Quy hoạch, xác định địa điểm xây dựng trung tâm cụm xã

Quy hoạch, xác định địa điểm xây dựng trung tâm cụm xã

Năm 2006, xã T, huyện BH, tỉnh Lạng Sơn, được HĐND và UBND huyện chọn là xã ưu tiên đầu tư xây dựng trung tâm cụm xã khu vực 3 (vùng sâu, vùng cao, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn…) theo kế hoạch của tỉnh nhằm tăng cường cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội để nhanh chóng ổn định dân cư, phát triển sản xuất, bảo đảm các dịch vụ đời sống, y tế, văn hoá, giáo dục, an ninh quốc phòng… cho cả tiểu vùng thuộc khu vực này. UBND huyện chỉ đạo UBND xã T phối hợp với Đoàn khảo sát liên ngành của huyện và tỉnh tiến hành khảo sát, chọn địa điểm để quy hoạch tiến tới xây dựng một trung tâm cụm xã tại địa bàn xã T đáp ứng các yêu cầu nêu trên của tỉnh và huyện. Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã T phải làm gì để giúp Đoàn công tác liên ngành của huyện và tỉnh khảo sát địa hình, lựa chọn địa điểm, tìm ra một nơi thích hợp cho việc quy hoạch, xây dựng trung tâm cụm xã?

Gửi bởi: Admin Portal

Trả lời có tính chất tham khảo

Tình huống này đòi hỏi cán bộ lãnh đạo xã T phải có kiến thức tổng hợp về kinh tế – xã hội và nắm vững những nội dung của Chương trình xây dựng trung tâm cụm xã miền núi, vùng cao ban hành kèm theo Quyết định số 35/TTg ngày 13/01/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình này và đặc biệt chú ý đến mục tiêu của Chương trình và nguyên tắc tiêu chuẩn để xét chọn dự án xây dựng trung tâm cụm xã được quy định trong Thông tư số 173/UB-TH ngày 28/3/1997 của Uỷ ban dân tộc miền núi hướng dẫn thực hiện Quyết định số 35/TTg ngày 13/01/1997 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 138/2000/QĐ-TTg ngày 29/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc hợp nhất Dự án định canh, định cư, dự án hỗ trợ dân tộc đặc biệt khó khăn, Chương trình xây dựng trung tâm cụm xã miền núi, vùng cao và Chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; Quyết định số 07/2006/QĐ-TTg ngày 10/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 – 2010. Sau đó, xác định nội dung xây dựng trung tâm cụm xã bao gồm những công trình gì và nguồn lực để xây dựng hoàn chỉnh trung tâm cụm xã (gồm tiền vốn đầu tư và nguồn nhân lực) được huy động và sử dụng như thế nào.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây chỉ là nghiên cứu quy hoạch, tiến hành khảo sát và xác định địa điểm để xây dựng một trung tâm cụm xã sao cho có lợi nhất trong việc phát huy hiệu quả kinh tế – xã hội, văn hoá – giáo dục, an ninh – quốc phòng… của cả tiểu vùng khi trung tâm cụm xã được xây dựng tại địa điểm được lựa chọn. Theo đó, trước hết cán bộ UBND dân xã T phải xác định được mục tiêu của việc xây dựng chương trình trung tâm cụm xã, đó là:

– Tạo ra các cụm kinh tế – xã hội văn hoá, nơi giao lưu hàng hoá của đồng bào các dân tộc miền núi, vùng cao thuộc từng tiểu vùng, từng bước xoá dần sự cách biệt giữa nông thôn và thành thị;

– Từng bước xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu về kinh tế – xã hội, để đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các hoạt động thông tin về kinh tế, văn hoá, xã hội và chính trị đến gần nơi đồng bào các dân tộc đang cư trú;

– Tăng cường sự chỉ đạo sát sao của huyện, tỉnh, trung ương đối với cơ sở, thúc đẩy hoạt động văn hoá – xã hội trong tiểu vùng, tạo thuận lợi cho sự giao lưu giữa các bản, làng, xã trong tiểu vùng với các đô thị để phát huy sức mạnh cộng đồng;

– Trung tâm cụm xã là hạt nhân thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở vùng dân tộc, tạo điều kiện thực hiện đường lối công nghiệp hoá và hiện đại hoá của Đảng, củng cố và nâng cao lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tăng cường đoàn kết với các dân tộc anh em trong cả nước;

– Củng cố tuyến phòng thủ biên giới, bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước.

Tiếp theo, cán bộ UBND xã T, huyện BH phải xem xét các nguyên tắc, tiêu chuẩn xét chọn địa điểm xây dựng trung tâm cụm xã như sau:

– Nguyên tắc để xét chọn địa điểm đưa vào danh mục dự án:

+ Dự án xây dựng trung tâm cụm xã phải được bố trí phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, với sự giao lưu thuận lợi của đồng bào dân tộc trong tiểu vùng. Khi lựa chọn địa điểm để xây dựng trung tâm cụm xã phải hết sức chú ý để thoả mãn các yếu tố: thuận tiện giao thông, ổn định về địa lý và mặt bằng xây dựng; độ lan toả về kinh tế – xã hội cao đối với vùng dự án và giao lưu với các vùng khác;

+ Mỗi trung tâm cụm xã chỉ có thể phát huy tác dụng khi chọn địa điểm đúng, vì vậy quá trình lựa chọn phải cân nhắc kỹ, thật sự khách quan và vì lợi ích chung của cả tiểu vùng;

+ Quy mô của cụm xã này phục vụ cho những xã nào là phù hợp (nên từ 03 đến 05 xã, trường hợp những xã có diện tích rộng, địa bàn chia cắt thì cụm có thể bố trí số xã ít hơn).

Chú ý: Trung tâm cụm xã không phải là một đơn vị hành chính, các hoạt động kinh tế, xã hội do huyện và các ngành chuyên môn của huyện chỉ đạo (coi trung tâm cụm xã là cánh tay vươn dài của huyện). Riêng về mặt quản lý hành chính, an ninh, quốc phòng, trung tâm cụm xã đặt ở xã nào thì do chính quyền xã sở tại quản lý.

– Tiêu chuẩn xét chọn địa điểm xây dựng trung tâm cụm xã: Khi xét chọn địa điểm xây dựng trung tâm cụm xã cần lưu ý đạt được các tiêu chuẩn sau:

+ Trung tâm cụm xã phải thật sự là nơi nối liền thuận lợi nhất của các xã, thôn bản trong tiểu vùng với các đô thị và trục đường giao thông;

+ Có diện tích để xây dựng đồng bộ các công trình trước mắt, có địa dư để hoàn chỉnh mở rộng về lâu dài. Nếu địa điểm được chọn đã có sự hình thành manh nha bước đầu thì nên tận dụng và có sự kế thừa các công trình cũ để tránh lãng phí và giảm được vốn đầu tư. Nếu địa điểm được chọn là địa điểm mới hoàn toàn thì chú ý hạn chế tối đa sử dụng đất canh tác vào xây dựng các công trình để không ảnh hưởng đến sản xuất, tránh di chuyển dân cư, đảm bảo độ cao để tránh ngập lụt, lũ quét và tốt nhất là chọn những nơi đất trống, đồi gò.

Ngoài ra, cần chú ý đến các điều kiện kinh tế – xã hội; phương hướng phát triển kinh tế – xã hội của tiểu vùng (các xã trong cụm); số hộ, số dân hiện có ở các xã trong tiểu vùng, phương án bố trí dân cư của huyện, của tỉnh sau này; … Từ việc nắm vững các mục tiêu, nguyên tắc và tiêu chuẩn nói trên, UBND xã T phải tạo điều kiện và phối hợp với đoàn công tác liên ngành để thực hiện tốt việc khảo sát, quy hoạch, lựa chọn địa điểm phù hợp với yêu cầu để xây dựng trung tâm cụm xã, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, tránh lãng phí, tổn thất về kinh tế, gây ảnh hưởng đến sản xuất và không đạt được mục tiêu chính trị đề ra.

Các văn bản liên quan:

Quyết định 138/2000/QĐ-TTg Về việc hợp nhất dự án định canh định cư, dự án hỗ trợ dân tộc đặc biệt khó khăn, Chương trình xây dựng trung tâm cụm xã miền núi, vùng cao, vào Chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa

Quyết định 07/2006/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình Phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 – 2010

Quyết định 35/TTg Phê duyệt chương trình xây dựng trung tâm cụm xã miền núi, vùng cao

Thông tư 173/UB-TH Hướng dẫn thực hiện Quyết định 35/TTg ngày 13/1/97 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình xây dựng trung tâm cụm xã Miền núi, vùng cao

Trả lời bởi: Admin Portal

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com