Thủ tục thẩm tra hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài

Thủ tục thẩm tra hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài

Tôi được Sở Tư pháp B (STP) tiếp nhận hồ sơ đăng ký kết hôn với bạn trai người Đài Loan vào ngày 27/10/2014, và được phát giấy hẹn phỏng vấn vào 15:00 ngày 6/11/2014. Mặc dù đang trong giờ làm việc tôi và bạn trai vẫn phải thu xếp công việc để có mặt tại STP trước giờ hẹn để phóng vấn. Tới phòng thủ tục hành chính, tôi nói với cán bộ tư pháp (CBTP) lần trước viết giấy hẹn là chúng tôi có mặt để phỏng vấn kêt hôn theo giấy hẹn. CBTP này nói cán bộ phỏng vấn (CBPV) đang đi họp chi bộ, đề nghị ngồi chờ. 16:00 CBPV mới họp xong và gọi chúng tôi vào phòng làm việc và mới bắt đầu liên lạc gọi phiên dịch tới. Phỏng vấn đến khoảng 17:20 CBPV đưa biên bản cho chúng tôi và phiên dịch ký xác nhận và chưa thông báo kết quả phỏng vấn mà yêu cầu tôi ngày mai đến UBND xã để xác nhận mà không giải thích rõ tại sao tôi phải có mặt tại UBND xã. Tôi gặng hỏi vai trò,nhiệm vụ của tôi khi tới UBND xã là gì, mấy giờ có mặt, có mất nhiều thời gian không để tôi chủ động thuxếp công việc tại công ty vì thực sự ngày maitôi khó xin vắng mặt tại cơ quan được thì CB này nói qua loa là để xác nhận các thông tin về nhân thân, hoàn cảnh gia đình và giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của tôi mà không giải thích rõ vì sao đích thân tôi phải có mặt tại đó(chẳng hạn đây là thủ tục bắt buộc đương sự phải có mặt cùng với CBTP tỉnh khi xác nhận để ký tên vào biên bản…) và không trả lời về thời gian làm việc cụ thể. Tôi cố xin có thể sắp xếp thứ 3 tuần tới về xác nhận được không vì đến thứ 2 tới người làm thay công việc của tôi đi làm lại tôi mới có thể xin vắng mặt tại cơ quan được. Chị CBTP gắt lên rằng “Công việc của tôi bận như thế này mà còn phải thu xếp về tận UBND xã em để làm việc, việc của em thì em phải lo chứ!”, tôi cố hỏithêmvậy mấy giờ làm việc thì CBTP này nói “Em cứ có mặt ở ủy ban từ 8:00 sáng đi, chị còn phải liên lạc với UBND và CBTP xã để xin lịch hẹn làm việc nữa”.

Xin hỏi hành vihành chính yêu cầu tôi có mặt tại UBND xã như vậy của CBTP trên có hợp pháp hay không? Tôi có thể phản ánh với cơ quan nào? Tôi được biết Nghị định số 24/2013/NĐ-CP về thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài quy định thời gian làm việc 10 ngày từ khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký và thu lệ phí. Vậy 10 ngày này có tác dụng gì, tại sao đến 10 ngày sau mới hẹn dân đến phỏng vấn, phỏng vấn xong mới bắt đầu tiến hành xác nhận tính chính xác của hồ sơ?Tôi nghĩ 10 ngày làm việc đó là để STP có thời gian xác nhận về nhân thân, hoàn cảnh…(như CBTP trên đã nói với tôi) , khi đã xác nhận xong lúc phỏng vẫn có thể lập tức đối chiếu với nội dung phỏng vấn, như vậy sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, hạn chế phiền hà cho thủ tục hành chính. Thêm nữa là độ chính xác chân thật của các giấy tờ cơ quan cấp xã có nhiệm vụ cấp đã có yêu cầu về lưu trình thực hiện cấp phát, bản thân người dân đã phải tuân thủ chặt chẽ mới được cấp (đã mất công 1 lần), cấp tỉnh muốn xác nhận không phải chỉ cần tự làm việc với xã là được hay sao,tại sao lại bắt người dân phải tham gia vào quá trình xác nhận, mất thêm thời gian, công sức lần nữa, không phải là quá rắc rối sao?

Gửi bởi: Nguyễn Thị Hảo

Trả lời có tính chất tham khảo

Trình tự, thủ tục thực hiện đăng ký kết hôn với người nước ngoài được quy định tại Điều 10, Nghị định 24/2013/NĐ-CP như sau:

Điều 10. Trình tự giải quyết việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam

1. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí, Sở Tư pháp có trách nhiệm:

a) Thực hiện phỏng vấn trực tiếp tại trụ sở Sở Tư pháp đối với hai bên nam, nữ để kiểm tra, làm rõ về nhân thân, sự tự nguyện kết hôn và mức độ hiểu biết nhau của hai bên nam, nữ. Trường hợp cần phiên dịch để thực hiện phỏng vấn thì Sở Tư pháp chỉ định người phiên dịch.

Kết quả phỏng vấn phải được lập thành văn bản. Cán bộ phỏng vấn phải nêu rõ ý kiến đề xuất của mình và ký tên vào văn bản phỏng vấn; người phiên dịch (nếu có) phải cam kết dịch chính xác nội dung phỏng vấn và ký tên vào văn bản phỏng vấn.

Nếu kết quả phỏng vấn cho thấy hai bên kết hôn không hiểu biết về hoàn cảnh của nhau thì Sở Tư pháp hẹn ngày phỏng vấn lại; việc phỏng vấn lại được thực hiện sau 30 ngày, kể từ ngày đã phỏng vấn trước.

b) Nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ đăng ký kết hôn; trường hợp nghi vấn hoặc có khiếu nại, tố cáo việc kết hôn thông qua môi giới nhằm mục đích kiếm lời, kết hôn giả tạo, lợi dụng việc kết hôn để mua bán người, kết hôn vì mục đích trục lợi khác hoặc xét thấy có vấn đề cần làm rõ về nhân thân của hai bên nam, nữ hoặc giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn, Sở Tư pháp thực hiện xác minh làm rõ.

2. Trường hợp xét thấy vấn đề cần xác minh thuộc chức năng của cơ quan công an, Sở Tư pháp có công văn nêu rõ vấn đề cần xác minh, kèm theo bản sao 01 bộ hồ sơ đăng ký kết hôn (bản sao không cần chứng thực) gửi cơ quan công an cùng cấp đề nghị xác minh.

Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn của Sở Tư pháp, cơ quan công an thực hiện xác minh vấn đề được yêu cầu và trả lời bằng văn bản cho Sở Tư pháp.

3. Sau khi thực hiện phỏng vấn hai bên nam, nữ, nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ kết hôn, ý kiến của cơ quan công an (nếu có), Sở Tư pháp báo cáo kết quả và đề xuất giải quyết việc đăng ký kết hôn trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, kèm theo 01 bộ hồ sơ đăng ký kết hôn.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trình của Sở Tư pháp cùng hồ sơ đăng ký kết hôn, nếu xét thấy hai bên nam, nữ đáp ứng đủ điều kiện kết hôn, không thuộc trường hợp từ chối đăng ký kết hôn quy định tại Điều 12 của Nghị định này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký Giấy chứng nhận kết hôn và trả lại hồ sơ cho Sở Tư pháp để tổ chức lễ đăng ký kết hôn.

Trường hợp từ chối đăng ký kết hôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản nêu rõ lý do gửi Sở Tư pháp để thông báo cho hai bên nam, nữ.”

Như vậy, trình tự thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài cần phải trải qua các thủ tục sau:

– Người đăng ký kết hôn nộp hồ sơ tại bộ phận “Tiếp nhận và trả kết quả” của Sở Tư pháp;

– Cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra các giấy tờ trong hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì thu lệ phí, viết phiếu tiếp nhận hồ sơ, ghi rõ ngày phỏng vấn và ngày trả kết quả;

– Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, không hợp lệ, cán bộ tiếp nhận hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ của hai bên nam, nữ. Văn bản hướng dẫn phải ghi đầy đủ, rõ ràng loại giấy tờ cần bổ sung, hoàn thiện; cán bộ tiếp nhận hồ sơ ký, ghi rõ họ tên và giao cho người nộp hồ sơ;

– Sở Tư pháp thực hiện phỏng vấn trực tiếp tại trụ sở đối với hai bên nam, nữ để kiểm tra, làm rõ về nhân thân, sự tự nguyện kết hôn và mức độ hiểu biết nhau của hai bên nam, nữ;

– Sở Tư pháp nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ đăng ký kết hôn; trường hợp có nghi vấn hoặc có khiếu nại, tố cáo thì tiến hành xác minh, làm rõ;

– Trong trường hợp cần thiết, đề nghị Công an tỉnh tiến hành xác minh;

– Sở Tư pháp báo cáo kết quả và đề xuất giải quyết việc đăng ký kết hôn trình UBND tỉnh quyết định;

– Xét thấy hai bên nam, nữ đáp ứng đủ điều kiện kết hôn, không thuộc trường hợp từ chối đăng ký kết hôn, Chủ tịch UBND tỉnh ký Giấy chứng nhận kết hôn;

– Tổ chức Lễ đăng ký kết hôn tại trụ sở Sở Tư pháp.

Như vậy thì việc yêu cầu bạn có mặt tại UBND xã như vậy của Cán bộ tư pháp trên là không đúng theo quy định của pháp luật. Vì trách nhiệm điều tra, xác minh là sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền quyết định và cơ quan trực tiếp thực hiện cùng với co quan phối hợp với nhau. Nên việc yêu cầu sự có mặt của bạn khi điều tra xác minh là sai quy định. Yêu cầu của cán bộ Tư Pháp trên là sai quy định về trình tự thủ tục giải quyết việc kết hôn có yếu tố nước ngoài. Trong trường hợp này bạn có thể phản ánh lên cấp trên trực tiếp của cán bộ tư pháp đó.

Các văn bản liên quan:

Nghị định 24/2013/NĐ-CP Hướng dẫn Luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài

Trả lời bởi: CTV2

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com