Tôi và chồng tôi có hộ khẩu thường trú tại tỉnh khác, đăng ký tạm trú ở huyện T. Khi tôi làm thủ tục ly hôn đơn phương gửi lên toà án huyện T, chồng tôi khai đã chuyển đi huyện khác cư trú (chồng tôi là công nhân quốc phòng có trụ sở làm việc trên địa bàn huyện T). Tôi đã rút đơn ly hôn vì Thư ký toà án giải thích là không thuộc thẩm quyền. Tòa án T ra quyết định đình chỉ. Sau đó được luật sư tư vấn, tôi làm đơn kháng cáo quyết định đình chỉ của toà T, xin được tiếp tục ly hôn. Nhưng toà phúc thẩm đã bác kháng cáo của tôi, giữ nguyên quyết định đình chỉ. Nay tôi muốn ly hôn nhưng chồng tôi không đưa giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu và giấy khai sinh của con. Xin hỏi: Nếu tôi tiếp tục gửi đơn lên Toà Thanh Trì thì Toà có đủ thẩm quyền giải quyết ly hôn không? Thủ tục ly hôn cần những giấy tờ gì?
Gửi bởi: Nguyễn Anh
Trả lời có tính chất tham khảo
1. Thẩm quyền giải quyết của tòa án huyện T.
Vụ án ly hôn là một trong những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án theo quy định tại Điều 27 Bộ luật Tố tụng dân sự. Khi yêu cầu ly hôn, bạn phải gửi đơn đến tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Về thẩm quyền theo lãnh thổ, khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định:
– Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;
– Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này;
– Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về bất động sản.
Theo quy định trên, bạn phải gửi đơn xin ly hôn đến tòa án nơi cư trú của chồng bạn. Nơi cư trú được xác định theo quy định của Luật Cư trú và văn bản hướng dẫn. Theo đó, Khoản 1 Điều 12 Luật Cư trú quy định về nơi cư trú của công dân như sau:
– Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.
– Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.
– Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú.
– Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú.
Ngoài ra, vì chồng bạn là công nhân quốc phòng nên bạn có thể xác định nơi cư trú theo Điều 16 Luật Cư trú về nơi cư trú của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân:
– Nơi cư trú của người đang làm nghĩa vụ quân sự hoặc đangphục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân là nơi đơn vị của người đó đóng quân.
– Nơi cư trú của sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân, viên chức Công an nhân dân là nơi đơn vị của người đó đóng quân, trừ trường hợp họ có nơi cư trú theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Luật này.
Đối chiếu với các quy định nêu trên, thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ đối với vụ án ly hôn của bạn được xác định là một trong hai nơi, cụ thể:
– Trường hợp thứ nhất: Nếu chồng bạn có nơi cư trú theo khoản 1 Điều 12 Luật Cư trú như nêu trên thì thẩm quyền giải quyết thuộc tòa án nơi chồng bạn cư trú;
– Trường hợp thứ hai: Nếu chồng bạn không có nơi cư trú theo khoản 1 Điều 12 Luật Cư trú thì thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn thuộc tòa án nơi đơn vị của chồng bạn đóng quân.
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn và chồng bạn có hộ khẩu thường trú tại huyện khác, không phải huyện T (nơi đơn vị chồng bạn đóng quân), nghĩa là chồng bạn có nơi cư trú theo khoản 1 Điều 12 Luật Cư trú. Do đó, thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn của bạn thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân nơi chồng bạn đăng ký hộ khẩu thường trú. Tòa án nhân dân huyện T không có thẩm quyền giải quyết vụ án ly hôn này nên việc đình chỉ vụ án là đúng. Nếu muốn ly hôn, bạn gửi đơn yêu cầu đến tòa án nơi chồng bạn có hộ khẩu thường trú.
2. Hồ sơ cung cấp khi yêu cầu ly hôn.
Khi yêu cầu ly hôn, bạn phải nộp đơn xin ly hôn tại tòa án có thẩm quyền. Kèm theo đơn phải có các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp (Khoản 3 Điều 164 Bộ luật Tố tụng dân sự). Theo đó, bạn phải nộp kèm theo đơn xin ly hôn bản sao hợp lệ các giấy tờ: chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của hai vợ chồng, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của hai vợ chồng, giấy khai sinh của các con (nếu có), giấy tờ chứng minh quyền sở hữu/sửdụng tài sản (nếu có yêu cầu).
Các văn bản liên quan:
Luật 81/2006/QH11 Cư trú
Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự
Trả lời bởi: CTV3