Quyền nuôi con sau khi ly hôn

Quyền nuôi con sau khi ly hôn

Tôi lập gia đình được 3 năm, có 1 con chung còn 3 tháng nữa là tròn 3 tuổi, do cuộc sống hôn nhân vợ chồng quá vội vàng, không hòa hợp, không tìm được sự đồng cảm, cãi cọ, gây gổ nhau xảy ra thường xuyên và kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được nữa nhưng vợ tôi không chịu thuận tình ly hôn. Xin hỏi tôi viết đơn xin ly hôn và xin được quyền nuôi con có được không? Dù con tôi chưa được 3 tuổi nhưng tôi có đầy đủ các giấy tờ chứng minh được điều kiện nuôi con của tôi là tốt hơn rất nhiều lần so với vợ tôi ví dụ như: Gia đình tôi ở trung tâm 1 thành phố tỉnh, cách bệnh viện thành phố 300m, cách trường mẫu giáo chuẩn 50m (con tôi đang học ở đó), cách chợ trung tâm 500m, cách trường tiểu học 200m, Mẹ tôi đang là dược sỹ, Bố tôi là kế toán về hưu, thu nhập của tôi cao gấp 3 lần vợ tôi, tôi chưa bao giờ dùng vũ lực để đánh vợ tôi. (Gia đình vợ tôi ở khu vực miền núi, mọi điều kiện nói thật rất là khó khăn). Vậy nếu tôi chứng minh được những điều kiện đó nhưng vợ tôi không đồng ý và đòi được nuôi con thì tòa án sẽ xử như thế nào? Rất mong được sự tư vấn của các luật sư.

Gửi bởi: Hoang Van Hai

Trả lời có tính chất tham khảo

Điểm d mục 11 Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao số 02/2000/NĐ-HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có quy định cụ thể về vấn đề trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn như sau:

“d. Trong trường hợp vợ, chồng không thoả thuận được về người trực tiếp nuôi con thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi con căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần. Nếu con từ đủ chín tuổi trở lên, thì trước khi quyết định, Toà án phải hỏi ý kiến của người con đó về nguyện vọng được sống trực tiếp với ai.

Về nguyên tắc, con dưới ba mươi sáu tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi con, nếu các bên không có thoả thuận khác”.

Như vậy, về nguyên tắc vợ chồng bạn khi ly hôn có thể thoả thuận về người trực tiếp nuôi con căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Tuy nhiên, do cháu bé hiện còn 3 tháng nữa mới được 3 tuổi, nghĩa là cháu bé vẫn dưới 36 tháng tuổi nên khi khi ly hôn, vợ bạn trước hết vẫn được Toà án xem xét cho phép được quyền trực tiếp nuôi con nếu vợ bạn mong muốn được nuôi con và vợ chồng bạn không có thoả thuận nào khác.

Tuy nhiên, trường hợp vợ chồng bạn không thỏa thuận được với nhau về việc bạn hay vợ bạn sẽ là người trực tiếp nuôi con; cũng như nếu bạn có đủ cơ sở để chứng minh việc vợ bạn không đảm bảo được các quyền lợi của con (như điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; đặc biệt là các điều kiện cần thiết cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm về việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần của con) trong khi đó, bạn lại đáp ứng được đầy đủ được những điều kiện này, thì Tòa án có thể xem xét, quyết định cho bạn được quyền nuôi con. Nhìn chung, khi quyết định trao quyền nuôi con cho người vợ hay người chồng, Tòa án đều phải xem xét quyền lợi về mọi mặt của cháu bé trên thực tế.

Các văn bản liên quan:

Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP Của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao số 02/2000/NĐ-HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000

Luật 22/2000/QH10 Hôn nhân và gia đình

Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Vụ Hành chính tư pháp

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com