Xác định người thừa kế và di sản thừa kế

Xác định người thừa kế và di sản thừa kế

Vợ chồng ông bà A và B có có một căn nhà và một miếng đất 1,000m2 (không có giấy chủ quyền cả nhà lẫn đất, do ông bà xưa kia để lại). Ông A và bà B có ba người con là C, D và E, người con D có gia đình và có ba người con là D1, D2, D3. Năm 1989, ông bà cho C một miếng đất 200m2 để ở trong diện tích 1,000m2 đất trên. Năm 1996 ông A mất, không để lại di chúc. Năm 2001 thì nhà nước làm đường ngang miếng đất trên. Đến ngày 07/01/2002 thì C làm giấy chủ quyền cho miếng đất 200m2 của mình theo diện cha mẹ cho con và là người ở lâu năm. Ngày 25/02/2002 vì ông A mất nên khi làm giấy chủ quyền căn nhà và 800m2 đất do bà B đứng tên. Đến năm 2004 D mất, các con của người con D là D1, D2, D3 hiện ở trong căn nhà thuộc sở hữu của bà B. Năm 2008 bà B qua đời cũng không để lại di chúc. Trong gia đình hiện tại còn C, E, vợ và các con của D. Tôi xin hỏi theo diễn biến sự việc và các mốc thời gian nêu trên thì: 1) Ai là những người được hưởng thừa kế do bà B để lại. 2) Các cháu D1, D2, D3 đòi gộp chung 200m2 của C vào phần tài sản do bà B để lại rồi chia 3, vì các cháu cho rằng lúc đó C tự ý làm giấy chủ quyền nên không đúng theo quy định, như vậy có đúng không?

Gửi bởi: Thu Nguyet

Trả lời có tính chất tham khảo

1. Những người thừa kế được hưởng di sản của bà B

Do bà B không để lại di chúc nên di sản của bà được chia cho những người thừa kế theo pháp luật quy định tại Điều 676 Bộ luật Dân sự. Như trong tình huống bạn nêu, những người thừa kế theo pháp luật của bà B sẽ thuộc hàng thừa kế thứ nhất, tức là bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Cụ thể sẽ là:

– Bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi của bà B (nếu có người còn sống);

– C (là con bà B);

– E (là con bà B);

– Những người thừa kế thế vị của D là D1, D2, D3 (Do D mất trước bà B nên di sản mà D được hưởng nếu còn sống thuộc về các con của D theo Điều 677 BLDS về thừa kế thế vị).

2. Yêu cầu gộp chung 200m2 của C vào di sản thừa kế

Di sản bà B để lại là quyền sử dụng 800m2 đất được ghi nhận trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà B; không bao gồm quyền sử dụng đất 200m2 thuộc quyền sử dụng của C. Vì khi C làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được sự đồng ý của ông A và bà B từ trước đó. Việc các cháu D1, D2, D3 đòi gộp chung quyền sử dụng đất của C để chia di sản do bà B để lại là không đúng.

Nếu ngoài C, E, D1, D2, D3, gia đình không còn ai thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà B thì di sản của bà B được chia thành 03 (ba) phần như sau: C được 01 (một) phần, E được 01 (một) phần, 3 cháu D1, D2, D3 cùng nhau hưởng chung 01 (một) phần mà lẽ ra D được hưởng nếu còn sống.

C, E, D1, D2, D3 có quyền tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật để khai nhận di sản thừa kế do bà B để lại. Khi khai nhận thừa kế, các thừa kế có thể nhường phần di sản của mình được hưởng cho nhau.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Trả lời bởi: CTV3

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com