Cha tôi trước đây có nhận 1 người làm con nuôi đã khá lâu. Năm nay người đó 35 tuổi (không có giấy tờ xác nhận của chính quyền địa phương về nhận con nuôi. Cha tôi có khoảng 30.000m2 do cha tôi đứng tên trong quyền sử dụng đất được UBND huyện cấp. Năm 2009 cha tôi bệnh chết không để lại di chúc, gia đình tôi hiện có 5 người (mẹ và 4 anh em tôi) và người con nuôi (đã ở riêng). Anh em tôi đều đồng ý cho mẹ tôi đứng thừa kế, nhưng chỉ có người anh (con nuôi) không đồng ý và anh yêu cầu phải cho anh thừa kế hết. Theo quy định của pháp luật thì sự việc trên được giải quyết như thế nào, mong được sự tư vấn, giúp đỡ gia đình tôi, thành thật biết ơn.
Gửi bởi: quach moc quan
Trả lời có tính chất tham khảo
1. Trước hết cần xác định di sản do bố bạn để lại như sau: Trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện cấp chỉ có tên bố bạn nhưng đây vẫn được coi là tài sản chung vợ chồng của bố và mẹ bạn (theo hướng dẫn tại Điều 3 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000). Như vậy, di sản của bố bạn để lại chỉ là ½ (một phần hai) giá trị quyền sử dụng đất đó. ½ còn lại thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mẹ bạn. Việc chia di sản thừa kế do bố bạn để lại chỉ được tiến hành đối với một phần hai quyền sử dụng đất nêu trên.
2. Quyền thừa kế của người con nuôi đối với di sản do bố bạn để lại.
Do bố bạn không để lại di chúc nên di sản được chia theo pháp luật, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của bố bạn (Điều 676 BLDS).
Pháp luật Việt Nam công nhận quyền của con đối với di sản do cha, mẹ để lại, không phân biệt con đẻ hay con nuôi. Tuy nhiên, việc nuôi con nuôi phải được sự công nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quy định này không chỉ đến Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 mà đã được quy định trong các văn bản luật trước đây. Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 quy định: “Việc nhận nuôi con nuôi phải được Ủy ban hành chính cơ sở nơi trú quán của người nuôi hoặc của đứa trẻ công nhận và ghi vào sổ hộ tịch”. Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 cũng quy định: “Việc cử người đỡ đầu (người nuôi con nuôi) do UBND xã, phường, thị trấn công nhận”.
Đối chiếu với những quy định trên thì dù đã nhận con nuôi từ rất lâu nhưng do không có giấy tờ xác nhận của chính quyền địa phương nên việc nhận con nuôi của bố bạn chưa được công nhận theo quy định của pháp luật. Do vậy, người con nuôi không có quyền hưởng di sản mà bố bạn để lại, không thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại Điều 676 BLDS.
3. Quyền thừa kế đối với toàn bộ di sản do bố bạn để lại của mẹ bạn.
Theo thông tin bạn cung cấp thì hàng thừa kế thứ nhất của bố bạn chỉ còn: mẹ và các con. Nếu các con đều đồng ý cho mẹ được hưởng di sản thừa kế thì mẹ bạn đương nhiên có quyền hưởng toàn bộ di sản do bố bạn để lại.
Gia đình bạn cần lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế để khai nhận di sản do bố bạn để lại; trong văn bản có nội dung các con nhường phần di sản được hưởng cho mẹ (theo Điều 49 Luật Công chứng). Văn bản thỏa thuận phân chia được cơ quan công chứng chứng nhận theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Bạn có thể đến bất kỳ tổ chức công chứng nào trên địa bàn nơi có đất để yêu cầu công chứng; hồ sơ yêu cầu gồm: Giấy tờ tùy thân của mẹ và các con; Giấy tờ chứng nhận quan hệ thừa kế với bố bạn (giấy đăng ký kết hôn của bố mẹ, giấy khai sinh của các con); Giấy chứng tử của bố bạn; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa, mẹ bạn có toàn quyền làm thủ tục và nộp chi phí liên quan để đăng ký quyền sử dụng đối với thửa đất trên tại Văn phòng đăng ký đất và nhà thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường.
Các văn bản liên quan:
Luật 82/2006/QH11 Công chứng
Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP Của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao số 02/2000/NĐ-HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000
Luật 22/2000/QH10 Hôn nhân và gia đình
Trả lời bởi: CTV3