Xử lý hành vi tảo hôn và tổ chức tảo hôn

Xử lý hành vi tảo hôn và tổ chức tảo hôn


Ông Quang tổ chức lễ cưới cho con trai mình là anh Xuân 20 tuổi lấy con gái bà Xuyến là cô Yến mới 16 tuổi. Sau khi đám cưới được tổ chức, UBND xã biết sự việc nói trên nên đã mời ông Quang, bà Xuyến và vợ chồng anh Xuân đến UBND xã để lập biên bản về hành vi tổ chức tảo hôn của ông Quang, bà Xuyến, đồng thời lập biên bản về hành vi tảo hôn của anh Xuân vì đã có hành vi quan hệ như vợ chồng với cô Yến là người chưa đủ tuổi kết hôn. Chủ tịch UBND xã dự định xử phạt ông Quang và bà Xuyến mỗi người 100.000 đồng vì hành vi tảo hôn và xử phạt anh Xuân bằng hình thức cảnh cáo về hành vi tảo hôn nhưng đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã cho rằng, chưa đủ điều kiện để xử phạt ông Quang và anh Xuân. Vậy, việc xử phạt của UBND xã như vậy là đúng hay sai?

Gửi bởi: Admin Portal

Trả lời có tính chất tham khảo

Việc xử phạt ông Quang, bà Xuyến về hành vi tổ chức tảo hôn

Trong vụ việc nói trên, mặc dù ông Quang và bà Xuyến là hai bên thông gia thống nhất tổ chức kết hôn cho con trai và con gái mình nhưng chỉ có cô Yến là chưa đủ tuổi kết hôn. Trong đó, gia đình bà Xuyến trực tiếp tổ chức kết hôn cho người chưa đủ tuổi kết hôn. Do đó, căn cứ quy định tại điểm b Điều 6 Nghị định số 87/2001/NĐ-CP thì UBND xã chỉ có thể xử phạt hành chính đối với gia đình bà Xuyến về hành vi tổ chức tảo hôn.

Hành vi tổ chức tảo hôn có thể bị xử phạt bằng hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức phạt tiền từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng. Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 87/2001/NĐ-CP quy định, trong trường hợp áp dụng phạt tiền thì mức phạt tiền cụ thể đối với một vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt (mức trung bình của khung tiền phạt là trung bình cộng của mức phạt tối thiểu và mức phạt tối đa trong khung tiền phạt). Do đó, việc áp dụng mức phạt tiền 100.000 đồng với bà Xuyến là phù hợp với quy định của pháp luật.

Về việc xử phạt anh Xuân về hành vi tảo hôn

Theo điểm a Điều 6 Nghị định số 87/2001/NĐ-CP quy định, hành vi tảo hôn là cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đến tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Toà án buộc chấm dứt quan hệ đó.

Như vậy, mặc dù anh Xuân đã cưới và chung sống như vợ chồng với cô Yến nhưng hành vi của anh Xuân chỉ có thể bị xử phạt về hành vi tảo hôn khi Toà án có thẩm quyền đã ra quyết định buộc anh Xuân phải chấm dứt quan hệ vợ chồng với người chưa đủ tuổi kết hôn nhưng anh vẫn cố ý tiếp tục duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với cô Yến.

Trong trường hợp này, UBND xã không xử phạt anh Xuân bằng hình thức cảnh cáo mà phải thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 để đề nghị Viện Kiểm sát xem xét, yêu cầu Toà án huỷ việc kết hôn trái pháp luật giữa anh Xuân và cô Yến.

Khi nào Toà án có quyết định huỷ việc kết hôn trái pháp luật mà anh Xuân vẫn tiếp tục chung sống với cô Yến như vợ chồng thì lúc đó UBND xã mới đủ điều kiện để xử phạt vi phạm hành chính đối với anh Xuân về hành vi tảo hôn.

Các văn bản liên quan:

Nghị định 87/2001/NĐ-CP Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình

Luật 22/2000/QH10 Hôn nhân và gia đình

Trả lời bởi: Admin Portal

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com