Thủ tục công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Thủ tục công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Trước đây anh A nhận ủy quyền từ vợ chồng anh B và chị C, nội dung được toàn quyền sử dụng và chuyển nhượng toàn bộ thửa đất (thửa đất có giấy chứng nhận mang tên anh B và chị C). Hợp đồng ủy quyền được văn phòng công chứng chứng nhận. Nay anh A chết đột tử. Vợ anh là chị D đề nghị làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên từ anh B và chị C cho vợ anh A và đã được B và C đồng ý vì bản chất thật của hợp đồng ủy quyền là mua bán. Xin được tư vấn trình tự thủ tục khi thực hiện công chứng hợp đồng chuyển nhượng này. Xin chân thành cám ơn!

Gửi bởi: Lê Thanh Quang

Trả lời có tính chất tham khảo

Hợp đồng ủy quyền giữa anh B, chị C và anh A đã hết hiệu lực kể từ thời điểm anh A chết theo quy định tại khoản 4 Điều 589 Bộ luật Dân sự. Nay, anh B, chị C và vợ của anh A (chị D) muốn làm thủ tục công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật thì không cần phải làm thủ tục chấm dứt hợp đồng ủy quyền nêu trên nữa.

Trình tự, thủ tục được thực hiện theo quy định của Luật Công chứng và văn bản hướng dẫn.

– Chủ thể:

+ Bên chuyển nhượng: Vợ chồng anh B và chị C;

+ Bên nhận chuyển nhượng: chị D (vợ anh A).

– Cơ quan thẩm quyền: Tổ chức công chứng bất kỳ trên địa bàn nơi có bất động sản (theo khoản 1 Điều 37 Luật Công chứng). Bạn có thể lựa chọn Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng.

– Hồ sơ công chứng: theo Điều 35 Luật Công chứng.

+ Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch theo mẫu;

+ Dự thảo hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (các bên có thể không lập dự thảo mà yêu cầu tổ chức công chứng lập theo mẫu);

+ Bản sao giấy tờ tuỳ thân: chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của các bên; sổ hộ khẩu để xác định nơi thường trú;

+ Bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

+ Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có, như: đăng ký kết hôn của anh B, chị C.

Bản sao nêu trên là bản chụp, bản in, bản đánh máy hoặc bản đánh máy vi tính nhưng phải có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính và không phải có chứng thực. Khi nộp bản sao thì người yêu cầu công chứng phải xuất trình bản chính để đối chiếu.

– Trình tự, thủ tục:

+ Công chứng viên tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng. Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý, ghi vào sổ công chứng.

Trong trường hợp có căn cứ cho rằng trong hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, việc giao kết hợp đồng, giao dịch có dấu hiệu bị đe doạ, cưỡng ép, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng hoặc có sự nghi ngờ đối tượng của hợp đồng, giao dịch là không có thật thì công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định; trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng.

+ Trường hợp các bên có dự thảo hợp đồng thì Công chứng viên kiểm tra dự thảo hợp đồng, giao dịch; nếu trong dự thảo hợp đồng, giao dịch có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, đối tượng của hợp đồng, giao dịch không phù hợp với thực tế thì công chứng viên phải chỉ rõ cho người yêu cầu công chứng để sửa chữa. Trường hợp người yêu cầu công chứng không sửa chữa thì công chứng viên có quyền từ chối công chứng.

Trường hợp các bên không có dự thảo hợp đồng thì Công chứng viên soạn thảo hợp đồng theo mẫu và theo sự thỏa thuận của các bên.

+ Người yêu cầu công chứng tự đọc lại dự thảo hợp đồng hoặc công chứng viên đọc cho người yêu cầu công chứng nghe. Trường hợp người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo hợp đồng thì ký vào từng trang của hợp đồng.

+ Công chứng viên ghi lời chứng; ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch.

+ Sau khi các bên thanh toán tiền phí công chứng thì sẽ nhận được hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chứng nhận của tổ chức công chứng đó.

– Chi phí khi thực hiện công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên: gồm phí và thù lao công chứng.

+ Phí công chứng: Áp dụng theo Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 19/01/2012 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí công chứng. Theo khoản 2 Điều 2 Thông tư thì phí công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được tính trên giá trị nhà đất. Giá trị này được xác định theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng hoặc tính trên khung giá cơ bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định (đối với trường hợp các bên thỏa thuận giá chuyển nhượng thấp hơn khung giá). Biểu phí cụ thể bạn có thể tham khảo theo Thông tư 08/2012/TTLT-BTC-BTP.

+ Thù lao công chứng (Điều 57 Luật Công chứng): Thù lao công chứng do tổ chức công chứng tự quy định, bao gồm: việc soạn thảo hợp đồng, giao dịch, đánh máy, sao chụp và các việc khác liên quan đến việc công chứng; việc đề nghị xác minh, giám định hoặc thực hiện công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng (nếu có).

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Thông tư liên tịch 08/2012/TTLT-BTC-BTP Hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí công chứng

Luật 82/2006/QH11 Công chứng

Trả lời bởi: CTV3

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com