Rút tiền từ tài khoản mà chủ tài khoản đã chết

Rút tiền từ tài khoản mà chủ tài khoản đã chết

Nhà bác tôi có 5 anh em, sau khi cha chết mới phát hiện một sổ tiết kiệm có trị giá khoảng 20 triệu. Mẹ bác tôi không còn từ lâu. Tất cả anh em đều đồng ý làm đơn ký tên cho bác tôi đi rút tiền. Nhưng ngân hàng kiên quyết không giải quyết với lý do: biết đâu sau nay có con riêng xuất hiện thì sao? Mặc dù bác tôi đề nghị viết giấy cam kết chịu mọi trách nhiệm phát sinh nhưng cũng không được. Tôi muốn hỏi ngân hàng có làm đúng không? Và bác tôi phải làm gì để lấy được số tiền được thừa kế?

Gửi bởi: Hoàng Phương Duy

Trả lời có tính chất tham khảo

Số tiền 20 triệu là di sản do bố của bác bạn để lại theo Điều 634 Bộ luật Dân sự. Do ông không để lại di chúc nên những người thừa kế theo pháp luật của ông đều có quyền hưởng di sản đó và phải tiến hành khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật để nhận di sản.

Việc Ngân hàng không cho rút vì lo ngại sẽ có những đồng thừa kế khác cũng hợp lý vì: di sản vẫn chưa khai nhận và phân chia nên tất cả những đồng thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông đều có quyền nhận số tiền đó. Nếu chỉ căn cứ vào đơn viết tay của bác bạn thì Ngân hàng không thể biết được có phải tất cả những đồng thừa kế của ông đều đồng ý cho bác bạn rút hay không.

Do vậy, gia đình bác bạn nên đến cơ quan công chứng hoặc chứng thực để yêu cầu công chứng văn bản thừa kế. Có hai cách làm như sau:

Cách 1: Làm Văn bản khai nhận di sản thừa kế với nội dung: Tất cả những người thừa kế thứ nhất của ông theo Điều 676 BLDS gồm: tất cả 05 người con; con nuôi (nếu có); bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi (nếu còn sống) sẽ cùng nhau lập văn bản khai nhận di sản thừa kế để nhận phần di sản đó. Trong văn bản khai nhận, tất cả mọi người sẽ nhận phần di sản được hưởng; đồng thời có thể tặng cho phần di sản của mình cho một trong các đồng thừa kế. Sau khi có văn bản công chứng, chứng thực khai nhận thừa kế thì những người được hưởng toàn bộ di sản của ông là số tiền 20 triệu sẽ đến Ngân hàng để rút số tiền đó ra và toàn quyền định đoạt số tiền đó.

Cách 2: Những đồng thừa kế trên cũng có thể lập Văn bản thỏa thuận của các đồng thừa kế. Theo đó, cùng nhau thỏa thuận việc cử một người thay mặt và nhân danh tất cả các đồng thừa kế đến Ngân hàng để rút số tiền trong sổ tiết kiệm. Số tiền được rút ra sẽ do tất cả các đồng thừa kế đinh đoạt theo thỏa thuận.

Cả hai văn bản trên đều có thể yêu cầu cơ quan công chứng hoặc chứng thực chứng nhận theo quy định của pháp luật. Hồ sơ yêu cầu công chứng, chứng thực gồm:

– Giấy chứng tử của ông.

– Giấy chứng minh quyền tài sản: Sổ tiết kiệm.

– Giấy chứng minh quan hệ của các đồng thừa kế với người để lại di sản: Giấy khai sinh của các con.

– Giấy tờ tùy thân của các đồng thừa kế: chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu….

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Luật 82/2006/QH11 Công chứng

Trả lời bởi: CTV3

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com