Bình đẳng về quyền nuôi con giữa người cha và người mẹ sau khi ly hôn

Bình đẳng về quyền nuôi con giữa người cha và người mẹ sau khi ly hôn

Năm 2000, anh Trần Quang Thuận và chị Trần Thị Minh tổ chức cưới và đăng ký kết hôn tại UBND xã. Hai vợ chồng sống hạnh phúc được một thời gian thì phát sinh mâu thuẫn, nguyên nhân do chị Minh thường có thái độ không đúng mực đối với chồng và gia đình nhà chồng, khi xảy ra mâu thuẫn chị Minh thường bỏ về nhà mẹ đẻ. Trong cuộc sống thường xảy ra xô xát và có nhiều lần phải mời chính quyền địa phương đến can thiệp. Từ năm 2005, hai vợ chồng đã ly thân.

Anh chị có hai con chung là cháu Nhạn, sinh ngày 01/10/2001 và cháu Thanh, sinh ngày 05/5/2004. Chị Minh đang nuôi cháu Thanh; anh Thuận nuôi cháu Nhạn. Tháng 4/2006, anh Thuận đơn phương làm đơn đề nghị Toà án giải quyết cho ly hôn với chị Minh và anh xin nuôi cháu Nhạn. Tại phiên toà xét xử sơ thẩm, sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ và nghe hai bên đương sự trình bày, mặc dù chị Minh không đồng ý ly hôn nhưng xét thấy mâu thuẫn quá trầm trọng, tình cảm vợ chồng không còn và anh Thuận kiên quyết ly hôn nên Toà án đã quyết định xử cho hai bên đương sự ly hôn, anh Thuận nuôi cháu Nhạn, chị Minh nuôi cháu Thanh.

Chị Minh không chấp nhận phán quyết của Toà án và làm đơn kháng cáo lên Toà án tỉnh vì cho rằng, các cháu là con gái, rất cần có sự chăm sóc của người mẹ nên chị phải được nuôi cả hai cháu. Trước khi gửi đơn, chị Minh đã đến nhờ Chủ tịch Hội Phụ nữ xã giúp đỡ. Vậy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cần tư vấn như thế nào cho chị Minh?

Gửi bởi: Admin Portal

Trả lời có tính chất tham khảo

Theo quy định tại Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, thì vợ, chồng bình đẳng với nhau, có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình. Trên cơ sở nguyên tắc này có thể hiểu người cha và người mẹ bình đẳng với nhau trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con cái. Sự bình đẳng của cha mẹ trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc con cái không chỉ trong thời kỳ tồn tại quan hệ hôn nhân, mà ngay cả khi quan hệ hôn nhân chấm dứt bằng việc ly hôn, sự bình đẳng này được thể hiện cụ thể như sau:

Bình đẳng về cơ hội được trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con cái

Khi ly hôn, người cha và người mẹ đều có cơ hội ngang nhau trong việc được trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc con. Theo khoản 2 Điều 92 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định, vợ chồng thoả thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thoả thuận được thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, đồng thời cũng tính toán đến nguyện vọng và nhu cầu tinh thần, tình cảm của cả người cha và người mẹ.

Trong trường hợp này, chị Minh và anh Thuận có 2 con chung, các cháu đều chưa đủ 9 tuổi để thể hiện nguyện vọng của mình về việc muốn sống với cha hay với mẹ. Cả anh Thuận và chị Minh đều muốn được nuôi con nhưng chị Minh không đồng ý với phương án anh và chị mỗi người nuôi một cháu mà yêu cầu được nuôi cả hai cháu. Yêu cầu này của chị Minh cho thấy, chị Minh chưa quan tâm đến nhu cầu tình cảm cha con giữa anh Thuận và các con. Do đó, nếu chị Minh không nêu được căn cứ chứng tỏ rằng hoàn cảnh kinh tế, tình trạng sức khoẻ, hoặc tư cách đạo đức, lối sống của anh Thuận không bảo đảm để nuôi dưỡng con, thì Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cần tư vấn, phân tích để chị Minh thấy rằng, yêu cầu của anh Thuận xin nuôi con là nguyện vọng chính đáng. Mặt khác, pháp luật cũng bảo vệ sự bình đẳng của cả người vợ và người chồng trong thực hiện quyền trực tiếp nuôi con. Trên cơ sở đó thuyết phục chị Minh nên đồng ý với thoả thuận của chồng.

Bình đẳng trong quyền thăm nom con sau khi ly hôn

Theo quy định tại Điều 94 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con, không ai được cản trở người đó thực hiện quyền thăm nom con của mình.

Bình đẳng trong quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Sau khi ly hôn, nếu phát hiện người cha (hoặc người mẹ) đang trực tiếp nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con thì người kia có quyền yêu cầu Toà án quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con để bảo đảm lợi ích cho con.

Các văn bản liên quan:

Luật 22/2000/QH10 Hôn nhân và gia đình

Trả lời bởi: Admin Portal

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com