Xác định thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện án dân sự

Xác định thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện án dân sự

Tôi được người thân ủy quyền khởi kiện vụ việc dưới đây:

Bà Nguyễn Thị A có hợp đồng lao động với Công ty X. Vào tháng 5/2011, Công ty X buộc bà A nghỉ ở nhà và trả bà cho A 70% mức lương (tương đương 2,8 tr/tháng). Nếu đi làm, bà A sẽ được lĩnh 4 triệu/tháng cùng với tiền phụ cấp khoảng 3 triệu/tháng. Tại thời điểm này, bà A đang có thai 3 tháng. Bà A biết là mình đang bị Công ty X xâm phạm lợi ích hợp pháp và muốn khởi kiện. Nhưng nếu bà A khởi kiện thì khoản lương 2,8 tr/tháng sẽ tạm thời không có trong khi thời gian Tòa án giải quyết là từ 3 đến 4 tháng và trong khoảng thời gian này, bà A và đứa con có thể sẽ rất khó khăn. Vì vậy, bà A phải chấp nhận hoàn cảnh và chưa thể khởi kiện. Hết thời gian nghỉ thai sản là ngày 01/4/2012, đến tháng 7/2012, bà A khởi kiện Công ty X. Vậy, khoảng thời gian bà A đang mang thai và khoảng thời gian bà A nghỉ thai sản có được tính là khoảng thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện không?

Hiện tôi đã nộp đơn khởi kiện và rất mong nhận được tư vấn, giải đáp để tham gia tranh tụng. Tôi xin cảm ơn!

Gửi bởi: Lê Quốc Chương

Trả lời có tính chất tham khảo

Chào bạn

Theo Điều 159 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) thì thời hiệu khởi kiện được quy định như sau:

– Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

– Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp pháp luật không có quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự thì thực hiện như sau:

a) Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản; tranh chấp về đòi lại tài sản do người khác quản lý, chiếm hữu; tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện;

b) Tranh chấp không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là hai năm, kể từ ngày cá nhân, cơ quan, tổ chức biết được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Bên cạnh đó, mục 2.2 Phần IV Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP của Tòa án nhân dân tối cao ngày 31 tháng 3 năm 2005 hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần chung của bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 có hướng dẫn cụ thể như sau:

2.2. Thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện:

a. Thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện được tính kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm và được xác định như sau:

a.1. Đối với nghĩa vụ dân sự mà các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định thời hạn thực hiện, nếu hết thời hạn đó mà bên có nghĩa vụ không thực hiện, thì ngày hết hạn thực hiện nghĩa vụ là ngày xảy ra vi phạm;

a.2. Đối với nghĩa vụ dân sự mà các bên không thoả thuận hoặc pháp luật không quy định thời hạn thực hiện, nhưng theo quy định của pháp luật các bên có thể thực hiện nghĩa vụ hoặc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo cho nhau biết trước trong một thời gian hợp lý, nếu hết thời hạn đã được thông báo đó bên có nghĩa vụ không thực hiện, thì ngày hết thời hạn đã được thông báo là ngày xảy ra vi phạm;

a.3. Trường hợp khi hết hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự, các bên có thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ đó, thì việc xác định ngày vi phạm căn cứ vào ngày chấm dứt thoả thuần của các bên và được thực hiện như hướng dẫn tại điểm ai và điểm a2 tiểu mục 2.2 này;

a.4. Trong quá trình thực hiện hợp đồng mà có vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng, thì ngày vi phạm nghĩa vụ là ngày xảy ra vi phạm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Nếu một bên đơn phương đình chỉ hợp đồng thì ngày đơn phương đình chỉ hợp đồng là ngày vi phạm.

a.5. Đối với trường hợp đòi bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm tài sản sức khoẻ tính mạng .., thì ngày xảy ra hành vi xâm phạm tài sản, sức khoẻ, tính mạng.. là ngày vi phạm.

……

Như vậy, căn cứ vào những hướng dẫn trên thì thời điểm bắt đầu khởi kiện ở đây được xác định là ngày vi phạm (tháng 5/2011) ngày mà công ty X buộc bà A nghỉ việc (đơn phương chấm dứt hợp đồng) và đương nhiên khoảng thời gian bà A đang mang thai và khoảng thời gian bà A nghỉ thai sản có được tính là khoảng thời gian được tính vào thời hiệu khởi kiện.

Các văn bản liên quan:

Luật 65/2011/QH12 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng Dân sự

Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự

Nghị quyết 01/2005/NQ-HĐTP Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ nhất “Những quy định chung” của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004

Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý Viện Khoa học pháp lý

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com