hầu hết các điểm dừng nghỉ đều có các khu vực với tài liệu quảng cáo và thông tin du lịch. Liên hệ với Phòng thương mại địa phương của bạn để xem cách tài liệu quảng cáo kinh doanh nhà nghỉ của bạn có thể đặt ở đó.

  • Cung cấp các khuyến mãi, giảm giá

Giảm giá theo nhóm, bữa sáng miễn phí, mức giá thấp hơn cho một số ngày đặc biệt là những cách tốt để thu hút khách hàng. Đảm bảo rằng tất cả các khuyến mãi xuất hiện trên trang web của bạn.

Đồng thời đảm bảo rằng bạn vẫn có thể kiểm soát tất cả chi phí hoạt động của mình khi cung cấp giảm giá.

  • Và điều cuối cùng là đảm bảo khách hàng có một trải nghiệm tuyệt vời

Ngoài các phương pháp quảng cáo khác, truyền miệng cũng rất quan trọng. Tất cả khách hàng của bạn có thể nói với bạn bè và gia đình về nhà nghỉ của bạn, đăng nội dung trên phương tiện truyền thông xã hội và đánh giá trực tuyến. Bạn sẽ muốn làm mọi thứ bạn có thể, để đảm bảo phản hồi này là tích cực.

Bài viết có thể bạn muốn xem thêm:

Với toàn bộ những hướng dẫn trên đây, mong rằng các bạn đã hoàn toàn tự tin sẽ thành công trong dự định kinh doanh của mình. Nếu còn bất kỳ vướng mắc nào, hãy liên hệ ngay với chúng tôi theo Hotline 1900.0191 để được hướng dẫn!

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com