UBND phường đình chỉ việc sửa chữa nhà, quyết định cắt nước đối với hộ dân đang sửa chữa nhà

UBND phường đình chỉ việc sửa chữa nhà, quyết định cắt nước đối với hộ dân đang sửa chữa nhà

Chị tôi có 1 căn nhà (tại phường A, Hà Nội) đã bị dột nát, tường bị nứt. Khi sửa chữa có làm đơn ra phường và được phường đồng ý cho sửa chữa (bằng miệng). Cán bộ UBND phường nhận tiền để làm hồ sơ nhưng hồ sơ vẫn bị cán bộ UBND phường giữ lại. Hiện nay, UBND phương đình chỉ không cho sửa chữa, lý do có một hộ dân tên là A đã khởi kiện (Nhà chị tôi cách xa, không đi chung ngõ và không chung vách với nhà bà A). Mọi hộ dân quanh khu vực đều đồng ý cho chị tôi sửa nhà. Hiện nay UBND phường đã cắt nước không cho gia đình chị tôi sử dụng. Vậy xin hỏi nhà chị tôi sửa nhà đã đúng luật xây dựng chưa? UBND phường ra quyết định cắt nước nhà chị tôi đúng hay sai?

Gửi bởi: Võ Thi Hương

Trả lời có tính chất tham khảo

1. Về việc sửa chữa nhà của gia đình bạn

Việc xây dựng mới; sửa chữa, cải tạo; hoặc di dời công trình phải có Giấy phép xây dựng, trừ các trường hợp theo quy định của pháp luật. Theo Quyết định số 04/2010/QĐ-UBND ngày 20/01/2010 của UBND thành phố Hà Nội ban hành quy định cấp giấy phép xây dựng và quản lý việc xây dựng công trình theo giấy phép xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội thì các công trình được miễn giấy phép xây dựng gồm (Điều 4):

– Công trình thuộc bí mật Nhà nước;

– Công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp;

– Công trình tạm phục vụ xây dựng công trình chính;

– Công trình xây dựng theo tuyến không đi qua đô thị nhưng phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt;

– Công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

– Công trình xây dựng thuộc dự án khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu nhà ở có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

– Các công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong không làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và an toàn của công trình;

– Công trình hạ tầng kỹ thuật chỉ phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật thuộc các xã vùng sâu, vùng xa không nằm trong các khu vực bảo vệ di tích.

– Nhà ở riêng lẻ tại vùng sâu, vùng xa không thuộc đô thị, không thuộc điểm dân cư tập trung; nhà ở riêng lẻ tại các điểm dân cư nông thôn chưa có quy hoạch xây dựng được duyệt;

– Công trình xây dựng chỉ phải lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật (công trình có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng không bao gồm tiền sử dụng đất) được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc cơ quan quản lý nhà nước cấp trên của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật và hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công.

Ngôi nhà của chị bạn nằm trên địa bàn thành phố Hà Nội (không thuộc vùng sâu vùng xa, nông thôn), và việc sửa chữa sẽ ảnh hưởng đến kết cấu công trình… (do sửa chữa lại tường bao…) nên thuộc trường hợp phải xin giấy phép xây dựng. Chị bạn phải làm hồ sơ xin Giấy phép xây dựng tại cơ quan có thẩm quyền theo Điều 66 Luật Xây dựng:

– Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng có quy mô lớn, công trình có kiến trúc đặc thù, công trình tôn giáo và các công trình xây dựng khác thuộc địa giới hành chính do mình quản lý theo quy định của Chính phủ.

– Uỷ ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng trong đô thị, các trung tâm cụm xã thuộc địa giới hành chính do mình quản lý, trừ các công trình xây dựng quy định tại khoản 1 Điều này.

– Uỷ ban nhân dân cấp xã cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nhữngđiểm dân cư nông thôn đã có quy hoạch xây dựng được duyệt, những điểm dân cư theo quy định của Uỷ ban nhân dân cấp huyện phải cấp giấy phép xây dựng thuộc địa giới hành chính do mình quản lý.

Thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội được quy định cụ thể tại Điều 10 Quyết định số 04/2010/QĐ-UBND:

Ủy ban nhân dân Thành phố ủy quyền cho Giám đốc Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng cấp đặc biệt, cấp I, cấp II (quy định tại QCVN03:2009/BXD); công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng nhóm A, B (quy định tại Phụ lục 1 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 11/02/2009 của Chính phủ); công trình có yếu tố vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; công trình di tích lịch sử – văn hoá; công trình tôn giáo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng di tích theo quy định của Luật Di sản văn hoá; công trình tượng đài, tranh hoành tráng xây dựng mới; biệt thự thuộc sở hữu nhà nước; các công trình, nhà ở riêng lẻ trên các tuyến phố, trục đường phố được quy định tại Phụ lục I kèm theo Quy định này.

– Ủy ban nhân dân cấp quận cấp giấy phép xây dựng các công trình và nhà ở riêng lẻ ở đô thị thuộc địa giới hành chính do mình quản lý, trừ các đối tượng quy định tại Khoản 1, Khoản 3 Điều này.

– Ủy ban nhân dân xã cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại các điểm dân cư nông thôn có quy hoạch xây dựng chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt thuộc địa giới hành chính do mình quản lý do Ủy ban nhân dân huyện quy định.

Đối chiếu với quy định nêu trên thì việc sửa chữa nhà của chị bạn phải được UBND quận cấp giấy phép xây dựng. Theo thông tin bạn cung cấp, UBND phường cho phép gia đình bạn được sửa chữa nhà là không đúng thẩm quyền, hơn nữa lại chỉ bằng miệng nên không có cơ sở pháp lý để tuân theo. Như vậy, việc chị bạn sửa chữa nhà mà không có giấy phép xây dựng là sai. Tuy nhiên, bạn có cung cấp thông tin là “Phường nhận tiền để làm hồ sơ nhưng hồ sơ Phường vẫn giữ” thì bạn phải xác định rõ: hồ sơ đó là gì. Nếu trong hồ sơ đã có Giấy phép xây dựng do UBND quận cấp, đồng ý cho gia đình bạn sửa chữa nhà thì căn cứ vào giấy phép đó, gia đình bạn có thể sửa chữa nhà theo nội dung giấy phép và theo quy định của pháp luật.

2. Việc UBND phường ra quyết định cắt nước sinh hoạt của gia đình chị bạn

Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xã hội: Hành vi vi phạm trật tự xây dựng đô thị phải bị xử lý theo một hoặc các hình thức sau đây:

Ngừng thi công xây dựng công trình;

Đình chỉ thi công xây dựng công trình, áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp điện, nước: thông báo cho cơ quan có thẩm quyền không cung cấp các dịch vụ điện nước, các hoạt động kinh doanh và các dịch vụ khác đối với công trình xây dựng vi phạm.

– Cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm

– Buộc bồi thường thiệt hại do hành chính vi phạm gây ra.

– Xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.

– Ngoài các hình thức xử lý quy định tại kế hoạch 1, 2, 3, 4, và 5 Điều này thì đối với chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu tư vấn thiết kế, nhà thầu tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình có hành vi vi phạm trật tự xây dựng đô thị còn bị nêu tên trên website của Bộ Xây dựng và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo quy định nêu trên, nếu gia đình bạn có các hành vi vi phạm quy định pháp luật về xây dựng (như: xây dựng, sửa chữa khi không có giấy phép xây dựng hoặc sửa chữa sai so với nội dung giấy phép xây dựng) thì UBND phường có thể xử lý vi phạm đó, trong đó có thể áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp điện, nước (thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 33 Quyết định số 04/2010/QĐ-UBND).

Các văn bản liên quan:

Nghị định 180/2007/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị

Luật 16/2003/QH11 Xây dựng

Luật 28/2001/QH10 Di sản văn hoá

Nghị định 12/2009/NĐ-CP Về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình

Trả lời bởi: CTV3

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com