Xử lý hậu quả vụ tai nạn giao thông đường bộ của chính quyền địa phương

Xử lý hậu quả vụ tai nạn giao thông đường bộ của chính quyền địa phương

Vào hồi… giờ, ngày… tháng… năm 2005, tại Km X trên quốc lộ 1A thuộc địa bàn xã M, huyện C, tỉnh Lạng Sơn đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe tải chạy theo hướng Hà Nội – Lạng Sơn và xe khách chạy theo chiều ngược lại làm 02 người chết tại chỗ, 05 người khác bị thương, trong đó lái xe khách bị thương khá nặng. Nhận được tin báo, Cảnh sát giao thông đã kịp thời có mặt để tiến hành công tác điều tra, khám nghiệm hiện trường, tổ chức sơ, cấp cứu những người bị nạn đồng thời thông báo cho UBND xã M và các cơ quan chức năng khác để phối hợp giải quyết. Qua quá trình khám nghiệm, Cảnh sát giao thông phát hiện một trong hai nạn nhân chết tại chỗ không có giấy tờ tuỳ thân, những hành khách khác trên cùng xe xác nhận không biết người này, nên đã tiến hành chụp ảnh nạn nhân tại hiện trường, mô tả các đặc điểm nhận dạng rồi cho thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh như Đài phát thanh và truyền hình tỉnh, báo Lạng Sơn… Tuy nhiên, 03 ngày sau khi hoàn tất công việc khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi, vẫn không có ai là thân nhân hoặc quen biết nạn nhân đến nhận hoặc cung cấp thông tin về nạn nhân nên cơ quan chức năng đã đề nghị chính quyền sở tại tổ chức chôn cất nạn nhân. Cán bộ UBND xã M, khi nhận được tin báo về vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn và đề nghị của cơ quan chức năng về việc giải quyết hậu quả xảy ra, sẽ xử lý việc này như thế nào?

Gửi bởi: Admin Portal

Trả lời có tính chất tham khảo

Đối với vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn xã M, huyện C, tỉnh Lạng Sơn nói trên, việc khám nghiệm hiện trường, tiến hành điều tra, xác minh vụ tai nạn thuộc thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4, 5 Điều 36 Luật Giao thông đường bộ năm 2001, UBND và cơ quan Công an xã M có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ và cơ quan Công an trong việc giải quyết vụ tai nạn và bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn; kịp thời thông báo cho cơ quan Công an đến giải quyết vụ tai nạn; tổ chức cứu chữa, giúp đỡ người bị nạn, bảo vệ hiện trường, bảo vệ tài sản của người bị nạn; trường hợp có người chết, sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã hoàn tất công việc theo quy định của pháp luật và đồng ý cho chôn cất, nếu người chết không rõ tung tích, không có thân nhân hoặc thân nhân không có khả năng chôn cất thì UBND có trách nhiệm tổ chức chôn cất.

Lưu ý: Đối với trường hợp tai nạn giao thông đường sắt thì trách nhiệm của UBND nơi xảy ra tai nạn cũng tương tự như đối với trường hợp tai nạn giao thông đường bộ theo khoản 4 Điều 11 Luật Đường sắt năm 2005.

Theo đó, cán bộ UBND xã M cần tiến hành các công việc sau:

– Sau khi nhận được tin báo, UBND xã M cần cử ngay cán bộ đến hiện trường vụ tai nạn để phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết hậu quả theo quy định của pháp luật;

– Khi nhận được đề nghị của cơ quan có thẩm quyền về việc tổ chức chôn cất cho người tử nạn mà không rõ tung tích, không có thân nhân, hoặc thân nhân không có khả năng chôn cất như đã nêu trên thì UBND xã M tổ chức chôn cất nạn nhân theo quy định.

Các văn bản liên quan:

Luật 35/2005/QH11 Đường sắt

Luật 26/2001/QH10 Giao thông đường bộ

Trả lời bởi: Admin Portal

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com