Công chứng văn bản khai nhận thừa kế và tính thù lao công chứng ngoài trụ sở

Công chứng văn bản khai nhận thừa kế và tính thù lao công chứng ngoài trụ sở

Tôi công chứng văn bản khai nhận và phân chia di sản thừa kế, văn bản do công chứng viên soạn thảo. Sau khi văn bản được công chứng chuyển vào ủy ban thì bị trả lại do nội dung văn bản chưa chặt chẽ. Vậy công chứng viên có trách nhiệm gì trong việc này. Gia đình tôi có người già nên phải ký ngoài trụ sở, khi làm lại văn phòng công chứng lại thu của tôi tiếp tiền ký ngoài trụ sở là đúng hay sai?

Gửi bởi: Đặng Thị Thanh

Trả lời có tính chất tham khảo

Thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch do công chứng viên soạn thảo theo đề nghị của người yêu cầu công chứng được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 41 Luật công chứng. Cụ thể:

– Người yêu cầu công chứng nộp một bộ hồ sơ theo quy định tại các điểm a, c, d và đ khoản 1 và khoản 2 Điều 40 của Luật công chứng và nêu nội dung, ý định giao kết hợp đồng, giao dịch.

– Công chứng viên thực hiện các việc quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 40 của Luật công chứng. Trường hợp nội dung, ý định giao kết hợp đồng, giao dịch là xác thực, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội thì công chứng viên soạn thảo hợp đồng, giao dịch.

– Người yêu cầu công chứng tự đọc dự thảo hợp đồng, giao dịch hoặc công chứng viên đọc cho người yêu cầu công chứng nghe. Trường hợp người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo hợp đồng, giao dịch thì ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch. Công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch.

Theo quy định nêu trên, mặc dù bạn nhờ công chứng viên soạn thảo văn bản khai nhận và phân chia di sản thừa kế nhưng sau khi công chứng viên soạn thảo xong, bạn và những người yêu cầu công chứng phải đọc lại toàn bộ nội dung văn bản này. Nếu nội dung văn bản có gì sai sót, sơ sài, chưa phù hợp với ý chí, nguyện vọng của mình thì người yêu cầu công chứng có quyền yêu cầu công chứng viên sửa đổi, bổ sung. Nếu người yêu cầu công chứng đã hoàn toàn đồng ý với toàn bộ nội dung văn bản thì công chứng viên mới cho ký vào văn bản. Như vậy, việc văn bản công chứng bị trả lại, một phần là do công chứng viên chưa tư vấn đầy đủ, soạn thảo nội dung chưa chặt chẽ; nhưng cũng một phần do người yêu cầu công chứng chưa đọc kỹ nội dung văn bản này.

2. Việc thu thù lao công chứng ngoài trụ sở.

Điều 44 Luật công chứng quy định về địa điểm công chứng như sau:

– Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

– Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

Theo thông tin bạn cung cấp, gia đình bạn có người già nên đã yêu cầu công chứng viên công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Khi yêu cầu công chứng ngoài trụ sở, ngoài phí công chứng, thù lao công chứng quy định tại Điều 66, Điều 67 Luật công chứng, gia đình bạn còn phải trả chi phí cho tổ chức công chứng về việc thực hiện công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng theo quy định tại Khoản 1 Điều 68 Luật công chứng. Việc tổ chức công chứng thu thêm thù lao do thực hiện công chứng ngoài trụ sở theo yêu cầu của gia đình bạn là phù hợp với quy định của pháp luật.

Các văn bản liên quan:

Luật 53/2014/QH13 Công chứng

Trả lời bởi: CTV3

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com